Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, hàng cuối cùng trang 409. Đoạn này tuy đã giảng, nhưng vì nó quá quan trọng, cũng quá ưu việt, nên chúng ta ôn tập một chút.
“Hựu tiểu bổn y chánh nhân quả giai bất khả tư nghị. Sớ sao viết, y vị đồng cư tức tịch quang”. Đây là y báo. Chánh báo nói “ứng thân tức pháp thân”, “nhân vị thất nhật công thành, quả vị nhất sanh bất thoái”. Đây là Liên Trì đại sư nói Tịnh độ y chánh nhân quả, thật sự nói đến tột cùng. Trong mười phương thế giới tìm không thấy, chỉ có trong cõi Tịnh độ của Phật Di Đà. Nên chư Phật tán thán Phật A Di Đà là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”. Sự tán thán này không quá đáng, Tán thán như vậy khiến chúng ta thật sự nhận thức Tịnh độ. Biết được Tịnh độ là thù thắng đệ nhất trong đại thừa. Kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa đều không thể sánh được.
Kinh Hoa Nghiêm và Pháp Hoa cũng là một đời thành Phật. Bảy ngày được hay không? Chắc chắn làm không được. Kinh Di Đà bảy ngày thành Phật, điều này chỉ có trong kinh Di Đà. Đứng về quả mà nói thì suốt đời không thoái chuyển. Tất cả chư Phật Như Lai trong khi giáo hoá, một đời bất thoái chỉ có vị bất thoái. Bồ Tát minh tâm kiến tánh hành bất thoái, niệm bất thoái. Nhưng thế giới tây phương Cực Lạc, mặc dù sanh đến cõi phàm thánh đồng cư hạ hạ phẩm, cũng là viên chứng tam bất thoái. Do đó tây phương tịnh độ vượt qua kinh Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, cũng chính là vượt qua thế giới Hoa Tạng. Nếu chúng ta không có nhận thức này, thì đối với thế giới Cực Lạc không có tâm mong cầu. Chúng ta dùng tâm bình thường để xem nó, như vậy là sai.
Cơ duyên đời này ngay trước mắt bị bỏ lỡ qua, quý vị nói có đáng tiếc hay không! Trong cõi Tịnh độ của Phật Di Đà, chúng ta từ Vãng Sanh Luận và Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, từ người niệm Phật vãng sanh trong thời cận đại, chúng ta quan sát tỷ mỷ. Thông thường, chính là phổ thông. Thông thường phải cần bao nhiêu thời gian mới thành tựu? Chúng ta thấy phải vượt trên một nửa số. Điều này có thể làm đại biểu, có thể làm tượng trưng, có thể làm chứng cứ khoa học. Ba năm có thể thành công. Cư sĩ Hoàng Trung Xướng 30 tuổi là thành tựu. Nghe tôi giảng kinh, ông ta đã phát nguyện làm thí nghiệm. Nhập thất ba năm xem có thể thành công hay không. Ông bế quan ở Thẩm Quyến. Hai năm mười tháng, còn thiếu hai tháng đầy ba năm. Ông ta đã biết trước giờ vãng sanh. Là thật không phải giả. Trong nửa thế kỷ gần đây, mới bắt đầu cũng có một vài người tu hành chân chánh trú thế. Như hoà thượng Đế Nhàn, hoà thượng Hư Vân, pháp sư Hưng Từ.
Lão pháp sư Đế Nhàn là người tu hành chân chánh. Đệ tử của họ cũng tu hành tinh tấn, như đệ tử của Đế Nhàn là pháp sư Đàm Hư, pháp sư Tịnh Quyền. Thật sự có thể gọi là truyền nhân của Thiên Thai, tiếp tục huệ mạng của Phật. Trong đệ tử xuất gia và tại gia của họ, có người niệm Phật vãng sanh đoan tướng hy hữu. Điều này đã chứng minh cho chúng ta. Trong Ảnh Trần Hồi Ức Lục có hơn mười người. Nhân không khó, rất dễ nhưng quả vô cùng thù thắng. Tất cả pháp môn đều không thể sánh bằng, đến đâu để tìm!
Trong Yếu Giải Ngẫu Ích Đại sư nói về năm loại không thể nghĩ bàn. Thứ nhất là nói về tu nhân. “Hoành siêu tam giới, bất kỳ đoạn hoặc”. Ngay trong nhân đạo trực tiếp vãng sanh về tây phương tịnh độ. Đây gọi là hoành siêu. Không cần từng bậc từng bậc tiến lên. Từ cõi người nâng cao đến cõi trời dục giới, rồi tiếp tục nâng cao đến cõi trời sắc giới, nâng cao tiếp đến trời vô sắc giới. Và nâng cao hơn nửa đến Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật. Đây gọi là đi lên theo cột dọc. Giống như lên lầu vậy, từng tầng từng tầng đi lên. Ra khỏi mười pháp giới. Đường đi của các pháp môn đều dùng cách này. Nên cần thời gian rất dài để đoạn phiền não mới có thể nâng cao cảnh giới, phiền não chưa đoạn thì không thể nâng cao. Duy nhất chỉ có pháp môn này mới không cần đoạn hoặc. Nhất phẩm phiền não chưa đoạn cũng có thể vãng sanh, cũng có thể vượt lên tam giới là dục giới, sắc giới, vô sắc giới.
Tam giới chính là lục đạo luân hồi, những đã vượt ra khỏi. Thực tế mà nói luân hồi lục đạo quá khổ nhưng vẫn còn lưu luyến, như vậy thật sự gọi là mê hoặc điên đảo đến nổi không biết đúng sai. Tâm lượng phải lớn, không thể tự tư tự lợi. Thật sự phải cần có duyên. Trái tim của Phật A Di Đà là như vậy, nguyện tất cả chúng sanh đều thành Phật. Không những là hữu tình chúng sanh, mà bao gồm cả vô tình chúng sanh như cây cỏ hoa lá, sơn hà đại địa. Trong kinh Hoa Nghiêm nói, hữu tình và vô tình đều viên thành chủng trí. Trên thân Phật A Di Đà chúng ta nhìn thấy, tôi nhìn thấy các bạn đồng học có thể buông bỏ thành kiến của mình để tuỳ thuận người khác, đây là việc tốt. Đây là một việc rất khó. Đây là tiến bộ rất lớn đối với người niệm Phật tu hành. Không kiên trì theo ý mình, người khác nói như thế nào cũng được, tuỳ thuận tất cả. Nhưng còn căn bản, căn bản là tôi, chấp thân này là tôi, điều này rất khó buông bỏ, phải đi từng bước từng bước một. Thân không phải là tôi, thân này là công cụ của tôi. Tôi cần lợi dụng công cụ này, giúp tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ. Công cụ này là công cụ tốt. Nếu dùng công cụ này để tạo ra tham sân si mạn, tạo ra danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, như vậy thì công cụ này không tốt. Công cụ này đưa ta đến địa ngục A tỳ.
Tôi biết nó là công cụ, nên tự mình phải làm chủ, nó phải nghe tôi. Chúng sanh mê hoặc, không biết chân tướng sự thật, nên nó chủ trì tất cả mọi việc. Trí tuệ không làm chủ được tánh đức tự tánh, như vậy là tạo vô lượng vô biên tội nghiệp. Tôi là ai? Điều này không thể không thông suốt. Trong đại thừa giáo Đức Phật thường nói, tất cả chúng sanh vốn là Phật. Như vậy tôi biết tôi là Phật, điều này ta phải cần thừa nhận. Tôi vốn là Phật, vậy tại sao tôi không làm Phật? Y theo trong kinh điển mà sống, mà hành trì, y theo kinh điển mà tư duy, chính là làm Phật. Kinh điển là báo cáo của người đã trở về với tự tánh, trong báo cáo này có đạo lý, có khái niệm, có phương pháp, có hiệu quả và có kinh nghiệm, cung cấp cho chúng ta làm tham khảo, giúp chúng ta trở về với tự tánh. Cũng chính là nói giúp chúng ta thành Phật. Thành Phật là thành tựu cứu cánh viên mãn, là thành tựu đại tự tại, đại trí tuệ. Cuối cùng dùng câu nói thật không thể nghĩ bàn để hình dung. Không còn mê muội hồ đồ, không còn lưu lạc.
Điều thứ hai không thể nghĩ bàn “tức ư tây phương hoành cụ tứ độ, phi do tiệm chứng”. Điều này quá vi diệu, một người sanh thì tất cả đều sanh. Sanh vào cõi phàm thánh đồng cư, tức đồng nghĩa với sanh vào cõi thường tịch quang. Hoàn toàn tương đồng với những gì Liên Trì đại sư nói, đồng cư tức tịch quang. Điều này là Liên Trì đại sư nói. Ngẫu Ích đại sư nói về hoành cụ tứ độ, không phải là một cấp bậc ngày càng nâng cao lên. Tứ độ cũng có, tam bối cửu phẩm cũng không thể nói là không có. Nhưng trên thực tế thì dấu vết của tứ độ, tam bối, cửu phẩm đều không tìm thấy. Nó là thế giới bình đẳng, là người một nhà. Bồ Tát trong thế giới Cực Lạc thật sự thân giống như anh chị em trong một nhà vậy. Biến biến pháp giới hư không giới với chính mình có quan hệ như thế nào, thật sự là một thể. Là một tự tánh thanh tịnh viên minh thể.
Điều không thể nghĩ bàn thứ ba là. “Đản trì danh hiệu, bất giả thiền quán chư phương tiện”. Hay nói cách khác, không cần dùng bất cứ pháp môn nào để giúp đỡ, chỉ một câu danh hiệu Phật. Rất nhiều pháp môn tu hành đều có chánh và phụ song tu, Tịnh độ tông cũng không ngoại lệ. Ngài Ngẫu Ích dạy chúng ta, chánh tu là chấp trì danh hiệu, mà trợ tu vẫn là chấp trì danh hiệu. Niệm rốt ráo một câu A Di Đà Phật, thì chánh hay phụ đều bao hàm trong đó. Đản trì danh hiệu, công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn. Không cần bất cứ giúp đỡ nào.
Tịnh Nghiệp Tam Phước là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất của người tu học pháp môn tịnh độ. Chúng ta chuyên trì danh hiệu, một môn thâm nhập, như vậy có trái với Tịnh Nghiệp Tam Phước chăng? Thực tế mà nói thì từng câu từng chữ trong Tịnh Nghiệp Tam Phước đều bao hàm trong danh hiệu này. Trì danh hiệu thì tất cả đều đầy đủ. Cha mẹ đều hy vọng chúng ta thành tựu, hy vọng chúng ta tốt. Thầy với cha mẹ giống nhau, cũng hy vọng chúng ta thành tựu. Trong tất cả thành tựu, thì vô thượng thành tựu, vô thượng viên mãn là làm Phật. Ngày nay chúng ta niệm Phật A Di Đà là để thành Phật. Không những thành Phật, mà còn thành Phật A Di Đà. Điều này đối với cha mẹ có phải là tận hiếu rồi chăng? Viên mãn đại hiếu. Đối với thầy là cung kính tuyệt đối, tôn kính thầy. Nên ta cần phải đọc mười một câu trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, rồi đối chiếu với chấp trì danh hiệu này. Từng câu đều đối chiếu phù hợp. Đối chiếu tương ứng với lục hòa. Đối với tam học, lục độ, thập đại nguyện vương hoàn toàn đối ứng. Và cũng tương ưng với từng nguyện trong 48 nguyện của Phật A Di Đà. Như vậy mới biết công đức danh hiệu thật không thể nghĩ bàn.
Thứ tư “Nhất thất vi kỳ, bất tịch đa kiếp đa sanh đa niên nguyệt”. Đây chính là Liên Trì đại sư nói “nhân vị thất nhật thành công”. Không cần thời gian quá dài. Thông thường tập khí nặng hơn một chút, tinh cần kém hơn một chút thì ba năm thành công. Nếu dõng mãnh tinh tấn, thì từ một ngày đến bảy ngày sẽ thành tựu.
Thứ năm “Trì nhất Phật danh, tức vi chư Phật hộ niệm. Bất dị trì nhất thiết Phật danh”. Câu này rất quan trọng. Không cần phải học cái này học cái kia. Chỉ cần niệm Phật A Di Đà là đồng nghĩa với niệm danh hiệu của tất cả chư Phật trong mười phương ba đời, không sót một ai. Niệm câu Phật hiệu này, không có vị Phật nào không sanh đại hoan hỷ. Vì sao? Tâm Phật tương đồng. Tâm Phật đều đang chúc phúc, hy vọng, kỳ vọng chúng ta mau thành Phật. Như vậy con đường chúng ta đi sẽ rất nhanh. Không có vị Phật nào không hoan hỷ! Nên niệm Phật A Di Đà sẽ được tất cả chư Phật hộ niệm. Đạo lý là ở đây. Được tất cả thiên long thiện thần ủng hộ.
Nếu thật sự niệm rốt ráo câu Phật hiệu này, đối với chính mình mà nói thì hoàn toàn không sanh bệnh. Mà chỉ sanh điều gì? Sanh hoan hỷ. Thường sanh tâm hoan hỷ, pháp hỷ sung mãn. Sanh trí tuệ không sanh phiền não. Được oai thần của Phật Di Đà gia trì và được hào quang của Phật Di Đà gia trì. Thập nhị quang minh chính là mười hai loại công đức hào quang của Phật. Đây là đức Phật A Di Đà cho chúng ta lợi ích chân thật. Điều này hoàn toàn không hư vọng. “Huệ” là cho, cho chúng ta lợi ích chân thật.
“Thử giai đạo sư đại nguyện hành chi sở thành tựu. Cố viết A Di Đà Phật bất khả tư nghị công đức chi lợi”. Lợi này là cho tôi, cho quý vị, cho họ, cho tất cả chúng sanh. Phật A Di Đà bình đẳng cho tất cả chúng sanh. Trí tuệ, quang minh của Phật A Di Đà từ đâu mà có? Công đức từ đâu mà có? Là Đức Phật Di Đà lúc sơ phát tâm ở nơi nhân địa, trong thân tỳ kheo, về sau nâng cao lên thân Bồ Tát, phát đại nguyện, đại hạnh. 48 nguyện là đại nguyện, năm kiếp tu hành là đại hạnh. Thực hành suốt thời gian dài như vậy, nên đã dưỡng thành thói quen. Thời gian năm kiếp không dưỡng thành thói quen rồi sao! Không có một chút khiếm khuyết nào. Đại nguyện viên mãn, đại hành viên mãn. Tự nhiên chiêu cảm được trí tuệ quang minh và vô lượng công đức. Đây là tự nhiên chiêu cảm được, không phải có tâm mong cầu.
“Hựu viết”, câu ở dưới này rất quan trọng. “Hành nhân tín nguyện trì danh”. Hành nhân là người tu hành. Hiện nay chúng ta tu pháp môn này, đã thật sự tu chăng? Tu hành chơn chánh là như thế nào? Tu hành chân chánh sẽ như Phật A Di Đà, nhất định không nhìn thấy xốc nổi, chắc chắn không có vọng niệm. Tôi còn có vọng niệm, tôi còn tập khí nóng nảy, tôi không tu, tôi tu không tốt. Như vậy thì không giống! Nên người tu hành đối với pháp môn tịnh độ, đối với Phật Di Đà, đối với thế giới Cực Lạc. Và mức độ tín tâm, mức độ phát nguyện, mức độ tu hành. Đây là trì danh. Có phải câu Phật hiệu này suốt ngày đêm sáu thời đều không gián đoạn? Có phải trong tâm thật có Phật A Di Đà? Chúng ta phải từng giờ từng phút phản tỉnh. Không cần để ý đến người khác, chỉ nên quản lý mình cho tốt. Người khác có thành tựu hay không không liên quan đến mình. Quan trọng nhất là chính mình thành tựu, mới thật giống như Phật giúp đỡ người khác.
Chính mình vẫn còn xúc cảm, vẫn còn tình chấp, vẫn còn tập khí phiền não, như vậy không được. Công phu niệm Phật của chúng ta chưa đắc lực. Công phu niệm Phật đắc lực là sao? Niệm đến khi nào buông bỏ hết tất cả mọi thứ, trong tâm chỉ có một câu A Di Đà Phật, ngoài ra tất cả đều không còn, buông xả hết. Đây gọi là nhất tâm bất loạn.
Trình độ nhất tâm bất loạn có cạn có sâu không giống nhau. Có sự nhất tâm, có lý nhất tâm. Lý nhất tâm là khai ngộ, sự nhất tâm là được định. Nếu chưa được định, cũng chưa khai ngộ. Nhưng trình độ tu có chút sức mạnh vẫn có thể được chế phục được tập khí phiền não. Đây gọi là công phu thành phiến. Công phu thành phiến là nhất tâm bất loạn còn rất cạn, chỉ là phần nhỏ. Sự nhất tâm là đa phần, lý nhất tâm là viên mãn. Chúng ta phân ra tam độ quý vị sẽ hiểu. Viên mãn nhất tâm bất loạn sanh vào cõi thật báo. Đa phần nhất tâm bất loạn sanh vào cõi phương tiện. Thiểu phần, giống như công phu thành phiến là thiểu phần, sanh vào cõi thánh phàm đồng cư.
Chúng ta ở nơi thế giới này, nên toàn tâm toàn lực, nhất tâm nhất ý để được sanh vào cõi thật báo trang nghiêm. Không đạt được cõi thật báo trang nghiêm, cũng có thể đạt được cõi phương tiện hữu dư, điều này khẳng định đạt được. Như vậy cũng không tệ, quý vị là người niệm Phật tinh tấn. Chúng ta trong đời này có phương hướng, có mục tiêu. Phương hướng là thế giới tây phương Cực Lạc. Mục tiêu là thân cận Phật A Di Đà. Trở về thế giới Cực Lạc để học với Phật A Di Đà. Ở cõi thật báo cư trú thời gian dài ngắn không nhất định. Có người nỗ lực dõng mãnh tinh tấn, họ rất nhanh chóng đi vào cõi thường tịch quang. Họ đã tốt nghiệp, đã cứu cánh viên mãn. Nếu không thể dõng mãnh tinh tấn như họ, thì ở thế giới Cực Lạc cũng sẽ không thoái chuyển. Tiến bộ, nhưng tiến bộ từ từ. Đức Phật nói thời gian dài nhất là ba đại a tăng kỳ kiếp, là thời gian dài nhất ở cõi thật báo. Chính là nói khi ta mới vào là sơ địa Bồ Tát, còn khi tốt nghiệp là diệu giác quả Phật. Diệu giác Phật quả là trở về thường tịch quang. Thời gian dài nhất là ba đại a tăng kỳ kiếp. Thời gian dài nhất thì như trong kinh Di Đà nói, từ một ngày cho đến bảy ngày sẽ đến được thường tịch quang.
Câu ở dưới rất quan trọng. “Toàn nhiếp Phật công đức thành tự công đức”. Tin thật, nguyện thật. Niệm một câu danh hiệu Phật ngày đêm không gián đoạn, thì tất cả công đức của Phật A Di Đà đều trở thành công đức chính mình. Vì sao vậy? Vì chúng ta với Phật A Di Đà hợp thành nhất thể. Hạng người này vãng sanh về thế giới Cực Lạc, thì sanh vào đâu? Thật báo trang nghiêm độ thượng bối vãng sanh. Nhất định như vậy! Điều này chúng ta có thể làm được, không phải không làm được. Nhưng phải hạ quyết tâm vứt bỏ thế giới này. Nên biết thế giới này là giả, không phải thật.
Nên nhớ Kinh Kim Cang rất hay. Phật giáo Trung quốc, bất luận là đệ tử xuất gia hay tại gia, không ai không đọc kinh Kim Cang. Kinh Kim Cang dạy chúng ta nhìn thấu suốt và buông bỏ. Nhìn thấu triệt để và buông bỏ tất cả, thật không thể nghĩ bàn! Kinh Kim Cang nói: “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, bao gồm cả Phật pháp. Nên trong kinh nói, pháp còn phải bỏ huống gì phi pháp. Tất cả pháp mà Đức Thế Tôn nói trong suốt 49 năm cũng phải bỏ, không thể chấp trước, chấp trước là sai. Pháp mà còn phải bỏ huống là phi pháp.
Lúc trẻ, có chí nối Phật huệ mạng, hoằng pháp lợi sanh. Đây là pháp mà ta cần, ta cần phải học tập. Khi tuổi lớn, trong quá khứ đã giảng trên 50 năm, thì không thể học nửa. Trên 50 thì mục tiêu phải định ở chỗ nào? Định ở thành tựu của chính mình. Giúp người khác là thứ yếu, là tuỳ duyên. Mình chưa thành tựu làm sao giúp người khác. Suốt ngày chỉ bận lo cho người khác, còn việc tu hành của chính mình thì lại lãng quên. Sai, hoàn toàn sai lầm. Như vậy vẫn cứ tiếp tục trôi lăn trong luân hồi. Nếu giúp đỡ họ mà trong đó có một hai người thành Phật, tương lai trên đường đạo bồ đề ta lạc mất phương hướng, thì họ sẽ đến cứu độ chúng ta. Nếu ta giúp họ mà đều không thành tựu. Hay nói cách khác thì tương lai khi ta gặp nạn, sẽ không có ai giúp cũng không ai cứu được. Điều này không thể không biết.
Nên quý vị nói, tự độ quan trọng hay độ người quan trọng? Người tu hành chưa chứng quả thì tự độ là quan trọng. Quả báo của điều này là gì? Tiểu thừa là A la hán, còn đại thừa là viên giáo sơ trú Bồ Tát, biệt giáo sơ địa Bồ Tát. Đây là tự độ. Nếu chưa đến địa vị này thì không phải tự độ. Tự mình phải hiểu rõ điều này. Trong “thập thừa quán pháp”, chúng ta đã học qua nên biết được vị thứ. Chúng ta ở vị trí nào, đang ở đẳng cấp nào, nên phải rõ ràng minh bạch.
Người học pháp môn tịnh độ, vãng sanh được coi là tự độ. Tuy ở trong cõi phàm thánh đồng cư nhưng cũng là tự độ. Vì sao vậy? Bởi họ chắc chắn không đọa lạc trong mười pháp giới, càng không thể đọa lạc vào trong luân hồi lục đạo. Đây gọi là tự độ. Người ở trong cõi đồng cư hạ hạ phẩm vãng sanh, được thấy Phật A Di Đà, và đều có năng lực dùng thuyền từ phổ độ chúng sanh. Đến đâu? Đến mười phương thế giới. Trong mười phương thế giới đều có những chúng sanh có nhân duyên với chúng ta. Họ có cảm chúng ta liền có ứng, giống như Bồ Tát Quan Thế Âm vậy. Cần lấy thân Phật để độ thì liền thị hiện thân Phật. Cần lấy thân Bồ Tát để độ thì liền thị hiện thân Bồ Tát. Tất cả các thân đều có thể hiện, tất cả pháp đều có thể giảng. Không hề có chướng ngại. Thần lực đức tướng của chúng ta tương tự với Phật A Di Đà.
“Toàn nhiếp Phật công đức thành tự công đức”. Phật ở đây là Phật A Di Đà, chúng ta nỗ lực sẽ làm được, nhưng phải thật sự chịu buông bỏ. Nếu không chịu buông bỏ sẽ không có cảm ứng này. Thân tâm hay thế giới đều buông bỏ hết. Thân này không phải tôi. Khởi tâm động niệm, suy này nghĩ nọ cũng đều không phải là tôi. Đều phải buông bỏ, buông bỏ thế giới. Sống trong thế gian này, còn có thân thể thì còn tuỳ duyên, tất cả đều tuỳ duyên. Tốt!
Năm 1977 là lần đầu tiên tôi rời Đài Loan đến HongKong giảng kinh. Lúc đó HongKong là thuộc địa của nước Anh, cũng coi như là xuất ngoại. Các vị trưởng lão đại đức trong Phật giáo ở HongKong chúng tôi đều biết. Tôi ở HongKong bốn tháng. Pháp sư Tẩy Trần ở đông bắc, lớn hơn tôi mấy tuổi, lớn hơn tôi khoảng năm sáu tuổi, không nhiều. Chúng tôi cũng rất thân. Thầy lãnh đạo lớp thanh niên của Phật giáo HongKong. Tôi từng bàn luận với thầy, vấn đề này cư sĩ Giang Vị Nông đề xuất trong kinh Kim Cang giảng nghĩa. Người trẻ tuổi như chúng ta đọc đến những chú giải này đều rất cảm động. Thầy nói Phật giáo thật sự cần phải hưng vượng, tất cả phải thực hành chế độ trì bát khất thực.
Lúc Đức Thế Tôn còn tại thế đi trì bát khất thực. Tôi nói với pháp sư Tẩy Trần. Pháp sư thì sao, có suy nghĩ gì? Nếu chúng ta đồng nhất ý chí, thì pháp sư dẫn đầu tôi hưởng ứng. Không cần nhiều người, chỉ cần tìm năm người, năm tỳ kheo. Như Đức Thế Tôn có năm vị tỳ kheo khai sáng giáo đoàn. Ngày nay năm vị tỳ kheo như chúng ta có thể làm hưng long giáo pháp. Đức Thế Tôn trước đây rất cực khổ, đều ở dưới gốc cây. Tôi nói chúng ta bây giờ không có thể lực đó, nhưng chúng tôi có thể ở nhà tranh. Một người ở một nhà tranh, nhà tranh nhỏ. Nhà tranh giống như thiếu niên vũ trang đóng trên đường. Chúng ta có thể sống cuộc sống này.
Ngoài việc trì bát ra, chúng ta ngồi thiền, niệm Phật, giảng kinh dạy học. Năm người luân lưu giảng, một người giảng bốn người nghe. Đối với kiến nghị của tôi thầy ấy rất hứng thú. Lầu đầu tiên tôi đến HongKong làm visa được bốn tháng. Sau bốn tháng tôi trở về Đài Loan, tôi nói tôi đợi tin tức của thầy. Kết quả sau đó không có tin gì. Cho thấy người cùng chí hướng rất khó tìm. Thật không dễ! Tôi cảm thấy đề nghị của cư sĩ Giang Vị Nông là chính xác, rất có lý. Đem đến cho xã hội đại chúng một tấm gương tốt, thật sự đã buông bỏ.
Ở Ấn Độ ba y một bát là đủ. Nhưng mảnh đất HongKong này thuộc về á nhiệt đới, là vùng ôn đới. Phải có đủ áo quần của bốn mùa, chúng ta có cần chuẩn bị bốn y? Không cần, khi trời lạnh sẽ có người đem y phục đến, không cần nghĩ đến những điều này. Mỗi người làm thành một đội nhỏ, hàng ngày đi vào trong chợ khất thực, ai cũng quen chúng ta. Mùa đông thấy lạnh, nhất định sẽ bổ sung y phục cho quý vị. Không cần phải nghĩ đến bất cứ điều gì, chỉ nghĩ đến Phật A Di Đà là đủ.
“Yếu Giải sở vân, tín nguyện trì danh. Toàn nhiếp Phật công đức thành tự công đức. Chân thị hồng tâm lý diện trung hồng tâm”. Hồng tâm của các hồng tâm. Câu này nói rất hay, chưa từng nghe ai nói như vậy, nhưng Ngẫu Ích đại sư nói ra thật hiếm thấy. Là sự thật hoàn toàn chính xác, tuyệt đối không phải là giả. Chúng ta có năng lực, cũng chính là trong kinh Đức Phật thường nói, chế tâm một chỗ không việc gì không làm được. Chúng ta đem tâm để nơi Phật A Di Đà, nơi câu danh hiệu này, chính là có thể đem công đức của Phật A Di Đà biến thành công đức chính mình. Nếu còn vọng niệm xen tạp vào, như vậy sẽ phá hoại hết. Không cần nhiều, một vọng niệm xen vào cũng đã phá hoại tất cả rồi. Điều này cổ nhân có ví dụ là đề hồ, ví dụ trong Phật pháp.
Đề hồ là gì? Là thức uống của chư thiên. Ly đề hồ này là nước uống ngon nhất. Nhưng bỏ vào một giọt thuốc độc, thì toàn bộ đề hồ này đều biến thành thuốc độc. Có bạn học tải được tin tức từ trên mạng, sáng sớm hôm nay tôi đọc thấy, hiện nay bức xạ hạt nhân của Nhật Bản diễn biến thành rất nghiêm trọng. Thủ tướng Nhật Bản cũng thừa nhận, nó thật sự đã ảnh hưởng đến bắc bán cầu. Mỹ, Canada, cũng bị bức xạ hạt nhân này ảnh hưởng. Úc Châu bị ảnh hưởng đến. Mấy tỉnh của vùng duyên hải Trung quốc đều bị ảnh hưởng, nó tuỳ theo gió mà bay đi. Cũng may là nó chưa nghiêm trọng, chỉ bay với số lượng nhỏ bên ngoài. Thật sự bị hại chính là đất nước Nhật Bản. Trong bản tin tức nói, Đông kinh, chính là thành thị này. Có thể có hai mươi vạn người, vì bức xạ hạt nhân này mà bị nhiễm bệnh. Điều này phiền phức rất lớn.
Nghe nói Nhật Bản có hơn 50 xưởng phát điện hạt nhân, chính là đồng nghĩa với có hơn 50 quả bom nguyên tử. Nếu một nửa có vấn đề, thì phiền phức này rất lớn. Có thể không? Có thể. Vài lần động đất lớn, thì thiên tai lập tức phát sanh. Đây là khoa học kỹ thuật đem đến thiên tai, chúng ta không thể không biết. Hiện tại ở thế gian này, chúng ta đọc bộ kinh này có cảm xúc rất sâu sắc! Trong vũ trụ lớn lao này còn một điều tốt như vậy, ở đây có thể nói là tận thiện tận mỹ. Phật Di Đà và toàn thể cư dân ở thế giới Cực Lạc, đều hoan nghênh chúng ta vãng sanh. Bây giờ gọi là hoan nghênh di dân đến. Chúng ta thử nghĩ xem có nên đi hay không? Không những hoan nghênh chúng ta, mà còn hoan nghênh tất cả chúng sanh có duyên khắp biến pháp giới hư không giới. Chúng sanh có duyên này năng tín, năng giải, năng nguyện, năng hành. Đây là chúng sanh có duyên.
Thời cận đại Ấn Quang đại sư tán thán sách này. Sách này chính là Yếu Giải, Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư. Ấn Quang đại sư khen ngợi sách này “Lý sự cơ trăn kỳ cực”. Bất luận nói về lý hay nói về sự, đều nói đến chứng phong tạo cực. “Vi tự Phật thuyết thử kinh dĩ lai đệ nhất chú giải”. Đức Thế Tôn thuyết kinh Di Đà, và Ngẫu Ích đại sư chú giải cho kinh Di Đà. Ấn Quang đại sư tán thán chú giải của Ngẫu Ích đại sư là chú giải đệ nhất. “Tung linh cổ Phật tái sanh ư thế trùng chú thử kinh, diệc bất năng cao xuất kỳ thượng hỷ”. Ấn Quang đại sư là người như thế nào? Là Bồ Tát Đại Thế Chí tái sanh. Bồ Tát Đại Thế Chí đối với chú giải này tán thán như vậy. Ngẫu Ích đại sư là người thế nào, có thể nghĩ đến nhưng không thể biết. Thân thế của Ngẫu Ích đại sư chưa bộc lộ. Chúng ta suy đoán, nếu ngài không phải là Phật Di Đà tái sanh, thì nhất định là Bồ Tát Quán Thế Âm tái sanh. Vì sao vậy? Bởi người khác chú giải không được như thế.
“Bất tư nghị quang trung, toàn nhiếp A Di Đà Như Lai, bất khả tư nghị công đức, cố danh bất tư nghì quang”. Câu này làm tổng kết. Trí tuệ, thần thông, đạo lực của Phật A Di Đà. Đại hạnh đại nguyện, vô lượng vô biên công đức đều ở trong bất tư nghị quang. Người niệm Phật chúng ta cần có đại trí đại nguyện. Cần phải chân thật, nghe lời và thực hành. Mỗi niệm đều là A Di Đà Phật, nhiếp toàn bộ công đức của Phật A Di Đà thành thành công đức của chính mình. Đây là trong kinh Vô Lượng Thọ thể hiện ba loại chân thật. Phạm vi chân thật là từ thể mà nói, còn trí tuệ chân thật là từ tướng mà nói, lợi ích chân thật là từ dụng mà nói. Đoạn này chúng ta chỉ học đến đây, chúng ta xem tiếp đoạn ở dưới.
“Như thị quang minh, phổ chiếu thập phương, nhất thiết thế giới, kỳ hữu chúng sanh, ngộ tư quang giả, cấu diệt thiện sanh. Thân ý nhu nhuyến, nhược tại tam đồ, cực khổ chi xứ, kiến thử quang minh, giai đắc hưu tức, mạng chúng giai đắc giải thoát. Nhược hữu chúng sanh, văn kỳ quang minh, oai thần công đức, nhật dạ xưng thuyết. Chí tâm bất đoạn, tuỳ ý sở nguyện, đắc sanh kỳ quốc”. Chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Tổ. “Hữu đoạn”, mặt bên trái của đoạn này mà chúng ta đã đọc. “Thị bổn phẩm đệ tứ”, là đoạn thứ tư trong phẩm Quang Minh Biến Chiếu. “Hiển Di Đà quang minh diệu dụng chi thù thắng”, “thị vi đệ thập tứ”. Nguyện thứ 14 trong 48 nguyện. Thành tựu “Xúc quang an lạc nguyện”. Quang minh diệu dụng thù thắng như vậy, đây là quả. Vậy nhân là gì? Từ đâu mà có? Điều này đã nói ra, đó là nguyện thứ 14 trong 48 nguyện. Thành tựu đều là tự nhiên, hoàn toàn không có suy nghĩ nào ở trong đó, thuần tuý là tự nhiên. Hình như người bây giờ gọi là phản ứng. Chúng sanh có cảm thì Phật Bồ Tát có ứng. Ứng là phản ứng, trong ứng không có bất cứ suy nghĩ nào. Không khởi tâm động niệm.
Câu thứ nhất là phổ chiếu thập phương. “Như thị quang minh”, như thị quang minh này là nói 12 quang ở trước. Mười hai loại quang minh, phổ chiếu tất cả mười phương thế giới. Địa cầu này của chúng ta cũng ở trong đó. Đoạn dưới nói, những lợi ích khi chúng ta gặp được ánh sáng này. Đây chính là ban cho chúng ta lợi ích chân thật. “Ngộ tư quang giả, cấu diệt thiện sanh”. Ô nhiễm của chúng ta sẽ mất đi, giảm nhẹ thì thiện căn sẽ sanh khởi, thiện tâm thiện ý xuất hiện. “Thân ý nhu nhuyến”. Thân là thân thể, ý là ý niệm. Không nông nổi như trước. Nông nổi biến thành nhu nhuyến, điều này rất rõ ràng. Khi tiếp xúc ánh sáng này thì các điều thiện đều sanh.
Chúng sanh trong tam đồ đều đạt được giải thoát. “Nhược tại tam đồ cực khổ chi xứ”. Nơi cực khổ là chỉ cho địa ngục, “kiến thử quang minh”, nhìn thấy ánh sáng của Phật. Những chúng sanh chịu khổ này “giai đắc hưu tức”. Khi ánh sáng của Phật chiếu đến, lúc này khổ của họ sẽ tạm dừng. Phải có người đem Phật quang đưa đến. Chúng ta có thể làm tăng thượng duyên cho họ. Khi niệm Phật sẽ có Phật quang, nhưng phải biết niệm. Không biết niệm thì không biết hiệu quả này. Niệm bằng cách nào? Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta không thể quên đi, “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục”. Niệm Phật phù hợp tiêu chuẩn này, thì niệm niệm đều phóng quang minh. Dùng quang minh này hồi hướng cho chúng sanh trong ba đường ác. Họ sẽ nhìn thấy quang minh, sẽ nhìn thấy ánh sáng. Khi nhìn thấy ánh sáng thì đau khổ của họ tạm thời dừng lại.
“Mạng chúng giai đắc giải thoát”. Ba đường ác đều có thọ mạng, địa ngục a tỳ cũng có thọ mạng. Thọ mạng này giống như nhân gian phạm tội, bị giam trong lao ngục để chờ phán tội. Thời gian phán quyết không giống nhau, đó chính là thọ mạng của họ. Thời kỳ ngồi tù đã đến, đã xong nên họ được ra. Đây là “mạng chung giai đắc đắc giải thoát”. Họ từng được tắm dưới ánh quang minh của Phật. Như thường chúng ta nói, trong A lại da thức có chủng tử của Phật. Rất nhiều người niệm Phật, người tu hành khi lâm chung bị đọa địa ngục. Vì sao vậy? Vì sát na khi sắp mạng chung họ bị mê hoặc, nên tâm sân hận sanh khởi. Đây chính là nguyên nhân đọa lạc.
Sở dĩ người học Phật thường ở trong nghịch cảnh mới tốt. Thường gặp người ác, giúp họ tu hành. Nghịch cảnh, ác nhân ta đều có thể nhẫn thọ, đều có thể tuỳ thuận. Khi sắp mạng chung nhất định vãng sanh, phải nuôi dưỡng thói quen này. Huỷ nhục như thế nào đều có thể nhẫn thọ, nở một nụ cười là giải quyết tất cả. Trong tâm nghĩ “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”, không nên so đo tính toán. Bất luận họ dùng thái độ như thế nào đối với ta, cũng đều cung kính đối với họ. Chúng ta xem họ như một vị Phật, vì họ vốn là Phật. Hiện nay vì mê hoặc điên đảo nên làm sai việc này, nếu tỉnh táo họ sẽ không làm ra việc như vậy, cần phải thông cảm cho họ, không nên có chút oán hận nào, còn phải cám ơn họ. Được như vậy chúng ta sẽ tiến bộ rất nhanh.
Nếu họ dùng thái độ không tốt đối đãi, trong lòng mình khó chịu không vui. Như vậy thì cảnh giới của chúng ta sẽ hạ thấp xuống. Lên hay là xuống, là thiện hay là ác đều ở trong một niệm của chính mình, hoàn toàn không liên quan đến cảnh giới bên ngoài. Đạo lý này cần phải hiểu, vì nó rất thâm sâu. Người ta tu hành thành tựu là thành tựu ra sao? Tức trong thời gian một niệm của họ là thiện niệm. Họ có thể hằng thuận chúng sanh, có thể buông bỏ thành kiến của chính mình. Nghe người khác, nhưng không tranh luận với người. Như vậy cảnh giới này sẽ được nâng cao. Nếu tâm không phục nhất định phải lý luận với họ, như vậy thì cảnh giới sẽ hạ xuống. Đã nói ra hết nỗi giận dữ, nhưng chính mình lại vào trong tam đồ ác đạo. Như vậy là sai! Người xưa có câu nói rất hay: “thiên hạ bổn vô sự, dung nhân tự ưu chi”. Hà tất tìm phiền phức cho mình? Thiên hạ thật sự là không có việc gì.
Nên 53 lần tham học của Thiện Tài Đồng Tử không thể không đọc. Nếu đọc hiểu rồi ta sẽ biết, vì sao thiện tài trong một đời thành Phật? Mọi thứ đều có thể nhẫn, mọi thứ đều có thể tuỳ thuận. Thật là đáng nể! Thiện duyên, thuận cảnh có thể nhẫn nhưng vẫn không sanh tâm hoan hỷ. Ác duyên, nghịch cảnh có thể nhẫn, nhưng không sanh tâm sân nhuế. Bất luận trong cảnh giới nào, ngài đều duy trì thanh tịnh bình đẳng giác. Thanh tịnh bình đẳng giác, sanh trí huệ không sanh phiền não. Hoàn toàn là trí huệ giải quyết vấn đề. Bất luận là đối với người thiện người ác, đều phải thật sự cung kính, thật sự cúng dường và thật sự sám hối.
Hành thiện thì khen ngợi, làm điều bất thiện thì không nói. Không nói, nhìn thấy bất thiện thì không nói. Đây gọi là “xưng tán Như Lai”, Làm việc tốt, đối với chính họ có lợi ích, đối với chúng sanh có lợi ích thì nên khen ngợi. Đối với chính mình không tốt, đối với chúng sanh không tốt, không nên nói, không nên phê bình. Như Lý Thế Dân nói, đạo tràng tốt hay không tốt đều không nên nói. Ông ta nói điều này tương ưng với trong kinh điển nói, tương ưng với thập đại nguyện vương. Trong lòng mình hiểu là được, tuyệt đối đừng nói ra. Đúng như vậy, cần nên học. Các bậc thánh hiền ngày xưa nói, bệnh vào từ miệng. Cái này thích ăn, cái kia không thích ăn. Chọn cái này lựa cái kia, ăn xong thành ra một thân bệnh. Họa từ miệng mà ra. Như vậy là sao? Tuỳ tiện phê bình người khác. Khi phê bình là vô ý, nhưng người nghe lại có tâm. Ghi hận trong tâm, tương lai tìm cơ hội để báo thù. Ta còn chưa biết oán kết từ đâu. Nên cần phải học tuyệt đối không nên phê bình sai lầm người khác. Phải tránh tất cả đố kỵ chướng ngại. Nơi nào có Bồ Tát, đều khiến tất cả chúng sanh sanh tâm hoan hỷ. Con người ở đây thấy Bồ Tát là ghét, thì Bồ Tát nên ra đi. Vì sao vậy? Để họ sanh tâm hoan hỷ. Đây thật sự là từ bi. Khi nào họ hoan hỷ thì lúc đó lại đến, không hoan hỷ thì đi. Trong kinh điển đại thừa dạy chúng ta, học là phải hành. Đây chính là có trí huệ, biết tiến thoái. Khi nào có thể tiến, khi nào cần phải thoái. Suốt đời chúng tôi không có đạo tràng, một đời tuỳ duyên. Nơi nào có duyên mời thì đến đó giảng kinh.
Ở nước ngoài đều có hạn chế thời gian, hạn chế thời gian đăng ký visa. Thời gian đến thì phải ra đi, rất hoan hỷ. Lần sau nếu có duyên sẽ đến. Có nơi tôi từng đi đến bảy tám lần. Ấn Độ Ni Tây Á tôi đã đi 11 lần. Tôi chỉ biết lần đi rất nhiều, nhưng không biết bao nhiêu lần. Lần trước đi họ nói với tôi là lần thứ 11, xem visa trong hộ chiếu thì quả nhiên 11 lần. Nên luôn luôn phải sống hoà mục với tất cả chúng sanh. Họ không tôn trọng tôi, nhưng tôi tôn trọng họ. Họ không thích tôi nhưng tôi thích họ. Tâm chúng ta phải ngày ngày đều hoan hỷ, ngày ngày đều an vui. Không có không hoan hỷ. Họ huỷ báng tôi, tôi vẫn tha thứ cho họ. Họ hãm hại tôi, tôi cũng tha thứ. Nếu muốn hỏi vì sao? Bởi họ tiêu nghiệp chướng giùm tôi. Thật vậy, hoàn toàn không giả.
Nếu không có nghiệp chướng thì sao? Không có nghiệp chướng, đó gọi là oan. Nếu có thể nhẫn thọ oan, như vậy công đức càng lớn. Cảnh giới càng được nâng lên gấp bội. Họ đã giúp chúng ta, sao ta có thể không cảm tạ họ! Nên cần phải hiểu rõ. Nhìn sự việc tuyệt đối không nhìn hiện tiền, mà phải xem trước sau. Phải xem quá khứ, xem hiện tại, xem vị lai. Như vậy ta sẽ không bốc đồng. Cảm tình bốc đồng rất đáng sợ. Đó là si, là si mê. Cảm tình bốc đồng là vậy. Con người có lý tánh, thì tâm của họ thanh tịnh, tâm là định. Tâm như mặt nước không gợn sóng, giống như mặt gương vậy, cảnh giới bên ngoài chiếu vào rất rõ, nhưng nó như như bất động. Một chút phong ba đã khiến ta bị động, không chịu được khảo nghiệm, không có chút định lực nào. Như vậy làm sao thành tựu được?
Mấu chốt tu hành trong Phật pháp là ở nơi thiền định. Trì giới là phương tiện, nhân giới sanh định. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, tất cả đều là tam muội, tám vạn bốn ngàn tam muội. Không được tam muội thì ta học không thành tựu được điều gì cả. Sau khi được tam muội liền khai trí huệ. Tam muội đạt được mà không khai trí huệ, quý vị nhất định thụt lùi. Vì sao vậy? Bởi khi được tam muội thì kêu ngạo, coi thường người khác, cho rằng người khác không bằng mình, sanh khởi ý niệm cống cao ngã mạn. Như vậy là sai. Hạng người như vậy có, có trì giới, trì giới cũng không tệ, nhưng coi thường người khác. Cho rằng người khác không trì giới, không được như mình, nhìn thấy người khác là phê bình. Như vậy là sai.
Mục đích trì giới là được tâm thanh tịnh. Trì giới như vậy là không tệ, nhưng nhìn thấy người không trì giới thì không vui. Như vậy thì hoàn toàn không đạt được chút công phu nào. Giới thì cũng đã trì, nhưng không khởi tác dụng. Tu định khai huệ cũng đều như vậy. Nên người xưa nói rất hay. Các bậc thánh hiền, Chư Phật Bồ Tát, bất luận ở trong cảnh giới nào, tâm vĩnh viễn là thanh tịnh. Không bị cảnh giới bên ngoài làm nhiễu loạn, không bị cảnh giới bên ngoài làm xao động. Đây gọi là công phu chân thật. Trong công phu chân thật có trí huệ chân thật.
Trong kinh văn nói “kỳ hữu chúng sanh, ngộ tư quang giả”. Đây là người có duyên. “Biểu Phật quang tuy phổ chiếu mười phương, vô biên vô ngại. Đản dĩ chúng sanh căn tánh bất đồng. Kỳ căn hạ duyên liệt giả, dụ như phúc bồn tuyệt chiếu”. Họ không đạt được lợi ích. Phật quang tuy phổ chiếu khắp mười phương, vô biên vô ngại, nhưng chúng sanh căn tánh thấp kém_người hạ căn. Duyên liệt_gặp được duyên cũng không được tốt. Điều này ví như cái gì? Phúc bồn tuyệt chiếu. Ví dụ như ánh sáng mặt trời phổ chiếu khắp nơi, họ dùng một cái thau, rồi úp cái thau xuống, thì mặt trời không chiếu đến trong thau. Họ không để Phật quang chiếu đến. Cũng chính là nói họ cự tuyệt, họ không tiếp thu. Đây là người hạ căn, duyên liệt. Cự tuyệt Phật pháp, cự tuyệt chánh giáo.
“Nhật quang tuy biến, đản nhân phúc bồn ư đỉnh tắc bất kiến quang minh”. Ánh sáng chiếu không đến, vì ta đã lấy cái bồn che ở trên đầu. Hoặc ta che dù không để nó chiếu. Chúng ta xây dựng một cái đình nơi đây và ở trong đó, để mái đình che ánh sáng mặt trời. Tất cả đều thuộc loại này.
“Nhược hữu cơ duyên ngộ tư quang giả, tắc tất hoạch như hạ chi quang ích”. Như những lợi ích mà trong kinh này nói, chúng ta đều có thể đạt được, nhưng duyên thì thật sự không giống nhau. Đây là căn tánh của chúng sanh bất đồng. Lúc tôi còn trẻ, thật sự là rất ngoan cố, cuồng vọng vô tri. Thành kiến rất sâu, luôn tự cho mình là giỏi. Người có thể thuyết phục được tôi không nhiều, lý luận không chính xác của tôi cũng không ít. Thích vô lý với người khác, cưỡng từ đoạt lý. Cũng muốn cho người khác trả lời không được. Háo thắng, không phải người thật sự khâm phục trong mắt mình, thì tôi không thể nghe họ. Lúc tôi đến Đài Loan còn rất trẻ, 22 tuổi đến Đài Loan, 26 tuổi quen thầy Phương Đông Mỹ. Thầy là một nhà triết học mà thế giới đương đại đều biết đến, rất khâm phục. Nếu không phải thầy giới thiệu Phật pháp cho tôi, tôi nghĩ bất cứ người nào cũng không thể. Đây là gặp được nhân duyên.
Thầy Phương giới thiệu Phật giáo cho tôi. Tôi đưa ra một vài vấn đề, thầy đều có thể giải đáp hết. Không thể không phục. Chúng tôi đi con đường này là triết học, không phải tôn giáo. Môn học mà thầy dạy tôi là “Phật Kinh Triết Học”. Câu đầu tiên thầy nói với tôi, Đức Thế Tôn là nhà triết học vĩ đại nhất trên thế giới. Triết học trong kinh Phật là đỉnh cao nhất của triết học trên toàn thế giới. Cuối cùng thầy nói một câu, học Phật là hưởng thụ cao nhất của đời người. Tôi mới đem những quá khứ đối với tôn giáo, đặc biệt là thay đổi quan niệm sai lầm đối với tôn giáo. Trước đó chưa từng đến chùa. Bây giờ thầy nói với tôi, hiện nay triết học kinh Phật ở trong chùa không còn nữa. Vì sao vậy? Vì không có người học, cũng không có người dạy. Không như ngày xưa, các vị xuất gia trong tùng lâm tự viện thật sự đều là chuyên gia học giả và đại triết học gia. Bây giờ không có, đều không học nữa.
Như vậy ta muốn học triết học kinh điển thì học ở đâu? Học trong kinh điển. Kinh điển chỉ ra con đường này, nên sau đó chúng tôi thường đến chùa. Đến chùa làm gì? Trong chùa có tạng Kinh, những kinh sách này bên ngoài mua không có. Đến chùa có thể tìm thấy những kinh sách mà thầy chỉ định cần phải đọc, chúng tôi đến đó để chép lại. Tra những kinh sách này trong kinh tạng và chép lại. Tôi nhớ dài có ngắn có tôi chép hết mười mấy bộ. Nên khó khăn lớn nhất của Phật giáo ngày nay ở chỗ nào? Không ai biết, bản lai diện mục của Phật giáo không ai biết đến. Họ bị lầm lẫn!
Sau đó quen Chương Gia đại sư. Chương Gia đại sư dạy tôi, đơn thân một mình ở Đài Loan, không có gia đình, không có quyến thuộc, không có vướng bận, không có âu lo, nên khuyên tôi xuất gia. Tôi cũng đã tiếp nhận. Vị pháp sư già này thật quá tốt, Ngài giống như thầy Phương, rất từ bi, rất quan tâm tôi.
Chúng tôi mỗi tuần gặp một lần, hai tiếng đồng hồ. Nền tảng Phật học của tôi là nhờ Chương Gia đại sư. Nhập môn là thầy Phương Đông Mỹ giới thiệu. Thành tựu là 10 năm theo học với thầy Lý, tôi theo thầy thời gian dài nhất. Tôi từ bỏ công việc, chuyên tâm theo thầy học mười năm. Tôi theo thầy một năm ba tháng, thì nhân duyên xuất gia đã thuần thục, nên xuất gia. Sau khi xuất gia lại trở về Đài Trung ở hết mười năm. Không kiên trì, không có phương hướng, không có mục tiêu thì không có việc gì thành tựu được. Thế xuất thế gian pháp, bất luận làm việc gì thì phương hướng không thể sai, mục tiêu không thể sai. Một mục tiêu, một phương hướng nhất định sẽ thành tựu. Tôi thực hành triệt để giáo huấn của thầy. Ba vị thầy của tôi, thiếu một vị cũng không được.
Không có thầy Phương Đông Mỹ, Chương Gia đại sư và thầy Lý Bính Nam khuyên tôi học Phật, tôi nghĩ là không thể nào. Không có Chương Gia đại sư, tôi đối với Phật pháp cắm rễ không vững. Không có mười năm theo học với thầy Lý, thời gian huân tu dài như vậy, thì giáo lý này không bước vào được. Thâm nhập kinh tạng cần phải có thầy giỏi hướng dẫn. Điều này đích thực là duyên thầy trò rất sâu sắc. Thầy thường nói, học sinh muốn tìm một vị thầy giỏi không dễ. Có thể gặp nhưng không thể cầu. Thầy muốn tìm một học trò muốn truyền đạo cho họ lại càng khó hơn. Còn khó khăn hơn cả chuyện học trò tìm thầy. Nên căn và duyên, hai chữ này là nhân tố quyết định.
“Cố hữu năng ngộ dữ bất ngộ giả. Nhược hữu cơ duyên, ngộ tư quang giả. Tắc tất hoạch như hạ chi quang ích”. Lợi ích này chúng ta đã gặp được. Điều thứ nhất là “cấu diệt”. Phiền não nhẹ, bồ đề tăng trưởng. Đây là lợi ích đầu tiên chúng ta đạt được. “Nguỵ Dịch vi tam cấu tiêu diệt”. Tam cấu chính là tham sân si. Nhất định chúng ta có ý niệm tham sân si, nhưng nhờ gặp được Phật quang, gặp được giáo huấn của thánh hiền, nhờ đó chúng ta giới hạn và khống chế được tham sân si. Tuy vẫn còn nhưng có giới hạn, không thể vượt qua giới hạn này. Phạm vi này tuỳ theo cảnh giới tu hành của chúng ta nâng cao, mà nó từ từ thu nhỏ lại. Đến lúc tham sân si hoàn toàn bị hoá giải, bị dung hoá. Chúc mừng, quý vị đã chứng quả A la hán. Đó chính là cấu diệt nên tham sân si không còn. Tham sân si mạn nghi đều không còn, là tiểu thánh. Cũng như trên đề kinh là “thanh tịnh bình đẳng giác”.
Thanh tịnh đạt được, thật sự đạt được tâm thanh tịnh. Trong tâm thanh tịnh không có tham sân si mạn nghi. Không có ta, ta và cái của ta đều không có. Đây là điều thứ nhất được lợi ích. Thứ hai là “thiện sanh”.
“Thập Trú Tỳ Bà Sa Luận viết, thiện căn giả bất tham bất nhuế”, chính là không sân không si. “Nhất thiết thiện pháp tùng thử tam sanh”. Đây là ba căn sanh ra. Nếu từ căn bản phiền não mà nói, căn bản phiền não có sáu loại. Pháp Tướng tông nói, sau tham sân si còn có mạn và nghi. Nghi này là hoài nghi đối với giáo huấn của thánh hiền. Có ác kiến, có rất nhiều suy nghĩ sai lầm. Nhưng tất cả đều không còn. Ác kiến này chính là phiền não về kiến giải. Kiến hoặc, tham, sân, si, mạn, nghi. Năm loại này là tư hoặc, là sai lầm trong tư tưởng. Kiến tư phiền não đều đoạn hết thì chứng quả A la hán, tâm thanh tịnh trên đề kinh đã đạt được.
Thật sự được tâm thanh tịnh, khi vãng sanh tây phương Cực Lạc, là sanh vào cõi phương tiện hữu dư. Họ không phải cõi phàm thánh đồng cư, vì họ không phải là phàm nhân. A la hán là thánh nhân không phải phàm nhân. Nên thiện căn nhất định được vãng sanh. Khi thiện căn đã sanh thì không tham, không sân, không si. Đối với giáo huấn của thánh hiền không còn hoài nghi, không đố kỵ, không ngạo mạn. Có thể sanh tất cả thiện pháp. Như vậy ta thật sự là thiện nhân. Trong kinh thường nói thiện nam tử, thiện nữ nhơn. Tiêu chuẩn là như vậy. Đây là tiêu chuẩn thật sự, là tiêu chuẩn của Phật Bồ Tát. Tiêu chuẩn của thiên nhân là thập thiện nghiệp đạo. Nên mới học Phật phải bắt đầu từ thập thiện nghiệp đạo. Từ thập thiện nghiệp đạo rồi từ từ hướng lên trên.
“Hựu Trí Độ Luận Tam Thập”. Trí Độ Luận có một trăm quyển, trong quyển 30 nói, tất cả thiện pháp đều từ ba thiện căn sanh ra và tăng trưởng. Chính là ba thiện căn, từ ba thiện căn sanh ra, rồi từ ba thiện căn tăng trưởng. Ba thiện căn này rất quan trọng. Phải thường nghĩ, tôi có tham tâm hay không, có sân nhuế hay không và có ngu si hay không? Không khai mở trí huệ chính là ngu si. Xem kinh không hiểu, nghe kinh không hiểu đều là ngu si. Ngu si không có cách nào phá được, nhất định phải dùng trí huệ. Đối trị tham lam có thể dùng trì giới. Trì giới có thể phá trừ tham lam, tu định có thể phá trừ tâm sân nhuế. Khai trí huệ mới có thể phá trừ tâm ngu si. Nên trong lục độ, bố thí đối trị tham. Nhẫn nhục đối trị sân hận, bát nhã đối trị ngu si. Tinh cần tu tam học, lục độ có thể diệt trừ tam độc, thành tựu tam thiện căn. Không có tam học giới định huệ và lục độ ba la mật của Bồ tát, thì tam độc này không dễ đoạn tận. Hay nói cách khác, ba thiện căn không dễ thành tựu. “Thị minh cấu diệt tắc thiện sanh dã”. Nó là tương đối. Cấu là phiền não, là tập khí, là nhiễm ô. Nếu đoạn tận những thứ này thì ba thiện căn tự nhiên liền sanh trưởng, liền khởi lên.
“Hựu Nguỵ Dịch vi thiện tâm sanh yên. Thiện tâm giả, dĩ tàm quý chi nhị pháp, cập vô tham đẳng chi tam căn vi thiện chi tự tánh dữ chi tương ưng, nhi sanh khởi chi nhất thiết tâm tâm sở, danh viết thiện tâm”.
Ý nghĩa của thiện tâm càng rộng. Nhưng trong Phật giáo có tiêu chuẩn, không phải hàm hồ nói không phân biệt. Trong thiện tâm có điều kiện. Bắt đầu từ pháp nào? Từ tàm quý. Tàm ngày nay gọi là lương tâm. Chúng ta vẫn còn lương tâm, lương tâm chưa mất đi. Tâm là biết sỉ, vậy quý là gì? Quý là người bên ngoài trách cứ khi ta làm việc bất thiện, người khác phê bình, trách cứ chúng ta, nên cảm thấy nhục nhã hổ thẹn.
Hay nói cách khác, tàm là có lỗi với lương tâm mình. Quý là làm việc sai có lỗi với đại chúng. Đây là thiện tâm. Con người có tàm quý, thì họ có thể sửa đổi chính mình. Còn nếu không có tàm quý, như vậy thì không còn cách nào khác. Không biết xấu hổ chính là không có tàm, người ta phê bình như thế nào cũng không để ý. Căn bản là không có cảm xúc. Chính là không sợ người khác phê bình, không sợ dư luận chỉ trích. Không có chuyện xấu nào mà họ không làm được. Có tàm có quý, khi làm việc sai, mặc dù không ai chỉ trích thì lương tâm cũng trách cứ. Khi dư luận bên ngoài chỉ trích, họ sẽ thấy ngại khi gặp người khác. Hạng người này gọi là vẫn còn lương tâm.
Có tàm quý, thêm vào đó là ba thiện căn. Đây là tự tánh thiện. Tất cả thiện pháp đều từ đây mà sanh, nó tương ưng và sanh khởi tất cả tâm. Tâm sở, tâm có tám loại, nên gọi là tất cả. Trước A lại da, Mạt na, và ý thức là nhãn nhĩ tỷ thiệt thân. Tám thức gọi là tám tâm vương. 51 tâm sở tương ưng với tám tâm vương, tất cả đều thiện, không có điều nào bất thiện. Nên gọi là thiện tâm.
Bây giờ chính là bổn nguyện của Phật A Di Đà, “tắc chỉ đối tịnh tông chi chân thật tín tâm”. Đối với Tịnh độ tông có tín tâm chân thật. Đây là thiện tâm trong cái thiện tâm, không có gì thiện hơn điều này. Có thể tin Kinh Vô Lượng Thọ, có thể tin 48 nguyện, có thể tin Phật A Di Đà, có thể tin thế giới Cực Lạc và có thể tin niệm Phật vãng sanh thành Phật. Điều này thật khó được! Đây là cơ hội thành Phật từ vô lượng kiếp đến nay đã đến. Trong đời này có thể chứng được đại viên mãn. Nhân duyên này rất khó được. Ngày nay chúng ta có nhân duyên, vấn đề là căn tánh của chính mình. Trong kinh Di Đà nói, không thể thiếu thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về nước này. Trong ba loại thiện căn, phước đức, nhân duyên này, thì nhân duyên chúng ta đã đầy đủ, hoàn toàn không thiếu. Găp được bản hội tập của Kinh Vô Lượng Thọ, gặp được chú giải của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Nhân duyên không thiếu, đã đầy đủ. Thiện căn là gì? Thiện căn là có thể tin tưởng hay không, có thể lý giải hay không. Thiện căn là tín giải. Còn phước đức thì sao? Phước đức là tu hành. Nếu ta chịu y theo lý luận, phương pháp trong kinh điển mà tu hành. Nếu có thể làm được như vậy, thì đây là đại phước báo. Trong thế xuất thế gian không có phước báo nào có thể lớn hơn phước báo này. Địa vị là diệu giác Phật quả. Người thế gian nói là của cải, của cải của chúng ta là xưng tánh. Vì quý vị chứng được tự tánh. Trong tự tánh có trí huệ viên mãn, đức năng viên mãn, tướng hảo viên mãn. Chính là phước báo viên mãn, chúng ta đạt được tất cả.
Tự tánh công đức của Phật A Di Đà thành tựu nên thế giới Cực Lạc. Tất cả chư Phật đều không thể sánh với ngài. Cõi trời cõi người lại càng không cần phải nói. Đệ Lục Thiên Vương là cõi trời dục giới, Đại Phạm Thiên Vương trong sơ thiền thiên. Ma Hê Thủ La Thiên vương là đệ tứ thiền. Đây là địa vị cao nhất ở thế giới Ta Bà. Ma Hê Thủ La Thiên Vương gặp được Phật đều xưng đệ tử. Đối với Phật đảnh lễ tam bái, theo bên trái đi nhiễu ba lần. Quý vị nói đây là địa vị gì?
Thời gian đến rồi, mà tôi không biết, tôi không nhìn thấy. Thôi được, chúng ta chỉ học đến đây thôi.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
淨土大經解演義
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 30 tháng 03 năm 2011
Địa điểm: :Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn.
Biên tập: Bình Minh