Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, hàng thứ năm, trang 383.
“Hựu Vãng Sanh Luận vị Cực Lạc tam chủng trang nghiêm nhập nhất pháp cú. Nhất pháp cú giả, vị thanh tịnh cú. Thanh tịnh cú giả, vị chân thật trí tuệ vô vi pháp thân cố”. Ở sau có chú giải của Đàm Loan Pháp Sư. “Đàm Loan đại sư chú viết, thử tam cú triển chuyển tương nhập. Y hà nghĩa danh chi vi pháp, dĩ thanh tịnh cố. Y hà nghĩa danh vi thanh tịnh, dĩ chân thật trí tuệ vô vi pháp thân cố. Chân thật trí tuệ giả, thật tướng trí tuệ dã, Thật tướng vô tướng cố, chân trí vô tri dã”. Chúng ta xem đến đây trước đã.
Hoàng Niệm Tổ chú giải đại kinh, dân chứng câu này trong Vãnh Sanh Luận, dẫn chứng rất nhiều. Ở trước chúng ta đã thấy, nhưng ở sau vẫn nhìn thấy. Từ đó mà biết, mấy câu này vô cùng quan trọng. “Nhất pháp cú” trước là nói pháp. “Y hà nghĩa danh chi vi pháp”. Pháp có nghĩa là gì? Pháp tượng trưng cho điều gì? Dĩ thanh tịnh cố. Pháp chính là thanh tịnh. Vậy thanh tịnh nghĩa là gì? Chúng ta từng câu từng câu như vậy mà xem. “Y hà nghĩa danh vi thanh tịnh, dĩ chân thật trí tuệ vô vi pháp thân cố”. Vì sao nói hai câu này là thanh tịnh? Trí tuệ chân thật là thật tướng trí tuệ. Cũng chính là nói, chúng ta thật sự thấy chân tướng vũ trụ vạn pháp. Chân tướng là gì? Chân tướng là vô tướng.
Trong kinh điển đại thừa, Đức Thế Tôn thường nói: “Đương lễ tức không, liễu bất khả đắc”. Đây là chân tướng, ai biết được điều này? Người buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Họ biết, họ nhìn thấy. Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng. Tướng này bây giờ chúng ta cũng hiểu được vài phần. Trong tướng này báo gồm ba loại hiện tượng. Chúng ta từ chỗ ban đầu rõ ràng nhất để nói là vật chất hiện tượng. Sâu hơn một tầng là hiện tượng tinh thần. Sâu hơn một tầng nữa là hiện tượng tự nhiên. Ba loại hiện tượng này đều là hư vọng. Đức Phật đã nói như vậy, không ngờ ngày nay các nhà khoa học cũng nói như vậy. Người bây giờ tin tưởng khao học. Các nhà khoa học nói, tất cả các hiện tượng đều là hiện tượng dao động. Nên giới khoa học nói toàn thể vũ trụ là dao động, giống như đàn vậy, sợi dây chấn động. Âm thanh từ chỗ này phát ra, nên âm thanh cũng không phải là thật. Sắc thanh hương vị xúc pháp toàn là giả, thọ tưởng hành thức cũng là giả. Tất cả đều là huyễn tướng do chấn động sanh ra.
Phàm phu không thấu triệt được thực tế chân tướng nên ngộ nhận cho là thật, lấy giả cho là thật. Ở trong huyễn tướng đó sanh khởi phiền não. Phiền não này là gì? Muốn khống chế nó, nuốn chiếm hữu nó, muốn tiêu diệt nó, hoặc là muốn vĩnh viễn chiếm cứ cho riêng mình. Phiền não đã sanh ra nhiều vọng tưởng như vậy. Những vọng tưởng này trong kinh Phật gọi là tạo nghiệp. Vọng tưởng càng nhiều thì tạo nghiệp sẽ càng nhiều. Ý niệm khống chế chiếm hữu càng nặng, thì nghiệp tạo cũng càng nặng hơn. Vì thế chư Phật Bồ Tát đều buông bỏ tất cả, đạo lý là ở đây.
Chư phật Bồ Tát chứng được trí tuệ chân thật, chứng được pháp thân vô vi. Trí tuệ chân thật là gì? Chúng ta xem ở đây nói “thật tướng vô tướng, chân trí vô tri”. Như vậy chúng ta mới hiểu rõ. Thật tướng trí tuệ rời tất cả tướng, đến trí tuệ cũng không chấp trước. Chẳng những không chấp trước, cũng không có phân biệt. Trong kinh Bát Nhã nói Bát Nhã vô trí, trí tuệ chân thật là vô tri. Chứng được vô tri, vô tri gọi là căn bản trí. Khi nó khởi tác dụng thì không gì chẳng biết, thật tướng vô tướng không có gì là chẳng phải tướng. Tức là nó có thể hiện tất cả tướng, biến pháp giới hư không giới. Tất cả các hiện tượng đều do nó hiện ra. Vì sao nó có thể hiện? Vì nó vô tướng. Có tướng thì không hiện được. Chúng ta bây giờ không thể hiện. Nguyên nhân ở đâu? Do chúng ta chấp trước có tướng.
Chấp trước này làm cho trí tuệ đức năng trong tự tánh chúng ta bị mê hoặc. Nhưng không phải thật sự mất, mà do mê nên nó không khởi tác dụng, cho nên cũng giống như không có. Hay nói cách khác, nếu chúng ta có thể buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì thật tướng trí tuệ sẽ hiện tiền. Trí tuệ thật tướng hiện tiền chính là trong Phật giáo đại thừa thường nói, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Như vậy thì chúc mừng quý vị, quý vị đã thành Phật. Chúng ta vốn là Phật, bây giờ lại thành Phật. Trong Vãng Sanh Luận thì câu này hiện rõ tính chất quan trọng, đầy tinh tuý của Phật pháp đại thừa.
Pháp thân vô vi là thân pháp tánh. Di Đà tịnh độ là cõi pháp tánh, điều này thật không thể nhĩ bàn. Nó là thật không phải giả. Pháp tánh là thật nên thân pháp tánh là thân thật. Sau khi đạt được nó sẽ không sanh biến hoá, cũng chính là nói nó không có sanh lão bệnh tử. Mỗi người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, mặc dù là đem theo trọng tội ngũ nghịch thập ác. Ngũ nghịch thập ác là phải đọa địa ngục A tỳ, cũng chính là vô gián địa ngục. Họ sanh đến thế giới tây phương Cực lạc, liên hoa hoá sanh, tất cả đều là thân pháp tánh. Điều này thật không thể nghĩ bàn! Chúng ta ở một bên nhìn thấy, cũng có thể nói người này quá may mắn.
Quý vị xem, họ vốn là phải đọa vào vô gián địa ngục, bây giờ họ đến thế giới Cực Lạc làm Phật. Chúng ta thấy sẽ sinh nghi hoặc, vì chiếu theo hành nghiệp đời này của họ hiện hành mà nói, thì họ phải đọa địa ngục. Nhưng tại sao họ vãng sanh thành Phật? Chúng ta chỉ nhìn thấy đời này kiếp này của họ, mà không nhìn thấy quá khứ của họ. Phật dạy, vô lượng kiếp trong quá khứ. Người này đời đời kiếp kiếp là một người tu hành, chỉ là trong đời này họ gặp ác duyên, làm rất nhiều việc sai lầm, tạo nên tội nghiệp cực kỳ sâu nặng. Nhưng vì thiện căn phước đức của họ vô cùng thân hậu, nên vùa tiếp xúc Phật pháp họ liền thấu triệt. Họ có thể tin nên chân thật phát nguyện chân thật niệm Phật.
Chỉ cần một ngày một đêm công phu, họ sẽ có thể vãng sanh đến thế giới Cực Lạc làm Phật. Một câu Phật hiệu làm tiêu tám mươi ức kiếp trọng tội sanh tử. Một ngày một đêm niệm phật đã tiêu sạch hết những tội nghiệp trong vô lượng kiếp của họ. Chúng ta có chấp nhận được chăng? Một số người không thể, không thể nào. Làm gì có chuyện dễ như vậy! Điều này là do chúng ta không biết thế nào gọi là thiện căn phước đức. Vì chính mình không có thiện căn, không có phước đức. Cũng không biết người khác thật sự có người có thiện căn, như trong kinh nói một niệm tương ưng một niệm Phật. Như vậy mới có thể tiêu hết trọng tội sanh tử trong tám mươi ức kiếp.
Chúng ta bây giờ miệng niệm Di Đà mà tâm thì tán loạn, nên không tiêu được nghiệp chướng. Chính mình phải tĩnh tâm để suy nghĩ, nhưng thật ra tĩnh tâm không được. Tôi rất muốn tĩnh tâm, nhưng không tĩnh tâm được. Vọng niệm quá nhiều, tự mình không khống chế được. Như thế làm sao có thể thấu triệt Phật pháp đại thừa. Đặc biệt là áo nghĩa trong Phật pháp đại thừa. Mình không hiểu rõ cũng không tin người khác. Thậm chí đến kinh giáo, đến Phật Bồ Tát cũng cũng có rất nhiều thắc mắc. Thái độ này chẳng những không thể tiêu nghiệp, mà nó còn làm tăng trưởng nghiệp chướng. Nói như vậy không phải là Phật Bồ Tát đã hại chúng ta rồi chăng? Không sai, Có lúc Phật Bồ Tát là muốn hại chúng ta một tí. Nhưng không cần gấp, khi đã thật sự hiểu rõ, chúng ta sẽ niệm Phật. Thì nghiệp chướng này rất nhanh sẽ được tiêu trừ. Đây đều là thật tướng các pháp, chân tướng sự thật. Hai câu này chúng ta cần phải ghi nhớ, thật tướng vô tướng, trí tuệ chân thật không gì không biết. Hai câu này không dễ hiểu.
Vô tri là trí tuệ Bát Nhã vốn có trong tự tánh. Thanh tịnh, nếu có tri sẽ không thanh tịnh, có tướng sẽ không thanh tịnh. Vô tướng mới thật thanh tịnh, vô tri mới thật thanh tịnh, vô tri khởi tác dụng có thể hiện tất cả tướng. Đại sư Huệ Năng nói, nào ngờ tự tánh có thể sanh ra vạn pháp, đây là hiện tướng. Trong “Hoàn Nguyên Quán” của Hiền Thủ Quốc sư nói “xuất sanh vô tận”, đó chính là không tướng. “Tự tánh tịnh viên minh thể”, không có tướng cũng không có tri. Nó có thể hiện tất cả tướng, nó có thể hiện tất cả tri. Vì sao? Đây là trí tuệ đức năng vốn có của tự tánh.
“Vô vi pháp thân, pháp tánh thân dã, pháp tánh tịch diệt cố, pháp thân vô tướng dã”. Pháp tánh ở đâu? Biến pháp giới hư không giới. Nó tồn tại mọi lúc mọi nơi. Nó là bổn thể của tất cả pháp. Tất cả pháp là sở sanh sở hiện. Nó là năng sanh năng hiện. Chúng ta nhìn không thấy nó. Vì sao nhìn không thấy? Chúng tôi đã nói rất nhiều. Thân thể này, năm căn nhãn nhĩ tỷ thiệt thân. Năm căn có thể tiếp xúc được, có thể cảm giác được là hiện tượng vật chất. Pháp tánh không phải vật chất, nên năm căn này tiếp xúc không được. Nó thực sự tồn tại, căn bản là không xa rời năm căn. Nhưng không biết năm căn ở đâu, vì đối với nó không có cảm xúc. Thậm chí phải nói rằng những lời này đều là lời chân chật không phải giả.
Năm căn cũng là pháp tánh biến hiện ra. Cũng là sở sanh sở hiện sở biến. Nó là năng sanh năng hiện năng biến, nên năm căn tiếp xúc không đến. Thức thứ sáu ý thức là hiện tượng tinh thần. Pháp tánh không phải hiện tượng tinh thần, vì thế thức thứ sáu và thức thứ bảy cũng không với tới. Nó cũng không phải hiện tượng tự nhiên, đến A lại da cũng không khởi tác dụng. Kiến phần tướng phần đều duyên không tới. Nhưng tứ phần của A lại da kiến phần, tướng phần, tự chứng phần, chứng tự chứng phần đều là tự tánh pháp tánh sở sanh sở hiện. Làm sao biết được là nó tồn tại? Đức Phật nói “duy chứng phương tri”. Chỉ có người chứng quả mới biết được.
Những ai chứng được? Tất cả Pháp thân Bồ Tát đều chứng được. Điều này có thể là giả ư? Cũng chính là nói, tất cả những người minh tâm kiến tánh thấy được. Họ đã kiến tánh. Người chưa minh tâm kiến tánh thì nói thế nào cũng không nói được, không thể hình dung. Nên Phật thường hay nói một câu là thật không thể nghĩ bàn. Không thể nghĩ nó, vì nghĩ cũng nghĩ không ra. Không thể nói nó, vì không thể nói ra được. Nhưng Đức Phật dạy, chỉ cần ta buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì sẽ thấy. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là chướng ngại. Chướng ngại tự tánh. Chúng ta hoàn toàn không thể lãnh hội được, cũng không thể thấu triệt. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là phiền não chướng và sở tri chướng, Trong chấp trước thì phiền não chướng nặng, sở tri chướng ít.
Trong phân biệt, phân biệt là trần sa phiền não. Sở tri chướng nặng còn phiền não chướng ít. Căn bản vô minh chính là khởi tâm động niệm, trong đó phiền não và sở tri chướng đều rất mỏng. Nhưng nó là chướng ngại căn bản. Vì sao? Phiền não chướng và sở tri chướng đều từ nó mà sanh ra. Nó là căn nguyên của sở tri chướng và phiền não chướng. Chúng ta phải hiểu nó cho rõ ràng minh bạch. Bậc thượng thượng thừa dụng công phu, chính là đoạn từ thượng căn. Thượng căn vừa đoạn, cành lá toàn bộ đều khởi tác dụng, và nó tự nhiên đều đoạn hết. Nghĩa là trong tất cả cảnh giới, ta có thể không khởi tâm không động niệm. Chúng ta có thể nhìn được rõ ràng minh bạch, nhìn cũng rõ ràng minh bạch. Nghe và thấy nhưng vẫn như như bất động, không khởi tâm động niệm. Đây là cảnh giới của pháp thân Bồ Tát. Nó ở đâu? ở ngay trước mắt chúng ta.
Chúng ta thấy sắc nghe âm thanh sẽ bị kích động, khống chế không được, đây gọi là phàm phu. Hoàn toàn không làm chủ được chính mình, Người kiến tánh, người chứng được pháp thân sẽ như như bất động. Vì sao? Vì tự tánh nó vốn định. Họ giữ vững bản định của tự tánh, không khởi tâm không động niệm. Đây gọi là trí tuệ chân thật, thực tế chân thật, lợi ích chân thật.
Ở dưới nói tiếp: “vô tướng, cố năng vi bất tướng, thị cố tướng hảo trang nghiêm, tức pháp thân dã”. Pháp thân ở chỗ nào? Trong biến pháp giới hư không giới, pháp chính là thân, có thể sanh vạn pháp, pháp chính là thân. Xuất sanh vô tận, xuất sanh chính là thân, chứ không phải chỉ thân này của chúng ta. Thân này đương nhiên cũng ở trong đó, không ở bên ngoài. Có thể sanh vạn pháp, thì thân này là một trong vạn pháp đó. Xuất sanh vô tận, thì thân này là một trong những cái nó đã sanh ra. Nó bình đẳng với tất cả vạn pháp, không có sai khác.
Sở dĩ hiện ra có sai khác, đều là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước tạo thành. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là giả không phải thật. Trong tự tánh không có, đó là việc của A lại da. A lại da là hư vọng. Cho nên việc tu hành của Pháp tướng Tông là bỏ thức, đem A lại da vứt bỏ. Vứt bỏ thức chính là chân. Vứt bỏ cái vọng rồi thì cái chân thật hiện tiền. Cái chân thật là vốn có, không sanh không diệt. Trong Khởi Tín Luận Bồ Tát Mã Minh nói rất rõ ràng: “bổn giác bản hữu, bất giác bản vô”. Bổn giác chính là chân như, bổn giác chính là thật tướng. Bổn tánh chính là pháp tánh, thật có. Bất giác là A lại da. Trong Pháp thướng tông nói, có 94 loại hữu vi pháp đều thuộc về A lại da. Có sáu vô vi pháp, tương ưng với tự tánh, tương ưng với chân như. Cái gì là chân, cái gì là giả chúng ta phải hiểu cho rõ. Khi đã hiểu rõ, chúng ta phải nên thật tu, không nên giả. Vứt bỏ cái giả thì chân thật hiện tiền.
Chân là vốn có, là bất sanh bất diệt. Giả là huyễn tướng. Chúng sanh trong mười pháp giới hoàn toàn mê, nhưng giác ngộ bốn quả thánh thì nhận rõ những sự việc này. Nhưng chưa đem cái không thật vứt bỏ hoàn toàn. Lục đạo phàm phu căn bản không biết cái không thật này, lấy giả cho là thật. Cho nên trong lục đạo khổ không nói hết.
Mấy ngày nay mọi người nhìn thấy, Nhật bản động đất người chết không ít. Những người này thật sự có chết không? Không chết. Chết chỉ là thân thể họ chết, trên thực tế họ không chết. Đây là chân tướng sự thật. Nếu họ mê mà không giác, thì rất nhanh sau đó họ lại đi tìm một thân thể khác. Như vậy thì chỉ có thay đổi thân thể mà thôi. Tâm địa thanh tịnh thiện lương thì càng đổi càng tốt, thân người có thể đổi thành thân của trời. Trời dục giới, trời sắc giới, và trời vô sắc giới. Người niệm Phật, mỗi niệm đều muốn vãng sanh thế giới Cực Lạc. Họ chính là liên hoa hoá sanh, họ đã đến thế giới Cực Lạc. Những điều này người thế gian đều không biết!
Chẳng những con người không chết, tất cả chúng sanh đều không có sanh tử. Chỉ là sự thay đổi thân thể. Đây chính là xuất sanh vô tận mà trong “Hoàn Nguyên Quán” đã nói. Hiện tượng xuất sanh vô tận, từ trước đến giờ chưa từng mất đi, mà ở ngay trước mắt. Trong kinh Lăng Nghiêm nói, “đương xứ xuất sanh, tuỳ xứ diệt tận”. Đây là thật tướng các pháp, thật sự không thể nghĩ bàn! Cho nên các bạn đồng học, bất luận là tại gia hay xuất gia. Nếu dần dần đi vào cảnh giới Phật sẽ hiểu rõ, đây là việc tốt thứ nhất trong thế gian.
Tự lợi lợi tha, là việc nào? Giáo hoá. Dạy dỗ chúng sanh học tập kinh điển, học giáo huấn của thánh hiền. Đây là việc vui nhất trong thiên hạ. Người xuất gia, như Hám Sơn Đại sư, Ngẫu Ích đại sư. Ngoài việc hoằng dương kinh điển Phật giáo, họ còn hoằng dương Đạo giáo và nho giáo. Chỉ cần là những giáo huấn thật sự đối với nhân loại, đối với xã hội có lợi ích. Họ đều học và đều dạy. Tổ chức hoạt động ngắn ngày. Lúc Đức Thế Tôn còn tai thế cũng thường làm, hoạt động năm ba ngày.
Trong Kinh A Hàm có nhiều kinh điển, số lượng không dài khoảng hai ba trăm chữ. Bộ kinh này giảng nghĩa những gì trong kinh nói về hoạt động ngắn ngày, Một hoạt động lớn, như kinh Vô Lượng Thọ là mục lớn. Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa chúng ta đang học đây là mục lớn. Mục lớn về tịnh độ. Chúng tôi dự định giảng xong bộ kinh này là một ngàn hai trăm tiếng đồng hồ. Còn bậc trung thì hai ba trăm giờ đồng hồ.
Môn học trong Phật pháp và thế pháp không giống nhau. Thế pháp là cùng một lúc sắp xếp rất nhiều môn học, Phật pháp thì không như vậy. Phật pháp là thâm nhập một môn và huân tu lâu ngày. Nếu môn này chưa học xong, thì không thể chen môn thứ hai vào. Đạo thánh hiền đều như vật cả. Như Nho gia thường nói: “giáo chi đạo, quý dĩ chuyên”, phải chuyên nhất. Trong Phật pháp thì thâm nhập một pháp môn và huân tu lâu ngày, như vậy sẽ có thành tựu. Có thể giúp người được định, giúp người khai ngộ. Công đức đó lớn nhất!.
Như những năm gần đây, chúng ta nhìn thấy rất nhiều giảng toà ở trong cũng như nước ngoài. Những chỗ này đều ngắn ngày, là thuộc về tuyên truyền. Mục đích để khiến mọi người nhận thức truyền thống văn hoá, nhận thức giáo dục thánh hiền. Trước đây tôi đi thăm những người thân thích, gặp được một vài người bạn trong giới ký giả. Thời gian cũng rất dài, hình như bảy tám tiếng đồng hồ. Phân ra làm mấy ngày, một ngày hai tiếng. Tất cả khoảng bốn năm ngày như vậy. Bây giờ đĩa này đang lưu hành, tên là “Hài Hòa Cứu Vãn Nguy Cơ”. Sau đó ở HongKong cũng có làm một lần, gần đây chúng tôi ở Kiết Long Pha cũng có làm một lần và cùng với trưỡng lão Mã Ha Địch bàn luận đến vấn đề này. Trưởng lão Mã Ha Địch kiến nghị là đổi tên lại một chút. Tôi hỏi sữa ra sao? Sửa cách nào?
Vốn là “Hài Hòa Cứu Vãn Nguy Cơ”, ý của trưởng lão Mã Ha Địch là “Giáo Dục Cứu Vãn Nguy Cơ”. Rất hay, đổi như vậy rất hay. Vì sao? Nguy cơ của xã hội ngày nay, thực sự là do giáo dục của chúng ta có vấn đề. Nhưng trên giáo dục cần phải thêm hai chữ nữa, rõ ràng hơn đó là giáo dục thánh hiền. Nên chúng tôi đã dùng tựa đề này “Giáo Dục Thánh Hiền Cứu Vãn Nguy Cơ”. Danh xưng rất quan trọng. Phu tử nói, danh không chánh thì ngôn không thuận, ngôn không thuận thì việc chẳng thành. Cho nên danh chánh rất quan trọng, danh chánh ngôn thuận. Giáo dục của thánh hiền cứu vãn nguy cơ, có thể đối với toàn thế giới. Mặc dù những gì chúng ta thấy ngày nay là thiên tai tự nhiên. Như những ngày gần đây núi lửa bộc phát. Động đất trên cấp tám đã dẫn đến sóng thần. Hình như các nơi trên toàn thế giới đều giống như muốn bộc phát vậy. Có rất nhiều bạn đồng học trong lòng lo lắng, đến hỏi tôi. Tôi nói không cần lo lắng. Vì hoang mang thì tâm loạn động, không sao tránh được thiên tai này. Mặc dù tai nạn đang hiện tiền trước mặt chúng ta, cũng đừng hoảng loạn. Tâm chúng ta cần phải định, phải giữ bình tĩnh. Chỉ cần tâm định, là sẽ có trí tuệ. Trước tiên ta có thể cứu vãn chính mình. Định lực và trí tuệ của ta có thể giúp hoá giải thiên tai.
Trong kinh Đức Phật dạy, tất cả pháp từ trong tâm tưởng mà sanh ra. Câu nói này đã được các nhà lượng tử học hiện đại chứng minh. Ý niệm là cơ sở của hiện tượng vật chất. Cũng chính là nói ý niệm của chúng ta, tư tưởng chúng ta. Tư tưởng thuần chân, chánh trực thì địa cầu này sẽ vững chắc, không xảy ra vấn đề. Còn tri kiến của chúng ta bất chánh, khởi tâm động niệm đều là tà ác, thì đại địa này sẽ rời rạc không kiên cố, vấn đề xảy ra. Cách nói này hiện nay chỉ có bộ phận giới khoa học đồng ý, còn trên một nửa vẫn không thể tiếp nhận. Nhưng hai ba ngàn năm trước Đức Thế Tôn giảng chính là cách nói này, đây là cảnh giới mà Đức Như Lai tự chứng. Phật dạy chuyên cần tu giới định tuệ, diệt trừ tham sân si. Chỉ hai câu đơn giản. Nếu chúng ta nghe hiểu, thật sự tin tưởng và y theo lời dạy tu hành, thì những lợi ích đạt được sẽ rất nhiều.
Thứ nhất đối với chính mình mà nói thì thân tâm mạnh khoẻ. Vì sao? Ý niệm chúng ta tốt, không có ác niệm. Không có ác niệm, thì tế bào sẽ không nhiễm bệnh độc, cho dù đã nhiễm bệnh độc rồi nó cũng rất nhanh khôi phục trở lại bình thường, thân tâm được mạnh khoẻ. Nơi chúng ta ở như sơn hà đại địa, người xưa nói người có phước thì ở đất phước. Thân tâm chúng ta mạnh khoẻ, tâm địa thanh tịnh, từ bi, thiện lương thì chúng ta là người có phước báo. Đây là điều nhà Phật gọi là có thiện căn, có phước đức. Người có thiện căn phước đức ở chỗ nào thì chỗ đó sẽ có phước. Vì sao? Cảnh tuỳ tâm chuyển. Chỗ này chính là mảnh đất phước. Nên quý vị tìm đất phước thì đến đâu để tìm? Đến chỗ có người có phước. Người có trí tuệ, có phước ở chỗ đó, thì chỗ đó chính là đất phước. Chỗ đó ít thiên tai.
Những giáo lời huấn này trong kinh điển, đến bao giờ con người mới tin tưởng? Người xưa tin tưởng, nhưng hiện nay nói cổ nhân mê tín, chứ con người bây giờ không mê tín. Không mê tín sao thiên tai hiền tiền, còn người mê tín lại không có thiên tai. Người xưa thật sự mê tín ư? Không hề. Cổ nhân hiểu được đạo lý Đức Phật nói. Cổ nhân y theo Phật pháp tu hành. Người chứng quả, khai trí tuệ có rất nhiều! Họ đã chứng minh được điều gì? Chứng minh những lời Phật dạy trong kinh điển mỗi câu đều là sự thật, là chính xác, nên họ tin tưởng. Thường người bình dân thấy những người có trí tuệ, có phước báo tin tưởng, đương nhiên họ cũng tin theo.
Ngày nay chúng ta tin tưởng khoa học. Khoa học vẫn còn rất nhiều điều chưa phát hiện. Khoa học không phải là trí tuệ viên mãn, nó là tri thức. Khoa học đạt đến cứu cách viên mãn, thì những gì họ nói sẽ hoàn toàn giống như trong kinh Phật, hoàn toàn tương đồng. Ngày nay chúng ta xem những phát biểu những báo cáo nghiên cứu của các nhà lượng tử học. Họ nghiên cứu hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần, đối với kinh điển đại thừa đã tương hợp. Chứng minh những gì Phật nói trong kinh điển là dùng ý thức. Công năng của ý thức vô cùng lớn, chính là dùng tư tưởng đi nghiên cứu.
Đức Phật nói đối ngoại, đó chính là ngày nay chúng ta nói vũ trụ hồng quan. Chúng ta có thể hiểu được sự rộng lớn của vũ trụ. Ngày nay các nhà vật lý thiên văn_ vật lý không gian_ngược lại nghiên cứu thế giới vi quan. Nghiên cứu lượng tử lực học, nghiên cứu nguyên tử, điện tử, hạt. Bây giờ nói đến quang tử.
Khi đức Phật giảng đến cảnh giới vi quan, ý thức có thể duyên đến A lại da. Ba tướng vi tế của A lại da. Nghiệp tướng là năng lượng, chuyển tướng chính là tin tức là hiện tượng tinh thần, kế đến là hiện tượng vật chất. Hiện nay các nhà lượng tử lực học giải thích ba loại này ngày càng giống kinh Phật. Nhưng thức thứ sáu không duyên đến được tự tánh. Đức Phật nói nó có thể duyên đến A lại da, nhưng không duyên đến tự tánh. Vì sao? Bởi nó là vọng tâm. Vọng thì chỉ có thể duyên đến biên tế của vọng, duyên không được chân. Chân là tự tánh, nó duyên không được cái bất sanh bất diệt. Có thể sanh vạn pháp nó duyên không đến. Như thế nào mới có thể duyên đến? Buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì sẽ duyên tới được. Nên giới khoa học đỉnh cao này, nếu như họ học tập Phật pháp đại thừa. Buông bỏ khởi tâm động niệm thì họ sẽ thành Phật, vấn đề của họ được giải quyết. A lại da từ đâu đến không phải đã hiểu rõ rồi sao? Hiểu rõ triệt để, minh bạch cứu cánh thật tướng các pháp.
“Pháp tánh tịch diệt”, trong tịnh độ gọi là thường tịch quang. Nó không có tướng, ba loại hiện tượng đều không có. Nên khoa học không đạt được. Khoa học nhất định phải có đối tượng, họ không có cách nào nghiên cứu được vô tướng. “Vô tướng, cố năng vô bất tướng. Sở dĩ, tướng hảo trang nghiêm, tức pháp thân dã”. Ý này quá rộng lớn. Thế xuất thế gian y chánh trang nghiêm không phải là pháp thân. “Cố tri, cố năng vô bất tri”. Tri là sở tri chướng. Buông bỏ sở tri chướng, tự tánh bát nhã sẽ hiện tiền, chẳng gì là không biết. “Thị cố nhất thiết chủng trí”. Ở đây có ba ý nghĩa. Một là nhất thiết trí. Nhất thiết trí là biết tổng tướng các pháp. A la hán, Bích Chi Phật đều biết. Tổng tướng là gì? Tổng tướng là không. Vạn pháp giai không. Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn như bọt nước. Nên tổng kết của kinh Đại Bát Nhã. Đây là bộ kinh tôi đọc khi còn trẻ, tôi tổng kết thành mười hai chữ “nhất thiết pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”. Đây là tri không, gọi là nhất thiết trí. A la hán biết được. Nhưng những giả tượng này nó đến như thế nào thì không biết, việc này Bồ Tát biết. Trí tuệ này gọi là đạo chủng trí. Đạo là đạo lý, Đạo lý gì? Chủng là chủng chủng, là chủng chủng pháp, Như sơn hà đại địa, cây cỏ hoa lá. Chúng sanh lục đạo này, do đạo lý nào sanh ra.
Trí tuệ này gọi là đạo chủng trí, cho nên nhất thiết trí chỉ cho tổng tướng, đạo chủng trí chỉ cho biệt tướng. Đây là hiện tượng sai biệt của tất cả pháp. Điều này A la hán không biết. Cho nên A la hán đã đoạn phiền não chướng, nhưng chưa đoạn sở tri chướng. Bồ Tát học tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn. Nên mới hiểu rõ ràng minh bạch đạo chủng trí này. Khi đã hiểu rõ ràng minh bạch thì phải buông bỏ. Đừng chấp trước, chấp trước là chướng ngại. Không nên chấp trước, không nên phân biệt, họ sẽ chứng được trí tuệ cứu cánh viên mãn. Hai trí này hợp lại, gọi là nhất thiết chủng trí. Nhất thiết chủng trí là những gì Phật chứng được. Đạo chủng trí là trí tuệ của Bồ Tát. Nhất thiết trí là trí tuệ của thanh văn và duyên giác. Phàm phu không có. Nếu chúng ta có nhất thiết trí là vượt ra khỏi luân hồi lục đạo, không còn làm những việc khờ dại. Có nhất thiết chủng trí là vượt lên mười pháp giới.“Thị cố nhất thiết chủng trí, tức chân thật trí tuệ dã”. Đây là những gì Như Lai chứng được. Trong tự tánh vốn đầy đủ trí tuệ bát nhã nên không cần học.
Đàm Loan Đại sư nói: “Tướng hảo trang nghiêm tức pháp thân, thị họa long điểm tinh chi bút”. Pháp thân ở đâu? Biến pháp giới hư không giới. Muôn sự muôn pháp chính là pháp thân. Pháp thân của ai? Pháp thân của chính mình. Nên biến pháp giới hư không giới với mình là nhất thể. Lúc nào chúng ta biết được điều này, khi nào khẳng định. Chúc mừng quý vị, quý vị là pháp thân Bồ Tát. Đã được tâm thanh tịnh, được trí tuệ chân thật. Vì sao? Chúng ta biết được biến pháp giới hư không giới là tự tâm biến hiện ra. Kinh Hoa Nghiêm nói, do tâm hiện ra tất cả. Nghĩa là từ trong tâm của chính mình hiện ra. Cũng chính là như Ngài Huệ Năng nói, đâu ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp. Tự tánh mà ngài Huệ Năng nói, tức là những gì Hiền Thủ quốc sư nói, tự tánh là thể thanh tịnh viên minh, có thể sanh vạn pháp. Vạn pháp từ tự tánh sanh ra, tự tánh là chính mình. Vậy tự tánh hiện ra vạn pháp, sao không phải là chính mình? Những điều này giống như người nằm mộng vậy. Chúng ta ai cũng có kinh nghiệm nằm mộng. Mộng do đâu mà có? Các nhà khoa học nói, ở trong tiềm ý thức sâu thẳm trong nội tâm chúng ta biến hiện ra. Trong Phật pháp đại thừa nói, là chủng tử còn sót lại trong A lại da. Khi ngủ chúng ta không cách nào khống chế nó, nên nó khởi hiện hành. Bất luận cách nói nào, tóm lại mà nói đều là chính chúng ta biến hiện. Mộng không phải từ bên ngoài vào, đều là tự mình biến hiện ra. Cảnh giới trong mộng hoàn toàn là chính mình! Trong mộng có mình cũng mộng đến rất nhiều người. Nhiều người đó không phải là tự trong tâm mình biến hiện ra ư? Toàn là do tâm biến hiện ra cảnh mộng, mà toàn cảnh chính là giấc mộng của tâm. Tâm cảnh nhất như, tâm cảnh không phải hai. Cho nên khi đang mộng nếu thật sự giác ngộ được tôi đang nằm mộng, tất cả đều là chính tôi biến hiện ra. Nếu rời được tâm nằm mộng của mình, thì không có cảnh mộng nào nữa.
Chúng ta hiện tại là đang nằm mộng. Mười pháp giới lục đạo trước mắt đều là tự tâm chúng ta biến hiện ra. Nhưng biến hiện giống như nằm mộng vậy, chỉ nhận thức thân này là chính mình, ngoài ra không phải là mình, như vậy là sai. Người giác ngộ, người minh bạch sẽ biết, đây là chính chúng ta. Ngoài ra tất cả đều là chính mình. Chúng ta chứng được nhất pháp thân. Biến pháp giới hư không giới là nhất pháp thân, thế xuất thế gian đều ở trong đó không có ngoại lệ. Xuất thế gian là cõi báo của Chư Phật Như Lai như Hoa tạng, Cực Lạc. Trong Mật tông nói là mật nghiêm.
Cảnh giới mê chính là mười pháp giới, gọi là y chánh trang nghiêm, tất cả đều là nhất pháp thân. “Tông Cảnh Lục” nói. Đây là tác phẩm của đại sư Vinh Minh Diên Thọ. Truyền thuyết nói rằng, ngài là Phật A Di Đà tái sanh. Tông Cảnh Lục là Quần Thư trị Yếu của đại tạng kinh. Quần thư trị yếu của đại tạng kinh. Đại tạng kinh này nên bắt đầu xem từ đâu? Xem từ “Tông Cảnh Lục” của ngài Vĩnh Minh Diên Thọ là coi như đã xem xong toàn bộ đại tạng kinh. Vì nó là tinh hoa trong đại tạng kinh, tinh hoa của mỗi bộ kinh luận. Thật không dễ! chư vị tổ sư thương yêu lân mẫn người đời sau, dùng phương pháp này giúp chúng ta thâm nhập kinh tạng.
“Chí lý nhất ngôn, chuyển phàm thành thánh”. Nhất ngôn này không có cố định mà rất nhiều. Quý ở chỗ có thể tin thật sự và lý giải thật sự, y giáo phụng hành thì chúng ta sẽ chuyển phàm thành thánh. Trong đó phương tiện nhất, đơn giản nhất, ổn định nhất và nhanh nhất chính là Nam Mô A Di Đà Phật. Chúng ta không thể tưởng tượng được. Chúng ta thật sự tin câu Phật hiệu này quả thực có thể chuyển phàm thành thánh. Những gì giáo môn nói cũng là một câu. Buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước sẽ chuyển phàm thành thánh. Hoặc là chúng ta không có thiện căn, phước đức, nhân duyên lớn như vậy. Nhưng ta có tiểu thiện căn. Tôi nói với quý vị, nếu buông bỏ tất cả pháp trong thế xuất thế gian, không còn chấp trước. Chính là buông bỏ chấp trước thì cũng thành A la hán, cũng là chuyển phàm thành thánh_tiểu thánh. Đối với tất cả pháp trong thế xuất thế gian không còn chấp trước, đã buông bỏ, đây là A la hán. Đói với tất cả pháp trong thế xuất thế gian không còn phân biệt, chúng ta đã thành Bồ Tát. Đối với tất cả pháp trong thế xuất thế gian không khởi tâm không động niệm, chúng ta sẽ thành Phật. Quý vị thấy đơn giản biết bao!
Quý vị muốn hỏi Đức Thế Tôn làm sao mà khai ngộ? Lục tổ Huệ Năng làm sao kiến tánh? Không có gì khác, chính là buông bỏ khởi tâm động niệm. Lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần mà không khởi tâm không động niệm, là chuyển phàm thành thánh. Thánh ở đây là đại thánh, là Phật. Đã thành Phật. Cảnh giới đại sư Huệ Năng buông bỏ, với cảnh giới của Thế Tôn buông bỏ dưới cây bồ đề là một không phải hai, cảnh giới như nhau. Đức Thế Tôn thị hiện ra đời, là nếu có chúng sanh đáng dùng thân Phật để được độ thoát, thì ngài thị hiện thân Phật vì họ thuyết pháp. Huệ Năng Đại sư thì nếu có chúng sanh đáng dùng thân Tỳ Kheo mà được độ thoát, thì ngài thị hiện thân Tỳ Kheo vì họ thuyết pháp. Đồng một cảnh giới, nhưng vì chúng sanh căn tánh không đồng, nên các ngài hiện ra thân không giống nhau. Hiện thân không phải tuỳ theo ý mình. Tuỳ tâm chúng sanh mà ứng hiện. Nếu tự mình có ý, thì họ là phàm phu chứ không phải là thánh nhân. Điều này không thể không hiểu. Vì sao? Tự mình có ý nhất định có ngã tướng. Ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, bốn tướng đầy đủ. Đây là lục đạo phàm phu, sao gọi là thánh nhân được?
Trong kinh Kim Cang chúng ta thấy, tiểu thừa sơ quả Tu đà hoàn đã buông bỏ bốn tướng này, không còn chấp trước bốn tướng này. Đại thừa bồ Tát chẳng những không còn bốn tướng, mà bốn kiến cũng không còn. Nghĩa là ý niệm cũng không còn. Nửa bộ sau của Kinh Kim Cang không có ngã kiến, không có nhân kiến, không có chúng sanh kiến, không có thọ giả kiến, đó là Bồ Tát. Phá bốn tướng là tiểu thừa. Phá bốn kiến là đại thừa. Bốn tướng chưa phá là lục đạo phàm phu. Những khai thị quan trọng này, chúng ta phải thường ghi nhớ trong tâm. Từng giờ từng khắc đem ra để quán chiếu chính mình. Cảnh giới của tôi là gì, phải rõ ràng minh bạch, không cần phải đi thỉnh giáo người khác. Điều này rất quan trọng! Dùng cách này để khuyến khích mình, nâng cao cảnh giới của chính mình.
Công phu thật sự của việc học Phật là buông bỏ. Chúng ta phải biết càng không buông bỏ thì càng không có lợi ích. Tri là nhìn thấu suốt. Vì sao không buông bỏ được? Nhìn chưa thấu. Khi đã nhìn thấu ta sẽ lập tức buông bỏ. Buông bỏ còn giúp chúng ta nhìn thấu càng sâu hơn nữa. Như vậy nhìn thấu lại còn giúp ta buông bỏ sâu hơn rộng hơn. Thật ra Phật pháp từ sơ phát tâm đến Như Lai Địa, chính là nhìn thấu giúp ta buông bỏ, buông bỏ giúp ta nhìn thấu. Cả hai phương pháp này bồi bổ và tạo điều kiện cho nhau, chứ không có gì khác. Đây là 60 năm trước, Chương Gia Đại Sư nói với tôi. Nên “chí lý nhất ngôn”, nhìn thấu buông bỏ, chuyển phàm thành thánh. Bốn chữ này quý vị đã thật hiểu chưa. Thật sự hiểu thì chúng ta đã thành tựu.
Ngài Huệ Năng hiểu. Trong phòng phương trượng của Ngũ Tổ, canh ba nửa đêm. Ngũ Tổ nói đại ý kinh Kim Cang cho Lục Tổ, giảng đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài Huệ Năng liền triệt để buông bỏ, tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều buông bỏ hết. Trong đại thừa giáo gọi là đốn xả, đốn ngộ, đốn tu, đốn chứng. Trong sát na đó ngài chuyển phàm thành Phật. Ngài thành Phật thật chứ không phải giả. Từ đâu mà biết được? Lúc nửa đêm Ngũ Tổ dạy Huệ Năng nhanh trốn khỏi nơi này, tìm một nơi trốn để khỏi bị người khác hại. Đây là gì? Là chướng ngại của đố kỵ. Một người không biết chữ, chưa một lần đến giảng đường, cũng chưa một lần đến thiền đường. Ngũ Tổ dám đem y bát truyền cho ngài. Ngài là đời tổ thứ sáu, ai chịu phục ngài? Chúng ta có thể tưởng tượng được, bao nhiêu người oán Ngũ Tổ. Đại khái là Ngũ tổ không biết nhìn người, sao lại chọn người như vậy truyền y bát. Phải đoạt y bát về lại, thậm chí hại chết Huệ Năng. Như vậy mà cũng làm được. Nên Ngũ Tổ dạy ngài trốn đi.
Trên đường ngài chạy trốn, gặp được Vô Tận Tạng tỳ kheo ni. Vô Tận Tạng tỳ kheo ni cả đời thọ trì đại tạng kinh giáo. Mỗi ngày đều tụng kinh niệm Phật. Lục tổ ngồi một bên đợi Cô đọc kinh xong, ngài liền đem ý nghĩa giảng giải cho vị tỳ kheo ni đó nghe. Kinh Đại Niết Bàn rất dài, trong đại tạng kinh có, kinh này có hai bản dịch. Một bản có 40 quyển, một bản có 36 quyển, phân lượng rất lớn. Ngài giảng giải cho Vô Tận Tạng tỳ kheo nghe. Khi cô ta nghe thì vô cùng kinh ngạc, ngài giảng quá hay. Ngài chưa từng học qua! Đây gọi là gì? Một điều ngộ thì tất cả đều ngộ. Ngài tuy không biết chữ, nhưng chúng ta đọc cho ngài nghe, ngài sẽ giảng cho chúng ta nghe. Bất luận bộ kinh nào, ngài đều có thể giảng cho ta nghe một cách lưu loát. Giảng cho ta khai ngộ.
Nên vị tỳ kheo ni này rất hiếu kỳ, đem kinh đến xin ngài chỉ giáo. Ngài nói, tôi không biết chữ. Cô ta lại vô cùng kinh ngạc, ngài không biết chữ thì làm sao hiểu được? Ngài sao có thể giảng được như thế? Điều này không liên quan gì đến việc biết chữ hay không biết chữ, không liên quan. Cho nên chúng ta biết, tất cả pháp từ tâm tưởng mà sanh. Chúng ta có thể trở về với tâm tưởng, thì chẳng phải tất cả pháp đều thông đạt hết sao? Như vậy là sao? Trong kinh này nói, đó là trí tuệ chân thật. Chân thật trí tuệ vô tri, khi nó khởi dụng thì chẳng điều gì là không biết. Khi khởi dụng chẳng gì không biết. Vừa nghe đã hiểu rõ, vừa thấy đã minh bạch. Lục căn vừa tiếp xúc với lục trần thì hoàn toàn thấu triệt. Phàm phu chúng ta, lục căn tiếp xúc lục trần thì sanh phiền não. Nhưng Ngài Huệ Năng lục căn tiếp xúc lục trần thì sanh trí tuệ, không sanh phiền não. Đây là điều mà chúng ta không thể không biết.
Bên dưới nói: “Kinh thử nhất điểm, đại địa vô thốn độ. Thế đa vị tịnh độ thiên trước ư sự tướng, nhiên vị tri Cực Lạc thế giới bất khả tư nghị, sở hiện sự tướng tức thị pháp thân. Như Thiện Đạo đại sư sở thuyết, chỉ phương lập tướng, tức sự nhi chân”.
Đoạn này nói không sai tí nào. Thế gian thực sự có rất nhiều người đối với tịnh độ không hiểu rõ, nên ngộ nhận rằng nó rất cạn cợt. Phật pháp đại thừa “ly nhất thiết tướng, tức nhất thiết pháp, tịnh độ trước tướng”. Quý vị xem, trì danh niệm Phật, chấp trì danh hiệu. Chấp là chấp trước, trì chính là bảo trì. Vì sao? Nếu chúng ta rời tất cả tướng, tức là tất cả pháp, không sai. Chúng ta có thể rời xa được chăng? Rời không được. Chúng ta không làm được! Làm không được nên Phật có phương pháp xảo diệu là dạy ta chấp trước tướng, dùng phương pháp chấp trước tướng để niệm danh hiệu này. Niệm lâu ngày tự nhiên tướng sẽ buông bỏ. Phương pháp này quá tuyệt diệu. Vì sao? Niệm đến nhất tâm bất loạn không phải đã buông bỏ rồi sao? Từ hữu tướng đến vô tướng, ngài đã dùng biện pháp này. Từ hữu niệm đến vô niệm. Niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm. Phương pháp này người hạ hạ căn đều có thể làm được. Phương pháp này quá xảo diệu. Một câu Phật hiệu mà tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều tiêu trừ hết. Cuối cùng chỉ còn lại một câu A Di Đà Phật. Câu A Di Đà Phật này lập tức thông suốt. Câu A Di Đà Phật này không còn, là dạy chúng ta đừng chấp tướng, dạy chúng ta buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Điều này có mấy ai có thể làm được? Trong vạn người tìm không ra được một người. Trong trăm vạn người cũng tìm không được một người. Đây là thật không phải giả. Nhưng bảo ta chấp trì danh hiệu, phát tâm bồ đề một lòng chuyên niệm thì mọi người đều có thể làm được. Nên Thiện Đạo Đại Sư nói vạn người tu thì vạn người đi, không sót người nào. Như vậy mới thật sự lãnh hội được sự thù thắng của tịnh độ. Tịnh độ tông có biện pháp khiến người hạ hạ căn trong một đời thành tựu thượng thượng căn. Tất cả ba căn, lợi hay độn căn đều thâu nhiếp hết thảy.
Cho nên Chư Phật độ chúng sanh, khiến chúng sanh trong một đời viên mãn thành Phật. Đây là phương pháp đệ nhất, vô cùng thù thắng. Vì sự tướng mà thế giới Cực Lạc hiện ra. Thân pháp tánh, cõi pháp tánh chính là pháp thân. Vô tri là tâm thanh tịnh là chân tâm, cái gì cũng đều không có. Khi khởi tác dụng là chiếu kiến, nên cái gì cũng không thiếu. Khi khởi tác dụng thì như tấm gương vậy có thể chiếu kiến tất cả, không có gì chẳng biết. Cho nên vô tri có thể biết tất cả.
Bên dưới Thiện Đạo Đại Sư nói: “Chỉ phương lập tướng, chỉ định phương hướng, tây phương”. Để làm gì? Để tâm chúng ta có chỗ nương tựa. Chúng ta phải hướng về phương hướng nào, nói cho quý vị biết là phương hướng này. Tây phương lập tướng có thế giới Cực Lạc, có Phật A Di Đà. Là có thật chứ không phải giả. “Tức sự nhi chân”, sự là pháp tánh. Hay nói cách khác, vãng sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc, không phải là minh tâm kiến tánh sao? Cho nên đều làm A Duy Việt Trí Bồ Tát. Là thật không phải giả.
“Mật tông sở chủ, đương tướng tức đạo, tức sự nhi chân, dữ thử đồng chỉ”. Đương là lập tức, là ngay tại đây. Tướng là hiện tượng. Đạo là gì? Đạo chính là tự tánh, đạo chính là pháp thân. Đây là cảnh giới của ai? Cảnh giới của pháp thân Bồ Tát. Cảnh giới của người thật sự minh tâm kiến tánh. Bên dưới đưa ra một ví dụ, ví dụ này trong kinh Hoa Nghiêm. “Hựu như Văn Thù linh Thiện Tài Đồng Tử thái dược”. Đồng tử chính là Thiện Tài Đồng Tử. “Trì nhất hành thảo lai”, ở bên ngoài nhổ một cây cỏ nhỏ trở về. “Tịnh viết, biến quán đại địa vô bất thị lạc giả”. Bồ tát Văn Thù bảo ngài hái thuốc. Khắp cả đại địa, chỗ nào không phải thuốc? Thật vậy, tất cả đều là thuốc. “Nhược năng như thị hội thủ”. Hội là chúng ta thể hội. Thủ là khế nhập. “Tắc thiền mật tịnh độ, tức tam tức nhất”. Một mà ba. Ba mà một.
Trong “Đại Tập Kinh” Đức Thế Tôn nói, pháp môn niệm Phật tức là thiền thâm diệu mà trong tông môn đã nói. Điều này là chính Đức Thế Tôn nói. Chúng ta phải tỷ mỷ quan sát, tư duy xem phải hay không? Đúng, không sai chút nào. Thiền có ý nghĩa gì? Trong kinh giáo nói, thiền gọi là tịnh lự. Như vậy chúng ta niệm Phật, buông bỏ vạn duyên là tịnh. Câu Phật hiệu này chính là lự. Buông bỏ là định, lự là trí tuệ. Định tuệ ngang nhau. Tuệ ở đây là gì? Là trí tuệ chân thật. Câu Phật hiệu này niệm đến rõ ràng thấu triệt. Trong tâm không khởi tâm không động niệm, không phân biệt không chấp trước. Điều này với tham thiền có gì khác biệt? Phật nói phương pháp này là thiền thâm diệu. Nó dễ tu, và rất thực tế. Vì Sao? Vì nó có phương hướng, dễ tu dễ thành tựu. Còn thiền thì cao hơn, thiền không có biên tế. Nhiếp tâm được thì thành tựu.
Điều này nói rõ quan hệ giữa thiền tông, mật tông, tịnh độ tông. Thật ra một là ba, ba là một. “Trần mao sát độ”. Trần là vi trần, mao là sợi lông. Là vật nhỏ nhất trong y báo chánh báo. Quốc độ là lớn, sát là cõi Phật. Bất luận là vật nhỏ nhất hay lớn nhất trong y báo, “tất hiển sự lý vô ngại, sự sự vô ngại cảnh giới”. Dùng câu này để làm tổng kết cho lời nói đầu của quyển thứ ba.
Bên dưới mới là kinh văn của quyển này, kinh văn của quyển thứ ba. “Quốc giới nghiêm tịnh đệ thập nhất”. Quốc giới chính là thế giới Cực Lạc. Trang nghiêm thanh tịnh phẩm thứ mười một. Chúng ta đọc qua kinh văn một lần. “Phật ngữ A Nan, bỉ Cực Lạc giới, vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm”. Bốn câu này là tổng tướng. Chúng ta cần chú ý là công đức. Vô lượng công đức thành tựu đầy đủ trang nghiêm. Công đức này Phật A Di Đà là người tu dẫn đầu. Chư vị Bồ Tát vãng sanh trong mười phương thế giới, cùng nhau tu hành thành tựu. Nên mới có quả báo thù thắng như vậy.
Bên dưới phân biệt giới thiệu. “Vĩnh vô chúng khổ”. Hai chữ vĩnh vô này quán triệt đến bên dưới. “Vĩnh vô chúng khổ, vĩnh vô chư nạn, vĩnh vô ác thú, vĩnh vô ma não chi danh”. Nếu đọc như vậy mọi người đều đã hiểu. “Diệc vô tứ thời”. Xuân hạ thu đông là biến hoá, thế giới Cực Lạc không có biến hoá. Không có thay đổi lạnh nóng, cũng không có sai khác giữa mưa và tối. “Phục vô đại tiểu giang hải, binh lăng khanh khảm, kinh cức sa lịch, thiết vi, tu di, thổ thạch đẳng sơn”. Những thứ này đều là nói về thế giới của chúng ta. Những thứ này của thế giới chúng ta, đến thế giới Cực Lạc đều không nhìn thấy. Thế giới tây phương nó như thế nào?.
Bên dưới nói: “Duy dĩ tự nhiên thất bảo”. “Thất” là tượng trưng, tượng trưng cho sự viên mãn. Thất là đông nam tây bắc thượng hạ, đây là sáu phương, thêm ở giữa nữa gọi là thất, là tượng trưng cho ý nghĩa này. Tượng trưng cho sự viên mãn không phải là bảy loại trân bảo vô lượng vô biên vô tận vô số, mà nó là tự nhiên. Không cần công nhân khai thác, không cần công nhân tinh chế. “Hoàng kim vi địa”. “Vi địa” này giống như hiện nay chúng ta đắp đường vậy. Con đường này hiện nay là dùng dầu hắc để đổ nhựa đường. Đường ở thế giới Cực Lạc là dùng hoàng kim đắp đường. “Khoan quảng bình chánh, bất khả hạn cực”. Đây là nói con đường ở thế giới tây phương, “Vi diệu kỳ lệ, thanh tịnh trang nghiêm, siêu du thập phương, nhất thiết thế giới”. Những thứ này cõi Phật trong mười phương thế giới không có.
Chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Tổ, “hựu đoạn”, đoạn kinh văn ở mặt phải. “Chứng minh Cực Lạc thế giới y chánh trang nghiêm thị đệ nhất quốc vô ác đạo”. Đệ nhất ở đây chính là trong 48 nguyện. Nguyện thứ nhất là trong nước không có ác đạo. Thế giới Cực Lạc không có tam ác đạo. Nguyện ba mươi chín là trang nghiêm vô tận. Đây là từ trong 48 nguyện nói “Đẳng nguyện chi thành tựu, quốc vô ác đạo, sở dĩ vĩnh vô chúng khổ. Chư nạn, ác thú, ma não chi danh”. Danh mà còn chưa nghe được, đương nhiên cũng có thật. Đây muốn nói rõ điều gì? Thế giới tây phương Cực Lạc, không có nhân của tam ác đạo, nên nó không có quả báo của tam ác đạo. Nhân của tam ác đạo, trong kinh luận Đức Phật nói rất nhiều, và cũng nói rất rõ ràng. Đó là tham sân si.
Tâm tham tương ưng với ngạ quỷ. Sân nhuế tương ưng với địa ngục. Ngu si tương ưng vói súc sanh. Nên tham sân si là nghiệp nhân thứ nhất của tam ác đạo. Không những tương ưng với tam ác đạo, mà còn tương ưng với đại tam tai. Thế gian này tai nạn rất nhiều. Tham tâm với thuỷ tai tương ưng, nước biển dâng cao thành sóng thần. Sóng thần, hiện nay chúng ta thấy hình ảnh trong ti vi. Sức mạnh của nó quá lớn, chỉ cần vài phút là tiêu huỷ một thành phố. Tâm tham có liên quan đến điều này. Sân nhuế tương ưng với hoả tai. Núi lửa bộc phát, nhiệt độ của địa cầu tăng cao. Điều này có liên quan đến sân nhuế. Ngu si với phong tai tương ưng, gió bão rất đáng sợ.
Cho nên quý vị thấy, tham sân si chiêu cảm lấy ba thiên tai. Tạo thành quả khổ của ba ác đạo. Điều này nói rõ, người ở thế giới tây phương Cực Lạc không có tham sân si. Chúng ta nếu muốn vãng sanh thì tham sân si chẳng thể không đoạn. Còn tâm tham khi không hợp với ý mình sẽ nổi giận. Người như vậy niệm Phật không thể vãng sanh. Vì sao? Chúng ta vãng sanh, không phải đã đem tam tai và tam đồ đến cho thế giới Cực Lạc sao? Thế giới Cực lạc quyết định sẽ không đồng ý. Nên Đức Phật thường dạy chúng ta phải tinh cần tu giới định tuệ. Giới định tuệ chính là đối trị tham sân si. Giới đối trị tham, định đối trị sân nhuế, trí tuệ đối trị ngu si.
Đức Phật dùng ba phương pháp đó để đối trị ba căn bệnh này. Tham sân si là căn bệnh.
Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
淨土大經解演義
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 15 tháng 03 năm 2011
Địa điểm: : Tịnh Tông Học Viện - Úc Châu
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh.