Pháp sư

[Tập 462]: Tự Tánh Của Phật Thích Ca Mâu Ni - Phật A Di Đà - Chúng Ta Là Một Không Phải Hai.


 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang 582, chúng ta bắt đầu xem từ hàng thứ 5:

Lục, chánh tinh tấn giả, dĩ vô lậu trí, ưng cần hành tinh tấn, xu niết bàn đạo cố. Bát chánh đạo, lấy chữ chánh làm tiêu chuẩn, mục tiêu cuối cùng của nó là gì? Cũng là Đại Bát Niết Bàn. Tức là nói, cầu được quả đức viên mãn, tông môn nói là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật.

Tiết trước chúng ta học đến: chánh mạng, dĩ vô lậu trí, thông trừ tam nghiệp trung ngũ chủng tà mạng cố. Ba nghiệp là thân khẩu ý, nói một cách tổng quát, nên buông bỏ tất cả thiên tà bất chánh. Có những chỗ nhỏ nhặt, chúng ta thường sơ suất không chú ý, kỳ thật trong kinh Phật nói rất rõ ràng. Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay tập khí phiền não quá nặng, quá nhiều, hữu ý hay vô ý tạo thành tội nghiệt.

Tiết trước chúng ta nói đến câu chuyện của đại sư An Thế Cao, câu chuyện này có ghi chép ở trong Cao Tăng truyện, đại sư An Thế Cao cũng là Bồ Tát tái sanh. Ngài là vương tử của nước An Tức, nước An Tức bây giờ là Iran, triều đại nhà Hán gọi là An Tức, triều nhà Đường gọi là Ba Tư. Sau khi phụ thân của Ngài qua đời, Ngài làm Hoàng đế được nửa năm, sau đó đem vương vị nhường cho chú của Ngài rồi xuất gia tu đạo. Sau khi tu thành Ngài có duyên rất sâu với Trung Quốc, Ngài đến hoằng pháp ở Trung Quốc và vãng sanh tại Trung Quốc. Là một vị phiên dịch kinh điển nổi tiếng nhất trong thời Phật giáo sơ kỳ của Trung Quốc, Ngài dịch kinh rất hay, dùng ý dịch giống như ngài Cưu Ma La Thập vậy, người Trung Quốc đặc biệt thích kinh điển Ngài dịch. Ngài có dịch kinh Vô Lượng Thọ, nhưng rất tiếc là đã thất truyền.

Trong trí tưởng tượng của chúng ta, thời đại Đông Tấn, cách triều đại nhà Hán không xa, sơ tổ Tịnh Độ tông của chúng ta là đại sư Huệ Viễn, lúc bấy giờ Ngài kiến lập niệm Phật đường ở Lô Sơn, 123 người cùng chung chí hướng, ở một nơi tu niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, họ đều đã vãng sanh, điều này vô cùng thù thắng. Trong truyện ký của đại sư Huệ Viễn chép rằng, lúc bấy giờ kinh điển y cứ của Tịnh Tông là một bộ kinh Vô Lượng Thọ, rất có thể là bản dịch của ngài An Thế Cao. Lúc đó kinh A Di Đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ đều chưa dịch ra, cho nên Tịnh Độ tông chỉ có một bộ kinh. Đây là thời đại sư Huệ Viễn, đã hoàn toàn thành tựu, cảm ứng không thể nghĩ bàn.

Trong truyện ký của ngài Huệ Viễn, Ngài đã từng ba lần ở trong định nhìn thấy thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nhưng người xưa quả thực có tu dưỡng, chưa bao giờ Ngài nói với ai điều này, nên không ai biết, Ngài không nói. Cuối cùng khi vãng sanh cảnh giới này lại hiện ra, Ngài mới nói với mọi người: trước đây mình đã thấy được ba lần, bây giờ thế giới Cực Lạc lại hiện tiền, Ngài sắp vãng sanh rồi. Trước khi vãng sanh mới nói với mọi người. Những vị đồng học hỏi ngài về tình hình của thế giới Cực Lạc, Ngài nói nó giống như trong kinh đã nói. Điều này chứng minh rằng, những lời Phật nói trong kinh là thật không phải giả, thực sự Như Lai chân ngữ, thật ngữ, như ngữ. Như ngữ nghĩa là sự thật như thế nào thì Ngài nói như thế đó, không thêm không bớt, giữ chữ tín với mọi người, giữ chữ tín với đời sau.

An Thế Cao ở Trung Quốc, sau khi công tác phiên dịch kết thúc một giai đoạn, Ngài liền đến Nam phương -bây giờ là Giang Tây để độ bạn của Ngài- Long vương ở hồ Cung Đình. Long vương là bạn học với Ngài trong kiếp quá khứ, cũng rất chăm chỉ, minh kinh hiếu thí, thật khó có một vị pháp sư giỏi như vậy, thông đạt kinh giáo, lại thích bố thí. Chỉ vì một chút tập khí mà đọa vào đường súc sanh, đạo nghiệp này chưa thành tựu. Tập khí đó là khi đi phân vệ, phân vệ nghĩa là ra bên ngoài khất thực. Cổ Ấn Độ lúc bấy giờ, khi Phật còn tại thế, hình thức cuộc sống của người xuất gia là khất thực, mỗi ngày ra ngoài khất thực. Khất thực được thức ăn ngon thì ông rất hoan hỷ, thức ăn không ngon, không hợp khẩu vị thì trong lòng ông rất buồn, là một chút khuyết điểm như vậy, đã chướng ngại đạo nghiệp của ông. Sau khi chết đọa vào súc sanh, làm thân rắn, đọa vào trong đường rắn, rắn này tu thành Long vương. Bởi vì ông ta hiểu kinh, có trí huệ, cho nên thần này rất linh, thật sự là hữu cầu tất ứng, ông ta lại hoan hỷ bố thí, cho nên phước báo rất lớn. Trong truyện ký ghi lại, chu vi miếu của Long vương này 1000 dặm, rất lớn, quần chúng ở trong 1000 dặm đó đều lễ bái Long vương này, khói hương nghi ngút, Long vương linh nghiệm, hữu cầu tất ứng. Nhất là ngày xưa, giao thông dễ dàng nhất là đi thuyền, là dễ dàng nhất, đi thuyền đường thủy lạy Long vương, tập tục như vậy. Quý vị lạy ông ta, cúng dường ông ta, thì quí vị đi đường sẽ thuận buồm xuôi gió. Ông bảo vệ quí vị, ông ta rất linh. Nếu quí vị không lạy ông, không cúng ông thì ông ta sẽ làm phiền quí vị, khiến cho quý vị không được bình an. Tập khí này, tập khí của vị thần này là như vậy!

Cho nên Long vương biết được thọ mạng của mình sắp hết rồi, cũng biết đồng học An Thế Cao là cao tăng đắc đạo, nên xin Ngài giúp đỡ, xin Ngài siêu độ. An Thế Cao biết được nên kết thúc một thời gian dịch kinh, thì đặc biệt vì sự việc này mà đến hồ Cung Đình giúp Long vương. Trước khi An Thế Cao đến, Long vương thác mộng cho người coi miếu, tức là người trú trì ngôi miếu này, bảo ông ta: hai ngày nữa có một vị cao tăng đến đây thăm tôi. Rồi nói rõ mối quan hệ giữa mình và An Thế Cao, vị này đến đây là để siêu độ cho ông ta. Đem tất cả tài vật của ông ta, tức là những tài vật mà thập phương cúng dường, vị trú trì này phải giao hết toàn bộ cho An Thế Cao, mời Ngài dùng số tiền này kiến lập một ngôi chùa, ngôi chùa thứ nhất ở Giang Nam, đem công đức này giúp ông ta rời khỏi đường súc sanh. Cho nên khi An Thế Cao đến thì mọi việc đều thuận lợi, những người trong miếu đều biết cả rồi, nên đặc biệt hoan nghênh Ngài. An Thế Cao thuyết pháp cho Long vương, đối trước tượng thần nói pháp cho ông ta, hầu hết là nói bằng tiếng Phạn, người thường nghe không hiểu. Nói xong liền bảo với Long Vương: ông ra đây, hiện thân cho mọi người xem đi. Ông ta cũng rất nghe lời, trong điện thờ từ từ bò ra, là một con rắn rất lớn, rất dài, mọi người nhìn thấy diện mạo thật sự của Long vương, sau đó quay về lại trong điện thờ và con rắn này đã chết. Cho nên bây giờ ở chỗ đó gọi là thôn Rắn, lai lịch của thôn Rắn là như vậy, cổ tích này hiện này vẫn còn.

An Thế Cao mang theo những vật cúng dường đi vế phía Nam, từ Cán Giang tức là Nam Xương hiện nay, ở Nam Xương kiến lập một ngôi chùa, do Long vương dâng cúng, An Thế Cao hoàn thành ngôi chùa rồi. Khi Ngài đang đi trên đường, cũng là đi thuyền, có một người thanh niên đứng bên thuyền lễ bái Ngài, một người thanh niên mặc áo quần màu trắng. An Thế Cao nói với mọi người, vị này là Long Vương, ông ta sanh lên Đao Lợi thiên rồi, bây giờ hiện thân đến cảm ơn. Đây là nhờ có một người bạn tốt giúp ông ta, nếu như không có người bạn tốt này, thì sau khi chết Long vương sẽ đọa ác đạo, ông ta tạo rất nhiều nghiệp, ai tu phước giúp ông ta?

Câu chuyện này cho chúng ta lời nhắc nhở rằng, làm người không được tạo nghiệp ác, tâm địa phải thanh tịnh, phải bình đẳng, không được có phân biệt chấp trước, khuyết điểm của ông ta là ở chỗ này. Chúng ta xem câu chuyện này, vị này cũng là một người xuất gia tốt, minh kinh hiếu thí mà vẫn đọa vào súc sanh. Vậy chúng ta nghĩ lại mình, chúng ta không được minh kinh hiếu thí, không hiểu kinh giáo, không có trí huệ; không thích bố thí, không có phước báo. Ông ta đọa vào đường súc sanh làm được Long vương, là có phước báo, có trí huệ; nếu chúng ta đọa vào ba đường ác, thì chênh lệch với ông ta quá xa, không được như ông ta. Cho nên trong kinh Phật nói đạo lý, chúng ta chẳng thể không hiểu, không hiểu thì không nên nghĩ đến nó, càng nghĩ càng sai, phải làm như thế nào? Phải đọc nhiều, nghe nhiều. Nghe không hiểu, thì nghe nhiều lần, nghe nhiều lần thì tự nhiên hiểu, đọc nhiều lần cũng tự nhiên sẽ hiểu. Người xưa nói “đọc sách ngàn lần, tự thấy nghĩa của nó”, đây là thật không phải là giả. Vì sao vậy? Vì niệm một ngàn biến thì tâm quý vị đã định.

Cho nên đọc kinh, trong báo cáo của chúng tôi nói rất nhiều, đọc kinh trên thực tế là thực sự tu hành, một lần hoàn thành ba môn học giới định huệ. Cung kính đọc, dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh để đọc kinh. Khi đọc kinh như đối diện với Phật Bồ Tát vậy, nghe Phật Bồ tát khai thị, đây chính là trì giới, mỗi lần đọc là một lần trì giới. Thời gian lâu rồi thì đắc định, tam muội hiện tiền, thông thường khoảng 3 đến 5 năm, nhất định sẽ được tam muội. Hiện nay có người thực hành rồi, đúng như vậy đấy! Được tam muội, 3-4 năm nhất định khai ngộ, mặc dù không thể đại triệt đại ngộ thì cũng đạt đến đại ngộ. Triệt ngộ là chứng quả, tất cả pháp trong cảnh giới đó hoàn toàn thông rồi, gọi là một kinh thông tất cả kinh thông.

Phương pháp này trước kia thầy Lý dạy tôi, tôi theo thầy 10 năm, nghe thầy giảng kinh, thầy không cho tôi ghi chép lại, thầy yêu cầu tôi chuyên tâm nghe giảng. Trong hai tiếng đồng hồ nghe kinh, tuyệt đối không được có vọng tưởng, phải tập trung tinh thần chuyên chú nghe giảng, quý vị mới có chỗ ngộ. Nghe kinh nghe giáo lý, hiểu rõ lý rồi, tất cả kinh đều thông suốt, những gì chưa học quý vị cũng biết, cũng hiểu, đây là hàng thượng căn. Nếu không phải là thượng thượng căn, chúng ta không làm được, bất đắc dĩ phải dùng phương pháp này, nghe giáo nghĩa, nghe nghĩa lý, nghĩa lý là bộ phận, không phải hoàn toàn. Chúng ta học Tịnh Độ, thông đạt nghĩa lý của kinh thì có thể thông suốt những điển tịch của Tịnh Tông, những điển tịch tương ưng với Tịnh Tông cũng được thông suốt, không thể thông suốt toàn bộ, nhưng có thể thông suốt một bộ phận, đây gọi là biết nghe. Cho nên thầy không để cho tôi ghi chép lại. Ghi chép lại sẽ như thế nào? Quý vị biết bộ kinh này, nhưng đổi bộ kinh khác thì quý vị không biết. Cho nên tôi theo thầy 10 năm, nghe thầy giảng kinh chưa ghi chép lại bao giờ, điều này người bây giờ nói là học sống và dùng sống, không nên chết ở trong văn tự.

Trong số bạn đồng học của chúng tôi, có một người chuyên môn ghi chép lại, ghi lại rất rõ ràng, phương thức của tôi với anh ta hoàn toàn không giống nhau. Thầy không ngăn cản anh ta, bởi căn tánh không giống nhau, thầy hiểu được căn tánh của mỗi người. Học trò chúng tôi hơn 20 người, phương pháp của thầy đối với mỗi người không giống nhau, đây là vị thầy tốt, vị thầy giỏi. Ở thời đại bây giờ, gặp được vị thầy như vậy rất khó! Nhân duyên thầy trò không thể cầu mà gặp được, đi đâu tìm cho thấy? Thầy tìm một học trò để truyền pháp cũng không dễ. Học trò truyền pháp có điều kiện gì? Nói với quý vị, điều kiện quan trọng nhất là biết nghe lời, gọi là thật thà, nghe lời và thực hành, đầy đủ những điều kiện này thì chắc chắn học được. Thầy giảng mà bằng mặt không bằng lòng, vậy là hết cách, nhất định sẽ không thành tựu; nhất định phải y giáo phụng hành, quan trọng nhất phải hiểu rõ lý, phải hiểu rõ phương pháp. Lý luận và phương pháp quý vị đã hiểu rồi, thì pháp tu nào cũng là sống, tự nhiên quý vị biết được, không cần có người dạy quý vị.

Khi Thế tôn còn tại thế, Ngài chỉ giảng kinh dạy học, không có hướng dẫn đại chúng tu hành, vì sao vậy? Vì tu hành là ở mỗi người. Căn tánh của mỗi người không giống nhau, không nhất định là một phương pháp. Cho nên pháp môn vô lượng, kinh điển đại thừa thường nói là 8 vạn 4 ngàn pháp môn, nhưng phương hướng, mục tiêu tu hành là chỉ một, tức là thanh tịnh bình đẳng giác. Bất luận quý vị dùng phương pháp nào, chỉ cần có thể đạt được thanh tịnh bình đẳng giác là được rồi.

Tâm thanh tịnh là chánh giác, tâm bình đẳng là chánh đẳng chánh giác, chữ giác ở sau là vô thượng chánh đẳng chánh giác. Năm chữ “thanh tịnh bình đẳng giác” này dịch ý là A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, dịch thành chữ hán nghĩa là vô thượng chánh đẳng chánh giác, học Phật là cầu được điều này. Không được hiểu sai phương hướng, không phải cầu công danh phú quý, không phải cầu thăng quan phát tài, không phải như vậy, mà là cầu thanh tịnh bình đẳng giác. Trong một số kinh điển đại thừa gọi là “vô thượng chánh đẳng chánh giác”.

Sau khi hiểu được đạo lý này, chúng ta biết, chánh tinh tấn giả, dĩ vô lậu trí, ưng cần hành tinh tấn. “Tinh” là thuần mà không tạp, không được tu loạn, không được tu tạp. “Tấn” là tiến bộ, không được thối lui. Trong phương pháp dạy học ngày xưa, rất phù hợp tinh thần tinh tấn, phương pháp dạy học này của người xưa dùng mấy ngàn năm. “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên”, tám câu trước trong Tam Tự kinh, câu thứ bảy, câu thứ tám. Bắt đầu từ chỗ nào? Là từ giáo dục. Người xưa rất tinh thông, trên thế giới không tìm được nước thứ hai. Như nhân vật nổi tiếng Thang Ân Tỷ người Anh, ông ta nghiên cứu truyền thống văn hóa xưa rất sâu sắc, ông ta tôn trọng, ông ta khâm phục. Người xưa có trí huệ giáo dục, có lý niệm giáo dục, có phương pháp giáo dục, có thành quả giáo dục, có kinh nghiệm giáo dục độc nhất vô nhị. Quý vị triển khai lịch sử mà xem, đời này này đến đời khác đều có người có trí huệ lớn, có người phước đức lớn xuất hiện ở thế gian, có phước, có đức, có trí huệ, phước đức.

Dạy như thế nào để thành được? người xưa hiểu được thai giáo, người mẹ mang thai là hiểu được. Trong cổ lễ có lễ của người mang thai, có điều này. Trong đó nói gì? Quan trọng nhất là nói khi mang thai, khởi tâm động niệm của người mẹ đều ảnh hưởng đến thai nhi, khởi tâm động niệm đều có ảnh hưởng, ngôn ngữ tạo tác thì không cần phải nói! Cho nên trong 10 tháng thai mang, quý vị phải nghĩ đến con của quý vị dễ dạy, sau này lớn lên dễ dạy dỗ, thai giáo trong 10 tháng này này quan trọng hơn tất cả. Như trước đây mẹ của Chu Văn Vương, đây là trong lịch sử ghi lại, trong thời gian mang thai “mắt không nhìn sắc xấu”, mắt không nhìn mọi vật, các vật bất thiện, các vật không tốt thì không nhìn; “tai không nghe tiếng dâm”, tai nghe âm thanh, âm thanh này bất thiện, lời nói bất thiện, âm nhạc bất thiện thì không nghe; “miệng không nói lời ngạo mạn”, khi nói chuyện phải hòa nhã, ôn nhu. Đây là gì? Là ảnh hưởng đến thai nhi, phải biết khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác đều ảnh hưởng đến thai nhi.

Lúc này học điều gì? dùng lời bây giờ của chúng ta mà nói là tu Đệ Tử Quy. Quý vị thật sự thực hiện Đệ Tử Quy trong gia đình, hiếu thuận cha mẹ, hiếu thuận cha mẹ chồng, yêu thương anh chị em, và hài hòa với xóm giềng, thì thai nhi đoan chánh, sau khi sinh ra rất dễ dạy, cắm gốc rễ này thật chắc. Trẻ con mới ra đời, mở mắt ra nó đã biết nhìn, vểnh tai nó đã biết nghe, cho nên cha mẹ của nó, phàm là người gần gủi của nó đền phải giữ lễ, vì sao vậy? Bởi làm cho nó thấy. Ngạn ngữ có câu “3 tuổi nhìn 80 tuổi”, ba tuổi, từ khi chào đời nó đã học một ngàn ngày, tuy nó không biết nói, một ngàn ngày giáo dục này gọi là giáo dục cắm rễ, ấn tượng của nó đối với một ngàn ngày giáo dục này rất sâu sắc, đến 80 tuổi cũng không thay đổi. Loại giáo dục này, người ngoại quốc không tìm thấy, chỉ có nước ta biết, là Thánh Hiền dạy, Phật Bồ Tát cũng dạy.

Thành Thánh thành Hiền, thành Phật thành Bồ Tát, chắc chắn là cha mẹ làm tròn bổn phận, không những sanh quý vị, nuôi quý vị, dạy dỗ quý vị, mà từ trên nền tảng này quý vị mới có thể thành Thánh thành Hiền. Không có nền tảng này là không được. Bây giờ ba tuổi mới bắt đầu dạy, không kịp nữa rồi, nó đã học hư rồi, làm sao quý vị dạy nó? Hiện này chúng ta nghe rất phổ biến, người làm cha mẹ nói con gái rất khó dạy, người làm thầy nói học trò rất khó dạy, đương nhiên. Vì sao vậy? Vì lơ là giáo dục cắm rễ, không có ai làm, không có ai hiểu, cũng không có ai nói đến nữa. Ở lứa tuổi như tôi, lúc nhỏ có nói, rất nhiều người nói, nhưng người làm cũng không nhiều. Khoảng sau khi kháng chiến kết thúc, thì người nói không còn nữa, lúc tôi 20 tuổi, hơn 20 tuổi về sau thì rất ít nghe người nói. Lúc nhỏ thường nghe, đặc biệt là trước 10 tuổi đã nhớ chuyện rồi, hiểu chuyện rồi, luôn luôn nghe người nói gia giáo. Nền tảng dạy học của người cổ đại rất sâu dày, tuy mất đi 1-2 trăm năm, bây giờ có người dạy vẫn tốt, còn tìm lại được.

Nếu chúng ta thật sự hy vọng xã hội được an định, thế giới hòa bình, người với người không có xung đột, yêu thương lẫn nhau, cùng nhau hợp tác thì chỉ có dựa vào truyền thống dạy học của người xưa, ngoài điều này ra, quý vị không nghĩ ra phương pháp thứ hai, cho nên phương pháp này rất quan trọng. Người xưa dạy điều gì? Quý vị xem thử Đệ Tử Quy, trong cương lĩnh chung nói có 7 điều: “hiếu, để, cẩn, tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân”, cuối cùng là “học văn”. Sáu điều trước đều là đức, đạo đức cơ bản làm người. Thứ nhất là nói hiếu thảo cha mẹ; “để” là thân mật anh em, tôn trưởng kính hiền, đây thuộc về “để”; “cẩn” là cẩn thận; “tín” là giữ chữ tín. Phật pháp dạy là không được vọng ngữ, không nói hai chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời ác, đó là tín. Sau đó mở rộng đức hạnh, không những yêu cha mẹ, yêu họ hàng của quý vị, quý vị cũng có thể yêu bạn bè thân thích, yêu người đồng hương, mở rộng đến cuối cùng “phàm là người, đều phải yêu thương”, vượt qua giới hạn quốc gia, vượt qua giới hạn chủng tộc, vượt qua giới hạn tín ngưỡng, tức là văn hóa, bác ái. Thân cận Thánh Hiền, thân cận người có đức hạnh, học theo những người có học vấn. Cuối cùng quý vị còn có tinh thần, còn có năng lực, thì quý vị mới có thể học văn, nghệ, làm phong phú cuộc sống tinh thần của quý vị. Cho nên cốt lõi giáo dục, cốt lõi chỉ đạo của người xưa là luân lý. Ngũ luân ngũ thường, tứ duy bát đức, truyền thống giáo dục mấy ngàn năm không rời phạm vi này, là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất. Ngày nay chúng ta bỏ đi lời dạy của tổ tông, không học nữa, nên xã hội loạn động, địa cầu thiên tai hiện tiền, điều này đáng để chúng ta thấm thía phản tỉnh. Làm sao cứu được? Lìm lại những lời dạy truyền thống của lão tổ tông thì được cứu thôi. Cứu bản thân, cứu xã hội, cũng cứu địa vầu. Phải tìm ai? Tìm người giác ngộ thật sự, người giác ngộ chân chánh họ có thể dẫn đầu làm. Không phải giác ngộ thất sự thì họ làm không được, gọi là “nói được mà không làm được”. Pháp sư Tu Vô nói: “không phải là trí huệ chân thật”, trí huệ là nói được phải làm được.

Lần này tôi viếng thăm Nhật Bản là lần thứ 7, ở đó nửa tháng, suốt nửa tháng không đi đâu cả, mỗi ngày giảng kinh 4 tiếng đồng hồ. Ở tại thị trấn Cương Sơn, thị trấn này trước đây tôi có ở hai lần, hai lần đó đều là tham gia hội nghị Hòa Bình của Liên Hiệp Quốc. Tổ chức ở thị trấn Cương Sơn- Nhật Bản. Tôi ấn tượng rất sâu sắc về thị trấn này, người dân ở đây rất chất phát, thật hiếm có. Thanh niên trong thị trấn đều đi nơi khác làm thêm, cư dân đa số là người già, trẻ con và phụ nữ, đều rất chân thật, không có tâm tham, tri túc thường lạc. Cho nên phong khí của xã hội rất tốt, con người rất lương thiện, thông thường nông thôn ở Nhật Bản đều là hiện tượng như vậy, kiểu như vậy, cho nên người nông thôn rất dễ thương. Nếu có thể đem truyền thống văn hóa đến phát triển, thì đó là một nơi rất tốt, nhân dân dễ dạy, một địa phương làm tốt rồi, có thể ảnh hưởng đến một huyện, một thành phố, sẽ hình thành một truyền thống văn hóa của một khu vực nhỏ, từ khu vực nhỏ này dần dần ảnh hưởng đến vùng lân cận của nó, cũng có thể để cho những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới đến học tập, đến tham quan. Đối với sự hóa giải xung đột, xúc tiến xã hội an định hòa bình, có lợi ích rất lớn sẽ khiến cho rất nhiều nhà chuyên gia một lần nữa kiến lập tín tâm, cho nên đây là một việc tốt rất lớn.

Ở Nhật Bản, hy vọng Thiên Hoàng Nhật Bản có thể đẩy mạnh, không những chỉ cứu được quốc gia của họ, mà có thể cứu toàn thế giới. Cho nên có việc tốt như vậy, chúng ta thật sự phải tinh tấn, dùng trí vô lậu, vô lậu này ở trước đã nói rồi, tuyệt đối không xen tạp tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng của cá nhân, nhất định không có, đây gọi là vô lậu trí. Nếu còn danh lợi cá nhân trong đó, có tư tâm của cá nhân trong đó, thì hoàn toàn phá hoại rồi, trí huệ không còn nữa. Trí huệ biến chất biến thành gì? Biến thành tri thức, trong trí năng quyết định không có tự tư tự lợi, nhưng trong tri thức thì có.

Cho nên cần hành tinh tấn, mỗi mỗi đều phải tinh tấn, bao gồm sự ăn uống ngủ nghỉ của chúng ta, các lãnh vực văn hóa, các phương diện đều phải cầu tiến bộ. Bây giờ nếu chúng ta quan sát kỹ càng, hiện nay có những nơi tiến bộ rất nhanh, có nơi thì thụt lùi, có nơi hoàn toàn tiêu mất rồi, đây là hiện tượng thiên tai. Văn hóa xã hội cũng không cân bằng, một số người chúng ta nói khác thường, thường là bình thường, trái ngược với bình thường là khác thường, người khác thường phải chịu khổ, khác thường là sai lầm. Thường là gì? Là chân lý vĩnh hằng bất biến, cốt lõi của chân lý vĩnh hằng bất biến là thân ái, thân ái đó không phải học được, mà là thiên tính, là tự nhiên.

Tôi ở Nhật Bản tham gia hội nghị Hòa Bình Liên Hiệp Quốc tại Cương Sơn, tôi đã từng báo cáo quý vị, các đồng tu ở Cương Sơn theo tôi tham quan du lịch, bởi vì đại hội chỉ có ba ngày, đại hội xong họ theo tôi đi tham quan những danh sơn ở Nhật Bản, có mười mấy người đi với tôi. Trong đó có một người mẹ trẻ bồng một đứa nhỏ, dẫn theo đứa con trai 4 tháng tuổi của cô ta. Khi chúng tôi đang đi trên đường, bổng nhiên tôi dừng lại, gọi mọi người đến xem, quý vị xem đứa nhỏ bốn tháng tuổi này, “phụ tử hữu thân” là nhìn được ở chỗ này. Quý vị xem mẹ của nó đối đãi với con trai, đứa bé trai bốn tháng tuổi, đứa bé trai bốn tháng tuổi không biết nói chuyện, nhưng quý vị xem ánh mắt của nó, quý vị xem động tác của nó, tình thương của nó đối với người mẹ rất dễ nhìn thấy, đứa nhỏ này không ai dạy nó, mẹ nó cũng không dạy nó, nó tự có thiên tánh, “phụ tử hữu thân” trong ngũ luân ở đây có thể thấy được. Giáo dục của người xưa là từ đây sanh khởi. Mục đích giáo dục thì sao? Là hy vọng loại tình thương này có thể suốt đời không thay đổi, đây là hiếu đạo, đây là mục tiêu đầu tiên giáo dục của người xưa, tình thương thiên tánh vĩnh hằng bất biến.

Mục tiêu thứ hai là đem tình thương này phát huy rộng rãi, từ chỗ họ thương cha mẹ của họ, triển khai đến yêu anh chị em, yêu bạn bè thân thích, yêu bà con xóm làng, rồi rộng ra đến xã hội, yêu quốc gia, yêu nhân loại, đây là truyền thống giáo dục của người xưa, đây là lý niệm truyền thống giáo dục của người xưa. Từ chỗ này kéo dài mới có “quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín”, quan niệm đạo đức cơ bản được kiến lập.

Ngũ thường vĩnh hằng bất biến, đây là thường. Năm chữ: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nhân tức là nhân ái, tức là loại nhân ái “phụ tử hữu thân” phát huy rộng rãi. Nhân là hai người, “những gì mình không muốn, thì đừng làm cho người khác”, đối đãi với hết thảy chúng sanh phải giống như đối đãi với chính mình, mình đối với mình như thế nào, thì đối với người khác như thế đó, đây là nhân, suy mình ra người, mình hy vọng người khác đối với mình như thế nào, thì trước mình phải đối với họ như thế nào đã.

Nghĩa là tuân lý, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, phải hợp lý, hợp tình, hợp pháp, đây là nghĩa tốt, ba phương diện đều có: lý, tình, pháp gọi là nghĩa.

Lễ là lễ tiết, lễ phép, tức là quy củ, quan hệ giữa người với người nhất định phải có lễ tiết, không có lễ tiết thì sẽ loạn, xã hội sẽ loạn, trong lễ coi trọng tôn ty thượng hạ không được mất trật tự. Từ triều nhà Hán đến triều Mãn Thanh là 2 ngàn năm, dùng gì để trị nước? Dùng lễ, tốt hơn phương pháp vì trong lễ có tình, trong lễ có nghĩa. Cho nên danh xưng của người xưa là đất nước tôn trọng lễ nghĩa, đây là thật không phải giả, Từ khi Hán Vũ Đế định chế độ này, dùng học thuyết của Mạnh Tử để trị thiên hạ, đất nước này đã trở thành đất nước tôn trọng lễ nghĩa.

Dưới lễ là trí, ngày nay chúng ta nói là lý trí, chứ không phải tình cảm, tình cảm rất dễ hỏng việc, cho nên con người phái có trí huệ. Trong tình có mê, trí có thể giúp nó, sửa chữa nó, trong cuộc sống hàng ngày đối nhân xử thế phải dùng lý trí không dùng tình cảm, tình chuyển hóa thành trí huệ, điều này là đúng. Cuối cùng là tín, con người nói phải có chữ tín, con người phải giống con người, con người phải có chữ tín, trước hết phải tin chính mình, tin bổn tánh của mình là Thánh Hiền. Câu đầu tiên trong Tam Tự Kinh là “nhân chi sơ tánh bổn thiện”, tin bổn tánh của mình vốn là thiện. Trong kinh điển đại thừa đức Phật dạy: “hết thảy chúng sanh vốn là Phật”, quý vị muốn học Phật, thứ nhất là tin, tin mình vốn là Phật, quý vị mới thành Phật được.

Quý vị học Phật học không thành công, nguyên nhân vì sao? Vì quý vị không tin mình vốn là Phật. Quý vị học tập văn hóa truyền thống không có tiến bộ, bởi quý vị không tin “bổn tánh vốn thiện”. Đặc biệt là Phật giáo đại thừa, quý vị vào cửa Phật thọ tam quy, truyền pháp tam quy hoàn toàn nói về tự tánh. Quý vị quy y với ai? Quy y tự tánh Phật, quy y tự tánh Pháp, quy y tự tánh Tăng. Quý vị xem kinh Pháp Bảo Đàn, đại sư Huệ Năng truyền thọ tam quy như thế nào? Ngày nay chúng ta quy y đọc lời thệ nguyện: “quy y Phật, quy y Pháp, quy y tăng”. Đại sư Huệ Năng không phải nói như vậy. Tam quy y của đại sư Huệ Năng là “quy y giác, quy y chánh, quy y tịnh”. Ngài giải thích thêm, “Phật là giác ngộ, pháp là chánh pháp, tăng là thanh tịnh”. Lúc tôi 26 tuổi học Phật thấy kinh Pháp Bảo Đàn, cảm thấy vô cùng kinh ngạc, vì sao Ngài giảng pháp như vậy? Trong trí tưởng tượng của chúng tôi hình như là triều đại nhà Đường, đại sư Huệ Năng ở thời đại đó, Phật pháp truyền đến Trung Quốc khoảng hơn 700 năm, thời gian lâu rồi càng truyền càng sai, tức là Tam Bảo đã bị xã hội đại chúng hiểu sai rồi, nên Ngài mới nói pháp như vậy. Nếu như chánh tri chánh kiến, thì Ngài không cần nói như vậy. Đại chúng hiểu sai đối với Tam Bảo, cho nên Ngài chẳng thể không nói như vậy. Ngài nói ý nghĩa thật sự của Tam Bảo, quý vị quy y Phật là quy y tự tánh giác, không phải quy y bên ngoài; quy y pháp là quy y tự tánh chánh, chánh tri chánh kiến, chánh kiến chánh tư duy trong bát chánh đạo; quy y tăng là tự tánh tịnh, là thanh tịnh tâm. “Thanh tịnh bình đẳng giác” trong đề kinh này của chúng ta, thanh tịnh là tăng bảo, bình đẳng là pháp bảo, giác là Phật bảo, cho nên đề kinh này đủ ba ngôi Tam bảo, giác chánh tịnh đều ở trong bộ kinh này. Bộ kinh này là từ tự tánh lưu xuất ra, không phải từ bên ngoài.

Tự tánh của Phật Thích Ca Mâu Ni và tự tánh của chúng ta là một không phải hai, tự tánh của Phật A Di Đà và tự tánh của chúng ta vẫn là một. Tự tánh này có thể sanh vạn pháp. Biến pháp giới hư không giới từ đâu mà có? Từ tự tánh biến hiện ra, Biến hiện như thế nào? Đạo lý này đều ở trong kinh điển đại thừa, quý vị cố gắng tìm đọc, từ từ quý vị sẽ rõ. Cho nên Phật pháp là đại học vấn, Phật pháp là giáo dục, giáo dục của Phật Thích Ca Mâu Ni, hoặc chúng ta gọi tắt là giáo dục Phật Đà. Nó là tôn giáo, nhưng không phải như một số người bây giờ hiểu lầm về Phật giáo, đó là nhận thức về tôn giáo là sai lầm. Một số người cho rằng tôn giáo là mê tín, điều này là sai, họ không hiểu hai chữ tôn giáo này có nghĩa như thế nào. Trung Quốc giải thích hai chữ “tôn giáo”, quý vị tra từ điển xem tôn là gì? Giáo là gì? Hợp tôn giáo lại nghĩa là gì? Trong từ điển viết rất rõ ràng. Tôn có ba nghĩa chính, thứ nhất là chủ yếu, thứ hai là trọng yếu, thứ ba là tôn sùng, nghĩa là mọi người tôn trọng, sùng tín. Giáo là giáo dục, dạy học, giáo hóa. Hợp lại tôn giáo nghĩa là gì? Tôn giáo là giáo dục chủ yếu, dạy học trọng yếu, tôn sùng giáo hóa. Phật giáo hoàn toàn phù hợp, không nói sai chút nào, hai chữ này chúng ta phải nhận thức đúng đắn, không được giải thích sai. Phật giáo đứng trước thực trạng xã hội, thực sự có xuất hiện rất nhiều hình thức bất đồng, Phật giáo chủ yếu là giáo dục, chủ yếu là dạy học, tôn sùng giáo hóa, bây giờ hình như không thấy nữa rồi. Ở Trung Quốc 300 năm trước còn có thể thấy được.

Lần này tôi ở Nhật Bản, hỏi người Nhật Bản, họ nói rằng, 400 năm trước Phật giáo của họ là giáo dục. Quý vị xem, đối với sự giảng giải, nghiên cứu kinh Vô Lượng Thọ, nếp sống này vượt hẳn Trung Quốc, tổ sư Nhật Bản hạ công phu nghiên cứu kinh Vô Lượng Thọ, lưu lại rất phong phú, lời chú giải quan trọng có hơn 20 loại, nếu cộng thêm lần trước cũng khoảng 6-7 chục loại, rất nhiều! Còn Trung Quốc chỉ có 2 loại. Cho nên họ nói với tôi, 400 năm trước Phật giáo Nhật Bản là giáo dục trọng yếu, bây giờ suy yếu rồi, bây giờ giáo dục tôn giáo không còn nữa, chỉ còn trên danh nghĩa mà thôi. Hiện nay tôn giáo của họ như thế nào? Cũng giống như Trung Quốc, dùng Phật sự tụng kinh bái sám, cầu nguyện, lấy việc tụng kinh cho vong linh làm chủ, như vậy nên khiến cho người thời nay hiểu tôn giáo là mê tín, là phục phụ cho người chết, mọi người nghe nói về tôn giáo cũng là nghe những điều này.

Việc cầu nguyện trong tôn giáo, việc tụng kinh trong Phật giáo đều thuộc về cầu nguyện, cho đến như chúng ta bây giờ làm pháp sự tam thời hệ niệm, đều thuộc về cầu nguyện, những thứ này khi Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế không có, Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế giảng kinh dạy học 49 năm, bắt đầu từ khi Ngài khai ngộ, Ngài 30 tuổi khai ngộ, 79 tuổi viên tịch, không có ngày nào không giảng kinh, không có ngày nào không dạy học, cho nên Ngài thật sự giáo dục. Những hình thức cầu nguyện của tôn giáo là sau này mới phát triển.

Lúc trẻ tôi học Phật, tôi nghi ngờ điều này, vì sao giáo dục biến thành cầu nguyện, phục phụ cho người chết? Lúc đó tôi thỉnh giáo đại sư Đạo An, Đây là vị Pháp sư giỏi của Đài Loan, lần đầu tiên sang Nhật Bản là do Ngài dẫn tôi đi. Ngài tổ chức một đoàn tham quan, hình như 30-40 người, đoàn này rất lớn, đến Nhật Bản chơi hơn 20 ngày. Lần đầu tiên này, năm đó hình như tôi 49 tuổi, chưa đến 50 tuổi, 49 tuổi tôi đi cùng với đại sư. Ngài bảo tôi: Đường Minh Hoàng dẫn đầu. Tôi nói: Làm sao Đường Minh Hoàng dẫn đầu được? Đường Minh Hoàng gặp phải loạn An Sử gần như mất nước, quyền lực thuộc về nhóm tướng quân Quách Tử Nghi, dẹp yên loạn động này, rất nhiều người chết. Cho nên ở mỗi chiến trường, Minh Hoàng đều kiến lập một ngôi chùa gọi là chùa Khai Nguyên, Khai Nguyên là niên hiệu của ông ta. Kiến lập ngôi chùa này ý nghĩa là gì? Tức là tính chất như đài tưởng niệm liệt sĩ của chúng ta bây giờ, quân dân truy điệu những người tử nạn trong chiến tranh. Thỉnh người xuất gia đến đây tụng kinh siêu độ, thật sự mà nói nghi thức truy điệu lúc đó là bắt đầu từ ông ta. Đế vương làm như vậy, sau đó ở nhân gian người già qua đời cũng thỉnh người xuất gia đến tụng kinh, trợ giúp. Nhưng chúng ta có thể nghĩ đến, thời đó người già qua đời thỉnh được người tụng kinh, niệm Phật đưa tiễn, chắc chắn là người giàu có, người bình thường sẽ không làm, đây là những quan lại quyền quý, đại phú trưởng giả mới có cơ hội làm được. Dần dần rồi phổ biến đến nhân gian, lan rộng ra.

Nhưng mãi đến Khang Hy, Càn Long đời nhà Thanh, tự viện am đường vẫn là lấy giáo dục làm chủ, chứ không phải tụng kinh bái sám, không phải những việc này, mà là việc giáo dục. Việc giáo dục này là do vua quản lý, thuộc về vua quản lý, giáo dục tôn giáo, đạo giáo đều thuộc về vua quản lý, giáo dục Nho giáo thuộc về tể tướng quản lý. Ở Trung Quốc Phật giáo và đạo giáo thuộc về vua quản lý. Bây giờ hoàn toàn thay đổi rồi, giáo dục không còn nữa, hoàn toàn lấy tụng kinh bái sám làm chủ yếu, chính là tôn giáo hiện nay.

Khoảng thời Từ Hy thái hậu, bởi vì các lịch đại đế vương trước Từ Hy thái hậu đều là đệ tử Tam Bảo, họ đều quy y sư phụ, quy y quốc sư, thầy của vua, học Phật, học đạo. Chỉ có Từ Hy thái hậu không tôn trọng Phật pháp, không tôn trọng truyền thống văn hóa, bà tự xưng mình là lão Phật gia, hạ Phật Bồ Tát xuống một bậc, hạ xuống thấp hơn bà, bà cao hơn Phật Bồ Tát, ba là lão Phật gia, trên làm dưới theo, người lãnh đạo quốc gia này có cách làm như vậy, khiến cho những người khác lơ là, nhạt nhẻo việc giáo dục Phật giáo.

Từ thái hậu Từ Hy đến khi triều đại nhà Thanh mất nước khoảng chừng 100 năm, trong 100 năm này mức độ thoái chuyển của Phật giáo rất lớn, dạy học tôn giáo ít lại. Đến năm Dân Quốc thì càng ít hơn, thời Trung Hoa Dân Quốc pháp sư giảng kinh thuyết pháp chỉ có mấy người. Ở thời Tùy Đường, trong mỗi ngôi chùa pháp sư giảng kinh hơn mười mấy người, như vậy quý vị tính xem toàn quốc có bao nhiêu người? Lưu lại những tác phẩm rất phong phú, quý vị có thể thấy được điều đó trong Đại Tạng kinh. Cho nên sự hưng suy của Phật pháp trong giai đoạn lịch sử này, quý vị chẳng thể không biết, vì sao bây giờ biến thành như thế này? Nhất định phải tìm cho ra nguyên nhân, để biết hồi phục như thế nào? Không hồi phục truyền thống được, thì chúng ta sẽ bị diệt vong, Phật giáo diệt vong, truyền thống văn hóa diệt vong, dân tộc chúng ta diệt vong. Quốc gia có thể tiếp tục sinh tồn hay không là vấn đề lớn, điều này chúng ta chẳng thể không biết.

Chúng ta học thất giác chi, học bát chánh đạo, cảm xúc rất sâu. Thất giác chi, bát chánh đạo là mục tiêu của chánh pháp, mục tiêu cuối cùng của chúng ta là Đại Bát Niết Bàn. Người học Phật bây giờ, mục tiêu của họ là gì? Là thăng quan phát tài, cầu Phật Bồ Tát bảo hộ bình an. Họ cầu có đạt được không? Không được, vì đó là mê tín. Trong nhà Phật thường nói “đệ tử của Phật có cầu tất có ứng”, có câu nói như vậy, câu này không phải là giả. Phật dạy chúng ta cầu như thế nào? Quý vị hiểu luân lí, hiểu phương pháp, cầu như lý như pháp, nhất định quý vị sẽ đạt được. Phật giảng đạo lý cho quý vị, quý vị cầu phát tài, thì cầu có được không? Được. Được đối với người nào? Trong số mạng người đó có tài. Trong số mạng có tài thì tự nhiên họ phát tài, trong số mạng không có tài, Phật Bồ Tát dạy phương pháp này cho quý vị, quý vị tu thì quý vị được tài phú, đây là thật không phải giả. Thân thể của chúng ta không khỏe mạnh, rất nhiều phiền não, tập khí, bệnh tật, sống rất đau khổ, quý vị muốn sống hạnh phúc, sống khỏe mạnh trường thọ thì phải làm, Phật có phương pháp giúp đỡ quý vị. Quý vị học những đạo lý này, những phương pháp này, y giáo tu hành, thì tự nhiên đạt được, đệ tử của Phật có cầu tất có ứng, đây không phải là giả.

Lúc còn trẻ tôi không có phước báo, kiếp trước không tu, cũng không có thọ mạng, mạng sống ngắn ngủi, sống không quá 45 tuổi. Cuộc đời của tôi đều nhờ đại sư Chương Gia dạy cho tôi. Tài từ đâu mà có? Là từ bố thí tài, lúc đó tôi mới hiểu. Bố thí tài, họ phải có của cải mới được, mới có thể bố thí tài. Không có tài, thì có nội tài để bố thí, sau đó tôi mới biết. Nội tài là gì? Nội tài là làm việc nghĩa. Làm việc nghĩa, chúng ta bố thí thân thể, nghĩa là làm công việc, dùng trí huệ của chúng ta để bố thí, đây cũng thuộc về tài, điều này công đức còn lớn hơn ngoại tài. Ngoại tài, lúc đó cuộc sống của tôi thật sự rất khổ, mỗi tháng được một chút tiền, tiêu chuẩn cuộc sống rất thấp, chỉ không chết đói mà thôi, tiền đâu mà bố thí? Thầy hỏi tôi, một hào có không? Có. Được, một hào cũng được. Một đồng có không? Miễn cưỡng cũng có một đồng. Thầy bảo tôi, từ một hào, một đồng bố thí, ông phải thường có tâm bố thí, có ý niệm này, ông phải thực hiện. Tôi nghe lời liền thực hiện. Một hào, một đồng bố thí như thế nào? Lúc đó tôi bắt đầu đi đến chùa, ở trong chùa chép kinh, kinh sách không mua được, muốn đọc kinh gì thì chỉ có chép ra. Nhìn thấy người in kinh, đem đến quyển sổ quyên góp tiền, bất luận nhiều hay ít, chúng tôi viết vào đó 5 hào, một đồng. Còn có phóng sanh nữa, họ cũng đem đến một quyển sổ để mọi người góp tiền phóng sanh, một- hai đồng cũng nhận, tu là như vậy. Ba năm sau, thì hiệu quả xuất hiện, thu nhập nhiều lên, nhiều thì bố thí nhiều, thầy dạy tôi: Ông càng bố thí càng nhiều, càng nhiều càng bố thí, đừng giữ lại.

Sau đó tôi đọc Ấn Quan Đại Sư Văn Sao thì hiểu rõ, tôi hoàn toàn học theo đại sư Ấn Quang, đại sư Ấn Quang là tiền của mười phương cúng dường, Ngài chỉ làm một việc: in kinh bố thí. Tôi suốt đời học theo Ngài, tức là làm công việc này. Nếu quý vị hỏi tôi, in bao nhiêu sách, thì tôi không nhớ hết; hết bao nhiêu tiền, tôi cũng không nhớ. Tính theo tiền Mỹ, nhiều năm in kinh bố thí như vậy, ít nhất cũng hơn 1 trăm triệu, cũng khoảng từ 1 trăm đến 2 trăm triệu, tiền từ đâu mà có? Không biết. Bây giờ người ta cúng tiền tôi không cần nữa, vì sao vậy? Tuổi lớn rồi, không làm nữa, không làm những việc này nữa, bây giờ giảng kinh bố thí, mỗi ngày giảng kinh bố thí 4 tiếng đồng hồ, bố thí nội tài. Không cần gì nữa, rất tự tại! Ba loại quả báo tôi đều đạt được, của cải không thiếu, tuy tôi không có gì cả, nhưng không thiếu thứ gì, ăn, mặc, ở, đi lại đều có mọi người quan tâm. Trí huệ tăng trưởng, điều này quý vị có thể nhìn thấy, khỏe mạnh sống lâu quý vị cũng đã thấy. Trí huệ tăng trưởng là do pháp bố thí, mạnh khỏe sống lâu là nhờ bố thí vô úy. Thầy dạy tôi ba loại bố thí, tôi đều tinh tấn phụng hành, quả báo không thể nghĩ bàn, là thật không phải giả. Tôi làm như vậy 60 năm rồi, càng làm càng hoan hỷ.

Bảy là chánh niệm, chánh niệm giả, dĩ vô lậu trí ư ưng niệm chánh đạo pháp cập trợ đạo pháp, tâm bất động thất cố. Bất động bất thất là chánh niệm, là dùng trí huệ vô lậu đối với niệm chánh pháp, quý vị nên niệm. Đó là gì? Đó là môn tu chủ yếu của quí vị.

Trong suốt 49 năm Thế Tôn nói tất cả kinh, nếu như đem kinh điển này phân thành từng khoa mà nói, thì nó phong phú hơn bất kỳ đại học nào. Cho nên đó là trường học, là trường học lớn! Nếu chúng ta muốn học hết những lời giáo huấn của Đức Phật trong đời này, thì quý vị sai rồi, quý vị sẽ không học được. Bộ Đại Tạng kinh này, mỗi ngày quý vị đọc 8 tiếng đồng hồ, từ đầu đến cuối ít nhất cũng đọc trong ba năm, không phải một đời học hết được đâu. Cho nên ở triều đại Tùy Đường, các vị tổ sư liền phân khoa.

Trong đời này của tôi, chuyên học một bộ kinh, gọi là phân tông. Đại thừa và tiểu thừa tổng cộng có 10 tông phái, 10 tông phái giống như một trường học có 10 học viện, trong tông lại phân phái, phái giống như một khoa, mình học học viện nào, học khoa nào, rồi trong khoa này, trong một khoa có bao nhiêu bộ kinh điển, tôi chỉ học một bộ gọi là phân khoa, để tiện lợi cho việc tu học. Vả lại Phật đã dạy “pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Vì sao vậy? Vì mỗi bộ kinh, mỗi pháp môn đều có thể giúp quý vị đắc định, giúp quý vị khai ngộ, giúp quý vị chứng quả. Cho nên thực tế mà nói, không cần học nhiều, một môn là đủ rồi. Học một tông đã là quá nhiều rồi, kinh luận trong một tông không phải là ít, có mấy chục loại. Tịnh Tông xem như ít nhất, nhưng nếu như quý vị xem thử điển tịch của Tịnh Tông, tôi rất thân cư sĩ Mao Lăng Vân, chúng tôi cũng đã từng một thời là đồng nghiệp, có thời gian mấy năm ở chung, sau khi về hưu ông ta viết một bộ Tịnh Độ Tùng Thư. Điển tịch của Tịnh Tông cũng vô cùng phong phú. Khi ông ta viết bộ sách này tôi có biết, lúc đó tôi học Phật chưa lâu, đóng bìa cứng mấy chục cuốn. Chúng ta có cần không? Cần để làm tham khảo, nhưng nếu quý vị dùng những quyển sách này làm tài liệu tu học, thì quá nhiều, sẽ làm cho mình hiểu lộn xộn. Nên dùng phương pháp của người xưa, quý vị phải tin tưởng: “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”.

Cho nên bây giờ tôi nghĩ, tuổi tác cao như vậy rồi, không đi đâu nữa, ở đâu tìm tôi, tôi cũng không đi. Tôi hy vọng nhất môn thâm nhập trường thời huân tu. Một môn này của tôi là Đại Kinh Giải. Hội Tập của cư sĩ Hạ Liên Cư, lời chú giải của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, tôi muốn một môn thâm nhập bộ kinh này, tuổi lớn chuyên môn học bộ kinh này, chuyên môn y theo lời giáo huấn trong bộ kinh này để tu hành, một mục tiêu là cầu sanh Tịnh Độ, những thứ khác đều buông bỏ, những hoạt động trong Phật Giáo, ngoài xã hội tôi cũng không tham dự nữa.

Lần này Nhật Bản gặp phải đại nạn, tiền thủ tướng Cưu Sơn mời tôi, và trưởng lão Thủy Cốc Hạnh Chánh cũng mời tôi, nên tôi đi. Đi để làm gì? Để giảng Kinh Vô Lượng Thọ. Nếu bảo tôi giảng kinh khác thì tôi không đi, tôi là nhất môn thâm nhập trường thời huân tu. Điều kiện để tôi có thể giảng kinh Vô Lượng Thọ là gì? Bắt buộc họ phải có phòng quay, bắt buộc phải có internet, để toàn thế giới có thể nghe phát thanh, điều kiện của tôi là như vậy, không đủ điều kiện này thì tôi không đi. Cho nên tôi không muốn đi đâu nữa, ở một chỗ là được rồi. Tiến bộ sau này, tôi tin tưởng sẽ trội hơn 60 năm qua, điều này là chắc chắn.

Chánh niệm, tức là tôi niệm bộ kinh này, niệm câu danh hiệu Phật này, đây là chánh niệm của tôi. Chủ tu của chánh đạo pháp là niệm Phật, trợ đạo pháp cũng là niệm Phật A Di Đà, chánh trợ đều giống nhau, tâm trú trong danh hiệu Phật bất động, bất thất. Chuyên tu chuyên hoằng, chúng tôi dùng internet, dùng vệ tinh, đã tự lợi còn lợi tha. Người xưa nói “độc thiện kỳ thân” là tự lợi, “kiêm thiện thiên hạ” là lợi tha. Tôi hy vọng có những người chung chí hướng cùng nhau tu tập, số người không cần vượt quá 10 người. Đại sư Ấn Quang định là 20 người, tôi thì giảm bớt một nửa, 20 người cần phải có phước báo lớn, tôi không có phước báo, tôi hy vọng có được 10 người là mừng lắm rồi. Chuyên tu Tịnh Tông, trong 10 người này không cần phải hoàn toàn học Kinh Vô Lượng Thọ, họ có thể học kinh A Di Đà, có thể học kinh Quán Vô Lượng Thọ, có thể tu Phổ Hiền Hạnh Nguyện phẩm và chương Đại Thế Chí Viên Thông, còn có Vãng Sanh Luận của Bồ Tát Thiên Thân, 5 kinh 1 luận của Tịnh Tông, nhất định là tinh tấn không hỗn tạp. Có 10 người như vậy 10 năm không xuống núi, định tâm lại một chỗ. Sau 10 năm, tôi nghĩ họ sẽ có cống hiến lớn cho giáo hội Phật giáo, đối với chánh pháp cửu trụ. 10 người này sau 10 năm xem nhân duyên, nếu có duyên thì mỗi người hành hóa một phương; Nếu không có duyên thì chúng tôi ở nơi này, chúng tôi không rời khỏi nơi này tiếp tục nỗ lực, 20 năm, 30 năm, thời gian càng lâu càng tốt, sự thành tựu của quý vị càng chắc chắn, càng kiên cố, sức mạnh càng lớn.

Đại sư Ấn Quang thành tựu tại Phổ Đà sơn, Ngài ở trong chùa, trong chùa phân chia cho Ngài một công việc, đó là quản lý Tàng Kinh Các. Ngài ở trong Tàng Kinh Các 30 năm, tâm định, mỗi ngày đọc kinh quảng học đa văn, ngày nọ được mọi người phát hiện, đây là một cao tăng chân chánh có đức hạnh, có học vấn. 70 tuổi Ngài mới nổi tiếng, trước 70 tuổi không ai biết đến Ngài, đúng như người Trung Quốc nói là “tích dày phát mỏng”. Ngài viên tịch lúc 80 tuổi, hoằng pháp chỉ được 10 năm, hiệu quả của 10 năm hoằng pháp này, ở Trung Quốc 100 trăm năm gần đây là người thứ nhất, chưa có ai vượt trội hơn Ngài. Vì sao vậy? Vì tích rất dày nên sanh ra sức mạnh lớn như vậy. Cho nên bây giờ chúng tôi cũng đặc biệt hoan nghênh những người trẻ tuổi, 20- 30 tuổi phát tâm, có thể học được 10 năm, 20 năm, đó là pháp sư thành tựu bậc đại sư, họ có trí huệ, có đức hạnh, có năng lực trú trì Phật pháp, có năng lực giáo hóa chúng sanh, không có công phu 10 năm, 20 năm thì không làm được.

Phật giáo Nhật Bản có 13 tông phái, đều là từ Trung Quốc truyền qua, những vị tổ khai sơn của họ đều là tu hành ở núi Tỷ Duệ. Tôi có tham quan qua núi này, người Nhật Bản gọi núi này là mẹ của Phật giáo, là tổ sư của các tông phái, tổ sư khai sơn đều tu hành ở đây. Tôi đến thăm viếng đặc biệt lưu ý, thỉnh giáo phương trượng, những vị tổ sư trước đây ở trên núi tu hành, thời gian ngắn nhất là bao lâu? Ngài trả lời, thời gian ngắn nhất đều từ 15 năm trở lên, dài nhất là hơn 30 năm, cho nên họ mới có sự thành tựu lớn như vậy.

Ngày nay chúng ta có một hoàn cảnh tu hành tốt, an định tâm lại, 10 năm chắc chắn sẽ thành tựu. Phải cắm gốc thật sâu, phải cắm gốc thật chắc, cũng là tiêu chuẩn của pháp thế gian, là Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, thật sự phát tâm học Phật, hai quyển sách này nên thực hành 100% thì quý vị làm được rồi. Từ căn bản này học Thập Thiện Nghiệp Đạo, thì Thập Thiện Nghiệp Đạo rất dễ thực hiện. Ba cái gốc của quý vị đã kiên cố rồi, thì quý vị học điều kiện cơ bản của Thánh Hiền, quý vị có điều kiện làm Phật, làm Bồ Tát rồi.

Ở thời đại này, là thời đại tri thức bạo phát, muốn giảng dạy không thể dùng công phu tu hành, dùng công phu tu hành đó là hàng lão tham. Đối với người mới học thì không được. Đặc biệt là đối với phần tử tri thức hiện nay, quý vị muốn dạy học, dạy học thì phải thông đạt những kinh điển này, một bộ là đủ rồi, một kinh thông tất cả kinh thông, nhưng kinh điển đều là Hán cổ, cho nên cần phải học Hán cổ. Trước kia thầy Lý dạy Hán cổ cho chúng tôi, thuộc 50 bài cổ văn, quý vị thuộc được, lý giải được, giảng được, thì quý vị có năng lực đọc Hán cổ. Nói cách khác, đối với Tư Khố Toàn Thư, Tam Tạng thập nhị bộ, không bị chướng ngại trên văn tự. Công tác này phải làm, thời gian khoảng một năm, mỗi tuần quý vị học một bài, mỗi năm có 50 tuần thì có thể học được 50 bài, nếu học hai năm thì nền tảng càng sâu. Thầy Lý nói, thuộc được 100 bài cổ văn, thì quý vị có năng lực viết được Hán cổ. Nếu thuộc 100 bài cổ văn, bắt buộc phải dùng hai năm công phu.

Nhà sách Thế Giới bây giờ cho ra một bộ sách rất là nhanh. Quốc Học Trị Yếu, bộ sách này tôi có được ở Hong-Kong, thật hiếm có. Dân Quốc sơ niên, một số học giả chuyên gia muốn giúp hậu thế, giúp những người như chúng ta bây giờ làm thế nào để thâm nhập Tứ Khố Toàn Thư. Trước kia tôi được một bộ Tứ Khố Toàn Thư, trong tâm tôi nghĩ, phân lượng lớn như vậy thì bắt đầu đọc từ đâu? Thế nào cũng phải có phương pháp, cho nên tôi muốn tìm những học giả chuyên gia, dạy quốc văn, dạy lịch sử, tức là mời vài vị giáo sư văn sử, để họ chọn một số tinh hoa Kinh Sử Tử Tập trong Tứ Khố. Chúng tôi phải học làm một bản tóm tắt, làm thành bản hướng dẫn học Tứ Khố Toàn Thư. Tôi đã làm việc này, mời một số giáo sư ở trong nước làm được 3 năm, cũng chi ra một số tiền, khi họ tặng cho tôi tôi dùng không thích hợp. Ý nói lên điều gì? Trình độ quốc văn không giống nhau. Không ngờ rằng Dân Quốc sơ niên, cửa hàng thương vụ in sách bắt đầu mở, những vị học giả chuyên gia đó biết, nên họ bắt đầu biên tập, bộ sách này biên tập mất mười năm mới thành công. Ở đằng sau của bộ sách có lời tựa, tôi xem lời tựa, bộ sách này hoàn thành năm Đinh Mão. Tôi ra đời năm Đinh Mão. Cũng là nói trước khi tôi ra đời 10 năm thì họ bắt đầu viết, quá hay!

Tôi thấy được bộ sách này như gặp được của báu, có thể chỉ có được bộ này, không tìm được bộ thứ hai, tôi nhờ nhà in Thế Giới in mười ngàn bộ, không được để bộ sách này thất truyền. Có bộ sách này, những người trẻ tuổi thật sự chịu phát tâm, thì quý vị có duyên đi vào Tứ Khố, quý vị nhận thức Tứ Khố, quý vị hiểu rõ Tứ Khố, quý vị có cảm tình sâu đậm với Tứ Khố, quý vị cố gắng thâm nhập bộ sách lớn này. Đây là kiệt tác của hoàng đế Càn Long, tập trung tất cả truyền thống văn hóa của Trung Quốc, trên thế giới cũng rất hiếm bộ Đại Tùng Thư này. Cuối tháng này chắc có sách, trong đó cũng có chọn một số đều là tinh hoa của Tứ Khố. Trước đây Đài Loan chúng ta, những học giả chuyên gia cũng làm công tác này. Quốc Ngữ nhật báo cho ra Cổ Kim Văn Tuyển, những gì được chọn trong đó rất hay, cùng với Quốc Học Trị Yếu là một đôi, xấp xỉ có 200 bài văn là tương đồng. Cho nên tôi bàn với thầy Thái, trong bộ phận tương đồng của nó, chúng tôi chọn kỷ 100 bài. Cổ Kim Văn Tuyển có thể làm tham khảo, nó có lời chú giải, có chú âm, lại có dịch văn bạch thoại. Thật sự ở đây chọn 10 bài văn cổ, phải dùng thời gian hai năm, quý vị nắm được chìa khóa của Hán cổ rồi. Quý vị đọc Tứ Khố, đọc Đại Tạng kinh, chướng ngại văn tự đã phá được hoàn toàn, hai năm công phu có thể hoàn thành. Đặt nền tảng đức hạnh, học tốt Hán Cổ, sau đó quý vị thuận buồm xuôi gió, quý vị mới thật sự có thành tựu. Không có nền móng này là không được, nền móng phải vững chắc, càng kiên cố càng tốt, nền tảng vững chắc, sau này sẽ phát triển không thể nghĩ bàn.

Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.

 

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 21 tháng 06 năm 2011

Địa điểm: Cao Hùng - Đài Loan

Chuyển ngữ: Nguyên Thanh

Biên tập: Minh Tâm