Pháp sư

[Tập 331]: Tai Nạn Làm Sao Hóa Giải?


 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, trang 387, bắt đầu xem từ câu cuối cùng của hàng thứ hai.

“Tam, hành khổ”. Điều thứ ba trong tam khổ là Hành khổ. Phi khổ phi lạc, nhân niệm niệm thiên lưu, cố danh vi hành. Chung quy biến diệt, cố viết hành khổ”. Đây là thiên nhân trong cõi trời vô sắc giới. Nên Phật nói Tam giới đều khổ. Ở dục giới, ba loại khổ đều đầy đủ. Chính là khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Cõi trời sắc giới, không có khổ khổ, vì định của họ đã chế ngự được tập khí phiền não. Họ chưa đoạn, mà là chế ngự. Chỉ cần có định phiền não sẽ không khởi hiện hành, nên họ không có bát khổ, khổ khổ. Họ có hoại khổ và hành khổ.

Cao hơn nữa là chư thiên trong cõi trời vô sắc giới. Ngay cả thân thể cũng đều không có, nên chúng ta có thể gọi họ là linh giới, họ không có thân thể. Họ cũng không cần chỗ ở như cung điện phòng nhà. Họ không cần những thứ này, nên không có hoại khổ. Nhưng họ có hành khổ. Hành khổ nghĩa là, cảnh giới của họ không thể duy trì vĩnh viễn. Chư thiên trong cõi trời vô sắc giới, họ tu vô sắc giới định. Còn sắc giới thiên tu tứ thiền. Chư thiên ở cõi trời vô sắc giới có tứ định, hợp lại gọi là tứ thiền bát định. Công phu thiền định của họ có kỳ hạn, có hạn chế về thời gian. Cao nhất là trời phi tưởng phi phi tưởng. Định công của họ có thể duy trì tám vạn đại kiếp. Hết tám vạn đại kiếp thì định của họ sẽ mất đi. Chỉ cần mất định, thì tập khí phiền não lại xuất hiện. Nên họ không thể vĩnh viễn duy trì không thay đổi, nên gọi là hành khổ.

Đức Phật dạy, tam giới đều khổ. Trong kinh Pháp Hoa so sánh tam giới như nhà lửa, nghĩa là nói khu vực này không an ổn. Trời phi phi tưởng, sau tám vạn đại kiếp vẫn phải bị tiêu diệt. Cuối cùng rồi cùng bị biến diệt. Trong mắt phàm phu chúng ta, thì thời gian tám vạn đại kiếp quá dài. Nhưng trong cảnh giới của họ, tám vạn đại kiếp như là một sát na. Như người thế gian chúng ta nhìn côn trùng phù du trên mặt nước, chúng có thể đi lại trên mặt nước, nhưng thọ mạng của con phù du chỉ có mấy tiếng đồng hồ. Mấy tiếng đó là một đời của chúng. Chúng thấy con người trên thế gian của chúng ta có thể sống đến 100 tuổi, cũng như chúng ta thấy chư thiên ở cõi trời phi tưởng phi phi tưởng vậy, không có gì khác biệt. Quý vị xem, cõi nhân gian của chúng ta, khi con người sống đến tám chín mươi tuổi, họ cảm thấy 100 năm quá nhanh. Giống như một khảy mong tay vậy. Đúng như thế. Cho nên chúng ta có thể lãnh hội được, chư thiên ở cõi trời phi tưởng phi phi tưởng xứ. Trong cảm giác của họ, tám vạn đại kiếp cũng chỉ là một sát na. Cảm nhận không giống nhau. Nên đức Thế Tôn vì chúng ta mà tổng kết, thế gian này là vô thường, thế gian này là khổ, là không. Vô thường, khổ, không. Thật bất khả đắc. Điều gì cũng không đạt được.

Nếu không gặp được Phật pháp, gặp được sự giáo huấn thánh hiền cũng không được. Vì giáo huấn của thánh hiền không rốt ráo, nó chỉ giúp chúng ta sanh thiên mà thôi. Như trời Dục giới, trời Sắc giới, trời Vô sắc giới. Thánh hiền ở thế gian này chưa ra khỏi luân hồi lục đạo. Nên gặp được Phật pháp, đó là phước báo lớn! Có mấy ai có thể gặp được. Gặp được nhưng bây giờ phải nói bổ sung thêm một câu, phải là thật chứ không phải giả. Vì giả thì cũng vô ích, gặp được thật thì đó là niềm vui lớn! Thật sự có thể giúp ta giải quyết vấn đề luân hồi lục đạo, giúp chúng ta liễu sanh thoát tử, ra khỏi ba cõi. Đây là đại sự nhân duyên, không phải là việc nhỏ. Từ trên khả năng mà nhìn, trên bài kệ khai kinh có nói: “trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được.” cư sĩ Bành Tế Thanh cho chúng ta biết, việc này là vô lượng kiếp đến nay, hy hữu khó gặp được ngày này. Vậy ta làm sao gặp được!

Chúng ta quay đầu nhìn lại, hiện nay cư dân cư trú trên địa cầu. Giới khoa học dự tính, có khoảng 65 ức đến 67 ức. Nhiều nhân khẩu như vậy, nhưng có được mấy người trong đời này được nghe Phật pháp? Quá ít. Chúng ta ngày này dùng công cụ của khoa học kỷ thuật cao như vệ tinh, internet, đĩa. Khiến số người có cơ hội nghe được Phật pháp nhiều hơn. Nếu không có những thứ này, quý vị thử nghĩ xem, được mấy người có thể nghe pháp? Thật sự quá khó. Đem Phật pháp viết thành kinh điển, viết thành chú giải lưu thông số lượng không nhiều. Quý vị trang bản quyền có in, cũng chỉ là một ngàn hai ngàn cuốn. Nhưng toàn thế giới có đến 65 ức người, mấy ngàn cuốn sách này tính vào đâu? Quá ít. Huống gì, hai ngàn cuốn in ra, có được hai ngàn người xem chăng?. Hai ngàn cuốn sách xuất bản, nếu có được hai trăm người xem thì cũng không tệ rồi. Đây là một phần mười, mười cuốn sách có một người xem. Nếu văn tự hơi khó một chút, nghĩa lý thâm sâu một chút. Người ta xem không hiểu, sẽ không hứng thú. Như vậy người xem ngày càng ít, ít đến đáng thương. Đừng tưởng rằng ngày nay người niệm Phật rất nhiều. Quý vị tỷ mỷ quan sát mà xem, người thật sự niệm Phật không nhiều, người giả niệm thì rất nhiều.

Như thế nào gọi là chân niệm Phật? Chân niệm Phật là quyết tâm cầu sanh tịnh độ. Giả niệm Phật là cầu danh văn lợi dưỡng của thế gian. Cầu thăng quan phát tài, cầu gia đình bình an. Đây là giả niệm Phật, không phải chân niệm Phật. Năng lượng thật giả khác biệt rất lớn. Thật tâm niệm Phật năng lượng lớn. Cho nên người thật sự niệm Phật đông, thì thiên tai trên địa cầu có thể hoá giải. Đây là thật không giả chút nào. Giới khoa học đã cho chúng ta một số liệu căn cứ. Coi như nhân khẩu sống trên địa cầu, tổng nhân số có 65 ức người. Giới khoa học nói, tổng nhân số căn số bậc hai là một trên một trăm phần trăm. Đại khái chỉ có hơn tám ngàn người. Nếu toàn thế giới có được hơn tám ngàn người thật sự niệm Phật, thì thiên tai trên địa cầu này sẽ giảm nhẹ được mức độ lớn. Thật sự niệm Phật chính là chế tâm một chỗ, chứ không phải là tâm tán loạn. Giả niệm Phật thì tâm tán loạn, năng lượng không thể tập trung.

Trên thế giới này chúng ta có thể tìm được tám ngàn người chăng? Thành phố nhỏ Đồ Văn Ba này, thành thị có mười vạn người, ở đó có thể tìm được tám người chăng? Khó, rất khó. Cho nên nói chẳng phải không thể giải quyết. Trong Phật pháp có lý luận thuần chánh. Vì sao thiên tai hưng khởi? Có đạo lý. Dùng phương pháp nào để hoá giải? Biết, nhưng không có người thực hiện. Số ít người cũng có hiệu quả, nhưng không thắng được cộng nghiệp. Số người cộng nghiệp quá đông, thiên tai quá lớn nên không thắng nổi. Bảo vệ chính mình thì không vấn đề gì, nhưng bảo vệ thế giới này thì thật không có năng lực.

Chúng ta ngày nay chỉ có thể khuyên chư vị đồng học tịnh độ. Chỉ có thể khuyên các vị đồng học, mỗi ngày trên ti vi, trên mạng internet, xem chúng tôi chia sẻ về Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa. Hy vọng mọi người đều phát tâm, chỗ ở của chính mình, gia đình mình, đạo tràng mình thật sự thực hành. Phát tâm vô thượng bồ đề một lòng chuyên niệm. Ở trên thế gian này buông bỏ vạn duyên, không nghĩ đến điều gì cả. Nhất tâm chỉ nghĩ đến thế giới Cực Lạc, chỉ nghĩ đến Phật A Di Đà. Chúng ta dùng năng lượng này. Trong Phật pháp nói là dùng công đức này, hồi hướng cho cư dân trên địa cầu. Hồi hướng cho sơn hà đại địa được giảm nhẹ thiên tai. Còn việc hoá giải thì chúng ta biết, năng lực chúng ta không đủ, nên chỉ hy vọng thiên tai có thể giảm nhẹ. Thời gian thiên tai có thể rút ngắn lại. Điều này chúng ta có thể làm được.

Các bạn đồng học qua mạng internet và vệ tinh toàn cầu đều thật sự chịu phát tâm, thì sẽ thật sự khởi tác dụng. Việc này không thể đợi, mà phải thực hiện ngay bây giờ. Khi tôi giảng kinh là nhắc nhở, chính tôi mỗi ngày đều coi sinh mạng của mình là ngày cuối cùng. Ngày mai tôi không còn ở thế gian này. Ngày cuối cùng này tôi phải làm gì? Buông bỏ vạn duyên, nhất tâm niệm Phật. Ngoài việc niệm Phật ra thì không có việc gì khác. Đây là chân thật công đức. Mỗi ngày ngoài việc niệm Phật ra, tôi còn phải đọc kinh. Vì bây giờ tôi đang học tập chú giải của kinh Vô Lượng Thọ. Mỗi ngày tôi dùng khoảng ba bốn tiếng học kinh. Hàng ngày đọc, hàng ngày học tập, hết lần này đến lần khác. Bốn tiếng ở đây cùng mọi người chia sẻ. Như vậy là một ngày tôi hết tám tiếng, pháp hỷ sung mãn, thường sanh tâm hoan hỷ. Vui vì những điều này nên không thấy mệt, hằng ngày không luống qua một cách vô ích.

Cảnh giới bên ngoài tuy không tiếp xúc, nhưng chỉ cần có người nhắc đến thì trong lòng tôi liền hiểu rõ. Không dám nói là chiếu kiến pháp giới, nhưng có cảm ứng.

Sở dĩ con người không thể buông bỏ, là vì không biết thật tướng các pháp. Nên họ không thể buông bỏ. Khi hiểu rõ chân tướng của các pháp, sẽ dễ dàng buông bỏ. Buông bỏ sẽ được đại tự tại, buông bỏ thì được chân giải thoát, buông bỏ được đại trí tuệ. Lợi ích của việc buông bỏ rất nhiều! Nhưng trong lục đạo chúng sanh người tin quá ít. Họ không tin tưởng, nên chúng ta phải làm gương cho họ xem. Giống như chư Phật Bồ Tát vậy.

Chúng ta xem tiếp bên dưới, “Thượng chi tam khổ”. Ở trên nói ba loại khổ, khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. “Cực Lạc vĩnh ly.” Trong thế giới Cực Lạc không có. “Như Sớ Sao viết”. Sớ Sao là trước tác của Liên Trì Đại sư. “Bỉ quốc ly dục thanh tịnh, tắc vô khổ khổ”. Bỉ quốc là thế giới Cực Lạc. Ở đó tất cả người vãng sanh đều ly dục, đây là thông tin quan trọng. Nếu ngũ dục lục trần, tham sân si mạn nghi chưa rời được, thì tâm sẽ không thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh thì không thể vãng sanh. Như vậy chúng ta đã biết, mỗi người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc đều đã buông bỏ. Tất cả pháp trong thế xuất thế gian đều hoàn toàn buông bỏ, thì tâm thanh tịnh sẽ hiện tiền. Nên thế giới Cực Lạc không có khổ khổ, khổ khổ từ dục mà có. Một số người gọi là tình dục, tình là mê. Khi giác ngộ không gọi là tình, gọi là trí tuệ. Nên trí tuệ và tình cảm là một thể mà hai tác dụng. Mê thì biến thành tình chấp, ngộ thì biến thành trí tuệ. Một thứ nhưng khởi hai loại tác dụng không giống nhau là mê và ngộ.

“Y chánh thường nhiên, tắc vô hoại khổ”. Chúng ta dùng cõi trời sắc giới để làm ví dụ. Trời sắc giới không thể thường nhiên, giống như thế gian này của chúng ta. Nếu chúng ta xây dựng một ngôi cung điện hoa lệ đường hoàn. Xây hoàn thành, cung điện này có thể dùng bao nhiêu năm? Kiến trúc thời cổ đại rất được ưa chuộng, xây dưng một ngôi nhà chí ít phải dùng 300 năm. Họ phải chăm sóc biết bao thời đại, 100 năm được tính là bốn đời, 300 năm là mười mấy đời. Người xưa nói dụng cụ trong gia đình gọi là hồng mộc gia cụ, như bàn ghế bàn dường phản. Hồng mộc gia cụ ít nhất cũng dùng 100 năm. Người xưa rất biết tiết kiệm. Tiết kiệm là mỹ đức là tánh đức, không giống như người ngoại quốc. Người ngoại quốc coi trọng mỹ quan, nên họ thường thay đổi. Nhà cửa không tránh khỏi gió táp mưa sa. Còn tứ hợp viện của thời xưa, có nhà tồn tại đến bây giờ đã hơn 1000 năm, vẫn sử dụng rất tốt. Tuy một ngàn năm, hai ngàn năm nhưng nó cũng phải hư hoại. Hư hoại có phải là cứ mười năm mười năm là hư? Không phải, mà nó cũ đi từng ngày. Đây là vô thường, là hành khổ, là hoại khổ. Thân thể của chúng ta cũng như vậy, tuy sống trên một trăm năm nhưng mỗi ngày một già đi. Biến hòa từng ngày. Tích luỹ đến 10 năm, quý vị xem, năm thứ mười và năm đầu tiên hoàn toàn không giống nhau. 20 năm với 10 xem lại vẫn không như nhau, gọi là hoại khổ, hành khổ không thể duy trì.

Nhưng thế giới Cực Lạc, bất luận là y báo hay chánh báo đều vĩnh viễn bất biến. Phật A Di Đà kiến lập đạo tràng này đến nay đã mười kiếp. Thời gian này dài biết bao! Ngày nay là mười kiếp với lúc mới kiến lập giống nhau, không có chút sai biệt nào, đây là không có hoại khổ. Vĩnh viễn bất biến, vĩnh viễn không hư hoại.

Thứ ba “Siêu qúa tam giới, tắc vô hành khổ”. Tam giới là dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Sắc giới là hoại khổ, vô sắc giới là hành khổ. Vượt ra ngoài tam giới, thì ba loại khổ này hoàn toàn không có. Nói cách khác, vãng sanh thế giới tây phương Cực Lạc, tôn giáo tây phương gọi là vĩnh sanh. Trong thuật ngữ Phật pháp gọi là bất sanh bất diệt. Sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc là bất sanh bất diệt. Đối với quá khứ, chúng ta cư trú ở lục đạo luân hồi một thời gian dài. Đoạn thời gian dài này, dùng lời của người thế gian để nói thì đối với lục đạo họ có tình cảm sâu dày. Ở đây có nhiều người có duyên. Bây giờ ta đã đạt được vĩnh sanh, được bất sanh bất diệt. Dĩ nhiên ta cũng hy vọng họ đều đạt được. Ta có thể giúp đỡ họ được chăng? Được! Chúng ta thực sự có năng lực giúp họ. Họ ở đâu? Bất luận họ ở đâu, ta đều thấy rất rõ ràng, đều nhận biết được họ. Họ không quen ta, nhưng ta quen họ. Cho nên nếu thấy duyên thành thục rồi thì nhất định phải đến độ họ.

Như thế nào gọi là duyên thành thục? Quí vị nói với họ mà họ tin tưởng, họ có thể lý giải được, đây gọi là có duyên. Khi họ đã hiểu rõ, họ sẽ thực hành. Đó gọi là duyên thành thục. Duyên thành thục hay không thành thục, chính là ở chỗ họ có chịu thực hành hay không. Không chịu thực hành là chưa thành thục, chịu thực hành là đã thành thục. Người thành thục thì đáng mừng, vì trong đời này họ sẽ thành Phật. Thành Phật là quả vị tu hành cao nhất. Phàm phu một đời thành Phật không dễ. Ngoài pháp môn tịnh độ ra, những pháp môn khác, trong đời này đạt đến địa vị này rất ít, rất hiếm gặp. Trong một đời đạt đến cảnh giới A la hán, nhưng đạt đến cảnh giới của Như Lai thì không dễ. Nếu gặp được pháp môn tịnh độ, phải thật sự nhận thức được kinh Vô Lượng Thọ, thấu triệt danh hiệu Phật A Di Đà. Dùng chân tâm niệm, thì nhất định được vãng sanh. Sanh đến thế giới Cực Lạc làm A Duy Việt Trí Bồ Tát. Tuy chưa thành Phật, cũng giống như thành Phật. Vừa đến thế giới Cực Lạc liền đạt được. Đúng là trúng thưởng rồi. Lúc này trí tuệ, thần thông, đạo lực, tướng hảo quang minh đều gần giống như Phật A Di Đà, rất giống. Quả báo này thù thắng biết bao!

Người không có thiện căn, Phật đến giảng cho họ, họ nghe cả đời mà cũng không hiểu nổi. Đây là thật không giả chút nào. Hàng ngày đều cùng Phật Bồ Tát ngồi chung một chỗ, ngồi đến 100 năm cũng nghe không hiểu. Hạng người này là đại đa số, chứ không phải thiểu số. Nên Phật độ người có duyên. Người có duyên khẳng định không phải đời này mới tu, mà nhiều đời nhiều kiếp, đời đời kiếp kiếp, đều có duyên rất sâu với Phật A Di Đà và tây phương tịnh độ. Họ mới dễ dàng cảm động. Tuy có nghiệp chướng, nhưng nghiệp chướng không chướng ngại được họ. Họ đã bị cảm động. Điều này chứng minh, thiện căn phước đức nhân duyên của mình rất sâu dày. Đời này cơ hội vãng sanh, có phần của chúng ta.

Gợi ý về thiện căn phước đức nhân duyên, đó chính là nhân duyên. Nhân duyên của mỗi người không giống nhau. Nghiệp chướng nặng, thì sự phát khởi sẽ rất khó khăn. Vì sao? Phải huân tu một thời gian dài. Giống như một cây gỗ ngâm trong nước, ngâm rất nhiều năm, đã thấm ướt. Bây giờ đem nó ra, dùng một bó củi muốn đốt nó. Khó. Làm sao có thể đốt cháy được? Bó lửa này đốt xong, lại đốt tiếp bó khác. Cần phải có tâm kiên nhẫn, đốt một vạn bó, mười vạn bó, một trăm vạn bó, thì nó cũng đốt cháy. Phải huân tu một thời gian dài, nếu thời gian không dài thì đốt sẽ không cháy.

Bản thân tôi cũng là một ví dụ. Nên đối với điều này tôi cảm nhận rất sâu sắc. Tôi tiếp xúc Phật Pháp không khó. Thầy Phương giảng cho tôi triết học trong kinh Phật xong, tôi liền tin tưởng, thật sự tiếp nhận. Những quan niệm sai lầm trước đó, như cho rằng Phật giáo là mê tín, là tôn giáo, đây là quan niệm sai lầm, đều sửa đổi lại hết, và thật sự muốn học. Nhưng đối với sự tiếp nhận Pháp môn tịnh độ, tôi học Phật mười mấy năm sau mới tiếp nhận. Trong kinh nói pháp môn này là pháp khó tin, mà tôi đã tin. Tôi mất hết mười mấy năm mới tiếp nhận nó, thật không đơn giản chút nào!

Đối với nhiều vị pháp sư ngang hàng, những người bạn già tuổi gần bằng nhau. Họ là đại pháp sư, thông tông thông giáo. Chúng tôi gặp nhau, bàn luận đến tịnh độ, họ đều không tin. Điều này tôi có thể lý giải, vì ngày xưa tôi cũng học giáo, rất thích những bộ đại kinh như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm. Rất hứng thú. Nhưng đối với Tịnh độ thì không, căn bản là không chịu tiếp xúc. Thầy giáo là người chuyên tu tịnh độ, là đệ tử của Ấn Quang đại sư. Tặng tôi bộ “Ấn Quang Đại Sư Văn Sao”. Sáu mươi năm trước, khi đó là bốn cuốn, bìa thường bốn cuốn. Chánh biên hai cuốn, tục biên hai cuốn. Tôi đã đọc, sau khi đọc xong đối với Tịnh độ không còn bài xích nữa, không dám coi thường, nhưng vẫn không muốn học. Tôi cũng đã từng nói với quý vị, nhân duyên tôi quay về tịnh độ. Tôi giảng kinh Lăng Nghiêm, kinh Lăng Nghiêm cũng giảng rất nhiều lần. Giảng qua đại ý kinh Pháp Hoa, giảng qua kinh Hoa Nghiêm. Trong hội Hoa Nghiêm, thấy được ngài Văn Thù Phổ Hiền phát nguyện cầu sanh tịnh độ. Thấy hai vị Bồ tát này, là hai vị Bồ Tát khiến người ta ngưỡng mộ nhất_Văn Thù Phổ Hiền. Các ngài lãnh đạo 41 vị pháp thân đại sĩ ở Hoa Tạng Hải Hội, đến thế giới Cực Lạc lễ bái Phật A Di Đà. Lạy Phật A Di Đà làm thầy, theo Phật A Di Đà học tập. Lúc này tôi mới tin.

Nếu tôi không thấy sự việc này, thì tôi vẫn chưa tin. Thầy Lý đã dùng nhiều phương tiện thiện xảo để dụ dổ tôi, nhưng đều không thành công. Cuối cùng thực sự đã đạt được.

Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm dẫn dắt tôi quay về tịnh độ. Mới thật sự nhận thức rằng nó là kinh số một trong tất cả các kinh giáo, mà Đức Thế Tôn đã nói trong suốt 49 năm. Là pháp môn vô thượng. Triển khai bộ kinh này, từng chữ từng câu đều có vô lượng nghĩa. Lần này chúng ta học cuốn sách này, dự định thời gian là 1200 giờ đồng hồ. Bây giờ chúng ta đã giảng đến hơn 600 giờ, gần được một nửa của giáo trình lớn. Quý vị học ở trong trường, hai tiếng đồng hồ là một học phần. Có môn học nào mà chiếm hết 600 học phần chăng? Tìm không thấy. “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”, tôi dự định thời gian là bao nhiêu? Hai vạn giờ. Có trường đại học nào trên thế giới, có môn học một vạn học phần chăng? Chính là bộ kinh này. Hai vạn giờ, tôi đã hoàn thành trên hơn bốn ngàn giờ rồi. Tôi nghĩ giảng xong bộ kinh này, sẽ tiếp tục giảng nữa. Nhưng có thể giảng xong hay không còn chưa nhất định. Sống một ngày thì giảng một ngày, như vậy mà vui không hề biết mệt, rất vui.

Đây là nói rõ thế giới Cực Lạc không có ba loại khổ. Đoạn bên dưới là giảng về tám khổ.

Tám khổ thực tế là nói về khổ khổ. Trong khổ khổ phân ra tám loại lớn.

“Hựu bát khổ giả, nãi nhân gian chi khổ”. Điều này nói rất thiết thực về cái khổ của nhân gian chúng ta. Thế nào là tám loại? Sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh, tổng cộng có tám loại.

Loại thứ nhất “sanh cư thai ngục” là sanh khổ. Con người khi đầu thai, người mẹ mang thai trong mười tháng. Mười tháng này cũng giống như ở địa ngục vậy, khổ không nói hết. Mẹ uống một lý nước lạnh, thì cảm thọ của nó như ở trong địa ngục hàn băng. Mẹ uống một bát canh nóng, nó như đang ở địa ngục bát nhiệt. Mẹ khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, nó ở trong bụng mẹ đều cảm nhận được hết. Nên người xưa dạy con từ trong bụng mẹ, người học lễ nghi ngày xưa đều hiểu. Khi người phụ nữ mang thai, trong mười tháng này tâm niệm phải đoan chánh. Ngôn hành cử chỉ cần phải như lý như pháp. Vì sao? Vì người mẹ sẽ truyền đến cho thai nhi. Đây gọi là thai giáo. Tâm niệm đoan chánh, tương lai thai nhi này tư tưởng sẽ thuần chánh. Đều là do người mẹ dạy. Lời nói hành động đoan trang, không trái với lễ giáo. Khi đứa trẻ ra đời, tướng mạo thân thể đoan chánh. Dễ dạy rất nghe lời. Ngày xưa gọi đây là thai giáo. Đứa trẻ ra đời, nó mở mắt là đã thấy. Tai nó biết nghe. Tuy không biết nói chuyện, nhưng nó đã bắt đầu học tập, đang bắt chước. Nên Đệ Tử Quy trong gia giáo của người xưa, không phải dạy trẻ nhỏ đọc. Đệ Tử Quy là quy củ làm người cơ bản. Bắt đầu học từ đâu? Từ khi nó vừa chào đời, chính là người xưa nói: “Giáo nhi anh hái”, vừa chào đời đã dạy. Cha mẹ chính là thầy của nó, nên ngôn hành cử chỉ của cha mẹ, trước mặt đứa trẻ phải đoan trang, phải trang trọng. Vì sao? Vì đứa trẻ sẽ nhìn thấy nghe thấy và chúng sẽ học. Ba năm- một ngàn ngày. Đây gọi là cội rễ giáo dục. Ngạn ngữ có câu: “Tam tuế khán bát thập, thất tuế khán chung thân”. Ba năm là ba tuổi, cội rễ giáo dục một ngàn ngày này phải dạy cắm cho tốt, đến tám mươi tuổi cũng không thay đổi. Giáo dục này là giáo dục của thánh hiền. Chỉ có Trung Quốc mới có, người ngoại quốc không hiểu. Giáo dục này ở Trung Quốc phổ biến, ít nhất có một vạn năm lịch sử. Có văn tự ghi lại năm ngàn năm, còn năm ngàn năm trước không có văn tự ghi lại. Các bậc tổ tông ngày xưa hiểu được nên dạy như vậy. Phật Bồ Tát cũng là con người dạy nên. Đại thánh đại hiền cũng là con người dạy nên. Chỉ là xem ta dạy như thế nào.

Hiện nay đã quên lãng nền giáo dục của thánh hiền. Truyền thống tốt đẹp nhất của người xưa họ không cần nữa. Bây giờ ai dạy bọn trẻ? Truyền hình dạy chúng. Quý vị xem, vừa ra đời mở mắt đã đối diện ti vi. Ti vi dạy chúng điều gì? Dạy chúng bạo lực, sắc tình, sát đạo dâm vọng. Lớn lên đến tuổi đi học. Trường học nước ngoài tôi biết, trường tiểu học Trung Quốc tôi chưa đi xem qua. Trường học nước ngoài vào lớp một đã dạy vi tính rồi, trẻ con đã tiếp xúc vi tính. Trong vi tính trò chơi quá nhiều, còn có trò chơi giết người nữa. Từ nhỏ chúng đã học được điều này. Đối với lý niệm phương pháp dạy học của các bậc thánh hiền, đúng là trái ngược 180 độ, nên nó đã dạy cho con người hư hỏng. Dạy con người hư, giống như mấy ngày này, quý vị thấy thiên tai ở Nhật Bản. Tôi nghe được ít nhất có hai vị quan viên Nhật Bản, đều là quan viên cấp cao. Ý của hai vị này nói hoàn toàn tương đồng, là do nghiệp bất thiện chiêu cảm nên. Thiên tai là do nghiệp bất thiện chiêu cảm ra. Lời này nói rất đúng. Trong kinh Phật cũng nói như vậy. Khu vực nhỏ này, con người tạo thiện nghiệp, thì khu vực này không có thiên tai.

Tôi ở Nhật Bản tham dự qua hai lần hội nghị hoà bình thế giới do liên hiệp quốc tổ chức. Thật hiếm có, hai lần đều ở tại Cương Sơn. Tôi với huyện trưởng Cương Sơn, là thị trưởng của thị trấn nhỏ ở đó. Chúng tôi đã kết duyên rất sâu. Tôi rất thích thị trấn Cương Sơn nhỏ này. Đối với họ tôi rất tôn trọng. Con người nơi thị trấn nhỏ này rất giữ bổn phận, không tham dục, tri túc thường lạc. Sinh hoạt rất tiết kiệm, rất thật thà. Giữa con người với con người rất có lễ phép, không phải là giả, không phải là vờ vịt. Cung kính đối với người khác là phát xuất từ nội tâm. Thị trấn nhỏ này có thể làm được ngoài đường không nhặt của rơi, đêm về không đóng cửa.

Chúng tôi chỉ nghe nói, ngày xưa có tình hình này. Không ngờ ngày nay ở Cương Sơn Nhật Bản vẫn thấy. Người bản địa nói với tôi, thị trấn nhỏ này của họ, hơn 400 trăm năm nay không có thiên tai. Tôi gọi điện hỏi người bạn ở Cương Sơn, ông ta nói lần này Nhật bản bị thiên tai nhưng chỗ họ ở không bị. Con người ở khu vực nhỏ này tâm lương thiện, ngôn hành thiện. Xung quanh bị thiên tai nhưng họ không bị. Đây không phải là điều hiển nhiên bày ra trước mắt đó sao? Điều này không tin thì tin điều gì? Họ đã làm để chúng ta xem đấy.

Trước đây vài năm, chúng tôi ở tiểu trấn Thang Trì, làm thí nghiệm học tập Đệ Tử Quy. Trong hai ba năm, quanh huyện này có thiên tai, nhưng khu vực này không có thiên tai. Nên lời Đức Phật nói với chúng ta là thật. Rõ ràng nhất là động đất ở Tứ Xuyên. Điều này rất rõ ràng. Động đất ở Tứ Xuyên, nhưng Sơn Đông cũng bị ảnh hưởng động đất. Giang Tô cũng bị ảnh hưởng động đất. Huyện nhỏ Thang Trì này đáng lẽ cũng bị ảnh hưởng, nhưng huyện nhỏ này không hề bị ảnh hưởng đến. Điều này rất kỳ la. Vì họ nói từ Tứ Xuyên đến Sơn Đông, nhất định phải thông qua An Huy. Nhưng huyện An Huy này không bị ảnh hưởng động đất. Đây là những điều quan viên địa phương nói với tôi, chỗ họ không hề gì cả. Phía nam Giang Tây đều bị ảnh hưởng hết. Người tin tưởng lời Phật dạy có phước báo như thế, nhưng tin tưởng được rất khó. Đúng như trong kinh Di Đà nói, không thể thiếu thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh vào nước này. Nếu không có thiện căn phước đức sâu dày, thì khó có thể tiếp nhận, khó có thể tin tưởng.

Tám khổ chính là khổ của nhân gian. “Sanh cư thai ngục”, đây là sanh khổ. Quý vị xem đứa trẻ sanh ra đều khóc nức nở. Vì sao nó khóc? Bởi khổ nên khóc, nếu không khổ thì chúng phải vui mừng chứ. Quí vị có thấy đứa trẻ nào sinh ra mà vui cười chăng? Không thấy. Như vậy quý vị sẽ biết, chúng ra đời đau khổ biết bao. Sanh khổ mỗi người chúng ta đều trải qua, nhưng quên rồi không còn nhớ nữa.

“Lão yếm long chung, thị lão khổ”. Người trẻ tuổi không biết lão khổ. Quý vị xem, Hồ Tiểu Lâm hơn 50 tuổi, không biết được nổi khổ của cha. Anh ta nói với tôi, anh ta dẫn vợ con đến Cựu Kim Sơn, không phải Cựu Kim Sơn, đến Singapore. Đến Singapore đi tham quan du lịch, đến tham quan viện bảo tàng người lớn tuổi. Trong đó có rất nhiều công cụ làm hiện ra nổi khổ của người già. Sau khi tham quan rồi anh ta mới cảm nhận được, thì ra người già đã khổ như vậy. Đi đứng hành động đều rất bất tiện, giống như trên thân mang theo bao cát ba mươi ký vậy. Trên chân chúng ta cột bao cát ba mươi cân mà đi thử xem. Người trên 80 tuổi đi đứng cũng như vậy. Anh ta hoàn toàn không biết! Sau này khi đã hiểu rõ, học được truyền thống văn hoá rồi trở về mới báo hiếu, thật khó có. Bốn tháng trước khi phụ thân mất, anh ta thật sự đã làm tròn hiếu đạo, cả gia đình cảm động. Phụ thân là người già rất tân tiến, mẫu thân cũng vậy. Nhìn thấy ưu điểm của truyền thống văn hoá, con cái thật sự đã hồi đầu, hiểu cách làm tròn chữ hiếu. Đối với cha già quan tâm hết mực chu đáo, không phải ai cũng làm được điều này. Tâm lượng đã phát khởi, họ mới biết được công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Người già thì mắt hoa tai điếc, công năng của răng, công năng của khí quản đều suy yếu. Sống trên thế gian này thật đau khổ.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, có rất nhiều quốc gia giàu mạnh, hưng khởi sự nghiệp phúc lợi người lớn tuổi. Nước Mỹ dẫn đầu. Đối với sinh hoạt vật chất của người già, họ quan tâm rất chu đáo. Khi nghỉ hưu, nhà nước sẽ chu cấp chi phí sinh hoạt hàng tháng cho họ. Nhà nước nuôi người già. Trên thế giới rất nhiều quốc gia đều có chế độ này. Tôi hoằng pháp khắp quốc tế, cũng rất quan tâm đối với việc này. Nên mỗi lần đến một địa phương tôi đều đi xem, sự nghiệp phúc lợi của người già ở đây. Và tôi thấy Âu Châu làm tốt nhất. Âu Châu lợi dụng đất nhiều người ít, nên chung cư người cao tuổi ở Âu Châu làm tốt nhất. Môi trường của người cao tuổi ở giống như trong công viên vậy. Thật hiếm có, tôi thấy vậy trong lòng rất hoan hỷ. Quan tâm chăm sóc của chính phủ đối với người cao tuổi, mỗi ngày là 100 ngàn tiền Âu châu. Nên cuộc sống vật chất đều tốt hơn các quốc gia khác, nhưng thiếu sinh hoạt tinh thần. Không sánh bằng truyền thống gia đình cổ xưa của ta. Già thì có gia tộc nuôi. Nuôi già dạy trẻ là hai nhiệm vụ lớn nhất trong gia đình. Điều này người ngoại quốc miên viễn không bao giờ tưởng tượng được. Người già khi về hưu là hưởng niềm vui thiên luân. Niềm vui thiên luân này, nếu nói với người ngoại quốc họ cũng không hiểu. Họ không hiểu cái gì gọi là thiên luân. Đó là con cháu đầy nhà, là một đại gia tộc. Trẻ con trong một gia đình này ít nhất có đến năm sáu mươi người, người lớn trẻ nhỏ vây quanh người già. Đó mới thật là vui, thật có lạc thú. Giống như viện dưỡng lão của Âu Châu. Nếu viện dưỡng lão và vườn trẻ hợp lại một chỗ. Người già hàng ngày nhìn thấy trẻ con, trẻ con hàng ngày nhìn thấy người già, xem người già như ông bà của mình. Người già sẽ yêu thương trẻ em, còn trẻ em thì học tôn kính người già. Đây cũng là một biện pháp cứu chữa rất tốt.

Để người lớn tuổi không xa rời người bọn trẻ, không xa rời trẻ con, thì cuộc sống của họ sẽ rất vui vẻ. Giáo dục về phương diện tinh thần phải đặc biệt quan tâm chú ý.

Giáo dục tôn giáo là một môn học mà người lớn tuổi thích nhất. Để người già thật sự sống qua những ngày tháng hạnh phức mỹ mãn khi tuổi về chiều. Lúc già họ hoan hỷ, họ vui vẻ, thì công đức này rất to lớn, chỉ tiếc là không ai biết. Nhưng người học Phật thì hiểu rõ. Người già khi lâm chung trong lòng bình an. Không có lo lắng, không có vướng bận, không có oán hận. Nhất định được sanh vào chỗ tốt như cõi trời cõi người. Nếu khi họ lâm chung oán hận đầy người. Đời này đối với xã hội họ đã cống hiến rất nhiều, nhưng lúc về già không được người quan tâm. Chỉ cần họ có oán hận, đại đa số đều đọa vào địa ngục, súc sanh.

Quý vị thử nghĩ xem, lúc tuổi về già có thể giúp họ tâm tình vui vẻ. Cũng chính là nói giống như đem họ từ trong ác đạo mà đưa lên thiên đường vậy. Công đức này lớn biết bao nhiêu! Tôi tham quan viện dưỡng lão, họ mời tôi nói chuyện. Tôi đều tán thán nhân viên phục vụ ở đây, họ là thiên sứ, họ không phải người phàm. Tận tâm tận lực, hiếu thảo người già như cha mẹ của mình. Chính là họ đem người già này từ ác đạo đưa lên thiên đường, công đức này rất lớn. Còn người niệm Phật giúp họ vãng sanh, từ phàm phu đưa họ đến Phật đạo và thành Phật. Công đức này to lớn biết bao. Không có gì có thể so sánh với công đức này. Những việc này, những đạo lý này chỉ có Phật mới hiểu.

Thứ ba “bệnh thọ khổ thống” là khổ vì bệnh. Kinh nghiệm về bệnh khổ này ai cũng có. Đặc biệt là người thời nay. Vì sao? Ẩm thực không sạch, nước không sạch. Người bây giờ thật đáng thương, không khí cũng không trong lành.

Tôi vừa mới xem một phần tư liệu. Phần tư liệu này viết về trận động đất của Nhật Bản, nhà máy điện hạt nhân ở Phúc đảo. Vật chất bị chảy ra ngoài đã trôi đến Bắc Châu Mỹ. Đây là trôi theo luồng gió, chính là sự phát xạ. Đây là sự việc rất phiền phức. Bây giờ rất nhiều người lo lắng, sợ động đất này ảnh hưởng đến núi Phú Sĩ. Núi Phú Sĩ là một núi lửa, sợ núi lửa này bộc phát. Thủ tướng tiết lộ một nguy cơ, dự tính rất kỹ, “Đông Nhật Bản toàn bộ huỷ diệt”. Đây là tiêu đề, Thủ tướng Nhật Bản nói. Họ sợ nếu núi lửa Phú Sĩ này, một khi bộc phát, sẽ liên đới đến rất nhiều núi lửa bộc phát. Như vậy thì đông bộ của Nhật Bản sẽ tiêu.

Nhà máy điện hạt nhân bài tiết ra những khí thải này, cũng đồng nghĩa như phóng xạ của nguyên tử đơn vậy. Nó theo gió bay đi, sự tổn hại đối với con người rất lớn. Nhìn sự ảnh hưởng của mấy ngày nay. Nếu không ngừng thì còn có núi lửa bộc phát, có thể phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản, có thể ảnh hưởng cả bắc bán cầu. Bây giờ Châu Mỹ đã ảnh hưởng thì Châu Âu cũng không tránh khỏi. Sự việc rất phiền phức.

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều quốc gia tiên tiến, đều có nhà máy điện hạt nhân. Một nhà máy điện hạt nhân, là đồng nghĩa có một viên đạn nguyên tử ở đó, động đất sẽ phá hoại nó. Trong kinh Phật dạy, sinh mạng vô thường, quốc độ nguy hiểm. Bây giờ dùng những lời Phật dạy trong kinh để hình dung thế giới này, thì không sai chút nào.

Tai nạn làm sao hoá giải? Thật sự có thể hoá giải, nhưng mọi người không tin tưởng. Phương pháp nào? Chân thật niệm Phật. Dùng tâm chân thành và thành tâm niệm Phật, nhưng không ai tin. Niệm Phật có hiệu quả lớn như vậy chúng ta tin tưởng. Tại sao chúng ta tin tưởng? Vì chúng ta đã thấu triệt lý luận. Về sự chúng ta cũng đã thấy rất nhiều bằng chứng, nó không phải giả. Một người niệm Phật, người niệm Phật chân chánh, người thành tâm thành ý nhất tâm niệm Phật.

Mấy năm trước ở tiểu viện Sơn Tây, hơn 40 người đều mắc bệnh ung thư, bị bệnh viện tuyên bố tử hình. Thọ mạng chỉ còn hai ba tháng. Chính họ cũng đã biết, nên thật sự buông bỏ. Thành tâm niệm câu Phật cầu sanh tịnh độ, niệm đến ba tháng đi tái khám, thì tế bào ung thư không còn nữa. Đây là công đức niệm Phật! Mười năm trước Lưu Tố Vân bị lao da ban đỏ, nghiêm trọng hơn cả ung thư. Bác sĩ nói với cô ta, bị bệnh này lúc nào cũng có thể tử vong. Khuyên cô ta nên có tâm lý chuẩn bị, do đó cô ta buông bỏ tất cả thật tâm niệm phật. Mỗi ngày nghe kinh mười tiếng, ngoài mười tiếng nghe kinh ra còn lại là niệm Phật. Cô ta cũng niệm ba đến năm tháng là đi tái khám, thì bệnh không còn, mụn độc đã lành. Đến sẹo trên mặt cũng không nhìn thấy. Bác sĩ rất kinh ngạc, cô làm sao mà lành bệnh? Cô dùng thuốc gì? Cô ta nói, tôi không dùng thuốc gì cả, chỉ niệm Phật thôi. Bác sĩ tin cô ta nói, bác sĩ dựa vào đâu mà tin cô ta? Suốt đời cô ta chưa từng nói dối, điều này không phải ai cũng làm được. Suốt một đời đối với bất cứ ai đều nói lời chân thật. Từ trước đến nay chưa từng nói vọng ngữ. Nên ở đông bắc mọi người đều biết cô ta, lời cô ta nói ai cũng tin. Niệm Phật cũng niệm rất tốt.

Trong kinh Phật cũng có những đạo lý này. Các nhà lượng tử lực học cũng thừa nhận đạo lý này. Ý niệm có thể thay đổi cảnh giới bên ngoài, nên ý niệm cũng có thể thay đổi tổ chức tế bào trong thân thể của chính mình. Ý niệm bất thiện thì nó sẽ biến thành bệnh độc. Ý niệm thuần tịnh thuần thiện thì độc bệnh sẽ phục hồi trở lại bình thường, tất cả là tự nhiên. Không cần dùng bất cứ thuốc gì. Đã có không ít người chứng minh cho chúng ta thấy điều này. Trong kinh nói không chỉ trị thân thể này của chúng ta, mà còn giúp môi trường.

Môi trường trên địa cầu này có thiên tai, ý thức tập thể có thể hoá giải được thiên tai. Nhưng phải thật tâm niệm Phật. Tâm chân thành niệm Phật có thể hoá giải thiên tai trên địa cầu. Nên lần này hai vị quan chức người Nhật công khai nói với mọi người, thiên tai từ đâu mà có? Do tâm và hành động bất thiện cảm vời nên. Nếu tâm và hành động chúng ta thiện sẽ không có thiên tai.

Thứ tư “tử bi phân tán”, là tử khổ. Thân thể này bốn đại bị phân tán, với quyến thuộc đời này cũng đều bị phân tán. Đời sau mỗi người đều tuỳ theo nghiệp lực của mình mà luân chuyển, tự mình không làm chủ được. Người có định lực tự mình có thể làm chủ. Người không có định lực không làm chủ được. Nếu chúng ta một đời hành thiện, tâm thiện hành động thiện, thì sẽ sanh đến chỗ thiện. Tâm và hành động bất thiện sẽ sanh đến chỗ bất thiện. Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, đều là những chỗ bất thiện. Còn người niệm Phật chơn chánh thì sanh đến thế giới Cực Lạc. Người có tôn giáo tín ngưỡng tôn giáo chân chánh, họ có thể sanh lên thiên đường. Giả thì không được. Sanh lão bệnh tử là điều tất cả mọi người không ai tránh khỏi. Bất luận là nam nữ già trẻ, phú quý bần tiện tất cả đều phải chịu quy luật sanh lão bệnh tử.

Ngoài điều này ra, cái thứ năm là ái biệt ly khổ. Ái tắc dục hợp thiên ly. Người mà ta thích, việc mà ta thích, vật mà ta thích, ta muốn nó không bao giờ xa rời, thì nó nhất định phân ly. “Thường sở thân ái chi nhơn, quai vi ly tán, bất đắc cộng xứ, thị danh ái biệt ly khổ”. Tình hình này ngay trước mắt, nhưng không có cách nào khác. Một đời chúng ta luôn muốn có hoàn cảnh an định để tu tập cho tốt, nhưng không có cơ duyên này. Trong đời tôi chỗ ở lâu nhất chính là Singapore. Ba năm rưỡi, những vẫn phải biệt ly. Đủ duyên thì hợp, hết duyên thì đi. Hợp tan vô thường.

Ngày xưa tôi ở Mỹ, ở Canada. Nơi những thành phố lớn này, mỗi năm đều đi quanh một vòng. Mỗi nơi nếu thời gian dài như ở Uân Ca Hoa, mỗi lần đi là ở một tháng. Còn mấy chỗ khác ở khoảng một tuần đến hai tuần, hơn mười mấy thành thị như vậy. Muốn ở một nơi nhất định cũng không được. Chỗ nào mời thì phải đến chỗ đó. Đến Âu Châu, các khu vực khác trên thế giới vẫn phải đi, nhưng cũng không lâu dài. Hai năm nay ở HongKong thời gian dài một chút, khoảng hơn một năm. Phật pháp là tuỳ duyên, không miễn cưỡng chút nào. Nơi nào có duyên thì đến nơi đó. Nhưng chính mình tu thành mới có năng lực này, nếu chính mình chưa thành tựu, thì duyên này sẽ không có. Duyên này cũng bất đắc dĩ. Nếu không có phước báo, hãy xem các bậc cổ đức xưa nay, ở trên núi mười mấy năm không hạ sơn. Không cần nói điều gì khác, công phu thiền định của họ cũng đáng để người khác kính phục. Nhân định thì tâm họ sẽ thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì trí huệ sẽ sanh. Cùng một đạo lý đó, thiên tai dồn dập, quan trọng nhất là gì? Quan trọng nhất là ta phải định. Trong đại thiên tai, tâm phải định không bị loạn. Loạn sẽ lo lắng, sẽ sợ hãi. Định sẽ sanh trí huệ, trí tuệ có thể giải quyết vấn đề. Lo sợ không thể giải quyết vấn đề. Nên thiên tai càng lớn, tâm càng phải định, càng phải giữ được bình tĩnh. Không bi hoàn cảnh bên ngoài làm rối loạn.

Thứ sáu “Oán tắc dục đào thiên ngộ. Thường sở oán cừu tắng ác chi nhân, dục cầu viễn ly, nhi phản tập tụ, thị danh oán tắng hội khổ”. Người mình ghét, việc mình ghét. Luôn muốn ở thật xa nó, nhưng lại cứ thường gặp. Đây gọi là oán tắng hội khổ. Lúc nhỏ học ở trường, bạn học tốt luôn thích ngồi cạnh nhau, nhưng vị trí lại xếp rất xa. Còn người ta ghét, lại cứ ngồi chung một chỗ. Nên sau khi nghe giảng những điều trong kinh Phật, nghĩ lại điều này từ nhỏ đã có. Hồi tưởng lại, những gì mình nếm trải trong cuộc đời này là như vậy. Oán thân trái chủ cứ tìm đến mình luôn.

Thứ bảy “Cầu tắc dục đắc thiên thất. Thế gian nhất thiết sự vật, tâm sở ái lạc giả, cầu chi nhi bất năng đăc, thị danh cầu bất đắc khổ”. Loại thứ bảy này là cầu không được. Vì sao cầu không được? Vì sao thương nhau mà phải biệt ly? Vì sao ghét nhau mà cứ phải gặp nhau? Cuộc đời này đều do số mạng, hoàn toàn không phải do người. Con người thật sự thấu triệt đạo lý này, hiểu thấu suốt thì tâm sẽ định. Tâm định thì sẽ lìa khổ được vui. Người với người có duyên, người với hoàn cảnh có duyên, người với tất cả vạn vật đều có nhân duyên. Số mạng có thì nhất định có, muốn bỏ cũng không bỏ được. Mạng không có, thì dù có dùng phương pháp nào cũng không đạt được.

Những thứ dùng thủ đoạn phi pháp đạt được, vẫn được xem là số mạng có, như vậy không phải là oan uổng sao? Nếu số mạng không có, dùng thủ đoạn phi pháp đạt được thì tai họa cũng theo đến. Thủ đoạn phi pháp đạt được mà không có tai hoạ, ta vẫn có thể hưởng thụ. Điều này nói lên số mạng ta có. Số mạng ta có phước báo, phước báo lớn. Dùng phương pháp không thích đáng này đạt được, sẽ khiến cho phước báo của ta bị giảm đi. Ví dụ như số mạng ta có của cải là một trăm ức, ta dùng thủ đoạn phi pháp đạt được. Khởi tâm động niệm đều là tổn người lợi mình, trên thực tế có thể đạt được bao nhiêu? 50 ức. Chúng ta cảm thấy rất vừa lòng, mình giỏi quá. Mà không biết rằng, số mạng của mình vốn là 100 ức, mất hết một nửa rồi, như vậy là sai.

Nếu làm người chánh trực, không cẩu thả. Mỗi ý nghĩ đều muốn giúp người khác, muốn quan tâm người khác. Số mạng của họ vốn được 100 ức, nhưng có thể sẽ tăng lên 150 ức. Vì sao? Vì tâm và hành vi của họ tốt. Đây là đạo lý chân thật. Người xưa thường nói, thiệt thòi là phước, chiếm được lợi ích là tai hoạ. Nên lợi ích không được chiếm. Người bị thiệt thòi là sao? Thiệt thòi là tiêu tai nạn, tiêu nghiệp chướng, tránh khỏi rất nhiều tai nạn. Như vậy sao không phải là phước. Người xưa nói câu này rất có đạo lý “xả tài tiêu tai”. Tổn thất tài sản, sẽ tiêu trừ tai nạn, tiêu trừ nghiệp chướng. Trong đạo Phật nói nghiệp chướng đã tiêu trừ, là việc tốt không phải việc xấu. Nếu thấu triệt được những điều trong Kinh Phật nói, mỗi người đều là người tốt, mọi việc đều là việc lành. Nếu có thể nhìn ra được điều này, thì cảnh giới của chúng ta được nâng lên mức độ cao, là cảnh giới của Phật Bồ Tát, không phải cảnh giới của phàm phu. Cảnh giới phàm phu thì một chút lợi hại cũng so đo tính toán, như vậy là sai. Buông bỏ, chúng ta sẽ giác ngộ. Buông bỏ thì ta sẽ có được biến pháp giới hư không giới.

Cuối cùng, thứ năm “Ngũ âm xí thạnh khổ. Viên Trung Sớ viết, ngũ ấm giả, sắc thọ tưởng hành thức dã”. Năm loại này, sắc là hiện tượng vật chất. Thọ tưởng hành thức là tinh thần. Vật chất và tinh thần chưa buông bỏ được. Chúng ta đối với thân, đối với tâm_Tâm chính là hiện tượng tinh thần_ đều sanh tình chấp rất nặng. Mà không biết rằng, năm thứ này là giả không phải thật.

“Tâm Kinh” là bộ kinh mà người học Phật quen thuộc nhất. Bộ kinh có 260 chữ do Ngài Huyền Trang dịch. Câu thứ nhất “Quán tự tại Bồ Tát”, chính là Quán Thế Âm Bồ Tát. “Hành thâm Bát Nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Ngũ uẩn chính là sắc thọ tưởng hành thức. Quý vị thật sự có trí huệ, sẽ hiểu được toàn bộ là giả. Tham trước nó thì khổ không sao nói hết. Nếu ta biết nó là giả, buông bỏ thì sẽ được giải thoát, sẽ được đại tự tại. Năm loại này gọi là ngũ ấm. Ấm là gì? “Phú cái chi nghĩa”, nó che đậy lại. Che đậy điều gì? Che đậy tự tánh, khiến ta không thấy được tự tánh. Tự tánh, tự tánh là thật ngã, sắc thọ thưởng hành thức là giả ngã, nó không phải là thật ngã. Phàm phu sai là sai ở chỗ lấy giả cho là thật, còn thật thì không biết. Bị luân hồi trong lục đạo mới thật gọi là oan uổng.

Quý vị xem ở đây nói rất hay, “vị năng cái phú chân tánh, bất linh hiển phát”. Năm thứ này khiến ta vĩnh viễn nhìn không thấy chân tánh. Nếu trừ bỏ năm thứ này, thì minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. “Thạnh tức thạnh đại chi nghĩa”. Bên dưới giải thích cho chúng ta, những gì ở trước nói như sanh lão bệnh tử v.v…v.v…chính là bảy loại ở trước như ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ. “Chúng khổ tụ tập, cố viết ngũ ấm xí thạnh khổ”. Ở trước sanh lão bệnh tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc. Đây là tám loại khổ lớn, đều tập trung ở nơi thân và tâm của chúng ta. Những thứ thân thể ta cảm nhận được, những thứ tinh thần ta cảm nhận được là đêm ngày bất an. Tám loại khổ này mọi người đều có, đặc biệt rõ ràng là ở những người giàu có, đại phú đại quý. Ngũ ấm xí thạnh của họ rất nghiêm trọng, suy tính thiệt hơn, không đạt được thì phải nghĩ hết cách để đạt được, sau khi đạt được lại sợ mất đi. Tuổi thì ngày một lớn mà lại sợ già chết. Tham sống sợ chết, nên suy nghĩ lo lắng nhiều hơn người khác. Đêm về ngủ không ngon giấc, phải uống thuốc ngủ, không thiếu ngày nào. Chính mắt tôi nhìn thấy.

Phú ông của cải đến vạn ức, nhưng mỗi đêm phải uống thuốc ngủ. Họ không có niềm vui, sự nghiệp kinh doanh quá nhiều, không có thời gian nghỉ ngơi, khổ đến già chết. Trong đời tôi chỉ nhìn thấy một người có phước báo, cư sĩ Trần Quang Biệt ở Singapore. Đây là một ngân hàng gia, kinh doanh rất nhiều ngành nghề, chức vụ rất nhiều như tổng giám đốc, giám đốc đại loại như vậy. Quý vị biết cuộc sống ông ta rất bận rộn, biết bao nhiêu là việc. Lúc bị bệnh, không đi làm được, phải ở nhà dưỡng bệnh. Nhà của ông rất lớn, như hoa viên vậy. Ở Singapore có nhà như vậy, không phải người bình thường có thể ở được. Nhà ông ta trị giá phải mười ức, tiền Singapore. Ông ta ở nhà dưỡng bệnh liền nghĩ đến nghe kinh. Ông là người quy y Tam Bảo, nhưng không biết Phật Giáo là gì. Đến khi bị bệnh mới có thời gian muốn nghe kinh, và tìm cư sĩ Lý Mộc Nguyên. Ông Lý đến tìm tôi, tôi nói được. Đem đĩa kinh chúng tôi giảng, từ chỗ đơn giản nhất, thấp nhất cho ông ta nghe. Ông ta mỗi ngày nghe tám tiếng đồng hồ. Thật hiếm có, nghe hai năm ông ta đã hiểu, và biết niệm Phật.

Chúng tôi tin rằng ông ta thật sự đã có nắm bắt. Ông ta nói với Lý Mộc Nguyên, ông ta muốn vãng sanh. Quý vị xem, nằm trên giường bệnh nghe kinh suốt hai năm, một ngày tám tiếng đồng hồ, Ngoài giờ nghe kinh ra còn lại là niệm Phật. Ông Lý nói với ông ta, ông không được đi. Ông đi rồi không có người kế thừa. ngôi nhà này không duy trì được. Ông bị bệnh cũng không sao, chỉ cần ông cứ nằm đây. cư sĩ Lâm làm đương gia sư quản lý cho, chỉ cần có tiếng của ông. Tốt! Đây là sanh tử tự tại, lại sống thêm hai năm. Hai năm cuối này nghe tôi giảng kinh Vô Lượng Thọ, chuyên tâm niệm Phật, biết trước giờ chết.

Một hôm, ông ta ghi trên mảnh giấy ngày tháng, viết mười mấy hai mươi lần giống nhau. Không ai dám hỏi ông ta, chính là ngày đó ông ta vãng sanh. Cách ngày ông ta vãng sanh khoảng ba tháng. Ba tháng trước ông ta đã biết được ngày đó. Biết trước giờ chết. Trước khi chết một ngày đã tìm tôi quy y Tam Bảo cho ông ta, chính thức quy y Tam Bảo. Lúc bệnh nặng, vừa đúng có lớp bồi dưỡng. Lớp bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp. Trong lớp cử bốn người làm một tổ nhỏ, luân phiên trợ niệm cho ông suốt 24 giờ không ngừng nghỉ. Sau khi vãng sanh, ban trợ niệm này vẫn niệm cho ông ta suốt 24 giờ. Các bạn đồng học về đến Cư Sĩ Lâm, đột nhiên bị ám, cô gái bị ám đó tên Đỗ Mỹ Tuyền, là cư sĩ Trần Quang Biệt_Ông ta là hội trưởng ở Cư Sĩ Lâm_oán thân trái chủ của ông ta có mấy trăm người, đều theo các vị pháp sư đến Cư Si Lâm. Thần Hộ Pháp ở Cư Sĩ Lâm để họ vào. Họ mới nói với mọi người, họ rất thích ông hội trưởng của Cư Sĩ Lâm đến thế giới Cực Lạc_vãng sanh. Họ muốn học Phật, muốn quy y, muốn nghe kinh.

Lúc đó tôi đang giảng kinh tại HongKong, họ gọi điện thoại nói với tôi, tôi nói được. Lập tức làm lễ quy y u minh cho họ. Họ muốn nghe kinh Địa Tạng, nghe thập thiện nghiệp đạo, muốn nghe hai bộ kinh này. Tôi nói, băng ghi âm của hai bộ kinh này phải ngày đến 24 tiếng không ngừng mở cho họ nghe. Muốn họ đến giảng đường họ không dám đi. Họ nói giảng đường điện quá sáng, họ không vào được. Nên muốn ở trai đường, ở nhà ăn. Ở nhà ăn đặc biệt đặt hai giá ti vi máy móc. Mở suốt một tháng thì họ đi. Đây là chứng minh, oán thân trái chủ của ông ta chứng minh, hội trưởng Cư Sĩ Lâm thật sự đã vãng sanh. Đắc lực trong những năm cuối đời bị bệnh, ông ta mới thật sự nhận thức được Phật Pháp. Tuy trước đây làm hộ pháp cho đạo Phật, nhưng Phật pháp là gì ông ta không biết. Thật có phước báo!

Bệnh nằm trên giường bốn năm, chúng tôi cũng biết, hai năm ông ta có thể vãng sanh. Hai năm sau là ông ta lưu lại thế gian để giúp Cư Sĩ Lâm, để chứng minh cho chúng ta.

“Thử thổ bát khổ giao tiên”. Thử thổ là hiện tại chúng ta đang nơi thế giới ta bà này, nơi địa cầu này. Đặc biệt là ngay trước mắt, cuộc sống của chúng ta thật sự là bị tám khổ thiêu đốt. “Bỉ thổ vĩnh ly chư khổ”. Quý vị thử nghĩ xem, thế giới Cực Lạc có những thứ khổ này chăng? “Sớ Sao viết, bỉ quốc liên hoa hoá sanh, tắc vô sanh khổ”. Họ không phải là mẫu thân mang thai, không phải là do từ bào thai sanh ra, mà hoa sen hoá sanh ra. Nên không có khổ khi ở trong thai. “Hàn thủ bất thiên, tắc vô lão khổ”. Tục ngữ thường nói trường sanh bất lão, người ở thế giới Cực Lạc có tuổi thọ vô lượng, nên không nhìn thấy họ già yếu. Vì thế họ không có lão khổ. “Phân ly phân đoạn”, chính là chỉ phần đoạn sanh tử, họ không có bệnh khổ. Chưa từng nghe qua thế giới Cực Lạc có người nào bị bệnh, chưa nghe qua. Ở thế giới tây phương Cực Lạc không có bệnh viện, không có nghề bác sĩ, vì không có bệnh nhân.

“Thọ mạng vô lượng”, họ không có tử khổ. Không có phụ mẫu vợ con, không có ái biệt ly khổ. Thế giới Cực Lạc không có thân tình, đều do hoa sen hoá sanh. Chư vị thượng thiện nhơn đều câu hội tại một chỗ, không có oán tắng hội khổ. Chúng ta thường tiếp xúc đều là Chư Phật Bồ Tát. Chúng ta cùng sống với những vị này, nên ta không có oán tắng hội khổ. “Sở dục tự chí, vô cầu bất đắc khổ”. Những thứ trong tâm mong cầu, tự nhiên đều hiện trước mắt. Giới khoa học gọi đây là sự chuyển biến giữa năng lượng và chất lượng. Mỗi người ở thế giới Cực lạc đều là nhà khoa học hàng đầu. Những thứ họ muốn, năng lượng sẽ biến hoá ra để họ thọ dụng. Khi không cần, thì vật chất chuyển biến thành năng lượng, nên không thấy nữa. Nên họ không cần thu dọn.

Khách đến, ý niệm vừa khởi lên thì nhà khách đã sắp đặt xong. Khi khách đi, thì những vật dụng trong nhà ăn hoàn toàn biến mất, sạch sẽ không nhiễm chút dơ nào. Tự tại biết bao! Đây là ở thế giới tây phương Cực Lạc. “Quán chiếu không tịch, tắc vô ngũ ấm thạnh khổ”. Giống như Quán Thế Âm Bồ Tát nhìn thấy ngũ uẩn đều không, nên không có ngũ ấm xí thạnh khổ. Thế giới tây phương Cực Lạc và thế giới này của chúng ra so sánh, thì nên về đó sớm, càng sớm càng tốt. Đi trễ một ngày thì ở đây chịu thêm một ngày bị tám khổ nung nấu. Sớm một ngày đến thế giới Cực Lạc, thì sớm một ngày được hưởng thụ niềm vui và an lạc tột cùng của Thế giới tây phương. Nên người tin tưởng thì họ có phước.

Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây thôi.

 

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 18 tháng 03 năm 2011

Địa điểm: :Tịnh Tông Học Viện Úc Châu

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh.