Pháp sư

[Tập 312]: Vô Thỉ Là Gì?


 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, kinh văn hàng thứ nhất, trang 366.

“A Nan văn Phật sở thuyết, bạch Thế Tôn ngôn. Pháp Tạng bồ Tát, thành bồ đề giả. Vi thị quá khứ Phật da, vị lai Phật da. Vi kim hiện tại, tha phương thế giới da”.

Tôn giả A Nan sau khi nghe Đức Thế Tôn nói xong, ngài đưa ra một vấn đề. Pháp Tạng Bồ Tát hiện nay đã thành Phật. Ngài là Phật quá khứ, Phật vị lai hay là Phật hiện tại? Phật hiện nay chắc chắn không ở thế giới ta bà, vì một thế giới chỉ có một vị Phật. Đức Thế Tôn là Phật hiện tại, như vậy Bồ Tát Pháp Tạng thành Phật khẳng định là ở thế giới tha phương. Bên dưới là Đức Thế Tôn trả lời ngài.

“Thế Tôn cáo ngôn, bỉ Phật Như Lai, lai vô sở lai, khứ vô sở khứ. Vô sanh vô diệt, phi quá hiện vị lại”.

Trả lời này hoàn toàn thuận theo chân đế. Cũng chính là nói, Chư Phật Như Lai và cảnh giới của pháp thân Bồ Tát. Chứng đắc vô thượng bồ đề, thời gian và không gian đều đã đột phá. Đột phá thời gian chính là không có quá khứ hiện tại vị lai. Không gian nếu không tồn tại thì không có thế giới này và thế giới tha phương. Nên đây là chân tướng sự thật. Không thể nói là quá khứ hiện tại hay vị lai. Đồng thời Bồ Tát đã thành Phật, cũng không có đến đi, không có sanh diệt. Thành Phật như thế nào? Đã giác ngộ. Giác ngộ viên mãn gọi là thành Phật, gọi là thành bồ đề. Thành tựu bồ đề, bồ đề là đại triệt đại ngộ.

Bên dưới là nương theo tục đế mà nói. “Đãn dĩ thù nguyện độ sanh hiện tại tây phương”. Hiện là thị hiện. “Khứ Diêm phù đề, bách thiên câu chi na do tha Phật sát, hữu thế giới danh viết Cực Lạc, Pháp Tạng thành Phật, hiệu A Di Đà. Thành Phật dĩ lai, ư kim thập kiếp, kim hiện tại thuyết pháp, hữu vô lượng vô số Bồ Tát thanh văn chi chúng, cung kính vi nhiễu”.

Đây là thuận theo tục đế. Thực sự có một nơi như vậy, Đức Phật ở trong đó giảng kinh dạy học, giáo hoá chúng sanh. Thật có việc này.

Chúng ta xem chú giải của Hoàng niệm Tổ. “A Nan tùng sự khởi vấn”. Hoàn toàn là tuỳ việc mà xét. “Thế Tôn như lý chánh đáp”. Năm câu hàng thứ nhất ở trước, Thế Tôn là từ cảnh giới hiện chứng của Chư Phật Như Lai mà trả lời. “Sự lý vô ngại, diệu hiển trung đạo”.

“Thế Tôn cáo A Nan viết, bỉ Phật Như Lai, lai vô sở lai, khứ vô sở khứ. Thử dữ Kim Cang Kinh trung, Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai”. Chỉ một vị không sai khác, hoàn toàn là cùng một ý nghĩa.

“Linh Phong đại sư” chính là Ngẫu Ích đại sư. Ngài ở Mục Sơn Tây Thiên, đạo tràng gọi là Linh Phong Tự. Người đời sau tôn kính ngài, nên gọi ngài là Linh Phong đại sư.

“Kim Cang Phá Không Luận giải chi viết”. Kim Cang Phá Không Luận là của ngài Ngẫu Ích đại sư trước tác. “Dĩ chân như vô biệt xứ sở, khả tùng bỉ lai. Sanh tử vô biệt xứ sở, thả tùng thử khứ. Cố dĩ hữu duyên tắc hiện, thí như thuỷ thanh nguyệt hiện, nguyệt thật bất lai. Duyên tận tắc ẩn, thí như thuỷ trược nguyệt ẩn, nguyệt thật bất khứ cố. Thử diệc chánh thị bổn kinh, thử tam cú kinh van chi giải”.

Đây là thật tướng các pháp, chân tướng của tất cả pháp đều như vậy. Chân như vô biệt xứ sở, sanh tử cũng vô biệt xứ sở. Nó ở đâu? Ngay tại đây, ngay hiện tiền. Cách nói này của chúng tôi, các vị đồng tu sẽ không phản đối, sẽ không có nghi vấn. Vì sao? Quý vị có nền tảng Pháp Hoa. Huống gì chúng ta đã học qua hai lần “Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán” của quốc sư Hiền Thủ.

Trong kinh Hoa Nghiêm nói, thật tướng các pháp không có đối lập. Quá khứ, hiện tại, vị lai là đối lập. Không có đối lập nghĩa là không có thời gian. Không có xa gần nghĩa là không có không gian. Cho nên ý niệm vừa động liền biến pháp giới hư không giới. Vì sao? Bởi không có cự ly. Một là tất cả, tất cả là một, đây mới là chân tướng sự thật. Hiện tượng này từ đâu có? Vũ trụ từ đâu có? Năng sanh vạn pháp, vạn pháp từ đâu có? Trong kinh Lăng Nghiêm Đức Thế Tôn dạy rằng: “đương xứ xuất sanh, tuỳ xứ diệt tận”. Cách nói này của đức Thế Tôn trong kinh Bồ Tát Xứ Thai, là đối thoại giữa Thế Tôn và Bồ Tát Di Lặc, đã nói một cách tường tận thấu triệt. Sao gọi là đương xứ xuất sanh? Cái gì gọi là đương xứ diệt tận? Bồ Tát Di Lặc nói, một khảy móng tay có 32 ức một trăm ngàn niệm. Mỗi niệm thành hình, đó chính là xuất sanh, là “hình giai hữu thức”.

Trong mỗi niệm, một niệm này sanh ra, thì hiện tượng vật chất liền xuất hiện. Hình giai hữu thức là hiện tượng tinh thần xuất hiện. Trong Phật pháp gọi là ngũ uẩn. Niệm niệm thành hình là sắc xuất hiện. Hình giai hữu thức là thọ tưởng hành thức xuất hiện. Tuy xuất hiện, nhưng Đức Phật nói ngay chỗ đó diệt tận. Ý niệm này không còn, hiện tượng này cũng không còn nữa. Ý niệm thứ hai lại khởi lên nó lại xuất hiện. Ý niệm này tồn tại thời gian bao lâu? Chúng ta tính toán khái lược, nếu một giây có năm lần khảy móng tay. Thì trong một giây đó có bao nhiêu lần xuất sanh, bao nhiêu lần diệt tận? Chữ số được tính ra là 1600 triệu một giây. Một giây có 1600 trăm triệu lần sanh ra và diệt tận. Đương xứ xuất sanh, tuỳ xứ diệt tận. Quý vị nói nó từ đâu đến? Không có chỗ đến. Quí vị nói nó đi đâu? Không có chỗ đi. Đến đi là giả, không phải thật. Điều này thực sự giúp chúng ta nhìn thấu triệt thế gian này.

Đức Phật nói đây thật tướng của các pháp. Cho nên đức Phật thường nói nhất thiết pháp không. Phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Quý vị nói có phải hư vọng không? Một phút có 1600 triệu lần sanh diệt, đơn vị là triệu. Người xưa nói vạn vạn là một ức, vạn ức là một triệu. Một giây có 1600 triệu lần sanh diệt, nên tìm sanh diệt không thể được. Lời này phải nói ra sao? Dùng bất sanh bất diệt để nói lên sự việc này. Mọi người nên biết rằng, nếu thật sự không có sanh diệt, mà nói bất sanh bất diệt thì chẳng có ý nghĩa gì. Sanh diệt chính là không sanh diệt, không sanh diệt chính là sanh diệt. Đây là nói về hiện tượng gì? Một giây có 1600 triệu lần sanh diệt. Hiện tượng sanh diệt này làm sao có thể nắm bắt được? Nắm bắt không được. Chẳng những mắt chúng ta không nhìn thấy, mà tai cũng không nghe thấy. Lục căn tiếp xúc không được, ngay cả suy nghĩ cũng không thể nghĩ đến.

Chúng ta nghĩ một sự việc, thì khởi tâm động niệm trong một giây có 1600 triệu lần sanh diệt. Các nhà khoa học đã phát hiện, nhưng không nói ra chữ số. Đức Phật đã nói ra chữ số. Giới khoa học nói, tốc độ sanh diệt của lượng tử vô cùng nhanh chóng, nghĩa là tồn tại của nó. Thời gian tồn tại vô cùng ngắn ngủi, mắt thường của chúng ta có thể nhìn thấy. Trên thực tế nó là tướng liên tục.

Như chúng ta xem phim, nhìn thấy những hình ảnh trên màn hình là tướng liên tục. Không phải từng tấm từng tấm, nó di động rất nhanh. Khi điện ảnh phát ra chúng ta biết, một giây có 24 tấm. Ngày nay Đức Phật nói hiện tượng trước mắt chúng ta. Ta có thể cảm nhận được thế giới này, một giây là 1600 triệu. Liên tục đều là huyễn tướng, không phải thật. Chúng ta không cần tướng liên tục, chỉ đơn thuần tìm một tướng được chăng? Một tướng chính là ở đây nói, đến không chỗ đến, đi không chỗ đi, bất sanh bất diệt. Chính là hiện tượng này. Chúng ta tìm sanh diệt sẽ không tìm thấy, bởi nó quá nhanh. Trong một giây có 1600 triệu lần sanh diệt, như vậy làm sao tìm được?

Ngày nay hiện tượng mà giới khoa học nhìn thấy, là chân tướng của hiện tượng vật chất. Cái gì gọi là vật chất? Rốt cuộc vật chất là gì? Hiểu rõ chân tướng, thì ra nó là huyển tướng do ý niệm tích luỹ. Đây chính là nói tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Vật chất từ tâm tưởng sanh. Các nhà khoa học chứng minh, ý niệm và ý thức là nền tảng của vật chất. Nói cách khác, không có ý niệm này thì không thể có hiện tượng vật chất tồn tại. Hiện tượng vật chất là huyển tướng do ý niệm tích luỹ. Chúng ta cho rằng nó tồn tại, thật ra nó không tồn tại. Như chúng ta xem hình ảnh trên phim và trên ti vi. Những tướng đó hình như tồn tại, thật ra không phải, là tốc độ di động quá nhanh.

Di động trên điện ảnh chúng ta biết, nhưng xem tỷ mỷ thì nó có chút chấn động. Vì sao? Bởi một phút có 24 lần chấn động, hình như có động thoáng qua. Nhưng ti vi không nhìn thấy. Tần suất của ti vi so với máy chiếu phim thì cao hơn rất nhiều. Càng nhanh ta càng cảm giác không được, không nhìn thấy nó là giả. Kỳ thật nó thực sự là giả. Bao gồm cả thân thể chúng ta, bao gồm cả tư tưởng của chúng ta. Toàn là giả, đừng cho là thật. Các nhà khoa học thông minh của ngoại quốc, họ không thừa nhận thân thể là ta. Cái gì là tôi? “Tôi suy tư tức là tôi hiện hữu”. Ta có thể suy nghĩ cái này là ta. Thân thể này không phải ta, có thể suy nghĩ là của ta. Suy nghĩ là gì? Là thức thứ sáu. Ý thức là nền tảng của vật chất, ý thức cũng không tồn tại. Nó hoàn toàn tương đồng với tần suất của hiện tượng vật chất, tần suất chấn động cao. Cho nên các nhà khoa học có đề suất, cho rằng toàn thể vũ trụ chấn động như sợi dây đàn vậy. Định luật của sợi dây đàn đều từ chỗ này phát sanh. Cách nói này cũng tương ưng với kinh Phật.

Phật pháp nói nhất niệm bất giác. Nhất niệm bất giác đó chính là chấn động của sợi dây đàn, rất vi tế, rất nhanh chóng. Nhất động này sinh ra hiện tượng, là hiện tượng hư huyễn. Tên của nó trong kinh Phật gọi là A lại da. A lại da là năng biến, muôn sự muôn pháp là sở biến. Nhất biến này chính là mười pháp giới y chánh trang nghiêm. Mười không phải tượng trưng cho chữ số, mười là tượng trưng cho sự viên mãn. Biến hoá vô lượng vô biên vô tận vô số. Nó biến hoá theo từng ý niệm của ta. “Tuỳ chúng sanh tâm ứng sở tri lượng”. Đây chính là chân tướng của nhân sinh vạn vật trong vũ trụ. Bồ tát thành Phật là hiện tượng này, là hiện tượng tự nhiên. Chúng ta ngày nay cảm nhận về thế giới cũng là hiện tượng này, không rời hiện tại.

Vì sao ngài có thể thành Phật? Ngài buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nên ngài có thể thành Phật. Bất cứ người nào trong chúng ta, nếu buông bỏ được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì cũng thành Phật. Sau khi thành Phật sẽ biết, biến pháp giới hư không giới với mình là một thể. Thành đẳng chánh giác. Đây là bộ phận lành mạnh.

Mê mất tự tánh, là ngộ nhận lục đạo và mười pháp giới, cho rằng nó là có thật. Đây là một bộ phận bị tê liệt trong toàn thể của chúng ta, là trạng thái không lành mạnh. Giống như thân thể chúng ta bị trúng gió vậy, nữa người bị tê liệt. Tê liệt chính là mê mất tự tánh. Bộ phận bình thường là bộ phận lành mạnh, đó là giác ngộ. Thật là nhất thể.

Chư Phật Như Lai, pháp thân Bồ Tát, các ngài thừa nhận, các ngài khẳng định. Đây là cảnh giới Như Lai tự thân chứng được. Trong kinh Kim Cang nói rằng: “Như Lai vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai”. Như lai là nói đến tất cả hiện tượng. Bất cứ hiện tượng nào cũng đều như vậy. Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận. Nên cần phải biết, chân như không có nơi chốn, bất cứ nơi nào chốn nào đều có, là pháp tánh. Sanh tử là pháp tướng, thể của pháp tướng chính là chân như. Nên pháp tướng cũng không có nơi chốn, cũng là bất cứ nơi nào chốn nào đều có. Có duyên thì nó hiện, không có duyên thì nó ẩn. Khi không có duyên, ngài Huệ Năng nói “đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”. Không hiện tướng, vốn tự nó đầy đủ. Nó đã ẩn, không thấy nữa. Có duyên thì có thể sanh ra vạn pháp. Đã hiện, vạn pháp đã hiện ra. Nó hiện, chúng ta gọi nó là sanh ra. Nó ẩn, chúng ta gọi nó là tiêu diệt. Thật ra không có sanh ra, cũng không có tiêu diệt. Chỉ là ẩn hiện không giống nhau mà thôi.

Tự tánh là thật sự viên mãn, không hề khiếm khuyết. Nó thực sự không có biên tế. Hiện tượng này, có thể chính là các nhà khoa học phát hiện sự chuyển biến của năng và chất. Năng là thể, năng là nhất. Chất là vật chất. Hiện tượng vật chất rất nhiều, vô lượng vô biên. Là do một năng lượng biến. Như khoáng vật, kim loại kiên cố, các nhà khoa học nói, tần suất chấn động của nó hơi thấp. Như đất cát, đất bùn tần suất nhanh hơn. Cho nên vật chất không giống nhau, sinh ra hiện tượng tần suất không tương đồng. Những hiện tượng này đều là huyễn tướng. Vì tất cả hiện tượng vật chất, từ kim loại nặng đến không khí, dưỡng khí. Tất cả đều có thể trở về thành năng lượng. Sức mạnh như thế nào chỉ huy năng lượng biến thành hiện tượng vật chất? Ý niệm. Sức mạnh như thế nào đem vật chất trở về với năng lượng? Cũng là ý niệm, vì tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.

Ngày nay ý niệm của chúng ta vì sao không thể đem năng lượng biến thành vật chất, đem vật chất biến thành năng lượng?Tại sao không thể? Thật ra Đức Phật đều đem thông tin này nói ra cho chúng ta, chỉ là chúng ta lơ là không để ý mà thôi. Trong kinh Di Giáo có nói, ở đây chúng ta cũng đã nói. Ở trước cũng nói cách đây chưa lâu. “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”, “chỉ tâm nhất xứ”. Chỉ và chế là cùng một ý nghĩa. Chỉ cần ý niệm tập trung, không có ý niệm nào khác, chỉ có nhất niệm. Việc gì cũng có thể làm được. Ngày nay chúng ta tu hành, không phải là tu điều này sao? Hy vọng đem những ý niệm này của chúng ta, tất cả ý niệm đều buông bỏ. Chỉ có một niệm A Di Đà Phật, chúng ta chế tâm vào một chỗ. Chúng ta sẽ chế tâm vào A Di Đà Phật, thật sự chế tâm vào một chỗ. Quý vị thấy, năng lượng của quý vị lớn biết bao.

Chế tâm một chỗ trong Tịnh độ tông gọi là nhất tâm bất loạn. Trong này có lý có sự. Sự nhất tâm bất loạn, là mười pháp giới y chánh trang nghiêm, những việc này ta đều có thể làm. Lý nhất tâm bất loạn, đó là cảnh giới của pháp thân Bồ Tát. Đó là cõi thật báo trang nghiêm. Sự việc trong cõi thường tịch quang, chẳng có gì là không làm được. Cần phải hiểu rõ những đạo lý này, mới biết diệu dụng của Tịnh độ tông, chỗ cao nhất của Tịnh Độ tông!

Con người thời nay hình dung nói rằng là bác đại tinh thâm, không có gì so sánh được. Chúng ta sao lại có thể xem thường Tịnh độ? Chỉ là ngày nay kinh thì có, nhưng xem không hiểu. Chúng tôi mỗi ngày đều xem. Xem suốt 60 năm mới hiểu được, mới phát hiện. Đây là điều cổ nhân nói, đọc sách ngàn biến, nhưng nghĩa của nó phải tự hiểu. Đọc ngàn lần ta mới thấy một chút ý nghĩa, nhưng đọc ngàn ngàn lần thì ý nghĩa ta hiểu được sẽ không giống nhau. Một năm 360 ngày, 100 năm là ba vạn sáu ngàn ngày. Ba vạn sáu ngàn ngày, mỗi ngày xem đều không giống nhau, ý nghĩa ta đều hiểu được. Đến lúc đó ta mới thật sự hiểu được những gì Đức Phật nói, do tâm mà hiện, do thức mà biến. Tâm tưởng sự thành, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm. Những lời này của Đức Phật, chúng ta sẽ rõ ràng hết, hiểu hết. Nghe rồi liền gật đầu, Đức Phật nói không sai chút nào. Sự thật là như vậy, làm gì có đến và đi!

Quý vị nói, chúng ta có đến đi chăng? Lúc tôi còn trẻ có chơi điện ảnh. Tôi có máy nhiếp ảnh, có đầu chiếu phim. Khi chụp hình, chúng ta lập tức phát hiện. Tại đây xuất hiện và cũng tại đây diệt tận. Đĩa phim là dùng cuốn băng. Trước đây tôi dùng là phạm vi nhỏ. Máy nhiếp ảnh này, một phút chụp được 24 tấm hình. Độ dài của cuốn phim là bốn phút, một cuốn phim có thể chụp bốn phút. Một người từ xa đi lại, chúng ta chụp họ. Từ bên kia đi đến bên này, họ có bước đi không? Họ không có bước đi. Khi tôi chụp họ không bước đi. Mỗi tấm ảnh đều là độc lập, không bước đi. Không bước đi sao lại đến được bên này? Chỗ này sanh ra và chỗ này diệt tận. Đến đây là bên khác, cũng là chỗ này sanh ra và ở đây diệt tận. Có phải là một không? Không phải! quý vị nói xem, cái nào là chính mình?

Mấy trăm tấm hình, mỗi tấm đều là chính mình. Chỉ là bất đồng thời gian, bất đồng nơi chốn. Chúng ta chính là chỗ này sanh ra và chỗ này diệt tận. Ống kính máy nhiếp ảnh vừa mở là nó liền sanh ra, nhưng đóng lại là diệt tận. Lần thứ hai mở ra thì ta lại xuất hiện, đóng nắp ống kinh thì ta lại diệt tận. Dùng máy nhiếp ảnh chụp ra, thì nhìn thấy chân tướng của mình. Đây là tự thân chúng tôi kinh nghiệm. Trong đại thừa giáo nói rằng, ở ngay đây, không có quá khứ vị lai, quá khứ vị lai là giả. Ngay đây ta không nắm được. Vì sao? Bởi nó quá nhanh. Ngay đây chính là ngay đây của Bồ tát Di Lặc nói. Giống như chúng ta quay phim vậy. Khi chúng ta chụp, một giây có 24 tấm ảnh. Nhưng một giây của ngài có 1600 triệu tấm. Một giây là 1600 triệu, cái nào là ta? Tất cả đều là ta, không có cái nào không phải là ta. Biến pháp giới hư không giới đều là ta. Thật giống như nằm mộng vậy. Ở trong mộng, tất cả những cảnh giới trong mộng hoàn toàn là chính mình. Đều là trong lòng mình hiện ra, tâm hiện thức biến. Là đạo lý này.

Pháp giới hư không giới. Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy, thế giới Hoa Tạng, trùng trùng vô tận. Đọc đến phẩm Thế Giới Thành Tựu. Phẩm Thế Giới Thành Tựu chính là nói từ tâm tưởng sanh. Nói với chúng ta do tâm mà hiện, do thức mà biến. Thế giới Hoa Tạng là chỗ này sanh ra và chỗ này diệt tận. Một điều thật thì tất cả đều thật, một điều vọng thì tất cả đều vọng. Quý vị nói thật cũng được, quý vị nói vọng cũng được, đều đúng. Chỉ cần ta thật sự hiểu rõ được chân tướng sự thật thì nói thế nào cũng đúng. Còn không hiểu được thì nói thế nàu cũng sai. Vì sao? Vì ta chưa khế nhập cảnh giới này.

Linh Phong đại sư giải thích về điều này, đã dùng mặt trăng để làm ví dụ. Có duyên thì hiện, hết duyên thì ẩn. Ngài đưa ra ví dụ, nước yên thì trăng hiện. Hiện tượng này mọi người chúng ta đều có kinh nghiệm.

Đêm tối nhìn xuống mặt nước, nước yên ánh trăng hiện trên mặt nước. Ánh trăng có đến trong hồ này chăng? Không có. Đây gọi là chỗ này xuất hiện. Nước đục, có gợn sóng thì ban đêm trăng sẽ không hiện ra. Ánh trăng cũng không đến, không đến cũng không đi. Điều này dễ hiểu. Sự thật thì sao? Sự thật đúng là như vậy. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm không đến cũng không đi. Không đến và đi nhưng lại chấp trước nó có đến và đi. Mê là mê ở chỗ này. Người ngộ biết được không có đến đi, không chấp trước đến và đi. Đây là giác ngộ. Người mê không hiểu được chân tướng sự thật, cho rằng hiện tượng là thật. Họ chấp trước có đến và có đi. Mê gọi là pháp thế gian. Ngộ gọi là pháp xuất thế gian. Có xuất nhập chăng? Không có. Thế gian và xuất thế gian lầ một không phải hai. Thật sự có thế gian, có xuất thế gian ư? Không có, không tìm thấy. Chỉ là mê và ngộ không giống nhau.

Giác ngộ thì ngay đây là xuất thế gian. Vì sao? Bởi không còn chấp trước thế gian. Chỉ cần không chấp trước, thì bản năng của ta sẽ được phục hồi. Bản năng là gì? Là lục căn, mắt phóng quang. Sao gọi là phóng quang? Ngày nay chúng ta gọi là sóng ánh sáng. Giữa vũ trụ rất nhiều sóng ánh sáng. Mắt chúng ta có thể nhìn thấy, nhưng chỉ nhìn thấy sóng ánh sáng nhất định. Dài hơn sóng ánh sáng này thì không nhìn thấy, ngắn hơn sóng ánh sáng này cũng không nhìn thấy. Đến khi vọng niệm không còn, năng lực được phục hồi, thì tất cả mức độ sóng ánh sáng chúng ta đều nhìn thấy hết. Khi đó ta sẽ nhìn thấy toàn vũ trụ.

Chúng ta bây giờ dùng máy móc, dùng X Quang, để nhìn thấu suốt nội bộ trong cơ thể. Sau khi chế tâm vào một chỗ, buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì không cần máy móc. Mắt chúng ta còn hay hơn, nhìn còn rõ ràng hơn cả X Quang nữa. Khắp cơ thể chúng ta, mỗi tế bào đều đang chấn động, người đó cũng biết, và thấy rất rõ ràng. Những thứ đó cũng có sanh diệt, gọi là thay cũ đổi mới.

Các nhà khoa học nói, tế bào trong cơ thể chúng ta thay cũ đổi mới có chu kỳ. Đức Phật thấy, không phải ngài thấy chu kỳ này. Mà Đức Phật thấy là thấy sát na sanh diệt. Thấy được điều gì? Tại đây sinh ra và tại đây sinh diệt. Chư Phật Như Lai và pháp thân đại sĩ, mắt của các ngài có thể thấy khắp biến pháp giới hư không giới. Ở đâu? Ngay tại đây. Thế giới Cực Lạc ở đâu? Cũng tại đây. Còn thế giới Hoa Tạng thì sao? Cũng ở ngay đây. Ngay bây giờ. Giống như bây giờ chúng ta xem ti vi vậy. Toàn thế giới đều xem cùng một hình ảnh. Chúng ta chỉ cần ấn nút kênh, kênh này là truyền hình của nước Mỹ, thì nước Mỹ hiện ra trước mắt. Đổi kênh khác, truyền hình nước Anh thì nước Anh ngay trước mắt. Không có đến đi, không có trước sau. Tại đây sanh ra và tại đây diệt tận, đây là chân tướng sự thật.

Chúng ta muốn nhìn thấy quá khứ được chăng? Được. Xem hiện tượng của vị lai được chăng? Không có tam tế nên không chướng ngại. Chúng ta bây giờ có chướng ngại. Chúng ta muốn xem năm trước cũng không thấy được, chỉ có thể xem băng ghi lại. Nhìn vị lại cũng không nhìn được, vì vị lai thì chưa đến. Ngày mai phát sanh chuyện gì, hôm nay vẫn không biết được. Nếu chúng ta có thiên nhãn, có thiên nhãn ta sẽ nhìn thấy hết. Tất cả hiện tượng đều thay đổi vô cùng. Những biến đổi này chúng ta đều biết, không có điều gì chẳng biết.

Trong suốt 49 năm Đức Thế Tôn giáo hoá, thường dùng giấc mộng làm ví dụ, ví dụ rất hay. Hiện tượng của vũ trụ, thực sự nó giống như một giấc mộng. Mộng cũng là tại đây sanh ra và tại đây diệt tận. Mộng nó vượt qua không gian và thời gian.

Chúng ta xem tiếp kinh văn.“Cái Như Lai pháp thân biến nhất thiết xứ. Cánh hà năng ngôn, pháp thân tùng hà xứ lai, đáo hà xứ khứ? Nhất thiết xứ giai thị tự tánh pháp thân cố, duy dĩ ngộ duyên nhi hiện lai khứ. Thị cố kinh vân, đản dĩ thù nguyện độ sanh, hiện tại tây phương, tức thử nghĩa dã”.

Tự tánh biến khắp mọi nơi, nên pháp thân cũng biến khắp mọi nơi. Biến khắp mọi nơi nên không có đến và đi. Giống như hiện nay chúng ta nói hư không, hư không biến khắp mọi nơi. Hư không từ đâu đến? Hư không đi về đâu? Không có ai đưa ra vấn đề này. Họ không biết hư không là do pháp tánh biến hiện. Nó là tướng hư huyễn không có thật. Điều này giới khoa học cũng đã phát hiện, thời gian và không gian đều không có thật.

Nói về thời gian và không gian, trong “Bách Pháp Minh Môn Luận”, đem tất cả pháp của thế xuất thế gian quy nạp thành năm loại lớn: gồm có tâm pháp, tâm sở hữu pháp, sắc pháp, bất tương ưng hành pháp, vô vi pháp. Năm loại lớn này bao gồm tất cả pháp trong thế và xuất thế gian.

Thời gian và không gian ở đâu? Ở trong bất tương ưng hành pháp. Bất tương ưng hành pháp, danh từ của người hiện nay gọi là khái niệm trừu tượng. Nó không phải thật, là một khái niệm trừu tượng, không có sự thật. Nhưng không thể nói nó không có, cũng không thể nói nó có. Điều này 3000 năm trước Phật pháp đại thừa đã nói, thời gian không gian không phải là thật. Thật chỉ có vô vi pháp. Vô vi pháp là thật, pháp hữu vi là giả. Pháp hữu vi là duyên sanh, có sanh có diệt. Còn trong pháp vô vi có thật pháp vô vi, và có tương tợ pháp vô vi, nó không phải là thật. Pháp vô vi thật chỉ có một, là chân như vô vi. Chỉ có pháp này là thật.

Pháp thân là chân như vô vi, biến khắp mọi nơi. Tất cả pháp trong khắp mọi nơi, đều là pháp thân biến hiện ra. Pháp thân ở đâu? Tất cả pháp chính là pháp thân. Cho nên ta không thể nói pháp thân từ đâu đến, phải thật sự thông đạt thấu triệt. Bất cứ pháp nào cũng không thể nói nó từ đâu đến. Không có, nó căn bản không có đến và đi. Có đến có đi chính là giả, không có đến và đi mới là thật. Nơi đây sanh ra và nơi đây diệt tận.

Phật pháp nói về nhân duyên rất hay. Duyên là gì? Duyên là ý niệm của chúng sanh. Chúng sanh nghĩ đến Phật, Phật sẽ hiện tiền. Chúng sanh không nghĩ đến thì Phật không xuất hiện. Chúng sanh nghĩ đến ma, ma sẽ hiện tiền. Không nghĩ thì ma cũng không có. Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh ra. Ai nghĩ? Chính chúng ta nghĩ chứ không liên quan đến người khác. Nên người xưa nói tự làm tự chịu. Câu nói này quá hay! Không có một pháp nào chẳng phải là do ta tự làm. Cho nên lành dữ họa phước đều do chính mình gánh chịu_tự làm tự chịu. Phật không phải chịu bất cứ điều gì. Vì sao vậy? Vì ngài không nghĩ đến bất cứ điều gì, nên ngài không chịu bất cứ điều gì. Đây gọi là trở về tự tánh. Trong tự tánh không có ý niệm. Nên vô niệm thì tự tánh sẽ xuất hiện. Có niệm tự tánh sẽ không thấy nữa. Chẳng phải không thấy mà nó biến chất. Nó đã biến thành mê.

Thực tế mà nói, ngộ là tự tánh, mê cũng là tự tánh. Mê và ngộ khởi dụng không giống nhau. Ngộ là quang minh, là linh minh giác tri. Mê là hồ đồ, là không biết điều gì cả. Mê ngộ đều là tự tánh. Nên tự tánh khởi tác dụng hoàn toàn không giống nhau.

Câu này rất quan trọng: “Nhất thiết pháp giai thị tự tánh pháp không”. Tất cả pháp đều là pháp tướng của tự tánh. Đây đều là nói về thật tướng các pháp.

Duy dĩ ngộ duyên nhi hiện lai khứ”. Duyên là chúng sanh. Chúng sanh có cảm là Đức Phật có ứng. Đức Phật ứng nhưng không có đến và đi. Chúng sanh cho rằng có đến và đi, nhưng thực tế không có. Trên thực tế là nơi này sanh ra và nơi này tận diệt. Đây là thật. Chư Phật Bồ Tát làm gì có đến và đi? Quý vị nên biết, chư Phật Bồ Tát không có đến và đi, chúng ta trú trong pháp thân của Phật, Phật chưa từng rời xa chúng ta.

Công đức niệm Phật thật không thể nghĩ bàn. Chúng ta niệm Phật A Di Đà là cùng với Phật A Di Đà dung hợp thành một thể. Đây chính là tất cả pháp từ tâm tưởng sanh ra. Không thể niệm điều gì khác, niệm gì khác sẽ rất phiền phức. Mỗi ngày ta cứ nhớ nghĩ đến tài, sắc, danh, thực, thuỳ. Như vậy ta ở cùng với ai? Ta ở cùng địa ngục. Địa ngục có năm điều căn bản, một điều ta cũng chạy không thoát. Nếu cả năm điều đều đầy đủ thì thật không tưởng tượng được!

Tất cả các pháp trong biến pháp giới hư không giới đều tuỳ theo ý niệm của chúng ta, hoàn toàn là pháp tánh biến hiện ra. Nếu ta giác ngộ, thì mỗi niệm không rời Phật. Còn nếu là mê hoặc, thì mỗi niệm đang tạo nghiệp. Lành giữ họa phúc cũng từ đây mà có.

“Thù nguyện độ sanh”. Then chốt là ở chữ thù này, duyên cũng tại nơi chữ thù này. Chúng sanh có cảm, Chư Phật Bồ Tát liền có ứng. Phật A Di Đà là “hiện tại tây phương”. Tây phương này là tây phương của thế giới Ta bà. Thật ra chưa từng rời xa nơi này. Tây phương là dùng phương tiện để nói. Thật có tây phương chăng? Tục đế nói thật có tây phương, không phải Chân Đế, vì Chân Đế không có. Chân Đế là viên mãn, Chân Đế là nhất thể. Chân Đế là vĩnh viễn không có phân ly, là tự tánh thanh tịnh viên minh thể.

“Dĩ thượng kinh cú ‘lai vô sở lai’ đáp sở vấn quốc giới, thử thuộc không gian. Biểu thập phương hư không bất ly đương xứ”.

Câu này là lời nói rất thật. Mười phương hư không không rời xa nơi này. Mười phương thế giới đương nhiên cũng không rời nơi này, mà ngay tại đây. Trong “Hệ Niệm Pháp Sự” thiền sư Trung Phong nói rất hay. “Thử phương tức thị Cực Lạc”, chính là Tịnh độ. “Tịnh độ tức thị thử phương. Ngã tâm tức thị A Di Đà Phật, A Di Đà Phật tức thị ngã tâm”. Hai câu này là đem nguồn gốc bí mật của vũ trụ vạch trần ra. Chư Phật Như Lai, pháp thân Bồ Tát tự thân chứng được, chứ không phải giả. Mười phương thế giới đều ngay trước mắt. Điều này là nói gì? Không có không gian, không có cự ly.

Thượng tắc đáp sở vấn chi thời gian viết, ‘vô sanh vô diệt, phi quá hiện vị lai’. Như niết bàn vân”. Trong kinh Niết Bàn nói, “Chư hành vô thường, thị sanh diệt pháp, sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”.

“Chư hành vô thường”. Hành là hành động. Khởi tâm động niệm là hành động của ý. Hoặc là chúng ta nói hành vi. Ngôn ngữ là hành vi của miệng. Động tác của thân thể là hành vi của thân. Những hành vi này đều là vô thường. Vì sao? Vì đây là pháp sinh diệt. Giống như Bồ Tát Di Lặc nói, một giây có 1600 triệu lần sanh diệt. “Sanh diệt diệt dĩ”, một phút 1600 triệu lần sanh diệt này. Thật sự không còn, nó đã bị diệt tận. Không khởi tâm không động niệm, thì tịch diệt sẽ hiện tiền. Diệt điều gì? Khởi tâm động niệm không còn. Một giây 1600 triệu lần sanh diệt là khởi tâm động niệm. Chúng ta thật sự không biết tần số ý niệm của chính mình sao lại cao như vậy. Một giây chấn động 1600 triệu lần. Tần số cao như vậy, hiện ra hiện tượng tinh thần như thọ tưởng hành thức. Từ thọ tưởng hành thức sanh ra sắc_hiện tượng vật chất. Ngũ ấm nói lên điều gì? Ngũ ấm chính là nói về hiện tượng vật chất nhỏ nhất, ngày nay gọi là lượng tử. Ngũ uẩn giai không, nên khẳng định lượng tử không tồn tại.

Trong Phật pháp nói cái vi tế trong cái cực kỳ vi tế. Cái vi tế trong cái cực kỳ vi tế đó đầy đủ hiện tượng của ngũ uẩn - sắc thọ tưởng hành thức. Thời gian nó tồn tại chính là một giây 1600 triệu, một trên 1600 triệu. Nếu ý niệm này diệt thì sẽ thành Phật. Ý niệm này diệt thì gọi là vô minh đoạn diệt. Hiện tượng này gọi là vô thỉ vô minh.

Vô thỉ là gì? Là không có bắt đầu. Nghĩa của vô thỉ chính là vô sanh. Vô sanh thì vô diệt, vô thỉ thì vô chung. Nên tưởng gọi là vọng tưởng. Vô minh gọi là vô thỉ vô minh. Danh từ này bao hàm ý nghĩa rất sâu!

Vô thỉ, thật sự nó không có bắt đầu. Quý vị xem, Nó bắt đầu thì nó sớm đã bị diệt tận. Cái thứ hai vô thỉ vô minh của nó lại hiện ra, vẫn là vô thỉ vô minh. Toàn bộ là giả, không có cái nào là thật. Người giác ngộ lập tức đoạn trừ, nó sẽ dừng lại. Nên nó là hiện tượng động. Còn tự tánh thì sao? Tự tánh là bất động. Ngài Huệ Năng nói, “đâu ngờ tự tánh vốn không dao động”, “đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt”. Không sanh diệt, không dao động. Nên bất động là chân tâm, động là vọng tâm. Bất động là chánh, động là tà. Tà không thắng chánh. Nên trong một giây có 1600 triệu lần dao động, không bằng một niệm tịnh. Điều này rõ ràng nói lên rằng tà không thể thắng chánh. Một niệm giác thì một giây trên 1600 triệu phần trăm lần dao động sẽ dừng lại, sẽ bị diệt tận. Lúc này lấy tịch diệt làm niềm vui.

Ai có thể cảm nhận được? Người giác ngộ cảm nhận được. Từ vô thỉ kiếp đến nay, tâm này đều là động, đều là loạn. Từ trước đến nay chưa từng dừng lại, ngày nay đột nhiên dừng lại. Dừng lại ở đây chính là thấy đạo, ngộ đạo và khế nhập.

Khổng Tử nói: “Học nhi thời tập chi, bất diệc thuyết hồ”. Niềm vui đã xuất hiện. Niềm vui này không phải là tình cảm, tình cảm là phiền não. Nên ở đây nói tịch diệt là vui. Vui này không phải là vui của khổ vui. Khổ vui đều không còn nữa, đây gọi là_chân lạc_ niềm vui thật sự.

Khổ vui, khổ là khổ, vui cũng là khổ. Gọi là vui quá sanh sầu lo. Nó không phải thật, nó sẽ có sự biến hoá.

Hựu ‘Thủ Lăng Nghiêm Quán Âm Viên Thông Chương’ vân. Thủ Lăng Nghiêm Kinh, sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt hiền tiền.

Tịch điệt chính là tự tánh, chính là niết bàn. Chính là minh tâm kiến tánh mà tông môn nói. Chỉ cần đoạn diệt sanh diệt. Sanh diệt là gì? Chính là ý niệm mà Bồ Tát Di Lặc nói, một khảy móng tay có 32 ức một trăm ngàn ý niệm. Một khảy móng tay có 32 ức một trăm ngàn niệm. Đây là sanh diệt. Sau khi những thứ này đoạn diệt, thì tịch diệt sẽ hiện tiền. Tịch diệt là tự tánh, là minh tâm kiến tánh.

“Cái chứng nhập vô sanh, vô sanh tắc vô diệt”. Sanh diệt diệt rồi, mới thật sự hiểu được vô sanh. Những điều ngài Huệ Năng thể hiện cho chúng ta thấy thật không đơn giản! Lúc đó ngài 24 tuổi. Ngài chứng ngộ như thế nào? 24 tuổi nghe Ngũ Tổ giảng Kinh Kim Cang, giảng đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Ngài đã chứng ngộ. Đem cảnh giới mà ngài chứng ngộ báo cáo với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Ngài nói “đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh”. Cũng chính là nói, tâm thanh tịnh của tự tánh, xưa nay chưa từng bị nhiễm ô. Bây giờ có nhiễm ô chăng? Không có. Dù cho đọa vào địa ngục A tỳ cũng không nhiễm ô. Nhiễm ô là gì? Là ý nhiễm ô. A lại da là vọng tâm. Vọng tâm có nhiễm ô, có nhiễm tịnh. Nhưng chân tâm không có.

Tiếp theo ngài nói: “Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt”. Không sanh không diệt. Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ. Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt. Cuối cùng ngài nói, “đâu ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”. Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn vừa nghe, biết rằng ngài thật sự khai ngộ chứ không phải giả. Lập tức truyền y bát cho ngài, ngài trở thành Tổ sư đời thứ sáu của thiền tông. Thật không dễ, ngài đã chứng ngộ vô sanh. Vô sanh vô diệt chính là câu thứ hai ngài nói: “Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt”. Là không sanh không diệt.

“Phi quá hiện vị lai”. Quá là quá khứ, hiện là hiện tại, vị lai, là nói tam tế, là chỉ về thời gian. Không có quá khứ, hiện tại, vị lai. “Cái thời hữu quá hiện vị giả, vọng niệm tương tục cố”. Thật sự không có. Là do vọng niệm liên tục của chúng ta. “Tiền niệm diệt thị quá khứ, hạ niệm sanh thị vị lai. Vọng niệm bất sanh tắc diệc vô diệt, tắc thời vô quá khứ dữ vị lai. Hiện tại niệm niệm bất trú, cố vô hiện tại. Quá khứ, hiện tại, vị lai liễu bất khả đắc”. Liễu là thật sự thấu suốt. Thật sự thấu suốt thời gian là giả, nên không có gì để được. Hay nói cách khác, không gian và thời gian đều không có. Không nên bị giả tướng của thời gian và không gian làm mê hoặc. Nhất định phải nghĩ đến điều này. Thế Tôn nói hiện tượng này là bất tương ưng hành pháp. Hiện nay gọi là khái niệm trừu tượng, không có thật.

Con người sao lại bị già? Ở thế gian này lâu liền nghĩ đến già. Nghĩ đến già thì sẽ già, nghĩ đến bệnh thì sẽ bệnh. Đã bệnh thì phải chết, nghĩ đến chết thì sẽ chết. Tôi nói với quí vị, chết là giả. Quý vị không chết, chết là thân thể này chết. Thân thể vật chất này chết. Qua thời gia lại đầu thai trở lại. Thay đổi thân khác rồi trở lại. Sống và chết là hiện tượng liên tục, không phải là thật. Như chúng ta thấy có hôm qua, hôm nay, ngày mai. Đây đều là giả không phải thật.

Năm ngoái chúng tôi đọc được một cuốn sách, viết về sự việc kỳ lạ phát sanh ở Cam Túc Trung Quốc. Hiện tượng kỳ lạ này, bây giờ trên thế giới có rất nhiều. Nước ngoài cũng có, chính là bị ma ám. Bị ma ám là một người phụ nữ, người phụ nữ nông thôn không biết chữ. Linh hồn dựa vào người này là 2100 năm trước, thời đại của đại đế Khải Tát ở La Mã. Một tổng tư lệnh của quân đoàn. Tư lệnh của quân đoàn này là con trai thứ ba của Khải Tát. Khải Tát phái quân đoàn này, hơn mười vạn người đến xâm lược Trung quốc. Lúc đó hoàn toàn đi bộ.

Quân đội của họ hai phần ba là kỵ binh, một phần ba là bộ binh. Từ La Mã đi đến Trung Quốc, chưa đánh trận nhưng cũng chết vì mệt. Họ đi được hơn một năm. Trên đường đi vì không hợp khí hậu, nên chết cũng không ít người. Quân đoàn này không có lính dự bị, nên chết một người thì ít đi một người. Khi đến Trung Quốc, chỉ còn khoảng một nửa số đó. Nhưng đánh trận với người Trung Quốc, họ vẫn rất ngạo mạn. Trong binh pháp nói “kiêu binh tất bại”. Họ quá kiêu ngạo, xem thường người khác. Coi người Trung Quốc không ra gì. Thân họ rất to lớn, còn người Trung Quốc thấp nhỏ. Không ngờ người Trung Quốc biết bày trận.

Ở Tân Cương, trong một lần giao chiến, lính của họ chết hơn chín ngàn người. Đây là một sự kích động rất lớn đối với sĩ khí của họ. Nên hoài bão đối với vấn đề chiếm lĩnh Trung Quốc của họ đã bị mất đi, nhưng vẫn tiếp tục tiến lên. Đến được Cam Túc, ranh giới của Hà Tây họ chỉ còn lại hơn một vạn người. Quân đoàn này hết chín phần mười đều chết ở Trung Quốc. Sau đó có thêm mấy lần chiến đấu với người Trung Quốc, binh sĩ của họ càng ngày càng ít. Đến cuối cùng chỉ còn lại hơn 200 người, và tập thể đều tự sát. Khải Tát đại đế cũng chết tại Trung Quốc.

Đem câu chuyện này, nói ra một cách tỷ mỷ tường tận. Có chuyên gia giám định, chắc chắn không phải là giả, là thật. Là một quân đoàn của 2100 năm trước. Linh hồn của họ không tan. Hiện nay họ vẫn là quân đoàn, người chỉ huy thương yêu binh sĩ, binh sĩ không muốn xa rời vị chỉ huy này. 2100 năm làm cô hồn quỷ đói, khổ không nói hết! Gặp được vị Bồ Tát giúp đỡ họ. Vị Bồ Tát này là Quan Âm Bồ Tát hoá thân. Họ gọi ngài là Bồ Tát Lợi Tân. Bồ tát thường thường cứu tế họ.

Cuốn sách này xuất bản ở Đài Loan. Tôi không biết ở đây có không, nhưng HongKong có. Điều này nói cho chúng ta biết một sự thật, con người không chết. Quý vị xem, linh hồn này là 2100 năm trước, bây giờ vẫn sôi nổi như vậy. Họ thỉnh cầu và đến tìm tôi. Người bị ám ảnh ở trước mặt biểu diễn cho tôi xem, cô ta dùng ngôn ngữ cổ của La Mã nói một cách rất lưu loát. Ca hát biểu diễn cho tôi xem. Họ chỉ cầu xin một việc là xây cho họ ngôi miếu, để những linh hồn này có chỗ ở ổn định. Có người hỏi họ, tại sao các người không trở về La Mã? Họ nói không trở về được, biên giới có Thần Hộ Pháp. Thần Hộ Pháp Trung Quốc không cho họ đi, nên họ không về được.

Cư sĩ Tề Tố Bình ở Mục Sơn Đông Thiên, dựng ngôi miếu cho họ. Ngôi miếu này dự định khoảng tháng 10 năm nay xong. Những linh hồn này có chỗ ở ổn định. Có một số niệm Phật vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, cũng có một bộ phân đến thiên đường, nhưng vẫn còn một bộ phận vẫn giữ tình trạng trước mắt. Sự thật này nói rõ một điều là con người không chết.

Ở trong lục đạo, người Trung Quốc gọi là linh hồn. Nên biết rằng gọi là hồn tức là đều mê hoặc điên đảo. Nó không linh. Nếu nó linh mà còn chịu nhiều khổ nạn vậy sao? Nó không linh, nó đang mê, nó chưa giác ngộ. Nên phải để cho chúng nghe kinh một thời gian dài.

Chúng tôi mời chúng đến đạo tràng cùng chúng tôi học tập, nghe kinh, niệm Phật cầu sanh tịnh độ. Chúng rất vui mừng tiếp nhận. Sau khi giác ngộ không gọi linh hồn nữa mà gọi là linh tánh. Chính là tự tánh. Tự tánh mới là chính mình, mới thật sự là tự ngã. Linh hồn là tự ngã không thật, thân thể lại càng giả. Lấy giả cho là thật là sai lầm lớn nhất. Vì để vừa lòng với dục vọng của bản thân, nên đã tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp, phải chịu khổ báo trong tam đồ địa ngục, có đáng không? Nghĩ nhiều hơn nữa sẽ nghĩ thông suốt. Tôi sẽ không còn hầu hạ thân thể này, chỉ cần cơm nước đạm bạc để thân thể này mạnh khoẻ trưởng thành là đủ. Cần gì phải làm vừa lòng với dục vọng của nó? Ăn uống đơn giản một món. Ăn uống chư vị thử nghĩ xem, ẩm thực là tham dục của ai? Của lưỡi. Nhưng nuốt vào trong cổ thì không còn mùi vị nữa. Nên cái lưỡi ba tấc này, vì vừa lòng với dục vọng của nó mà sát hại không biết bao nhiêu chúng sanh. Quý vị ăn thịt của nó, cảm nhận vị ngon của nó là lưỡi. Nhưng khi nuốt xuống rồi thì không còn biết gì nữa. Như vậy thì lưỡi tạo nghiệp nặng cở nào!

Đức Thế Tôn khi còn tại thế, khiến người xuất gia cơ thể mạnh khoẻ là được. Nên nói Tỳ Kheo thường mang ba phần bệnh. Vì sao gọi Tỳ Kheo mang ba phần bệnh? Vì như thế sẽ không còn tham luyến thân thể này. Chúng ta cần thân này, cần thân để chúng ta tu hành. Không thể giúp ta tạo nghiệp. Tạo nghiệp thì thật là ghê gớm! Bài học trước tôi đã nhắc đến, sự nghiêm trọng của việc phá thai giết người.

Có một học trò đưa cho tôi xấp tài liệu. Trong tài liệu này nói, căn cứ theo tính toán của tổ chức vệ sinh thế giới. Trên toàn cầu mỗi ngày có 15 vạn người phá thai, như vậy chính là giết 15 vạn người. Trong đó có 500 người phụ nữ, vì phá thai mà chết. Mỗi ngày có 500 người phụ nữ phá thai mà chết, 15 vạn trẻ con bị giết. Là mỗi ngày!

Như vậy thì mỗi năm có bao nhiêu? Một năm có khoảng năm ngàn vạn người, chính là năm ngàn vạn trẻ em bị giết. Là một năm! Hai năm là một ức. Những oan gia trái chủ này nhất định không tha cho những ai đã làm điều này.

Đặc biệt còn có một ví dụ. Ở HongKong có một người phụ nữ khoảng hơn 40 tuổi, cô ta sám hối vì chính mình đã từng phá thai hơn mười lần. Giết người nhất định phải đền mạng. Giết nhiều người như vậy thì quả báo ở đâu? Ở trong địa ngục vô gián. Điều này không đáng sợ sao!

Phụ nữ phá thai thì họ có tội, nhưng người đàn ông cũng có tội như vậy. Tội không phải một người, cả hai người đều có tội. Đây là một tính toán rất chắc chắn, một ngày có 15 vạn người chết. Nhân số tử vong cao hơn bất cứ chiến tranh nào. Đây là tình hình xã hội bây giờ, thật quá khủng khiếp phải không? Tạo ác nghiệp như vậy họ có thể có phước báo chăng? Họ sẽ có kết quả tốt chăng? Các bạn trẻ cần phải giác ngộ. Đây là một con đường chết. Mặc dù ta không chết thì suốt cuộc đời này ta sống cũng rất đáng thương. Tại sao phải tạo nên loại ác nghiệp này?

Đã từng có người đưa ra vấn đề này. Ngày nay mỗi người trên toàn thế giới, chính mình phải cố gắng tự phản tĩnh. Tội như vậy đã xứng đáng để đọa địa ngục a tỳ không? Chắc chắn là đại đa số đều không thể tránh khỏi. Vì sao lại tạo nên tội nghiệp nặng nề như vậy? Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói, không nên trách cứ họ. Vì sao? Họ có nhân quả báo ứng. Chư Phật Bồ Tát rất thương xót những hạng người hồ đồ này. Thế gian này, xã hội này, hình như là có 200 năm lãng quên đi nền giáo dục luân lý, đạo đức, nhân quả. Mới xuất hiện hiện tượng của ngày hôm nay.

Hai trăm năm trước ở Trung Quốc do Từ hy thái hậu chấp chính, đối với việc giáo dục luân lý nhân quả đã bỏ qua, không được coi trọng. Thời đó có người đọc sách thánh hiền, nhưng người làm theo giáo huấn của thánh hiền thì không có. Có số ít hiền quân tử vô cùng cảm thán, bao gồm ông Tăng Quốc Phiên. Họ cảm thán thời đại ngày càng đi xuống. Sau khi nhà Thanh mất nước, Trung Quốc 100 năm động loạn, xã hội động loạn. Luân lý, đạo đức, nhân quả, truyền thống văn hoá không còn ai nhắc đến nữa.

Tây phương bỏ luôn cả tôn giáo. 200 năm trước Tây Phương có giáo dục tôn giáo, là khuôn mẫu của đại chúng trong xã hội. Ngày nay khoa học kỷ thuật phát triển, mọi người chỉ tin khoa học mà không tin tôn giáo. Nên quý vị nếu hỏi, tại sao xã hội lại trở thành như vậy? Địa cầu tại sao nhiều tai biến như vậy? Họ đã đánh mất nền giáo dục của thánh hiền, giáo dục của nhân tánh. Hành vi của con người còn tệ hơn cả súc sanh. Quý vị nghĩ xem đáng thương biết bao.

Tôi ở tại thôn quê, dưới chân núi Đồ Văn Ba. Hình như là ba bốn năm trước. Trong vườn có con chim bị chết, thầy Khiêm đem nó chôn trong vườn hoa. Một con chim khác, chúng tôi tin rằng đó là bạn đời của nó, đứng cúi đầu bên chỗ chôn con chim kia. Đứng cúi đầu đau thương ở đó, rồi đi vòng quanh ở đó ba ngày. Chúng tôi nhìn đều khóc vì cảm động. Chim mà cũng có nghĩa khí như vậy! Con người không bằng con chim. Chúng tôi cứ thấy nó ở một bên không chịu bay đi, nó cứ cúi đầu và đi quanh ở đó.

Cầm thú nó chưa từng tiếp nhận nền giáo dục, nhưng chúng ta khai thông nó sẽ có cảm ứng. Chúng tôi ở trên núi trồng rau suốt 10 năm. Tuyệt đối không dùng hoá chất, không dùng thuốc. Côn trùng và chim chóc chúng tôi đều dùng tâm chân thành khai thông với chúng. Chúng tôi trồng rau cải, nhất định rào một khu nhỏ, chuyên môn cung cấp cho chúng. Chúng muốn ăn thì đến ăn trong mãnh đó. Không phải chỉ định thì nó sẽ không đụng đến. Chúng cũng rất giữ chữ tín, côn trùng chim chóc cũng rất có thành tín. Chúng tôi trồng cây quả rất nhiều, có hai ba mươi loại cây quả không giống nhau. Cũng chỉ định mấy cây chuyên môn dành cho chúng ăn, chúng muốn ăn trái cây thì đến bên mấy cây đó. Không chỉ định nó sẽ giữ lại cho chúng tôi.

Chúng tôi sống với nhau 10 năm, trở thành bạn đạo cùng nhau tu tập. Trong vườn rau chúng ta mở máy niệm Phật, khiến chúng cùng niệm Phật A Di Đà với chúng tôi. Trên cây cũng như vậy, khiến chim chóc cũng niệm Phật với chúng tôi. Ngày nay thật sự sống cùng với chim chóc, tiểu côn trùng, kiến sống chung với chúng dễ hơn nhiều so với sống chung với con người. Chúng có lương tâm, chúng cũng rất giữ chữ tín. Chúng tôi thương yêu chúng, quan tâm săn sóc chúng. Chúng cũng yêu thương quan tâm chúng ta. Chúng tôi gọi chúng là Bồ Tát, côn trùng chim chóc đều là Bồ tát.

Chúng ta xem tiếp đoạn kinh văn ở dưới. Ở đây Hoàng Niệm Tổ nói rất hay. “Hiện tại niệm niệm bất trú, cố vô hiện tại. Hựu ký vô quá khứ dữ vị lai, tắc hà hữu hiện tại”. Quá khứ và vị lai đều không có thì lấy đâu ra hiện tại?

“Thị dĩ Kim Cang Kinh vân, quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc”.

Đây là danh ngôn trong kinh Kim Cang. Ba loại tâm bất khả đắc. Quý vị đi đâu để tìm tâm? Ở đây nói đến tâm là vọng niệm. Nên trước chữ niệm thêm chữ vọng, nó không phải thật.

“Hựu Tín Tâm Danh tối mạt nhất cú vi phi khứ lai kim. Chánh hiển tam thế cổ kim bất ly ư đương niệm”.

Câu này rất quan trọng! Ở trước nói mười phương hư không không rời tại đây. Tam thế cổ kim là một niệm, chính là một niệm ngay tại đây. Nhưng vì mê nên không biết chân tướng sự thật. Hình như có xưa và nay, có quá khứ hiện tại vị lai. Nhưng thật sự giác ngộ mới biết là không có, chỉ có một niệm ngay tại đây. Khi mê thì có mười phương có hư không. Khi ngộ mới biết là không có, chỉ ngay tại đây. Nên một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật là quan trọng nhất. Đây là con đường để thành Phật. Không nên niệm lung tung những thứ khác nữa. Tất cả pháp trong thế xuất thế gian đều nên buông bỏ.

Bây giờ là thời đại gì? Các nhà dự ngôn xưa nay trong và ngoài nước đều nói, hiện nay thiên tai sắp xảy ra. Thời đại này của chúng ta, vừa đúng lúc đạt được kinh văn này. Kinh văn khiến chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật. Vì sao chúng ta không niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật? Mà cứ nghĩ đến những thứ khác làm gì? Nghĩ những thứ khác hoàn toàn là vọng tưởng, nghĩ đến Phật A Di Đà gọi là chánh niệm. Hy vọng các bạn đồng học của chúng ta thật sự giác ngộ, thật sự minh bạch. Thật sự minh bạch, thật giác ngộ, thì trong tâm chỉ có một câu A Di Đà Phật. Nắm chặt câu này, thì đời này của chúng ta chắc chắn thành tựu. Chắc chắn nhập vào cảnh giới mà trong kinh điển đã dạy_Thật tướng các pháp.

Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 02 tháng 03 năm 2011

Địa điểm: : Tịnh Tông Học Viện - Úc Châu

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm