Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 430, hàng thứ ba đếm từ dưới lên.
“Đường xá lầu quán đệ thập lục”. Hoàng Niệm Tổ giới thiệu rất đơn giản nội dung phẩm này. “Bổn phẩm hữu nhị”, nghĩa là có hai đoạn lớn. Đoạn lớn thứ nhất “Phật cập chư Bồ Tát cư xứ”. Đoạn thứ hai là “Bồ Tát tuỳ ý tu học, tùng nhân đắc quả, tự do hành đạo, giai đại hoan hỷ”. Ở trước giới thiệu môi trường để học tập, môi trường của đạo tràng này. Phẩm này là giới thiệu về giảng đường, nhà ở. Thầy là Phật A Di Đà_chỗ ở của ngài, ngoài ra là phòng ốc của học trò_chỗ ở của Bồ Tát. Chúng ta xem đoạn thứ nhất trước.
“Hựu Vô Lượng Thọ Phật giảng đường tinh xá, lầu quán lan thuẩn, diệc giai thất bảo, tự nhiên hoá thành. Phục hữu bạch châu ma ni, dĩ vi giao lạc, minh diệu vô tỷ” đây là chỗ ở của giáo chủ. Bên dưới “chư Bồ Tát chúng, sở cư cung điện, diệc phục như thị”. Đây là chỗ ở của học trò. Thế giới Cực Lạc đích thực là thế giới bình đẳng, chánh báo bình đẳng, nghĩa là vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, cho dù là người ở cõi phàm thánh đồng cư hạ hạ phẩm vãng sanh, thì thể chất cũng là kim thân, thân sắc vàng tía giống như Phật vậy, vô lượng tướng hảo. Phật có vô lượng tướng, tướng có vô lượng đẹp.
Ở trước chúng ta đã từng xem qua, trong kinh nói 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp. Đây là Đức Thế Tôn phương tiện nói. Vì người Ấn độ đương thời cho rằng người đại phú đại quý đầy đủ 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp, nên đức Phật đã thị hiện thân tướng này. Trên thực tế chúng ta biết ở thế giới Cực Lạc Chư Phật là vô lượng tướng, thật là tướng có vô lượng đẹp. Nơi ở, quý vị xem cảnh tuỳ tâm chuyển, tâm tốt thì tướng sẽ tốt, nơi ở đương nhiên cũng không ngoại lệ. Đây là trí huệ phước đức sở hiện. Không như chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề này, chúng ta có thể suy nghĩ mà biết được, vì chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề tâm hành bất thiện nên hoàn cảnh cư trú cho đến phòng ốc cũng không lý tưởng. Đây là điều chúng ta có thể thấy được.
Bây giờ chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Tổ. “Giảng đường giả, thuyết pháp giảng kinh chi đường xá. Tịnh xá, tự viện chi dị danh. Tân Dịch Hoa Nghiêm Kinh Âm Nghĩa viết, tịnh xá giả, phi dĩ xá chi tinh diệu, danh vi tinh xá”. Nó không phải là ý này. “Do kỳ tinh luyện hành giả chi sở cư, vị chi tinh xá dã”. Nơi ở của người tinh tấn tu hành được gọi là tinh xá. Có thể là một mái nhà tranh vô cùng đơn giản nên Tinh xá là nơi cư trú của những người tu hành tinh tấn.
Giảng đường là nơi giảng kinh thuyết pháp. Đức Thế Tôn khi còn tại thế không có tự viện cũng không có giảng đường. Ngài giảng kinh ở đâu? Đều ở phạm vi bên ngoài như trong rừng cây hoặc bên dòng suối, nơi có phong cảnh đẹp. Vì suốt cuộc đời của Đức Thế Tôn là sống cuộc sống du mục, không có chỗ ở cố định, thật là tự do tự tại. Hôm nay ở đây, ngày mai ở nơi khác. Ban đêm ngủ không có phòng xá, ngủ dưới gốc cây, ngày ăn một bữa. Đây là Đức Thế Tôn thị hiện suốt 49 năm khi ngài còn tại thế. Khi Phật nhập niết bàn trong rừng Sa La song thọ, chứ không phải ở trong phòng. Thị hiện này dụng ý rất sâu sắc.
Chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề, chướng ngại nghiêm trọng nhất chính là thân, đây là chướng ngại thứ nhất. Chướng ngại thứ hai là phòng xá, nơi họ cư trú. Người Trung quốc đặc biệt chú trọng, họ muốn kiến trúc chỗ ở. Ngày xưa tứ hợp viện rất nhiều mà còn là đại gia đình. Chọn nơi ở nhất định phong thuỷ phải tốt, đặc biệt chú trọng kiến trúc, dùng nguyên liệu đều rất tốt. Cổ nhân kiến thiết một ngôi nhà, ngôi nhà này ít nhất có thể dùng 300 năm. Họ nghĩ rất chu đáo, cho tử tôn đời sau truyền thừa đời này sang đời khác nên đại gia đình có gia đạo, có gia quy, có gia học, có gia nghiệp. Đứa trẻ từ nhỏ sống trong gia đình đã tiếp thu giáo dục tốt, đều dạy rất tốt. Gia học chính là tư thục.
Thường một thôn trang là người một nhà. Đây là Vương trang đó là người nhà họ Vương. Thông thường gia đình khoảng trên dưới 300 người là gia đình bình thường. Giai đình nào hưng thịnh có đến sáu bảy trăm người, nên gia đình của Trung quốc là một tổ chức xã hội. Vì thế có thể trị gia là có thể trị quốc. “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cho nên giáo dục gia đình vô cùng quan trọng. Có từ đường kỷ niệm tổ tiên, có từ đường đại gia đình, có trường học, có tư thục. Trẻ em sáu bảy tuổi có thể đi học, trước khi chưa đi học_ trước đây chúng tôi đều đã nói qua. Trẻ em từ khi sanh ra cho đến lúc đi học, thời gian này do cha mẹ dạy nên cha mẹ là thầy giáo nhiệm kỳ đầu của chúng. Dạy luân lý, dạy đạo đức, dạy nhân quả. Từ nhỏ đã tiếp thu học hỏi từ gương của cha mẹ nên thân giáo quan trọng hơn ngôn giáo.
Đệ Tử Quy dạy con cái như thế nào? Tự mình làm để con cáo noi theo. Từ khi chúng mới sanh đã để cho chúng thấy. Thấy đến ba tuổi 1000 ngày đã thâm căn cố đế. Ngạn ngữ xưa thường nói “tam tuế khán bát thập”, cắm rễ khi ba tuổi đến 80 tuổi cũng không thay đổi, nền tảng vững chắc không thể lung lay. Trung quốc đời này qua đời khác có đại thánh đại hiền quân tử xuất hiện ở thế gian, đều là do giáo dục mà ra, cha mẹ dạy rất tốt, rễ cắm chặt.
Mẹ của Văn Vũ, Chu Công rất nổi tiếng trong lịch sử. Mẹ của Khổng Tử, Mạnh Tử sau một đời cũng đào tạo rất tốt nên chỉ cần là chỗ dạy học thì đều gọi là giảng đường. Đức Thế Tôn giảng ở trong rừng, bên dòng sông tập hợp đại chúng giảng kinh giáo hoá thì đó chính là giảng đường, giảng đường lộ thiên.
Tinh xá là tên gọi khác của tự viện, tự viện cũng gọi là tinh xá. Vì sao vậy? Vì đều là nơi cư trú của người tinh tấn tu hành. Tự là thời nhà Hán, chư vị nên biết Phật giáo chính thức truyền đến Trung quốc là năm Vĩnh Bình thứ mười thời Hán Minh Đế, đây là năm 68 công nguyên, gần 2000 năm. Chế độ thời nhà Hán, tự là cơ cấu trực thuộc hoàng đến làm việc tên gọi là tự. Nhất định phải hiểu điều này. Chủ quản của tự gọi là khanh_công khanh. Họ trực thuộc hoàng đế quản lý. Dưới Hoàng đế có chín tự. Từ thời nhà Hán kiến lập cho đến Mãn Thanh đều là dùng như vậy, nếu quý vị đến viện bảo tàng cố cung Bắc Kinh tham quan ở trên có treo một tấm bia có chín tự.
Trong kinh thường nói đến Hồng Lô Tự, Hồng Lô Tự là quản ngoại giao nên từ trước ngoại giao là do hoàng đế trực tiếp quản lý. Khanh ở Hồng Lô Tự tương đương với bộ trưởng ngoại giao. Tể tướng không quản lý ngoại giao, hoàng thượng quản lý ngoại giao. Vì những người xuất gia này nhà nước thỉnh từ nước ngoài về. Ai tiếp đãi? Hồng Lô Tự tiếp đãi. Về sau nhà nước hy vọng họ sống lâu dài ở Trung quốc. Sống lâu dài thì không thể để họ tạm trú nơi bộ ngoại giao nên kiến thiết thêm một cơ cấu nữa cũng gọi là tự. Quý vị nên biết giáo dục Phật giáo do hoàng đế quản lý. Do đó Trung quốc có hai thể hệ giáo dục. Thông thường chính là dùng học thuyết Khổng Mạnh. Đây là Hán Vũ Đế tiếp nhận tiến cử của Đổng Trọng Thư nên thành lập cơ cấu này chuyên quản lý giáo dục quốc dân toàn quốc. Cơ cấu này gọi là bộ lễ.
Đơn vị dưới tể tướng một cấp gọi là bộ. Bộ trưởng gọi là thượng thư. Thượng thư hiện nay gọi là bộ trưởng, thị lang hiện nay chính là phó bộ trưởng hoặc là thứ trưởng thường vụ, thứ trưởng chánh vụ. Lúc đó thị lang cũng có hai là tả hữu thị lang một là thứ trưởng chánh vụ còn một là thứ trưởng thường vụ. Hoàng thượng có tam công cửu khanh. Tam công là cố vấn của hoàng thượng. Cửu khanh là trực tiếp thay hoàng thượng làm việc là trưởng quan trực thuộc, địa vị giống như bộ trưởng. Ngày nay nói chánh bộ cho đến địa vị đều giống nhau nhưng thuộc hoàng đế chuyên quản lý. Địa vị cũng đặc biệt khiến người tôn kính.
Nên Phật giáo đến Trung quốc là kiến lập Tự thứ mười. Nó là cơ cấu làm việc của chính phủ, quản lý giáo dục Phật giáo. Nó không phải là miếu! Miếu là tế thần là tôn giáo, còn Tự là giáo dục. Hiện nay đem Tự và miếu hoà thành một, Phật giáo biến thành tôn giáo. Điều này chúng ta không biết từ khi nào có sự thay đổi này. Ngày xưa Tự quản điều gì? Việc đầu tiên khi Phật giáo đến Trung quốc là phiên dịch kinh điển từ tiếng phạn sang chữ Hán, giống như trung tâm biên dịch của quốc gia ngày nay vậy. Công việc này còn chỉ đạo việc học tập, nên nó trở thành nhà trường. Tự viện dạy học phiên dịch kinh. Công việc này làm rất dài, suốt 800 năm từ thời nhà Hán đến nhà Tống. Tuyệt đại bộ phận kinh điển hình như là 80 phần trăm hoàn thành vào thời nhà Đường. Thời nhà Tống dịch kinh không nhiều, một phần lớn là trước thời nhà Đường nên dịch kinh là một việc đại sự vào thời đại đế vương của Trung quốc. Đế vương cũng thường đến viện dịch kinh để xem xét, đối với việc này vô cùng chú trọng. Lịch đại đế vương rất nhiều đều là Phật tử, họ cũng rất siêng năng học tập.
Hoàng thượng dẫn đầu do đó giáo dục Phật giáo thành tựu phổ cập vượt qua Nho giáo và Đạo giáo. Hoàng thượng dẫn đầu học, bao triều đại có rất nhiều các bậc cao tăng, cư sĩ tại gia và ẩn sĩ. Trong Đại Tạng Kinh có Cao Tăng Truyện, Cư Sĩ Truyện, Thiện Nữ Nhân Truyện. Người thành tựu rất nhiều. Hiện nay Phật giáo trở thành tôn giáo, biến thành mê tín, nếu cổ nhân biết họ đau lòng biết bao, sao lại ra nông nỗi này!
Ngày nay chúng ta đã hiểu. Hiểu được Phật pháp thì chúng ta có sứ mạng, có trách nhiệm khôi phục diện mạo vốn có của Phật giáo. Đó chính là nhất định phải làm cho tự viện hiện nay biến thành trường học. Tự viện dạy học giảng kinh.
Lúc thầy Lý ở Đài Trung kiến lập Phật Giáo Liên Xã Đài Trung. Thầy rất chú trọng việc dạy học. Trong Liên Xã ngoài hoạt động niệm Phật, bình thường mỗi tuần đều cố định giảng một lần kinh. Thầy ở Đài Trung 38 năm, 38 năm không gián đoạn. Mỗi tối thứ sáu hàng tuần, thời gian địa điểm cố định không cần tuyên truyền, muốn nghe kinh thì mỗi tối thứ sáu hàng tuần đến Liên Xã nghe thầy Lý giảng kinh. Về sau thành lập một thư viện, thư viện Từ Quang. Thư viện cũng giảng kinh vào thứ ba hằng tuần, nên ở Đài Trung mỗi tuần có giảng kinh hai buổi tối, thời gian cố định, gió mưa cũng không gián đoạn, đến đó nhất định được nghe kinh. 38 năm không gián đoạn, thật không dễ.
Lúc đó chúng tôi mới học, hiểu không nhiều cũng chưa đủ sâu sắc. Nếu lúc đó có được nhận thức như ngày nay tôi sẽ xin với thầy, mỗi tuần một ngày không đủ phải ngày ngày giảng, nếu mỗi ngày giảng Phật giáo Đài Loan sẽ hưng thịnh trở lại, chỉ cần có một người dẫn đầu thật có thể hưng thịnh trở lại. Một người giảng kinh không đủ sức bồi dưỡng thêm học trò. Thầy giảng mỗi tuần một ngày, các học trò khác mỗi người chịu trách nhiệm một lần. Như vậy có thể dẫn đầu năm người học trò như vậy là thật sự đã huấn luyện được họ. Giảng kinh không có gì khác chính là lên bục giảng để luyện tập. Tôi mới học Phật cảm thấy mỗi tuần lên bục giảng một lần không được, một ngày nóng mười ngày lạnh, tuy thầy không phải mười ngày, một ngày nóng mười ngày lạnh. Thật không dễ gì nâng cao lên được. Thật sự muốn nâng cao thì phải ngày ngày giảng. Ngày ngày giảng, chúng ta phải ngày ngày nỗ lực học tập, nếu không nỗ lực thì không thể giảng được. Điều này ép học sinh cũng rất tốt. Học sinh tự nhiên ngoan ngoãn ngày ngày tham khảo tư liệu, nghiên cứu điều này nên giảng như thế nào? Đặc biệt thầy Lý rất tốt, bắt mọi người phải soạn bài sẵn. Một tuần giảng một lần, không khó lắm. Thời gian năm ngày có thể chuẩn bị bài giảng, như vậy sẽ ép học sinh toàn tâm toàn lực học tập.
Lớp học kinh chúng tôi hơn 20 người, không ai có thể giống như thầy. Nguyên nhân là chúng ta học tập không tập trung, mỗi tuần một lần thật sự không đủ. Tôi có thể học tập được chính là cảm thấy một tuần một lần không được. Lần đầu đến Đài Bắc một tuần tôi giảng ba lần. Sau đó khoảng một hai năm tôi bắt đầu giảng một tuần lên đến sáu lần, một tuần nghĩ một ngày. Ba năm sau, một tuần tôi giảng mười mấy lần. Mỗi ngày sáng chiều tôi đều giảng, lúc đó một lần giảng một tiếng rưỡi đồng hồ. Sáng sớm một tiết, tối đến một tiết. Sáng sớm đối nội, buổi tối đối ngoại. Các vị cư sĩ buổi tối rảnh rỗi đều có thể đến nghe kinh. Ngày ngày giảng, nếu không ngày ngày giảng thì không thể học được.
Tôi nói với thính chúng, quý vị đều là thầy của tôi, đều là giám học của tôi, tôi là người học giảng, ngày ngày giảng cho thầy nghe. Hoan nghênh mọi người phê bình chỉ giáo, không nên xem tôi như pháp sư, tôi chỉ là người mới học giảng kinh. Như vậy mới có thể luyện tập được, mới có thể khiến mình không giải đãi, không tán loạn. Nếu không siêng năng chuẩn bị, khi lên bục giảng không tốt. Khi mới đến Mỹ. Năm 1983 ở Mỹ tôi bắt đầu chính thức giảng kinh.
Năm 1982 đến Mỹ hiểu được hoàn cảnh nơi đó, năm 1983 chính thức chấp nhận lời mời. Cuộc sống của người Mỹ rất bận rộn, mỗi ngày làm việc tám tiếng rất vất vả. Họ chỉ nghĩ hai ngày thứ sáu và chủ nhật, như vậy chúng tôi giảng kinh vào tối thứ năm hàng tuần, suốt ngày thứ sáu và sáng chủ nhật. Những ngày còn lại họ không có thời gian để nghe kinh nên chúng tôi rất tập trung. Đặc biệt suốt ngày thứ sáu. Bài giảng mỗi tối thứ năm hai tiếng, thứ sáu phải giảng ba lần, sáng, chiều, tối sáu tiếng. Có khi phải thêm một tiếng thành 9 tiếng, sáng ba tiếng, chiều ba tiếng, tối ba tiếng, họ thích nghe. Sáng chủ nhật giảng ba tiếng, chiều không giảng kinh, họ trở về chuẩn bị thứ hai đi làm. Nên giảng đường có khi là phòng khách gia đình người ta. Nhà ở của họ rất lớn. Có khi là chỗ thuê mướn, mượn phòng hội nghị của quán bar, mượn giảng đường của nhà trường.
Giảng kinh rất vất vả, cần phải chú ý nhưng có lợi ích rất lớn đối với mình. Nếu tâm không định, không cách nào học giảng kinh được nên kinh nghiệm một đời của tôi, phương pháp này người tính cách như tôi rất ít. Học vấn thật sự là phải buông bỏ hết. Trong đời tôi đích thực Phật tử họ Hàn giúp đỡ rất nhiều, tuy có thư viện nhưng cô ấy làm chủ quản. Tôi không quản người, không quản việc cũng không quản tiền, tôi chỉ quản lên lớp. Chúng tôi có thư viện nên môn học không gián đoạn. Buổi tối thì thính chúng, ban ngày thì công việc. Buổi tối họ có thời gian đến nghe, lúc đó tối cũng giảng một tiếng 30 phút. Thường niên như vậy không gián đoạn.
Ở Đài Bắc có khi học sinh muốn nghe Phật pháp, chúng tôi lại tổ chức một buổi giảng chuyên về Phật học. Mỗi tuần một lần vào ngày chủ nhật. Sáng chiều tối đều lên lớp cũng làm được thời gian rất dài. Vì thế kết pháp duyên rất thù thắng với lớp trẻ. Sau đó ở hải ngoại, sinh viên ở hải ngoại đều là lưu học sinh, sau khi tốt nghiệp rất nhiều người ở lại đó làm việc. Chúng tôi đã liên lạc nên mỗi lần ra nước ngoài đến các nơi hoằng pháp, đều kết duyên như vậy. Thầy lý ở Đài Trung tổ chức giảng ở thư viện Từ Quang, chuyên giảng về các bộ kinh. Đạo An pháp sư ở Đài Bắc, chuyên giảng các bộ kinh lớn ở đại giảng đường của hội Phật giáo. Thư viện chúng tôi cũng từng tổ chức nhưng nơi này tôi đều tham gia, nên kết duyên rất sâu với các bạn đồng học.
Tôi đến Mỹ có hơn 300 bạn đồng học liên hệ với tôi, ở các thành phố khác nhau. Mỗi lần đến một nơi đều có người tiếp đãi. Đây là khi chúng tôi học Phật, thầy rất coi trọng việc dạy chúng tôi nên kết pháp duyên rộng rãi. Vì thế lúc đó tình hình này rất thịnh. Từ sau khi chúng tôi lưu thông mạng internet và vệ tinh thì duyên này ngày càng thù thắng. Hoàn cảnh tu học của mình, đích thực vì ngày ngày giảng mà cảnh giới không ngừng nâng cao, mỗi năm đều không giống nhau. Sau 30 năm có thể nói là mỗi tháng không giống nhau, ngày càng hoan hỷ, thật là pháp hỷ sung mãn.
Tôi cảm ân Chương Gia đại sư, nghề này của tôi là Chương Gia đại sư thay tôi chọn. Ngài khuyên tôi xuất gia, dạy tôi học Đức Thế Tôn. Tôi nghe lời và y giáo phụng hành. Thực hiện câu nói của thầy Phương học Phật là hưởng thụ cao nhất của đời người, lời thầy nói không sai chút nào. Hưởng thụ cao nhất không phải là địa vị, chúng ta không có địa vị, trong nhà Phật cũng không có địa vị, ở xã hội cũng không cũng không có tài phú. Những thứ chúng ta có là gì? Hoan hỷ. Học mà được thực hành như vậy mà không vui sao? Trong đại thừa Phật giáo Đức Phật thường nói pháp hỷ sung mãn, thường sanh tâm hoan hỷ. Đây mới thật sự là hưởng thụ! Ít phiền ít não. Phiền não chưa hoàn toàn đoạn nhưng so ra thì giảm nhẹ rất nhiều, đây là thật. Mặc dù không có nơi ở cố định, đều là sống dựa vào người khác, tự mình không có đạo tràng vì thế không có chỗ ở nhất định.
Hiện nay mọi người mời tôi chỉ cần họ có thiết bị internet. Internet có thể phát xạ mọi nơi đều có thể thu nhận được, tôi đều đồng ý đi. Không có thiết bị này không được. Rất nhiều nơi cùng tu vì trên mạng hầu như không ngừng phát các bài giảng nên mời tôi giảng kinh, yêu cầu duy nhất của tôi chính là có thiết bị này. Chúng ta có thể giảng bộ kinh Hoa Nghiêm này bảy chín lần. Có thể vắng mặt, giảng một nơi, tiếp tục giảng. Bộ kinh này chúng ta đã giảng một năm. Hôm qua tiết thanh minh, tiết thanh minh năm ngoái bắt đầu giảng, vừa đúng một năm. Bộ kinh này đã giảng ở HongKong, Malaysia, ở Đài Loan và ở đây. Đã giảng bốn nơi. Hiện nay kinh này giảng được một nửa.
Nên bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp thì giảng đường rất quan trọng, không nên để họ ngày ngày lên bục giảng mà học không được gì. Để cho họ có hoàn cảnh an định, điều cơ bản nhất như ăn mặc ở không cần phải lo, có chỗ để quý vị ở, có thể mặc ấm, ăn no là đủ, quý vị cứ toàn tâm toàn lực mà học kinh giáo. Mười năm chẳng ai không thành tựu. Sau khi thành tựu còn tự cho mình là học sinh, không dám xưng là thầy giáo, siêng năng nỗ lực để nâng cao cảnh giới của mình. Hai mươi năm, ba mươi năm thật gọi là thâm căn cố đế. Thật sự phát tâm giảng kinh, kiến nghị của tôi là không làm tri sự không nên làm trú trì. Vì sao vậy? Vì quản lý công việc thì rất phức tạp, tâm không thể thanh tịnh.
Thầy của tôi là thầy Phương Đông Mỹ suốt đời làm công việc giáo dục, rất tự tại! Tôi có một vị đồng học là Phó Lạc Thành, bạn trung học thời kỳ kháng chiến. Ông ta là giáo thọ khoá tiến sĩ trường đại học Đài Loan cũng là một đời dạy học, chúng tôi là bạn tốt. Trường đại học Thành Công từng mời ông làm viện trưởng viện văn học. Ông làm được một học kỳ thì xin từ chức. Ông gặp tôi ở Đài Bắc, ông nói rõ ràng không phải việc của con người làm! Suốt đời dạy học, mời ông ta làm viện trưởng xã giao nhiều như vậy, ông ta không chịu nổi nên làm được một học kỳ thì không làm nữa. Tôi nói với ông ta điều đó không sai chút nào! Người bạn học này đáng tiếc đã qua đời mấy năm rồi. Ông cũng là học giả nổi tiếng ở Đài Loan.
Nên giảng đường, tinh xá là để học sinh an cư lạc nghiệp. Sự nghiệp giáo dục văn hoá là vì bồi dưỡng nhân tài cho đời sau. Thần thánh biết bao, cao cả biết bao, tự tại biết bao. Trong này có niềm vui, niềm vui của nó thật vô cùng. Cổ nhân thường nói, giáo dục là để được anh tài của thiên hạ. Đây là sự hưởng thụ lớn lao của đời người.
Bên dưới nói “lầu quán” lầu quán là lâu đài. “Quán giả, lầu dã, đài tạ dã” đài tạ cũng có thể xem nó như vũ đài, nơi biểu diễn, nơi hội nghị. “Lan thuẫn, tức lan hạm, tục xưng san lam”. Dọc gọi là lan, ngang gọi là thuẫn. Lan thuẫn thông thường chúng ta gọi là lan can.
“Cực Lạc điện các giai tùng Di Đà tịnh tâm lưu hiện. Chúng bảo sở thành, phi tùng mộc thạch, bất giả cận phủ, tuỳ cơ ứng hiện. Cố viết diệc giai thất bảo tự nhiên hoá thành”.
Đây là nói giảng đường, tinh xá, lâu đài ở thế giới Cực Lạc từ đâu mà có? Là từ trong tâm thanh tịnh và công đức vô lượng của Phật A Di Đà hiển lộ, tự nhiên hiển lộ.
Thế giới Cực Lạc vô lượng trân bảo, cho nên những kiến trúc này là các loại châu báu hợp thành. Không phải kết cấu của gỗ, không phải kết cấu của đá, cũng không cần nhân công, không có người vẽ, không có ai thiết kế, không cần thợ thủ công. Tuỳ cơ ứng hiện, hoàn toàn tự nhiên. Tuỳ cơ, cơ là cơ cảm. Chúng sanh có cảm tự nhiên có ứng. Điều này thật không thể nghĩ bàn nên trong kinh văn nói: “diệc giai thất bảo tự nhiên hoá thành”. Hoá là biến hoá, thành tựu. Chẳng khác nào như người thế gian thường nói tuỳ tâm muốn gì được nấy, tâm tưởng sự thành. Hai câu này dùng ở thế giới Cực Lạc thì là hoàn toàn chính xác. Không phải tán thán, không phải khuếch trương.
Bên dưới nói “bạch châu” nghĩa là trân châu, trân châu màu trắng nó sinh ra trong vỏ con trai. “Bạch khiết giả quý. Bạch chu giả, chu trung chi thượng phẩm”, nghĩa là trân châu tốt nhất. “Ma ni” là như ý bảo châu. “Giao lạc, vị giao hổ võng lạc” dùng những thứ này làm vật trang sức ở lầu các lan can. “Như Hán Dịch viết, phục dĩ bạch châu, minh nguyệt châu. Ma ni châu vi giao lạc, phú cai kỳ thượng”, dùng những châu bảo này để dệt thành màn báu, rồi lại dùng những màn báu này để che trên cung điện và lầu các. “Như thị diệu châu ma ni sở thành chi võng lạc, phú ư thất bảo lầu quán lan thuẫn chi thượng, cực vi minh diệu”. Những tòa nhà cao tầng ở các đô thị hiện nay, chúng ta có thể nhìn thấy trang sức của chúng, ban đêm thì dùng đèn để trang sức, dùng đèn năm sắc biến thành màn để phủ lên trên nóc nhà và trên lan can, bao quanh các cây. Ban đêm quý vị thấy rất đẹp mắt, nhưng so với thế giới Cực Lạc thì còn kém xa. Chúng ta ở đây là nhân công còn ở đó là tự nhiên. Đó chính là điều không thể so sánh được.
“Hựu Vãng Sanh Luận viết, cung điện chư lầu các, quán thập phương vô ngại, tạp thọ dị sắc quang, bảo lan biến vi nhiễu”.
Trong Vãng Sanh Luận tán thán cung điện lầu các, nơi cư trú của thế giới Cực Lạc. “Quán thập phương vô ngại”. Câu này quá tuyệt! Giống như ở trước chúng ta đọc đến đạo tràng dưới cây đại thọ, đạo tràng Phật A Di Đà giảng kinh thuyết pháp. Bên ngoài đạo tràng cây cỏ hoa lá rất nhiều, tác dụng của những cây này rất lớn, trong cây có thể hiện tất cả quốc độ mười phương chư Phật, có thể nhìn thấy mười phương thế giới, trong cung điện lầu các cũng vậy, cũng có thể hiện. Như ti vi ngày nay có thể hiện mười phương thế giới, quý vị thấy được rất rõ ràng. Thiên thượng nhân gian, lục đạo luân hồi đều có thể nhìn thấy hết. Muốn xem nơi nào thì nơi đó liền hiện tiền.
Như vậy chúng ta liền nghĩ đến, nhất định là chỗ có duyên với mình, nhiều đời kiếp trong quá khứ đã từng ở đây. Chỗ chưa ở qua sẽ không có ấn tượng, nơi từng ở qua rồi mới có ấn tượng, tất cả đều hiện tiền nên chúng ta nghĩ đến cha mẹ anh chị em, đồng học bằng hữu trong nhiều đời kiếp, ở thế giới Cực Lạc mới thật sự đoàn tụ. Ngoài thế giới Cực Lạc ra thì đoàn tụ rất khó. Ngày nay chúng ta xem ti vi thấy được phương xa. Nhìn thấy người, âm thanh họ nói cũng nghe được nhưng tôi không thể nói chuyện với họ, họ cũng không cách nào trả lời tôi. Thế giới Cực Lạc không như vậy, nhìn thấy là có thể nói chuyện, họ gặp khó khăn có thể giúp họ, họ có phước báo có thể tuỳ hỷ, như đang ở trước mặt vậy. Đây là oai thần bổn nguyện công đức của Phật A Di Đà thành tựu.
“Hựu đệ tứ thập nhị”. Đây là nguyện thứ 42 trong 48 nguyện. “Triệt chiếu thập phương nguyện”. Nguyện văn có ba câu ở dưới “Sở cư Phật sát”, là Phật A Di Đà nói quốc độ ngài ở khi ngài thành Phật. “Quảng bác nghiêm tịnh”, quảng đại, bác đại, trang nghiêm thanh tịnh. “Quang doanh như kính”, thanh tịnh không nhiễm chút trần. “Triệt chiếu thập phương” nhìn thấy tất cả mười phương thế giới. Chúng ta ở trong đó đều có thể thấy được. “Quân biểu Cực Lạc chi cung điện lầu quán giai như minh kính, chiếu nạp thập phương. Cố Đàm sư viết”. Đàm Loan pháp sư nói “cung điện lầu các, kính nạp thập phương”. Giống như tấm kính vậy, nó chiếu kiến mười phương thế giới. “Bảo thọ bảo lan hổ vi anh sức” Bên ngoài có bảo thọ, cung điện lầu quán đều có lan can, đẹp không sao tả được.
“Khả kiến Cực Lạc chi minh diệu, vô năng tỷ giả. Cố vân minh diệu vô tỷ”. Mười phương thế giới cũng có nhưng ánh sáng vi diệu không bằng thế giới Cực Lạc. Vì sao vậy? Vì đây là nguyện lực công đức tu hành của Phật A Di Đà thành tựu. Chư Phật trong mười phương thế giới không phát đại nguyện như Phật A Di Đà, thành tựu vô lượng vô biến chúng sanh là thành tựu từ nguyện lực. “Chí ư Bồ Tát sở cư chi cung điện”, nghĩa là chúng ta nói chỗ ở của học sinh, cung điện của họ. “Diệc phục như thị minh diệu, thâm hiển chân thật bình đẳng, như như nhất vị”. Hai câu này rất quan trọng, thế giới Cực Lạc là thế giới bình đẳng, ở đó không phải hưởng thụ, không phải tận lực, ở đó không phải nhân công tưởng tượng thiết kế, không phải. Tất cả đều là tự nhiên, do nguyện hành công đức của chúng ta thành tựu. Chúng ta không có nguyện hạnh lớn lao như vậy chỉ là hưởng ánh sáng của Phật A Di Đà, đại nguyện đại hạnh và thần lực của Phật A Di Đà thành tựu.
Chúng ta đến thế giới Cực Lạc, được ánh sáng của Phật gia trì, nguyện lực của Phật gia trì, khiến chúng ta bất luận là ở thân hình_tình huống thân thể, trí huệ, thần thông, đạo lực đều tương tợ Phật A Di Đà. Điều này thật không thể nghĩ bàn. Cũng chính vì như vậy nên tất cả chư Phật mười phương đều tán thán Phật A Di Đà là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”. Trong tất cả các quốc độ, Phật A Di Đà là số một. Ngày nay chúng ta may mắn gặp được có thể nói là vô ý gặp được, muốn tìm cũng không tìm được nhưng vô ý gặp được.
Vô ý cũng chẳng phải không có nguyên nhân. Trong quá khứ có thiện căn phước đức nhân duyên, ngày nay chúng ta mới gặp được. Không có thiện căn phước đức nhân duyên trong quá khứ thì làm sao có thể gặp được? Khi gặp được cần phải nắm bắt cơ hội này, không thể bỏ qua, nhất định phải cầu sanh Tịnh độ. Chúng ta là phàm phu nhất định phải tu học, môi trường tu học này quá tốt, không tìm nơi nào được. Chúng ta ở trên địa cầu này, hiện nay tìm một môi trường tu học thật không dễ, không biết tìm đâu. Suốt đời tôi học Phật 60 năm, sống cuộc đời lưu lạc 60 năm, đến nay vẫn chưa có nơi chốn.
Gần đây ở HongKong có một cư sĩ cúng dường tôi_cũng coi như là tinh xá, để chúng ta tu hành_là một ngôi nhà nhỏ để tinh tấn tu hành. Lớn chừng nào? Lớn khoảng bằng phòng nhiếp ảnh này thôi. Ngôi nhà ở trên núi, giống như mảnh đất nhỏ của ngôi miếu vậy. Nhà này được xây dựng đã 90 năm. Nó có ba mẫu đất, vùng núi có ba mẫu đất, bên ngoài có vườn rau. Tôi định muốn dở bỏ làm lại, nhưng người cúng dường cho tôi nói_ông nói: không nên, tốt nhất pháp sư nên bảo tồn nó. Nhà này làm cách đây 90 năm về trước, vật liệu hiện nay không tìm thấy. Tuy nhìn không đẹp nhưng mùa đông thì ấm mùa hè thì mát. Nay làm lại sợ rằng không được tốt như vậy, cho nên tôi chỉ tu sửa nó. Ở đó rất thoải mái, ngôi nhà rất nhỏ, ở trên núi. Tuy rất nhỏ nhưng rất yên tĩnh cũng rất gần cư dân nhưng vì nó rất nhiều cây cối nên không nhìn thấy. Ở trên một sườn núi nhỏ! Tôi cũng rất thích nơi này cũng đã xem qua hai ba lần.
Con người không có phước báo thì phải lưu lạc khắp nơi. Tôi cũng rất thích. Vì sao vậy? Thầy đã làm gương cho tôi. Đức Thế Tôn khi còn tại thế, suốt 49 năm cũng lưu lạc khắp nơi, lưu lạc sống ở bên ngoài. Tôi lưu lạc khắp nơi còn có nhà để ở, còn được tiếp đãi rất tốt, nghĩ đến thầy tôi cảm thấy rất an ủi, không có chút tâm oán hận nào. Cuộc sống của tôi so với thầy thì thoải mái hơn nhiều. Thầy từng đi khất thực, còn tôi chưa từng đi khất thực nên tôi có tấm gương tốt, chúng ta không thể quên. Sinh hoạt cần phải đơn giản, phải tiết kiệm, đơn giản, tài vật chúng ta cần càng ít thì càng tự tại, không có gì phải lo lắng. Ở tuổi này mỗi ngày vẫn có bốn tiếng đọc sách, có bốn tiếng chia sẻ với những người bạn tâm đầu ý hợp, hạnh phúc biết bao! Đây chính là cuộc sống thần tiên mà nhân gian thường nói, tâm định hoàn toàn. Tất cả hoạt động tôi đều từ chối không còn tham gia. Nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, như vậy thì ngay trong đời này đã viên mãn rồi.
Chúng ta xem tiếp đoạn thứ hai bên dưới. Đoạn thứ hai là thắng cảnh tu học_hoàn cảnh thù thắng. “Trung hữu tại địa giảng kinh, tụng kinh giả”. Trung ở đây chính là trong giảng đường, tinh xá. Có Bồ Tát ở trong đó giảng kinh, tụng kinh. “Hữu tại địa thọ kinh, thính kinh giả”. Thọ là tiếp thu là có thể tin, có thể lý giải, có thể phụng hành. Còn phải thêm vào có thể chứng. Tín giải hành chứng, đây là thọ, đây là nghe kinh ở trên mặt đất.
“Hữu tại địa kinh hành giả, tư đạo cập toạ thiền giả. Hữu tại hư không giảng tụng thọ thính giả. Kinh hành, tư đạo cập toạ thiền giả”.
Quý vị xem tự tại biết bao. Muốn ở trên mặt đất thì ở trên mặt đất, muốn ở không trung thì lầu các, giảng đường, túc xá đều nổi lên không trung. Thật là cảnh tuỳ tâm chuyển, được đại tự tại. Chúng ta xem chú giải.
“Thượng nhất biểu kính”, là cảnh giới, hoàn cảnh. “Thử hạ”, nghĩa là bây giờ chúng ta đọc đoạn thứ hai, ở sau còn có một đoạn nhỏ. “Biểu kính trung nhân”, nghĩa là môi trường của những người ở trong đó. “Chư vãng sanh giả”, người trong mười phương thế giới vãng sanh đến thế giới Cực Lạc. “Các y kỳ phẩm vị. Tuỳ kỳ ý lạc, tự tại tu tập, hoặc tại hư không, hoặc tại bình địa. Các các tuỳ ý giảng tụng thính thọ, toạ thiền, hành đạo”. Đây là sinh hoạt hằng ngày của đại chúng ở thế giới tây phương Cực Lạc. Vì thế chúng ta biết, thế giới Cực Lạc “kỳ đại vô ngoại, kỳ tiểu vô nội”, đây là thế giới như thế nào? Đây là nơi dạy học thuần tuý của Phật A Di Đà, là một ngôi trường!
Quý vị xem, phương thức sinh hoạt của cư dân ở đây không có sĩ nông công thương cũng không thấy tổ chức chính phủ. Không thấy quốc gia này có quốc vương, có đại thần, không nhìn thấy, chỉ có thầy và trò. Như vậy chúng ta biết, đây đích thực là tất cả mười phương chư Phật Như Lai kiến lập một trường đại học Phật giáo, gọi thế giới Cực Lạc là đại học Phật giáo. Thỉnh Phật A Di Đà làm hiệu trưởng, mười phương chư Phật thường đến tha phương đảm nhiệm giáo thọ. Đức Phật thường đến đó dạy học nên Bồ Tát ở thế giới Cực Lạc có nhân duyên rất sâu với Phật. Tự do tự tại, muốn đến tham học ở thế giới Chư Phật rất dễ, ý niệm vừa khởi thì người đã đến nơi. Muốn mời chư Phật đến thế giới Cực Lạc dạy học, ý niệm vừa khởi thì Phật cũng liền đến. Đạo tràng lớn, giảng đường lớn, trường học lớn!
Chúng ta đến thế giới tây phương Cực Lạc để làm gì? Để làm Phật. Điều này cần phải biết không làm gì khác mà đi làm Phật. Sau khi thành Phật thì làm gì? Sau khi thành Phật liền đến mười phương thế giới phổ độ chúng sanh. Chúng sanh vô biên thề nguyện độ, giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, rời xa đau khổ được niết bàn an vui, làm công việc này.
Chúng ta xem tiếp chú giải bên dưới. “Kinh hành. Cựu vân hành đạo. Nãi ư nhất định chi địa khu, toàn chuyển hoặc trực vãng trực lai, dụng dĩ phòng thuỳ”. Đây gọi là kinh hành, ngày nay chúng ta gọi là tản bộ. Khi tản bộ tụng kinh, kinh điển thuộc làu. Thuộc bộ kinh giống như kinh Vô Lượng Thọ, không nên nôn nóng, không nên đọc quá nhanh, đọc từng chữ từng câu. Một bộ kinh đọc hai tiếng, hai tiếng đi cũng được hai ba cây số, hai ba cây số đi rất chậm, thích hợp với sáng sớm và hoàng hôn. Thông thường trong nhà Phật không ăn cơm chiều, kinh hành như vậy rất tốt! Hoặc là niệm Phật hoặc là trì chú để nhiếp tâm. Đây là công phu sáng và tối. Mức độ thể dục cũng đủ. Đi đứng ngồi nằm đều đang tu hành. Hành là hành vi, khởi tâm động niệm, hành vi tư tưởng. Trong Phật pháp gọi là ý.
Ngôn ngữ là hành vi của lời nói, thân thể động tác là hành vi của thân. Ba nghiệp thân khẩu ý có sai lầm, có tạo nghiệp, khiến nó tu tập sửa đổi gọi là tu hành. Niệm Phật rất tốt, tụng kinh rất tốt, trì chú cũng rất tốt. Chuyên tu chuyên hoằng, chuyên tu thì dễ được định, được tam muội. Chúng ta tu niệm Phật, khi kinh hành niệm Phật được niệm Phật tam muội. Khi kinh hành tụng kinh Vô Lượng Thọ hoặc tụng kinh Di Đà cũng gọi là niệm Phật tam muội. Sau khi được tam muội, tu hành không gián đoạn, ngày ngày đều làm như vậy, đến khi nhân duyên thuần thục thì tự nhiên đại ngộ tức là đã khai ngộ. Được tam muội, vãng sanh sẽ nắm chắc được, có thể không cần vãng sanh sớm hơn dự định.
Vì sao vậy? Trong kinh Đức Phật dạy, tu hành một ngày ở thế giới Ta Bà bằng tu hành ở thế giới Cực Lạc 100 năm. Vì sao? Ở thế giới tây phương Cực Lạc bình an nên tiến bộ rất chậm, thế giới này biến hoá quá kịch liệt nếu chịu đựng được thì tiến bộ rất nhanh, không chịu đựng được thì đọa lạc cũng rất nhanh, thế giới Cực Lạc tuyệt đối không bị đọa lạc chỉ có tiến không có thoái. Còn thế giới Ta bà thay đổi nhanh chóng, nếu chịu được thì tăng tiến rất nhanh mà không đọa lạc. Cho nên ở thế gian này tu hành như thế nào cũng có thể chấp nhận được, thuận cảnh nghịch cảnh, thuận duyên ác duyên đều có thể như như bất động ở đây rèn luyện, đến thế giới Cực Lạc sanh vào cõi thật báo trang nghiêm, điều này không phải không được, vì sao vậy? Vì đã thật sự buông bỏ. Nếu không buông bỏ thì không vượt qua được, sẽ bị cảnh giới bên ngoài cám dỗ, đã thật sự buông bỏ thì không sao, thay đổi biến hoá ra sao cũng như như bất động.
Thế gian này người khổ nạn quá nhiều, ngày ngày tiếp xúc những người này tâm từ bi được tăng trưởng, tu đại từ đại bi. Nên nhớ trong cuộc sống tu hành, lý luận trong kinh giáo biến thành tư tưởng kiến giải của chính mình. Tất cả giáo huấn trong kinh điển đều trở thành hành vi sinh hoạt của chúng ta. Xử sự đối nhân tiếp vật nơi nơi đều hành đạo Bồ Tát. Bồ Tát đạo là ngay trong sinh hoạt hằng ngày. Ở nhà học Phật thì gia đình là đạo tràng, người nhà chính là đối tượng đầu tiên để độ. Nếu thật sự tu hành tốt, người nhà sao lại không hoan hỷ? Sao lại không khâm phục? Nhưng phải thật thật sự tu hành! Thực hành tất cả những gì trong kinh dạy, tự nhiên cảm động được người trong gia đình. Cảm động được gia đình nhất định cảm động được hàng xóm và những vùng lân cận đây mới thật gọi là hành Bồ Tát đạo.
Kinh hành để đề phòng ngủ gục, đối trị mệt mỏi còn có thể dưỡng thân trị bệnh. Thân thể con người là một bộ máy nhất định phải hoạt động, hai chữ hoạt động này hay. Quý vị xem “hoạt động” muốn sống thì phải vận động, không vận động sẽ không sống được. Quý vị thấy ý nghĩa trong văn tự xưa rất có trí huệ. Ngày ngày ngồi bất động sẽ không sống nổi, ngồi khiến nó tiêu mất, nhất định phải hoạt động. Kinh hành là hoạt động, lạy Phật là hoạt động. Hai phương thức này bất luận là pháp môn nào cũng đều dùng nhiều nhất.
“Huyền Tán Nhị vân, ư trung vãng lai, tiêu thực tụng kinh. Như kinh bố tiêu chi lai khứ, cố ngôn kinh hành”. Bố tiêu này ngày nay không còn nhìn thấy, đây là cách dệt vải ngày xưa. Không biết quý vị đã từng thấy phụ nữ trong gia đình ngày xưa dệt vải hay không. Đó là phương pháp mấy nghìn năm trước dùng con thoi để dệt thành vải. Trên đồ họa còn có thể nhìn thấy, đây là ví như kinh hành, kinh hành này không phải đi vòng quanh mà là đi thẳng, một con đường thẳng nên gọi là kinh hành. Kinh nghĩa là máy kinh vĩ.
“Hựu Pháp Hoa Kinh Tự Phẩm”. Ở trước Huyền Tán là Pháp Hoa Huyền Tán, “vân, vị thường thuỳ miên, kinh hành lâm trung”. Đức Phật khi còn tại thế buổi tối hành đạo, đi nhiễu vòng quanh trong rừng cây_kinh hành. “Vị thường thuỳ miên” khi mệt thì ngồi nghỉ dưới gốc cây, tâm địa thanh tịnh, không nhiễm chút bụi trần, vạn duyên buông bỏ, tâm định, thân cũng tịnh. “Hựu tư đạo, tư duy ư đạo dã. Tư lương ư sở đối chi cảnh, nhi liễu biệt chi, viết tư duy”. Đạo ở đâu? Chẳng nơi nào không phải là đạo. Những thứ lục căn tiếp xúc đến đều là đạo. Đạo là nói về pháp tánh, những thứ lục căn tiếp xúc đều là pháp tướng. Tánh tướng nhất như, tánh tướng không hai, từ trong tướng thấy tánh. Mắt từ sắc tướng mà thấy tánh, tai từ nghe âm thanh mà thấy tánh, lưỡi từ nếm vị mà thấy tánh. Đó chính là điều trong Lăng Nghiêm Kinh Chánh Mạch, Giao Quang pháp sư nói bỏ thức dùng căn.
Bồ Tát Quán Thế Âm “phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo”, tánh thành vô thượng đạo nghĩa là minh tâm kiến tánh. Kiến tánh không phải thấy ở trong kinh điển mà ở ngay trong đời sống hằng ngày. Trong lục căn đối với cảnh giới lục trần mà kiến tánh, xem có thấy được không, từ trong động thấy được tịnh, từ trong tạp loạn thấy được bình an. Tất cả pháp đều là tự tánh. Các pháp đều như thế, các pháp đều như vậy nên gọi là tư đạo, không nên nghĩ ngợi này nọ, nghĩ đến những điều khác là hoàn toàn sai. Người thế gian nghĩ là tài sắc danh thực thuỳ, thất tình ngũ dục, họ nghĩ đến những thứ này nên hoàn toàn sai. Trong Phật pháp nên nghĩ làm thế nào để làm được nhiều điều tốt đẹp, độ nhiều chúng sanh, tích luỹ nhiều công đức. Tốt hơn người thế gian nghĩ một chút nhưng cũng là sai. Vì sao vậy? Vì phan duyên ở bên ngoài thì lục căn không thanh tịnh.
Trong giáo lý đại thừa dạy chúng ta tuỳ duyên diệu dụng. Chúng ta tuy tuỳ duyên nhưng không phải diệu dụng, không phải diệu dụng nên nhớ rằng đó là tạo nghiệp, tuỳ duyên tạo nghiệp. Thực tế mà nói thì ý niệm chúng ta vừa khởi, trong Hoàn Nguyên Quán nói ý niệm mới động đã chu biến pháp giới, biến pháp giới hư không giới tất cả đều tiếp nhận được. Thân này của chúng ta giống như đài phát thanh vậy, ý niệm vừa động liền phát xạ ra, biến pháp giới hư không giới đều nhận được, không ai không biết. Tiếp thu được nhưng không biết. Như vậy là sao? Đó là máy móc có sự cố. Hiện tại máy móc chúng ta có sự cố. Tin tức trong mười phương thế giới xưa nay chưa từng gián đoạn, chúng ta đang nhận được nhưng không biết vì không cảm nhận được. Do máy móc có vấn đề nên nó không hoạt động, đã bị tê liệt, không phải không nhận được.
Phàm phu trong lục đạo mê mất tự tánh, nguyên nhân chính là đây. Nếu chúng ta tu hành tâm thanh tịnh liền có thể nhận được một vài tin tức. Càng thanh tịnh càng linh mẫn, những thứ ta nhận được, cảm nhận được càng nhiều. Nếu tâm tư không tập trung thì năm lực này lập tức mất đi, nhưng chúng ta phát đi mỗi niệm đều không gián đoạn. Chúng ta phát ra, tư tưởng tinh thần chúng ta dao động, tạo tác của chúng ta là vật chất, sự dao động của thân thể này biến khắp pháp giới. Chư Phật Bồ Tát nhận được vì các ngài rất rõ ràng, không bị mê hoặc. Thiên địa quỷ thần cũng có thể nhận được. Có một số thiên địa quỷ thần còn hay hơn chúng ta nhiều. Vì sao vậy? Vì họ có tu, chỉ cần có tu thì đều nhận được. Người có tu tâm họ thanh tịnh, tâm thanh tịnh đặc biệt mẫn cảm, linh mẫn nên khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác không thể không thận trọng.
Trong kinh Đức Phật nói tất cả nghiệp chướng chúng ta tạo không những phát xạ mà chúng ta còn lưu trữ tài liệu. Có kho tài liệu. Kho tài liệu này là gì? Là A lại da. Trong A lại da thu thập những chủng tử tài liệu này, vĩnh viễn không bao giờ mất đi. Kho tư liệu này rất kiên cố, trong vô lượng kiếp, thế giới có thành trụ hoại không thì kho tư liệu này cũng không bị hoại. Vì sao vậy? Vì kho tư liệu này không phải vật chất, nó là hiện tượng tinh thần, không phải hiện tượng vật chất nên nó mãi mãi không hư hoại. Khi đại triệt đại ngộ thì những tài liệu này được chỉnh đốn lại và chuyển thức thành trí. Đem tất cả những tư liệu của mình đều chuyển thành trí huệ. Trí huệ này gọi là hậu đắc trí, “vô sở bất tri”. “Bát nhã vô tri” là căn bản trí. Từ căn bản trí phát sinh hậu đắc trí, “vô sở bất tri” nên phiền não vô tận cũng không sợ. Sau khi chuyển biến đều là trí huệ vô tận. Phiền não không có thì trí huệ cũng không có, chuyển phiền não thành bồ đề. Quý là ở chỗ chuyển biến.
Đặc biệt là chúng ta đang sống trong bối cảnh thời hiện đại này, thiên tai quá nhiều, quan trọng nhất là chuyển tâm lại. Chúng ta học Phật nhiều năm như vậy, thường nói thuần tịnh, thuần thiện. Điều này rất quan trọng! Tâm chúng ta là thuần tịnh, thuần thiện thì không có thiên tai. Đây là thật không phải giả. Một trận động đất, một trận sóng thần chúng ta cũng tiêu, thân thể không còn. Thân thể là giả, thân thể không phải của ta. Ý niệm thuần tịnh thuần thiện là thật. Nó đi về đâu? Nó đến thế Giới Cực Lạc.
Chúng ta biết những người chết trong thiên tai, Phật A Di Đà cũng hiển diện. Người có duyên với Phật thấy được ngài, người không có duyên thì không nhìn thấy. Đức Phật đều tiếp dẫn hết, điều này không hề hư vọng. Đây là thật nhưng chúng ta phải tu hành chân chánh mới có thể thành tựu, nên từ sáng đến tối ngày ngày tháng tháng niệm Phật không gián đoạn. Phải buông bỏ duyên thế gian, toàn là giả không nên để trong lòng. Gặp được duyên thì vận dụng nó, vận dụng thật siêng năng, làm tấm gương tốt để thế nhân noi không nên làm gương xấu, cần phải làm gương tốt để báo ơn chư Phật, đại chúng trong xã hội thấy đó là người học Phật, học Phật rất tốt, đây là báo ơn chư Phật. Nếu khiến người ta huỷ báng Phật như vậy là chúng ta sai. Chúng ta phải biểu hiện để người ta tán thán không nên để người huỷ báng.
“Hựu Quán Kinh Vi Đề Hy phu nhân thỉnh viết, ngã kim lạc sanh Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật sở. Duy nguyện Thế Tôn giáo ngã tư duy, giáo ngã chánh thọ”.
Đây là một đoạn trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Phu nhân Vi Đề Hy gặp biến cố gia đình. Chồng của bà là quốc vương. Biến cố từ đâu mà có? Con trai nghe lời ly gián của Đề Bà Đạt Đa, nên đoạt vương vị của cha, hại cha, hại mẹ gậy nên một biến cố lớn. Gia đình biến cố nên cảm thấy nhân sinh không có chút ý nghĩa, cầu Phật cứu bà. Đức Phật liền đến gặp và an ủi bà. Bà ta khóc lóc bạch Phật rằng: Con không muốn ở trên thế gian này nữa, thế gian này quá nhiều đau khổ. Nếu có cõi nước an ổn thì con nguyện được vãng sanh? Đức Phật dùng thần lực hiện ra cõi nước của Chư Phật trước mặt bà, để chính mắt bà thấy. Bà xem xong, thấy thế giới Cực Lạc của Phật Di Đà là tốt nhất nên muốn đi về đó. Cầu Phật dạy bà tư duy, dạy bà chánh thọ, cũng chính là nói con cảm thấy thế giới Cực Lạc tốt. Bà Vi Đề Hy đã chọn đúng.
Đến đó bằng cách nào? Cầu Thế Tôn chỉ dạy cho bà. Phật dạy cho bà ta 16 loại quán tưởng. Kinh Thập Lục Quán chính là phu nhân Vi Đề Hy khởi thỉnh. Mười sáu phương pháp này, bất cứ phương pháp nào quán thành đều có thể vãng sanh. Trí Giả đại sư tông Thiên Thai đời nhà Đường đã tu 16 quán này mà vãng sanh. Một bậc tổ sư đã tu thành công pháp môn này nhưng 16 pháp quán này không dễ. Quán cuối cùng trong 16 quán là trì danh niệm Phật nên trì danh niệm Phật cũng ở trong mười sáu phép quán này chứ không phải bên ngoài. Pháp quán sau cùng là trì danh.
Vì sao khó tu? Quán quá vi tế. Phàm phu chúng ta tâm không được tỷ mỷ, thiếu thận trọng quán sẽ không thành. Ví dụ như phép quán thứ nhất “lạc nhật huyền cổ”, quán phương tây, khi hoàng hôn mặt trời hạ núi, quý vị nhìn mặt trời. Như thế nào gọi là quán thành? Sau khi quán thành nghĩa là bất luận ở đâu, mở mắt ra đều thấy mặt trời ở trước mặt, nhắm mắt cũng thấy mặt trời hiện ra trước mặt như vậy là quán thành. Thử xem chúng là có làm được hay chăng? Không được, mở mắt ra mặt trời cũng không có trước mắt mà nhắm mắt lại cũng không có như vậy là quán không thành. Quán thành là có thể vãng sanh. Phàm là người không tỷ mỷ đều tu quán không thành công, cho nên pháp quán sau cùng là dạy chúng ta niệm Phật_Trì danh niệm Phật. Dùng phương pháp niệm Phật cũng có thể vãng sanh.
Nói tóm lại quán và niệm đều là biện pháp hàng phục phiền não. Tập khí phiền não của chúng ta có thể buông bỏ thì quán hay niệm đều dễ dàng hơn. Ngày nay chúng ta quán hay niệm đều không thành tựu, vì không buông bỏ được. Điều trước tiên chính là thân chưa buông. Thiên kinh vạn luận Đức Phật đều nói đến vấn đề này, nói về việc này, toàn tâm toàn ý không biết nói bao nhiêu lần. Thân không phải là ta. Đức Phật định nghĩa cái ta rất rõ ràng minh bạch. Ta là gì? Cái gì là ta? Đức Phật nói ra tám nghĩa. Trong tám nghĩa đó có hai nghĩa quan trọng nhất cần phải ghi nhớ. Ý thứ nhất là chủ tể, thứ hai là tự tại. Thân thể của chúng ta có chủ tể chăng? Có thể tự tại chăng? Nếu tôi có thể làm chủ được thì tôi mỗi năm đều là 18, tôi không muốn già cũng không muốn bệnh. Làm được như thế chăng? Không làm được, năm này già hơn năm trước, ngày này già hơn ngày kia. Không còn cách nào, chúng ta không làm chủ được.
Chúng ta muốn tự tại. Mùa hè nóng, mùa đông lạnh. Mùa hè tôi không muốn nóng, mùa đông tôi cũng không muốn nó lạnh như vậy. Có thể làm được chăng? Không được. Chúng ta không có cách nào để thoát khỏi người và việc, cùng sự phiền nhiễu của hoàn cảnh tự nhiên nên không thể tự tại. Nghĩ đến Đức Thế Tôn nói về định nghĩa này, tư duy tận tường thì không có, đây gọi là vô ngã. Vì ngộ nhận nên xem thân này là ta vì thân thể này mà tạo nghiệp_Tạo vô lượng vô biên tội nghiệp để chiêu cảm lấy báo khổ của tam ác đạo, quá sai lầm!
“Thiện Đạo đại sư chú viết”. Chú giải kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật là của Thiện Đạo đại sư. “Ngôn giáo ngã tư duy giả, tức thị định tiền phương tiện. Tư tưởng ức niệm bỉ Phật, y chánh nhị báo tứ chủng trang nghiêm dã”. Đây là dạy chúng ta tư duy, dạy chúng ta quán như thế nào? Nghĩ như thế nào? Xem như thế nào? Y báo, chánh báo bốn loại trang nghiêm của thể giới Cực Lạc ở trước chúng ta đọc qua. Trong Vãng Sanh Luận nói ba loại, mở và khép không giống nhau. Đó là quốc độ trang nghiêm, Phật trang nghiêm, Bồ Tát trang nghiêm. Chúng ta thường nghĩ đến điều này, như vậy càng tường tận, Kinh Thập Lục Quán nói với quý vị 16 loại rất tường tận. Kinh Vô Lượng Thọ rất tường tận. Kinh này từ đầu đến cuối có 48 phẩm, 48 phẩm quá nhiều. Quý vị quán tưởng 48 nguyện của Phật A Di Đà, điều này rất tốt!
Đem 48 nguyện của Phật A Di Đà Phật biến thành bổn nguyện của mình. Điều trước tiên là phải thuần thục, phải thuộc làu 48 nguyện. Sau khi đọc thuộc, trong cuộc sống hằng ngày khởi tâm động niệm đều có thể tương ưng với 48 nguyện. Như vậy trong niệm Phật thêm hai chữ quán tưởng, rất có hiệu quả. Tập khí phiền não nặng, dùng phương pháp này rất hay! Thật sự có thể nhiếp tâm, luyện tâm trong mọi lúc, mọi cảnh duyên đều không tán loạn. Đây là định tiền phương tiện trong Quán Kinh, dạy chúng ta quán tưởng như thế nào.
Bồ Tát Đại Thế Chí nói nhớ Phật niệm Phật thì hiện tại tương lai nhất định thấy Phật. Quý vị thấy thù thắng biết bao! Thường nghĩ đến Phật, thường nghĩ đến thế giới Cực Lạc, thường có tâm cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Làm gì có đạo lý không vãng sanh đến thế giới Cực Lạc!
Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
淨土大經解演義
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 06 tháng 04 năm 2011
Địa điểm: :Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn.
Biên tập: Bình Minh.