Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 504, hàng thứ ba từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ ở giữa.
Từ “kinh vân lâm chung bất năng quán Phật. Đản năng niệm Phật danh hiệu, thị hiển trì danh chi pháp thật vi chí dị dã. Lâm chung dị niệm, nhân đắc vãng sanh, thị vi chí ổn dã. Ư niệm niệm trung, trừ bát thập ức kiếp sanh tử chi tội, thị vi chi đốn dã. Ngũ nghịch thập ác chi nhân, lâm chung thập niệm tức đắc vãng sanh. Đới nghiệp phàm phu đốn tề phổ tế, thị vi chí viên dã”.
Chúng ta xem đoạn này trong kinh Phật nói, lâm chung không thể quán Phật. Ở trước chúng tôi giảng đến Kinh Thập Lục Quán. Kinh Vô Lượng Thọ là Tịnh tông khái luận. Đối với Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc giới thiệu rất tường tận, khiến chúng ta nhận thức Tịnh độ, nhận thức Phật A Di Đà.
Đối với Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, nó chú trọng ở phương pháp. Đã có tín nguyện, thì phải niệm Phật như thế nào. Cho nên Đức Thế Tôn đưa ra mười sáu phương pháp, toàn bộ đều là niệm Phật. Niệm Phật tóm lại mà nói thì không ngoài bốn loại lớn: Thật tướng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật, quán tượng niệm Phật và trì danh niệm Phật. Bốn loại lớn này đều bao hàm hết tất cả. Trong thập lục quán có mười bốn loại là quán tưởng, một loại là quán tượng, loại sau cùng là trì danh, nên trì danh niệm Phật là quán sau cùng trong thập lục quán, cũng là một phương pháp vô cùng quan trọng. Mười lăm phương pháp trước khi không dùng đến, thì phương pháp sau cùng có thể dùng được.
Niệm sau cùng khi lâm chung, người vãng sanh đoạn khí, niệm sau cùng này quan trọng nhất. Niệm này nếu quên không nhớ đến Phật, thì đời này chúng ta sống một cách uổng phí, lại lặn ngụp trong luân hồi lục đạo. Có thể vãng sanh hay không quyết định ở niệm sau cùng này, cho nên trong nguyện thứ 18 nói: “lâm chung nhất niệm, thập niệm đều có thể vãng sanh”, đây là thời khắc mấu chốt. Thời khắc này chính là thời khắc đau khổ sau cùng, thần thức xa rời thân thể. Xa rời thân thể, thống khổ này đến mức độ nào?
Trong kinh Phật đưa ra một ví dụ ví như rùa sống bị lột mai. Rùa đang còn sống như vậy mà lột mai của nó ra, khiến chúng ta nghĩ đến thông khổ này. Thần thức rời xa thân thể cũng giống như vậy, cho nên đây là thời khắc đau khổ nhất. Thông thường trong lúc đau khổ này thì phương pháp nào cũng không dùng được, vì sao vậy? Con người đến lúc quá thống khổ, thậm chí phương pháp mà bình thường tu đến, lúc này cũng quên mất, không khởi lên được, đây là thời khắc quan trọng. Lúc này họ có thể gặp được thiện tri thức, thiện tri thức có thể khuyên họ niệm Phật, một câu nhắc nhở, niệm Phật dễ, còn có thể niệm danh hiệu Phật. Câu danh hiệu Phật này có thể giúp họ vãng sanh.
Như ở trước nói: “như thị chí tâm, linh thanh bất tuyệt”, tâm lúc này ngoài câu niệm Phật ra, họ không còn ý niệm nào nữa. Thật sự là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, cho nên nhất niệm này vãng sanh đến thế giới Cực Lạc. Phẩm vị cao hay thấp phải xem nhân duyên. Nếu nhân duyên thù thắng rất có thể đến thượng bối vãng sanh. Đây chính là Thiện Đạo đại sư nói với chúng ta: “tứ độ tam bối cửu phẩm ở chỗ gặp duyên không giống nhau”. Câu này nói hay quá, đây là lời chân thật.
“Niệm Phật danh hiệu vãng sanh Tịnh độ thị hiển trì danh chi pháp, thật vi chí dị dã”. Điều này là dễ dàng đến cực điểm, khi lâm mạng chung dễ niệm. Phương pháp khác đến lúc này đều không khởi lên được, nhưng niệm Phật thì được, câu Phật hiệu này có thể khởi lên được. “Nhân đắc vãng sanh, thị vi chí ổn dã”, phương pháp vững chắc nhất chính là niệm Phật. “Ư niệm niệm trung, mỗi nhất niệm tiêu bát thập ức kiếp sanh tử chi tội”, tiêu nghiệp chướng rất nhanh nhưng quý vị nên nhớ rằng_điều này ở sau có nói đến_một niệm tiêu 80 ức kiếp tội nặng sanh tử là dùng tâm như thế nào để niệm? Tâm chí thành.
Bậc cổ đức nói tâm này là gì? Tâm này là lý nhất tâm bất loạn, chân thành đến tột cùng, tâm này là tâm Phật, sự nhất tâm cũng không đạt được, đây là lý nhất tâm. Là sự nhất tâm, là lý nhất tâm, hay công phu thành phiến, đều ở lúc gặp duyên không giống nhau. Họ có thành tựu thù thắng như vậy. Chi nên “chí đốn”, đốn đến cực điểm. Đốn là đốn siêu, không có thứ lớp. Từ bác địa phàm phu nâng cao đến địa thượng Bồ Tát, đây gọi là chí đốn.
Ngũ nghịch thập ác, nhất định đọa vào địa ngục, mà là vô gián địa ngục, đây là tội cực nặng. Lâm chung mười niệm tức đắc vãng sanh, gọi là đới nghiệp phàm phu, phàm phu mang theo nghiệp cực nặng. Quý vị xem đốn tề bổ xứ, họ vãng sanh thế giới Cực Lạc với bổ xứ Bồ Tát bình đẳng. Đây là chí viên, viên mãn đến tột cùng. Mấy câu kinh văn này đã nói tận cùng công đức trì danh niệm Phật, có nhiều ưu điểm như vậy. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn cũng không tìm thấy. Thật sự là viên đốn đến cực điểm.
“Trì danh diệu pháp ký chí giản dị ổn thỏa, hựu phục tối cực viên đốn. Thị cố thập phương Như Lai đồng tán, thiên kinh vạn luận cộng chỉ”.
Phương pháp tu hành này của Tịnh độ tông đơn giản nhất, dễ nhất và chắc chắn nhất. “Hựu tối cực viên đốn”, viên là viên mãn, đốn là đốn siêu. Siêu ở đây nghĩa là luôn vượt lên cho đến đẳng giác Bồ Tát, vì thế mười phương Như Lai không có ai không tán thán.
Ở trước chúng ta đọc đến, Đức Thích Ca thay mặt Chư Phật tán thán Phật A Di Đà là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” chư Phật tán thán. “Thiên kinh vạn luận cộng chỉ”, “chỉ” ở đây là chỉ quy. Vô lượng vô biên pháp môn đến cuối cùng đều quy về Tịnh độ. Chúng ta thấy Hoa Nghiêm đến sau cùng, có thể nói là bất luận tu học pháp môn nào, thành tựu sau cùng đều vãng sanh về thế giới Hoa Tạng, cõi báo của đức Phật Tỳ Lô Giá Na. Đến thế giới Hoa Tạng, theo hai vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền trờ về Cực lạc, đi về thế giới Cực Lạc học tập với Phật A Di Đà. Đây chính là vì sao mười phương Như Lai cùng tán thán, “ngàn kinh vạn luận cùng chỉ”, ví dụ rất rõ ràng để ngay trước mắt.
Câu sau cùng này Hoàng Niệm Tổ khuyên chúng ta, “thế chi hành nhân”, người tu hành ở thế gian này, thực tế nên “tốc phát đại tâm”, mau mau phát tâm. Phát tâm như thế nào? Phát chân tín tâm đối với thế giới Cực Lạc, đối với Phật A Di Đà, không còn hoài nghi nữa. Lòng tin chân thật, thật sự phát nguyện cầu sanh Tịnh độ, thân cận Phật A Di Đà. Phát tâm này sau đó nhất hướng chuyên niệm, chính là dùng phương pháp trì danh. Một phương hướng, một mục tiêu chuyên niệm Phật A Di Đà, như vậy là đúng.
Đoạn bên dưới nói “bổn kinh”, chính là Kinh Vô Lượng Thọ. “Dĩ phát bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm vi tôn”, “tôn” là tôn chỉ tu hành. Phương pháp tu hành trong kinh này là gì? Chính là dùng nhất hướng chuyên niệm, dùng phương pháp này. “Nhân thượng nhị giả, bất khả phân cách”. Ở trước nói phát tâm bồ đề nhất hướng chuyên niệm, hai điều này không thể tách rời nhau, nó là nhất thể. Vì sao vậy? Vì phát tâm bồ đề là tín là nguyện. Tin thật nguyện thiết, nhất hướng chuyên niệm là hạnh. Tín- nguyện - hạnh, ba điều kiện thiếu một cũng không được. Cầu sanh thế giới tây phương Cực Lạc chính là ba chữ này.
Ngẫu Ích đại sư chú Di Đà Kinh Yếu Giải. Trong chú giải lấy ba chữ này làm trọng tâm. Quý vị xem ba phần, trong phần tựa ngài chia ra ba đoạn tín- nguyện- hạnh, phần chánh tông cũng là tín- nguyện- hạnh, sau cùng phần lưu thông vẫn là dùng tín- nguyện- hạnh. Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư nói rất hay. Ấn Quang đại sư đối với ngài tán thán nói rằng: “cho dù cổ Phật tái sanh viết chú giải cho Kinh Di Đà cũng không thể hơn bản này”. Chúng ta biết Ấn Quang đại sư là Bồ Tát Đại Thế Chí tái sanh. Bồ Tát Đại Thế Chí tán thán như vậy. Ngẫu Ích đại sư là người như thế nào? Tuy không nói ra nhưng trong tâm chúng ta đều biết nếu không phải Phật A Di Đà tái sanh thì nhất định là Bồ Tát Quán Thế Âm rồi.
Chư Phật Bồ Tát từ bi, biết chúng sanh trong thời mạt pháp nghiệp chướng sâu nặng. Đọa lạc không thể nói là tám chính phần, hầu như toàn bộ đều đọa lạc. Người thật sự có thể niệm Phật vãng sanh thật hiếm có, nên thế gian mới có nhiều thiên tai như vậy. Nếu người niệm Phật vãng sanh nhiều thế gian này không thể có thiên tai. Vì sao vậy? Ở trước có nói người niệm Phật là người có trí huệ nhất, người có phước báo nhất trong thế gian. Ngạn ngữ xưa có câu: “người phước ở đất phước”, người có trí huệ, có phước báo ở đây, thì làm sao có thiên tai được?
Thời đại này, chúng ta sanh trong thời đại này, lớn lên trong thời đại này, đối với tiền nhân hậu quả trong thời đại này đều rất rõ ràng minh bạch. Phổ biến trên xã hội này đều lãng quên đi luân lý, đạo đức, nhân quả. Mê muội tôn sùng khoa học. Không thể nói khoa học không tốt nhưng khoa học không phải vạn năng, khoa học cũng có tệ hại, khoa học cũng có lưu lại hậu di chứng rất nghiêm trọng. Điều này nhiều người học khoa học đều biết. Trung Quốc không phải không có khoa học, Kinh Dịch chính là khoa học. Mấy ngàn năm trước Trung Quốc cũng có sự manh nha của khoa học, nhưng cổ nhân không muốn phát triển theo phương hướng này, nên đã tiêu diệt nó. Nguyên nhân gì hiện nay chúng ta đã biết. Khoa học nếu không có luân lý, đạo đức, nhân quả làm nền tảng thì hại của nó nhiều hơn lợi. Nếu có luân lý, đạo đức, nhân quả làm nền tảng vững chắc, khoa học đối với nhân loại lợi rất nhiều, hại sẽ ít lại. Đạo lý là ở đây.
Vì thế chúng ta quan sát tường tận, người xưa của chúng ta có trí huệ, có sứ mệnh, có tâm từ bi. Không nhẫn tâm để khoa học kỷ thuật mang tai họa đến, đến tiêu diệt nhân loại, vì thế không phát triển theo phương pháp này.
Ba điều kiện tín- nguyện- hạnh, đây gọi là ba tư lương tu học của Tịnh tông. Tư lương: ví dụ chúng ta đi du lịch cần thiết phải mang theo trong túi ít tiền, đây là tư. Còn phải mang theo ít lương thực, hiện nay không cần mang theo lương thực. Vì sao vậy? Sự nghiệp du lịch phát triển có thể nói là tương đối viên mãn. Ra khỏi nhà chuyện ăn ở đi đều không có vấn đề, chỉ cần đem theo tiền là đủ. Điều này vào thời cổ đại thì không được, thời xưa quý vị tốn bao nhiêu ngày cũng tìm không ra một nhà trọ, phải vào nhà dân ngủ nhờ. Ăn uống tự mình đem lương khô, hành trình du lịch rất gian nan.
Kinh Phật truyền đến Trung Quốc từ thời cổ đại, rất nhiều trường hợp đều là tập quán sinh hoạt trong quá khứ. Vì thế các bậc cao tăng dịch kinh, chú giải kinh điển đều dùng những điều kiện sinh hoạt tín- nguyện- hạnh đương thời gọi nó là ba tư lương, thiếu một cũng không được.
“Di Đà Yếu Giải vân, thâm tín phát nguyện, tức vô thượng bồ đề”. Câu này nói quá hay, Ấn Quang đại sư đặc biệt tán thán, vì sao vậy? Vì điều kiện mà trong Kinh Vô Lượng Thọ nói là phát tâm bồ đề nhất hướng chuyên niệm. Như thế nào gọi là tâm bồ đề? Tâm bồ đề phát bằng cách nào? Vấn đề này rất quan trọng, từ xưa đến nay bao nhiêu người đã thảo luận về vấn đề này, ý kiến rất nhiều, nhận xét rất nhiều. Những lời Ngẫu Ích đại sư nói đơn giản, nắm bắt trọng điểm và tường tận rõ ràng. Đối với Tịnh tông quý vị chân tín, thâm tín, lại có thể phát nguyện cầu sanh, phát nguyện chính là cầu sanh về thế giới Cực Lạc, sanh về thế giới Cực Lạc thân cận Phật A Di Đà. Phát tâm này chính là tâm vô thượng bồ đề.
“Hợp thử tín nguyện, tức vi Tịnh độ chỉ nam” đây là gì? Phương hướng, mục tiêu vô cùng chính xác. “Do thử chấp trì danh hiệu, nãi vi chánh hành”, quý vị theo phương hướng này để hướng đến mục tiêu, rồi tiếp tục nhất hướng chuyên niệm, chấp trì danh hiệu chính là nhất hướng chuyên niệm, đây là chánh hành, điều kiện đã đầy đủ.
Bên dưới là chú giải của Hoàng Niệm Tổ. Ý nói tâm vô thượng bồ đề là kim chỉ nam cho người tu Tịnh độ. Người hành nghề hàng hải dựa vào kim chỉ nam để định phương hướng. Giữa biển rộng mênh mông, bốn mặt đều là nước. Nước liền trời, trời liền nước. Truyền ở trên biển lớn, quý vị theo phương hướng nào để đi, để có thể đạt đến mục đích của mình, đều dựa vào kim chỉ nam. Không có kim chỉ nam ta không thể phân biệt được phương hướng. Hiện nay máy bay phi hành trên không trung không có kim chỉ nam cũng không nhận ra phương hướng. Chúng ta dùng ví dụ này. “Dục xuất sanh tử khổ hải, trực đăng Cực Lạc bỉ ngạn giả, tắc lại bồ đề tâm dĩ vi đạo dẫn”. Bồ đề tâm giống như kim chỉ nam vậy. Hiện tại chúng ta muốn ra khỏi biển khổ sanh tử, nghĩa là luân hồi lục đạo, điều này nhất định phải nhận thức rõ ràng. Tôi không muốn tiếp tục lặn ngụp trong luân hồi lục đạo, đời này tôi thật sự muốn rời xa nó, vì sao vậy? Không có nhận thức như vậy thì đối với thế gian này không thể buông được. Tuy muốn đến thế giới Cực Lạc nhưng không đi được, cần thiết phải buông bỏ thế gian này. Lúc nào buông bỏ? Buông bỏ ngay lúc này. Không nên đợi đến khi lâm chung mới buông bỏ, không kịp đâu.
Ngay lúc này nên buông bỏ như thế nào? Như chúng ta đi du lịch vậy. Trên đường đi nơi ở là nhà trọ, chúng ta xem nơi đây như nhà trò tức là đã buông bỏ. Tôi rời ở đây ngày mai lên đường, ở đây không có thứ nào mang theo được, đây là nhà trọ. Mỗi ngày đều quán như vậy, mỗi niệm đều quán như vậy, đối với thế gian này không lưu luyến, không vướng bận, không âu lo. Quý vị đi một cách tự tại nhẹ nhàng. Phương pháp tu học này vô cùng quan trọng, tự mình có phương hướng nhất định. Chúng ta sống trong đời này phương hướng chính là thế giới tây phương Cực Lạc, mục tiêu chính là Phật A Di Đà. Một lòng muốn thân cận Phật A Di Đà, muốn thấy Phật A Di Đà.
“Trực đăng Cực Lạc bỉ ngạn giả, tắc lại bồ đề tâm dĩ vi đạo dẫn. Cố tri phát bồ đề tâm giả, tu tịnh nghiệp giả, tất bất khả thiểu dã”. Bồ đề tâm chính là tin thật nguyện thiết, không thể thiếu. “Hựu do thử bồ đề tâm, nhi trì danh hiệu, nãi vi chánh hành”. Không có tâm bồ đề trì danh hiệu, không thể vãng sanh. Ta còn tham luyến đối với thế gian này, còn phân biệt chấp trước, chưa triệt để buông bỏ thì dù niệm danh hiệu Phật có nhiều, niệm có tốt đến đâu cũng không thể vãng sanh.
Bên dưới nói rất hay. “Thị vị, cẩu vô bồ đề tâm, tuy trì danh hiệu, diệc phi chánh hành dã”, đây không phải thật sự tu Tịnh độ. “Như Di Đà Yếu Giải vân, nhược vô tín nguyện”, họ không tin họ hoài nghi đối với Tịnh độ vãng sanh thấy Phật. Chúng ta biết số người có tâm trạng này không ít, nguyên nhân gì? Có thể nói đều là vô tình hoặc cố ý bị ảnh hưởng khoa học giáo dục. Điều kiện đầu tiên của khoa học chính là đem bằng chứng đến, tôi sẽ tin quý vị. Không đưa ra bằng chứng tôi sẽ không tin. Thế giới Cực Lạc ở đâu? Quý vị đem bằng chứng ra. Phật A Di Đà ở đâu? Chúng ta không lấy bằng chứng ra được, mà khoa học rất coi trọng hoài nghi, hoài nghi mới có thể phát hiện chân lý. Giáo lý thánh hiền nhất định không thể có nghi, có nghi quý vị sẽ không đạt được chút lợi ích nào.
Ngày nay Phật pháp suy yếu, khoa học hưng thịnh. Phật pháp đã suy yếu, đây là đạo lý nhất định, vì sao vậy? Vì mọi người hoài nghi đối với nó. Chư Phật Bồ Tát từ bi đến tột cùng cũng không giúp được. Quý vị không tin nên không thể tiếp thu, chỉ có số ít người, số ít người này thiện căn, phước đức, nhân duyên_người trong quá khứ có thiện căn phước đức sâu dày họ có thể tiếp nhận.
Thiện căn là năng tín, năng giải, đây là thiện căn. Thật chịu niệm Phật, phát nguyện cầu sanh Tịnh độ, người này rất có phước. Phước báo của thế xuất thế gian không gì lớn hơn điều này. Địa vị cao không phải là phước, sở hữu tài sản nhiều cũng không phải là phước. Ở trước đã nói qua, cho dù mời quý vị làm Ma Hê Thủ La Thiên Vương địa vị cao nhất, trong tam giới không ai cao hơn, thống lĩnh Ta Bà tam thiên đại thiên thế giới. Vì sao nói họ không có phước? Sau khi chết vẫn phải lăn lộn trong luân hồi lục đạo. Đó chính là không có phước. Vì sao nói người niệm Phật có phước? Vì sau khi chết sanh về thế giới Cực Lạc không còn luân hồi sanh tử nữa. Đây mới là phước báo chân thật, trí huệ chân thật.
Đối với pháp môn này không hoài nghi là trí huệ, y giáo phụng hành là phước báo chân thật. Phước báo trong cõi trời cõi người đâu gọi là phước báo, điều này chúng ta không thể không biết. Ở đây Ngẫu Ích đại sư nói rất hay nếu không có tín, không có nguyện, thì cho dù trì niệm danh hiệu này đến gió thổi không vào, mưa rơi không ướt, đây là ví dụ, “như đồng tường thiết bích tương tợ, diệc vô đắc sanh chi lý, bất năng vãng sanh”, không có tín, không có nguyện thì dù niệm Phật nhiều cũng vô dụng, không thể vãng sanh. Đây là điều chúng ta không thể không biết.
“Phản chi”, trái lại tuy phát tâm bồ đề, nhưng không có nguyện hạnh cầu sanh Tịnh độ, tu pháp môn khác không phải căn cơ của Tịnh độ cũng không thể vãng sanh, đây là điều chúng ta cần phải biết. Chúng ta thường phản tỉnh, phải chăng mình thuộc hạng chúng sanh này. Tâm bồ đề cũng đã phát, tuy đã phát tâm bồ đề, đối với Phật pháp năng tin năng giải, nhưng không có nguyện vọng cầu sanh Tịnh độ, hạng người tu hành này rất nhiều!
Lúc trẻ khi tôi mới tiếp xúc với Phật pháp, đại khái phải khoảng mười năm. Khi đã thật tin, thật phát tâm bồ đề, rất dụng tâm học tập kinh giáo đại thừa, nhưng đối với Tịnh độ không có hứng thú. Ban đầu là bài xích Tịnh độ, về sau Sám Vân pháp sư, thầy Lý, bảo tôi đọc Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao. Thầy Lý tặng cho tôi một bộ văn Sao để tôi xem, sau khi tôi đọc Văn Sao rồi đối với Tịnh độ không còn bài xích. Tôi rất hoan hỷ, rất tán thán nhưng không cầu sanh Tịnh độ. Thầy dùng phương tiện thiện xảo, hiện nay chúng tôi cảm ân, nhưng lúc đó không nghe lời, cho rằng Tịnh độ quá dễ, đây là phương pháp mà Đức Thích Ca độ các bà lão không phải đối với phần tử tri thức.
Cho đến lúc chính mình giảng Kinh Hoa Nghiêm, hình như đã giảng mười năm. Lần đầu tiên tôi giảng Kinh Hoa Nghiêm hình như là giảng 17 năm, giảng đến một nửa. Tứ Thập Hoa Nghiêm mới giảng một nửa, Bát Thập cũng giảng một nửa. Một hôm đột nhiên nghĩ đến một vấn đề, Văn Thù và Phổ Hiền tu pháp môn gì mà thành tựu? Thiện Tài Đồng Tử học pháp môn gì mà thành tựu? Tôi khởi lên nghi vấn này, vẫn chưa giảng đến, tôi đã lật ở phía sau Kinh Hoa Nghiêm, lật đến quyển thứ 39 của Tứ Thập Hoa Nghiêm thấy được Văn Thù, Phổ Hiền phát nguyện cầu sanh Tịnh độ. Tôi xem đến đoạn kinh văn này sởn tóc gáy, vô cùng kinh ngạc. Tiếp tục tỷ mỷ xem 53 lần tham bái của Thiện Tài Đồng Tử. 53 lần tham bái mới giảng đến một nửa. đây là lần thứ hai khi xem kỹ mới thấy được, Thiện Tài Đồng Tử tu Tịnh độ. Thầy là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát phát nguyện cầu sanh Tịnh độ. Thiện Tài là môn sinh đắc ý là đệ tử trung thành của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Ngài có thể học pháp môn không giống với thầy mình sao? Đại khái là không thể. Khi xem xong quả nhiên không sai.
Văn Thù Bồ Tát dạy ngài ra đi tham học, như vậy là sao? Ngài đã được căn bản trí. Cách nói thông thường thì ngài đã đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, cũng chính là chứng được quả vị Sơ trụ của Viên giáo. Trong hội của Bồ Tát Văn Thù ngài đã tốt nghiệp. Bồ Tát Văn Thù dạy ngài ra đi tham học, giới thiệu cho ngài một vị thiện tri thức để ngài đi tham bái, đó là Kiết Tường Vân tỳ kheo, đây là một người xuất gia. Kiết Tường Vân tỳ kheo là Sơ trú Bồ Tát, Sơ trú có thể nhìn thấy Sơ trú. Kiết Tường Vân tỳ kheo chuyên tu pháp môn niệm Phật, ngài tu Ban Châu Tam Muội. Ban Châu Tam Muội một kỳ 90 ngày, 90 ngày không thể ngủ, không thể ngồi xuống, nên cũng gọi Phật Lập Tam Muội. Có thể đứng, có thể đi nhưng không thể ngồi cũng không thể nằm.
Tu khổ hạnh nếu không có thể lực tốt nhất định không làm được, 90 ngày là một kỳ. Chuyên niệm Phật A Di Đà cầu sanh thế giới Cực Lạc. Ngài là tu Tịnh độ là nhất hướng chuyên niệm. Như vậy chúng ta mới biết vị thiện tri thức đầu tiên_người Trung Quốc nói tiên nhập vi chủ, Ấn độ cũng dùng phong tục tiên nhập vi chủ này. Tiếp tục xem về sau, sau cùng là Phổ Hiền Bồ Tát thập đại nguyện vương đạo quy Cực Lạc. Nói cách khác pháp môn Thiện Tài Đồng Tử học, từ trước đến sau đều là niệm Phật A Di Đà, chúng ta mới thoát nhiên đại ngộ. 51 vị thiện tri thức đó, là gì? Thông thường chúng ta nói học rộng nghe nhiều. Bất cứ pháp môn nào ngài đều xem, ngài đều học, nhưng không tu chỉ xem mà thôi. Biết, thấu triệt nhưng không tu pháp môn này, nên sau khi tham bái đều có cảm ân, có lễ tạ. Lễ từ: “lễ” là lễ bái, cảm ân cảm tạ họ, “từ” là không học, không tu pháp môn này.
Pháp môn này tôi biết đó là cầu hậu đắc trí, vô sở bất tri. Vô sở bất tri vậy học nó làm gì? Học nó là vì độ chúng sanh, chúng sanh căn tánh không giống nhau, không phải dùng một phương pháp có thể phổ độ. Quý vị muốn tiếp độ tất cả chúng sanh căn tánh bất đồng, thì phải hiểu tất cả pháp môn không giống nhau, chính là ý này. Đó là gì? Vì họ mà học chứ không phải vì mình. Vì mình chính là nhất hướng chuyên niệm, nên 53 lần tham bái là nhất hướng chuyên niệm, ngài trước sau đều triệt để cầu sanh Tịnh độ, muốn thân cận Phật A Di Đà.
Điều này trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy được, lúc này ý niệm của tôi hoàn toàn thay đổi, đối với Tịnh độ thật sự đã nhận thức, đã minh bạch được nên mới chuyên tu. Chuyên tu_lúc đó Kinh Hoa Nghiêm mới giảng một nửa, phần sau không muốn giảng nữa_Tôi chuyên giảng Kinh Vô Lượng Thọ. Vì cư sĩ Mai Quang Hy, trước Kinh Vô Lượng Thọ có một đoạn lời bạt rất dài, lời bạt này tôi đã đọc mấy lần. Ông ta nói rất rõ ràng, nói với chúng ta sự liên quan của Tịnh tông và Hoa Nghiêm. Chư vị cổ đức nói Hoa Nghiêm là đại bổn Kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ tức là trung bổn Hoa Nghiêm. Kinh A Di Đà tức là tiểu bổn Hoa Nghiêm. Kinh văn phân lượng rộng hẹp không giống nhau nhưng nội dung hoàn toàn không sai khác.
Kinh Vô Lượng Thọ với Kinh Hoa Nghiêm đã là giống nhau, tôi giảng Kinh Vô Lượng Thọ là được, không tiếp tục giảng Kinh Hoa Nghiêm nữa, vì thế dừng lại không giảng Kinh Hoa Nghiêm, giảng đến một nửa thì không giảng. Còn Kinh Vô Lượng thọ giảng hết lần này đến lần khác, đã giảng được mười lần. Vì sao lại giảng Hoa Nghiêm? Ở đây đều có nguyên nhân. Ba vị khởi thỉnh. Thứ nhất là Khai Tâm pháp sư ở Đài Nam, pháp sư đã vãng sanh. Vị thứ hai chính là cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Hai vị này khuyên tôi giảng Kinh Hoa Nghiêm. Họ nói nếu tôi không giảng sợ rằng về sau không còn ai giảng. Vị sau cùng chính là bà Phật tử họ Hàn, trước lúc vãng sanh hai ngày bà đưa ra yêu cầu này, tôi đã đáp lời mời của bà. Chúng tôi hy vọng bệnh cô mau lành ai ngờ cô đã ra đi. Bà hy vọng tôi giảng lại từ đầu một lần Kinh Hoa Nghiêm lưu lại băng đĩa để hậu nhân làm tài liệu tham khảo, đây là nguyện vọng của bà. Sau khi bà ra đi tôi chấp nhận lời mời của cư sĩ Lý Mộc Nguyên ở Singapore, đến Singapore giảng kinh, thỉnh thoảng nhắc đến sự việc này. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên rất cảm động, liền thay mặt ba vị này khởi thỉnh giảng Hoa Nghiêm. Vì thế đây là nhân duyên của Kinh Hoa Nghiêm, đây là nhân duyên lần thứ hai giảng bộ kinh này. Do đó tại Cư Sĩ Lâm Singapore mở khóa giảng bộ kinh này, cũng giảng suốt mười mấy năm, giảng hơn bốn ngàn tiếng đồng hồ rồi.
Đến nay tôi mới thật sự thấu hiểu, đương thời Đức Thế Tôn giảng kinh chưa từng có ngày gián đoạn. Một ngày giảng mấy tiếng? Ít nhất là tám tiếng. Lúc Đức Thế Tôn tại thế người đời sau chưa ai có thể sánh được. Khi tôi còn trẻ gặp nhiều tai nhiều nạn, không có phước báo, không có đạo tràng. Nếu tôi có đạo tràng cố định, một ngày giảng bốn tiếng có thể nói là điều rất bình thường. Tôi cũng không mất sức cũng không vất vả. Rất nhiều đại kinh đều có thể giảng lại một lần. Vì không có đạo tràng nên tiếp nhận lời mời ở các nơi, nơi nào mời liền đến nơi đó. Đoạn đường đi bỏ lỡ rất nhiều thời gian. Hoằng pháp ở nước ngoài bỏ lỡ thời gian càng nhiều, vì người nước ngoài công việc rất bận rộn, một tuần chỉ có thứ sáu thứ bảy. Tối thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật có thể nghe kinh, như vậy cũng là không tệ. Tối thứ sáu hai tiếng, sáng sớm thứ bảy hai ba tiếng, buổi chiều hai ba tiếng. Chủ nhật chỉ có thể giảng buổi sáng, buổi chiều họ phải chuẩn bị ngày mai đi làm, đây là tình huống thông thường ở nước ngoài.
Chúng tôi không có phòng ghi âm cũng không có những thiết bị này, vì thế thời gian đọc kinh niệm Phật nhiều hơn, thời gian giảng kinh tương đối giảm thiểu. Cho đến lúc về già chúng tôi mới có những thiết bị khoa học kỷ thuật cao này. Chúng tôi dùng mạng internet cũng gần 20 năm, dùng truyền hình vệ tinh chín năm, điều này ảnh hưởng rất lớn.
Việc này trước đây thầy Phương Đông Mỹ nói với tôi. Thầy nói đây là công cụ tốt nếu có cơ hội dùng nhất định phải dùng công cụ này. Vì thế dùng công cụ này hiệu quả giảng kinh đã được mở rộng, thính chúng có ở khắp nơi trên toàn cầu. Rất nhiều người học Phật nghe kinh, họ đối với tôi rất quen thuộc nhưng tôi không biết họ, chưa từng gặp mặt. Cũng có bộ phận đương nhiên là thiểu số từ đường xa đến tìm tôi, đây là thiểu số trong thính chúng, cơ duyên này có thể khi du lịch ở nước ngoài, biết tôi ở đâu họ liền đến đó, chúng tôi liền tụ hội thời gian ngắn, công cụ này rất tốt!
Đáng tiếc người truyền bá sự nghiệp này đã sơ suất. Những nội dung truyền bá là mặt phụ, tạo thành xã hội ô nhiễm nghiêm trọng, đem đến cho xã hội ảnh hưởng phản diện, những điều này đều là sự thật. Tôn giáo đều là tốt, không siêng năng đem giáo dục Tôn giáo, tinh thần Tôn giáo, và dạy học tốt đẹp của Tôn giáo phát triển rộng rãi, cũng có thể không ai nhắc nhở. Nếu năm đó không có thầy Phương nhắc nhở, tôi cũng không nghĩ đến điều này, cũng không dám tưởng tượng, vì điều này kinh phí rất lớn, không ai ủng hộ.
Khoa học càng tiến bộ, tiến bộ đến bây giờ. Thật là ngày ngày càng tiến bộ, tháng tháng không giống nhau. Hiện nay giá thành hạ thấp rất nhiều, bây giờ muốn thành lập một đài truyền hình rất dễ, kinh phí không nhiều. Vào thời điểm 20 năm trước thì đó là việc vô cùng khó khăn.
Tu tịnh nghiệp, dùng phương thức này để truyền bá, liên kết toàn cầu nhận biết Tịnh độ, yêu thích Tịnh độ. Các bạn đồng học thật sự muốn cầu sanh thế giới Cực Lạc, có thể cùng nhau chia sẻ thời gian dài. Nhân duyên thù thắng này không dễ có được, chúng ta nên quý trọng.
Bộ chú giải của Hoàng Niệm Tổ thật hiếm có. Chúng ta đọc bộ chú giải này đồng nghĩa là đã đọc các kinh điển luận chú liên quan đến Tịnh độ, có hơn 190 loại. Vì thế sau khi đã đọc xong, trong vô tình đối với những lời khai thị và giáo huấn của các bậc cổ đức trong đạo Phật, trong cuốn chú giải này chúng ta đều đọc được hết. Giúp chúng ta tín nguyện kiên cố, khuyến khích chúng ta nhất hướng chuyên niệm, điều này thật hiếm có.
Chúng ta biết, bất luận mình là hiền hay ngu, là thượng căn hay hạ căn, đều nên nhất môn thâm nhập trường thời huân tu, không nên pháp môn nào cũng học. Vì sao vậy? Vì không kịp thời gian nữa. Nhất môn thâm nhập trường thời huân tu chúng ta sẽ thành tựu, chúng ta có niềm tin thành tựu. Tham học quá nhiều, chúng ta sẽ bị phân tâm, thời gian của chúng ta không đủ dùng, tinh lực cũng bị phân tán. Nói cách khác không chắc chắn thành tựu. Chỉ có thể nói rằng, đối với thường thức Phật học được phong phú hơn một chút, còn tự mình rất khó thành tựu. Một chút Phật học thường thức này thì làm được gì? Có lợi ích gì? Thực tế mà nói, không có lợi ích gì.
Thật vậy, tổ sư thường khuyên chúng ta, Đức Phật cũng khuyên chúng ta trước phải thành tựu chính mình. Chính mình thành tựu sau đó độ chúng sanh. Nếu không thì lãng phí tinh thần, tinh lực, thời gian của mình, chướng ngại việc vãng sanh trong đời này của mình, điều này không thể không nỗ lực tư duy. Vì thế không có tâm nguyện cầu sanh Tịnh độ, tu học gọi là quảng học đa văn, đây cũng không thể vãng sanh.
“Thị cố kinh trung, tam bối vãng sanh, câu vân phát bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Tam bối là thượng bối, trung bối và hạ bối. Thượng bối là thượng căn lợi trí. Hạ bối là phàm phu bình thường. Trong kinh khuyên chúng ta chính là câu: phát bồ đề tâm nhất hướng chuyên niệm. Thượng căn phải chuyên niệm, trung căn phải chuyên niệm, hạ hạ căn thì không cần phải nói nữa. Ngoài nhất hướng chuyên niệm ra quý vị tu không thành.
“Cái thử thật vi tam bối vãng sanh, tất bị chi chánh nhân”, quý vị nhất định phải đầy đủ. Đoạn bên dưới nói “tu chư công đức”, nhất hướng chuyên niệm chỉ học đến đây. Bên dưới nói “tu chư công đức”.
“Kiến Di Đà đệ thập cửu”, nguyện thứ 19. “Văn danh phát tâm nguyện”, nguyện thứ 19 chủ yếu nói về phát tâm bồ đề. “Nguyện viết, văn ngã danh hiệu, phát bồ đề tâm, phụng hành lục ba la mật”, phụng hành lục ba la mật chính là tu các công đức. “Hựu Hán Dịch, Ngô Dịch đồng chi. Viết, kỳ tối thượng đệ nhất bối giả, tựu vô vi đạo. Đương tác Bồ Tát đạo, phụng hành lục ba la mật kinh giả, tác sa môn bất đương khuy thất kinh giới. Chí tinh nguyện dục sanh vô lượng thanh tịnh Phật quốc, đương niệm chí tâm bất đoạn tuyệt giả”. Bên dưới là lời của Hoàng Niệm Tổ. “Tổng thượng nhị kinh, tắc tri tu chư công đức chánh chỉ phụng hành lục độ”. Đoạn kinh văn này nói đệ nhất bối, cao nhất là thượng căn thượng trí. Thượng phẩm thượng sanh tức vô vi đạo, đương tác Bồ Tát đạo.
Hàng thượng thượng căn rất gần với tánh đức. Vô vi, bên dưới còn có vô sở bất vi. Nếu chỉ có vô vi không có vô sở bất vi sẽ không thể độ chúng sanh. Chỉ có tự lợi không thể lợi tha nên nói tiếp là đương tác Bồ Tát đạo, đương tác Bồ Tát đạo chính là vô sở bất vi. Tôi độ mình còn phải độ chúng sanh. Hai câu này hợp lại chính là đức thứ nhất của tứ đức trong Hoàn Nguyên Quán “tùy duyên diệu dụng”, “đương tác Bồ Tát đạo phụng hành lục ba la mật kinh”, đây là tùy duyên. Diệu dụng, diệu dụng chính là vô vi đạo. Trong kinh giáo đại thừa nói Bồ Tát “tác nhi vô tác, vô tác nhi tác”, vô tác chính là vô vi, diệu dụng. Nhi tác chính là vô sở bất vi, chính là tùy duyên, tùy duyên diệu dụng là những điều đại Bồ Tát tu. Phàm phu là tùy duyên, tùy theo mà thay đổi, như vậy là không diệu dụng. Tùy duyên bất biến_Ngày xưa tôi ra giảng kinh đem tùy duyên bất biến nói thành bốn câu. Trong kinh nói: “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”. Tôi thêm vào hai câu: “tùy duyên tùy biến, bất biến bất tùy duyên”. Bất biến bất tùy duyên là A la hán, tùy duyên tùy biến là phàm phu, bất biến tùy duyên là Phật, tùy duyên bất biến là Bồ Tát. Tôi đem nó phân ra như vậy, để nói chúng ta không thể học phàm phu tùy duyên tùy biến, theo cảnh giới bên ngoài mà thay đổi. Bị cảnh giới ảnh hưởng theo nó mà chuyển, như vậy chính là rơi vào trong lục đạo. Đây là tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi. Cũng không học A la hán, A la hán bất biến bất tùy duyên. Chính mình đã thành tựu, không độ chúng sanh. Chúng sanh khó độ, không độ tha. Phải học Bồ Tát, phải học Phật, Phật là bất biến tùy duyên. Bồ Tát là trong tùy duyên học bất biến, đây là công phu.
Tùy duyên, không bị duyên xoay chuyển, không bị duyên ảnh hưởng. Đây là Bồ Tát, đương tác Bồ Tát đạo. Tùy duyên là tùy duyên gì? Chính là phụng hành lục ba la mật. Tùy thuận bố thí, tùy thuận trì giới, tùy thuận nhẫn nhục. Trong cuộc sống hằng ngày sáu loại này đều phải tu. Rốt cuộc cái nào trước sau? Không có thứ tự.
Bình thường trong cuộc sống ăn cơm mặc áo, công việc, đối nhân tiếp vật, tất cả đều tu. Từng giờ từng phút tương ưng với Bồ Tát lục ba la mật. Tiếp đãi người trên mặt nở nụ cười hoan hỷ đây là bố thí, bố thí hoan hỷ đây là nội tài bố thí. Đối với người cung kính thăm hỏi thân thiết đây là trì giới bố thí, trì giới cũng là bố thí. Vì thế trong một động tác, trong một ngôn ngữ, lục ba la mật đều ở trong đó.
Lục ba la mật cần tu như thế nào? Khởi tâm động niệm ngôn ngữ tạo tác. Ở trong đó làm gì? Ở trong đó hành lục ba la mật, hoàn toàn làm được lục ba la mật. Như vậy mới thành tựu viên mãn Bồ Tát đạo.
Bên dưới nói: “tác sa môn bất đương khuy thất kinh giới”. Sa môn, người xuất gia gọi là sa môn, người tại gia cũng là sa môn. Sa môn nghĩa là gì? Tinh cần tu giới định tuệ tức diệt tham sân si, đây gọi là sa môn. Vì thế sa môn là tên gọi thông thường của người tu hành, họ y giáo phụng hành. Bất luận tại gia hay xuất gia_nhưng Phật giáo truyền đến Trung Quốc_tại Ấn Độ bất luận là tại gia hay xuất gia, bất luận là Phật giáo hay các Tôn giáo khác, chỉ cần là người tu hành chơn chánh đều gọi là sa môn, nó là một danh từ phổ thông. Phật giáo truyền đến Trung Quốc, người xuất gia ở Trung quốc, đây là danh xưng chuyên dùng của họ, nhưng có một vài cư sĩ cũng gọi là sa môn. Sa môn - người tu hành chơn chánh, không nên tổn thất kinh giới, ý này là gì? Người tu hành chơn chánh chẳng thể không học kinh, chẳng thể không trì giới, chính là ý này. Bất luận tại gia hay là xuất gia, kinh giới là quan trọng. Giới ở đâu? Giới ở trong kinh. Bất cứ trong bộ kinh nào cũng có giới. Bộ kinh này của chúng ta có thể nói 48 phẩm, thì mỗi phẩm đều có giới. Phát tâm bồ đề nhất hướng chuyên niệm, đây là giới. Đặc biệt nói về giới luật, 32, 33, 34, 35, 36, 37, mấy phẩm này đều nói về giới luật. Ngũ giới thập thiện, nghiệp nhân quả báo, hai thời tụng sáng tối của Tịnh tông, đặc biệt đã đề xuất những đoạn kinh văn này, là kinh văn cần phải đọc tụng vào thời khóa phải tu của buổi tối, từ phẩm 32 đến phẩm 37. Thời khóa sáng thì đọc 48 nguyện, phẩm thứ sáu. Chúng ta chọn ra hai đoạn kinh văn để làm thời khóa sáng tối của chúng ta, rất quan trọng! Thời kinh sáng chú trọng ở tín nguyện, thời kinh tối chú trọng sự sám hối. Tụng đoạn kinh văn này ngày ngày đối chiếu, hiện nay mỗi ngày khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác của tôi có trái với giáo huấn của Đức Phật hay không. Đây gọi là chân tu, gọi là y giáo phụng hành.
“Chí tinh nguyện dục sanh vô lượng thanh tịnh Phật quốc”. Chí là đến tột cùng, tinh là thuần mà không tạp. Chính là nói quý vị chỉ có một nguyện không có nguyện thứ hai. Trong đời này tôi chí tinh nguyện, nguyện này là gì? Chính là muốn sanh tây phương Tịnh độ. Như vậy phải làm sao? “Đương niệm chí tâm bất đoạn tuyệt giả”, chúng ta ưng đương niệm, niệm Phật, niệm chí tâm. Chí tâm chính là Phật A Di Đà, Phật A Di Đà chính là chí tâm.
Trung Phong thiền sư trong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự nói rất rõ ràng: “Tâm tôi tức Phật A Di Đà, Phật A Di Đà tức là tâm tôi”. Đây là chí tâm, đây là thật không phải giả. “Nơi đây tức là Tịnh độ, Tịnh độ tức là nơi đây”. Nếu thật sự chí tâm niệm Phật nơi ta ở chính là Tịnh độ. Tịnh độ tượng trưng cho điều gì? Tịnh độ tượng trưng nơi này là phước địa, nơi này không có thiên tai. Người phước ở đất phước, đất phước người phước ở. Nơi này đúng lý có thiên tai, nhưng có người tu hành chơn chánh ở đây thì ở đó sẽ không có thiên tai. Từ đó cho thấy, chúng ta tu hành chơn chánh, độ chính mình đồng thời cũng lợi ích người khác. Hoàn cảnh cư trú xung quanh không có thiên tai, đây là giúp đỡ người khác. Một đạo tràng kiến lập nơi đây, ở đây là đất phước, vì sao vậy? Nơi đây có rất nhiều người tu hành chơn chánh, có trí huệ, có phước báo.
Chí tâm niệm còn phải không đoạn tuyệt, không đoạn tuyệt chính là tương tục. Mục tiêu niệm Phật của Bồ Tát Đại Thế Chí là tịnh niệm tương tục, tương tục chính là bất đoạn. “Tổng thượng nhị kinh, tắc tri tu chư công đức chánh chỉ phụng hành lục độ”. Phải biết trước lục độ, nền tảng của nó là thập thiện, tam quy, ngũ giới. Không có thập thiện thì không có gốc rễ. Ngày nay Phật giáo tu hành rất khó khăn, đó là gì? Vì không thể thực hành thập thiện, gốc rễ không có. Chúng ta thấy sự việc này, cũng là điều đáng để ta suy nghĩ.
Vì sao thời cổ đại, bất luận tại gia hay xuất gia, tu thập thiện rất tốt, vì thế người thành tựu rất nhiều. Hiện nay vì sao không hành được thập thiện? Chúng ta truy tìm căn nguyên của nó, là giáo dục chúng ta có vấn đề. Giáo dục gì? Giáo dục gia đình. Dân tộc Trung Quốc năm ngàn năm rất coi trọng giáo dục gia đình, cũng chính là nói giáo dục cắm rễ của trẻ nhỏ. Ai dạy chúng? Cha mẹ dạy. Trong cổ lễ của Trung Quốc, có lễ phụ nữ mang thai. Khi mang thai nên làm như thế nào? Đoan chánh tâm niệm. Họ phải biết khởi tâm động niệm đều ảnh hưởng đến thai nhi, vì thế không thể có ý niệm không tốt. Nhất định phải thanh tịnh, phải giữ lễ. Như Chu Văn Vương khi mẹ ông mang thai ông_điều này lịch sử có ghi chép_bà ta có thể đoan chánh tâm hành. “Mục bất thị ác sắc”, mắt không nhìn những điều không tốt. Tai không nghe âm thanh dâm dục, miệng không nói ra lời ngạo mạn. Thân khẩu ý đều phải giữ gìn, vì sao vậy? Bà ảnh hưởng đến thai nhi, khi đứa bé này sanh ra dễ dạy, mười tháng công phu không uổng phí. Đứa trẻ rất lương thiện, rất dễ dạy. Sau khi sanh ra đứa trẻ biết nhìn biết nghe. Chúng đang bắt chước, ở trong thai mẹ là đã bắt chước rồi, huống gì khi đã sanh ra! Vì thế Đệ Tử Quy không phải dạy trẻ em đọc, không phải nói cho trẻ em nghe, đạo lý này cần phải biết.
Đệ Tử Quy là gì? Sống trong gia đình cha mẹ làm gương để con cái noi theo. Khiến đứa trẻ khi vừa mới mở mắt chúng đã nhìn thấy, thấy cha mẹ mình đối đãi với ông bà mình như thế nào. Người làm cha làm mẹ trong gia đình phải thực hành Đệ Tử Quy cho linh hoạt, nên đứa trẻ từ khi sanh ra cho đến năm ba tuổi_một ngàn ngày_đây gọi là giáo dục cắm rễ, chúng thấy và học hỏi hết. Đạo lý thì chúng không hiểu nhưng chúng bắt chước theo, tự nhiên chúng đều làm được. Đây làm giáo dục cắm rễ, đấy là gốc rễ của giáo dục thánh hiền là nguồn gốc của giáo dục Phật giáo.
Giáo dục Đức Phật đến Trung Quốc, có thể phát triển rộng rãi là nhờ điều này. Truyền thống giáo dục Trung Quốc cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho Phật pháp, khiến nó có thể sinh trưởng đơm hoa kết trái ở Trung Quốc. Trong đại thừa có được nhiều người thành tựu như vậy. Phật pháp đến Trung Quốc 2000 năm_chúng ta suy tính, suy tính bảo thủ nhất thì thành tựu trên 3000 người, 3000 người này đã thành Phật. Như ngài Huệ Năng đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh.
Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên ghi chép là 1700 người, trong Cảnh Đăng Lục cũng có ghi chép, trong giáo môn cũng có. Tịnh độ tông niệm Phật vãng sanh và trong các kinh luận khác đều có rất nhiều. Trong Mật tông thành tựu ít nhất trên 3000 người thành Phật, điều này không đáng nễ sao! Mảnh đất rộng lớn, vùng đất báu, vùng đất phước này của Trung Quốc, rất nhiều người thành Phật, thành Bồ Tát như vậy. Ngày nay Trung Quốc động loạn, tuy hơn 1000 năm lãng quên truyền thống văn hóa, nhưng quá khứ tổ tiên tích công đức dày vì thế Trung Quốc có thiên tai_chúng ta tạo nghiệp bất thiện, đương nhiên chiêu cảm đến thiên tai, nhưng tuyệt đối không diệt vong. Trên toàn thế giới tìm không thấy đất nước thứ hai có thể so sánh với Trung Quốc. Vì thế nên nhớ từ xưa đến nay các bậc thánh hiền dựng nên sự nghiệp, được thiên nhiên ưu đãi không phải không có nguyên nhân. Con cháu đời này của chúng ta không tốt nhưng tổ tiên chúng ta tốt.
Chúng ta không tốt là vì đời này của chúng ta đã mất đi truyền thống giáo dục, mắc lừa người ngoại quốc, học người ngoại quốc mà vứt bỏ truyền thống của chính minh, đây gọi là đại bất hiếu. Đại bất hiếu phải gặp thiên tai, phải chịu quả báo nhưng tuyệt đối sẽ không diệt vong.
“Quán Kinh trung thượng phẩm thượng sanh giả, ưng cụ chư giới hành, đọc tụng đại thừa cập tu hành lục niệm”. Lục niệm bên dưới có chú giải là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên. “Hồi hướng phát nguyện, kỳ thật diệc tức phụng hành lục độ dã”. Thực tế mà nói thì Phật pháp nói đầy đủ trên mọi phương diện. Lục niệm là điều phổ biến trong đại thừa, tu học đại thừa không ai không tu lục niệm. Trước là niệm Tam Bảo: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Tam Bảo là giác chánh tịnh, ý nghĩa này nhất định phải hiểu rõ ràng.
Trong Pháp Bảo Đàn Kinh ngài Huệ Năng nói rất rõ ràng. Ngài là nói tam quy y, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Ngài không dùng Phật Pháp Tăng, ngài dùng Giác Chánh Tịnh. Quý vị xem trong Pháp Bảo Đàn Kinh tổ sư truyền thụ tam quy, ngài nói quy y giác, quy y chánh, quy y tịnh, ngài đã dùng chữ như vậy. Ngài dùng như vậy khiến chúng ta tưởng tượng ra, đại khái trong thời đại của ngài, Phật pháp ở thế gian đã có rất nhiều người ngộ nhận, chấp tướng. Quy y Phật nhất định là nặn bằng đất điêu bằng gỗ, quy y Pháp nhất định là kinh điển, quy y Tăng là người xuất gia, như vậy là sai. Những thứ đó là gì? Là tượng trưng cho Tam Bảo. Nó tượng trưng cho điều gì quý vị phải biết. Tất cả Phật tượng là tượng trưng cho tánh đức. Tượng Bồ Tát, tượng A la hán tượng trưng cho tu đức. Tất cả đều là tượng trưng cho chính mình, điều này phải nên biết.
Phật tượng trưng cho đại giác, đại triệt đại ngộ. Pháp tượng trưng cho chánh tri chánh kiến. Tăng tượng trưng cho sự thanh tịnh hòa hợp, lục căn thanh tịnh không nhiễm chút trần. Quý vị hiểu được nghĩa này là thật sự đã quy y. Nhìn thấy tượng Phật liền nghĩ đến chúng ta phải giác mà không mê, thật sự đã quy y. Nhìn thấy quyển kinh lập tức nghĩ đến chánh mà không tà. Trong kinh điển là chánh tri chánh kiến. Thấy người xuất gia chúng ta liền nghĩ đến sáu căn thanh tịnh, không nhiễm chút trần. Tịnh mà không nhiễm là Tăng bảo, Giác mà không mê là Phật bảo, Chánh mà không tà là Pháp bảo. Phải hiểu rõ ràng rằng, ở đây không có chút mê tín nào. Nhìn thấy người xuất gia này họ trì giới hay không, không liên quan đến chúng ta. Họ là người xuất gia tốt hay người xuất gia không tốt cũng không liên quan. Quý vị nhìn thấy tướng này lập tức nghĩ đến chính mình, lục căn thanh tịnh, không nhiễm chút trần, quý vị thật đã quy y. Niệm Tam Bảo là niệm như thế, ngàn vạn lần không nên ngộ nhận.
Bên dưới là niệm giới. Thập thiện, tam quy, ngũ giới, thập giới có thực hành được hay chăng? Nhớ mà không thực hành cũng vô dụng, phải làm. Thí tượng trưng cho điều gì? Cổ nhân thường nói: “kỷ sở bất dục, vật thí ư nhân”. Nói cách khác tôi không muốn người khác đối đãi xấu với tôi, tôi cũng không nên đối đãi xấu với người khác. Tôi thích thấy người khác hoan hỷ, tôi thấy người nhất định rất hoan hỷ, đây chính là thí, trước là thí. Tôi muốn người khác tán thán tôi, thì tôi phải tán thán người khác trước, tôi muốn người khác giúp đỡ tôi, thì tôi phải giúp đỡ người trước. Cho nên bố thí phải hiểu cách yêu thương người khác, yêu thiên địa vạn vật. Bố thí ái tâm, bố thí quan hoài, bố thí quan tâm, bố thí giúp đỡ. Quý vị là người có thể làm như vậy thì không có gì không thuận lợi.
Điều ở sau là niệm thiên. Thiên dùng cách nói hiện nay là đại tự nhiên. Đối đãi đại tự nhiên có tâm kính sợ, tôn trọng. Như cây cỏ hoa lá, sơn hà đại địa. Bây giờ thời tụng kinh sáng hằng ngày của chúng ta đều liệt nó ra. Thời khóa sáng chúng ta nhất định phải lễ lạy cây cỏ hoa lá chúng linh, sơn hà đại địa, mười phương quốc độ vi trần thế giới sơn hà đại địa này đây là niệm thiên. Thiên có nghĩa là quang minh, có nghĩa là từ bi kiết tường. Chúng ta phải hiểu, phải thấu triệt. Thực tế mà nói tất cả đều nâng cao cảnh giới của chính mình, nâng cao tánh đức của mình và tăng trưởng trí huệ của mình, hồi hướng phát nguyện. Những công đức này, ngày ngày không gián đoạn tu học những công đức này, hồi hướng cho thế giới Cực Lạc, phát nguyện cầu sanh Tịnh độ, đây chính là phụng hành lục ba la mật, chính là tu các công đức. Điều này phải làm hằng ngày, phải làm từng giờ từng phút.
Trong sinh hoạt hằng ngày học tập tất cả cung kính. Đối với tất cả đều cung kính, tức là cung kính tánh đức của chính mình, vì tất cả pháp đều từ tánh đức biến hiện ra. Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm.
Câu bên dưới là: “nguyện sanh kỳ quốc”, đây là trong nguyện thứ 18, “sở hữu thiện căn tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc”, ngã quốc là Phật A Di Đà tự xưng. Nguyện thứ 19, “Phục dĩ thiện căn hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc”, và trong nguyện thứ 21, “Chí tâm hồi hướng, dục sanh Cực Lạc, vô bất toại giả”, nguyện thứ 22,“Phát bồ đề tâm, yểm hoạn nữ thân, nguyện sanh ngã quốc”, quý vị thấy nguyện thứ 18, 19, 21 và 22 đều nói đến nguyện sanh thế giới tây phương Cực Lạc, nguyện này rất quan trọng, vô cùng quan trọng. Phải đem thiện căn, thiện hạnh của chính mình, niệm niệm hồi hướng, cầu sanh Tịnh độ.
Mấy câu kinh văn này là Phật A Di Đà khuyên chúng ta phát nguyện vãng sanh, hiển thị vô tận từ bi ân đức rộng lớn vô biên. Đức Phật quá hiểu chúng ta, chúng ta trầm luân trong lục đạo, từ vô lượng kiếp đến nay không ra khỏi luân hồi lục đạo. Trong lục đạo chịu đau khổ cùng cực là do nguyên nhân gì? Mê hoặc điên đảo, không hề biết đến chân tướng sự thật, vẫn cứ cho rằng mình đúng. Mình nghĩ là đúng, mình làm là đúng, nào ngờ tất cả đều là sai, sai hoàn toàn. Đến khi nào mới có thể giác ngộ? Ở trên thế gian này đọc tụng đại thừa tu hành Phật pháp đây là một điều mở mang kiến thức. Thật sự giác ngộ ở đâu? Vãng sanh thế giới Cực Lạc quý vị thật sự đã giác ngộ. Vì khi chưa vãng sanh thế giới Cực Lạc thật là bán tín bán nghi, vì sao nói như vậy? Đây là sự thật. Quý vị chưa buông bỏ, không nhất tâm chuyên chú. Thật đã thấu triệt, buông bỏ vạn duyên thì không sao. Cũng chính là nói, Việc gì họ cũng không quan tâm, họ chỉ quan tâm một việc, chính là thật tâm niệm Phật. Từ sáng đến tối họ niệm Phật không gián đoạn, chính là việc này, ngoài việc này ra thì không quan tâm điều gì nữa. Tinh chuyên niệm Phật như vậy, cần bao nhiêu thời gian là biết trước giờ chết? Nhất định không ngoài ba năm họ sẽ thành công.
Trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục chúng ta thấy được trường hợp này, trong Vãng Sanh Truyện cũng thấy ví dụ này, trong chư vị đồng học cũng thấy được trường hợp này, hiện tại nhìn thấy được. Đây không phải giả, điều này không thể gạt người. Đối với thế gian này không có chút tham luyến nào. Thân thể này lưu lại ở thế gian, không phải vì mình, mình không có gì. Lưu lại thế gian, lưu lại thế gian là để giúp người khác, làm gương cho người khác. Vì thế quý vị đối với mọi việc đều thấy một cách rõ ràng minh bạch, hoàn toàn không chút mê hoặc. Mê là ở đâu? Có ta là mê, không có ta liền rõ ràng. Vì thế bất luận tiểu thừa hay đại thừa, điều kiện đầu tiên là phá thân kiến, không thể chấp trước thân này là ta. Hạng người nào có thể làm được? Phá được thân kiến, ý niệm tự tư tự lợi bị quét sạch. Tuyệt đối không có ý niệm tự tư tự lợi nào, vì sao? Không có cái ta, tâm lượng đã rộng lớn. Cái gì là ta? Biến pháp giới hư không giới muôn sự muôn vật là ta. Người xưa có câu ngạn ngữ, mọi người đều biết. Người mẹ yêu quý con họ, đặc biệt là trẻ hai ba tuổi, xem chúng như ruột gan của mình. Đó thật sự là gì? Là cảm xúc nhất thể, mẹ con liền tâm. Trẻ con tuy không biết nói, nhưng khi trẻ có tình huống ra sao người mẹ điều có thể cảm nhận được, đó là nhất thể. Dần dần lớn khôn lại quên mất tình cảm này, rất xa rất mỏng manh.
Chư Phật Bồ Tát đối với tất cả chúng sanh trong biến pháp giới hư không giới, cũng giống như mẹ chăm sóc con nhỏ, chăm sóc khúc ruột của mình. Chúng sanh đông đảo đều là khúc ruột của Như Lai, nhưng chính chúng ta hoàn toàn không có cảm xúc này, còn hoài nghi đối với ngài, thậm chí còn phê bình ngài, đây là đại bất kính, đại bất hiếu. Thế giới Cực Lạc là vì chúng ta mà kiến lập, không phải vì chính ngài, đặc biệt là vì chúng sanh trong luân hồi lục đạo. Vì sao? Vì mê quá sâu, nghiệp chướng quá nặng. Chúng sanh trong luân hồi lục đạo cũng có thể nhất niệm thành Phật. Nguyên nhân này chúng ta phải khẳng định, không nên hoài nghi, vì sao vậy? Vì chúng sanh tạo ác nghiệp họ nhất niệm có thể thành Phật, vì sao? Vì họ vốn là Phật. Vì thế phải xem nhân duyên.
Lời của Thiện Đạo đại sư nói rất hay: “thường ở chỗ gặp duyên không giống nhau”, nếu nhân duyên họ đặc biệt thù thắng lập tức liền được thành Phật. Tuy tạo tội cực kỳ sâu nặng như ngũ nghịch thập ác, ý niệm họ vừa thay đổi họ đã giác ngộ, đại triệt đại ngộ_họ đã thành Phật. Nhân duyên của pháp môn niệm Phật vô cùng thù thắng, nó là viên mãn, nó là cứu cánh nhưng chúng ta có thể gặp được chăng? Quan trọng nhất là tâm mình. Vì thế trong kinh nói tâm duyên sau cùng là giác định. Điều này ở sau chúng ta sẽ đọc đến, chính là trong phẩm này. Tâm quan trọng hơn bất kỳ điều gì. Tâm nhất định phải thuần tịnh thuần thiện, tuyệt đối không để cảnh giới bên ngoài làm ô nhiễm tâm chúng ta. Cảnh giới bên ngoài tốt không có tham luyến. Cảnh giới bên ngoài không tốt không có oán hận. Luôn luôn giữ được bình thường tâm, bình thường tâm là chân tâm. Bị cảnh giới bên ngoài làm ô nhiễm là vọng tâm, chân tâm không bị ô nhiễm. Cũng tức là mỗi thời khắc đều nên bảo hộ chân tâm, không để bên ngoài làm ô nhiễm. Phương pháp tốt nhất là ngày ngày đọc tụng đại thừa.
Nếu cảm thấy trong tâm tôi đã bị ô nhiễm không còn tự tại. Tâm động, quý vị liền niệm Phật, tụng kinh, như vậy có thể trở lại bình thường. Bình thường là hỷ duyệt, là trí huệ, là đức năng, đương nhiên là tướng hảo. Vì sao vậy? Tướng tùy tâm chuyển. Tâm tốt tướng sẽ tốt, tâm mạnh khỏe thân liền mạnh khỏe, đây là đạo lý nhất định. Tâm thanh tịnh tâm liền thanh tịnh, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Tu hành là tu cái gì? Chính là tu điều này.
Hôm nay hết giờ rồi, trong tứ nguyện đều nói đến nguyện sanh kỳ quốc. Chúng ta học đến nguyện 21. Hôm nay chỉ học đến đây.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
淨土大經解演義
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 10 tháng 05 năm 2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh.