Pháp sư

[HÀNH THEO ẤN TỔ]: Tọa Đàm 34


HÀNH THEO ẤN TỔ  (Tọa Đàm 34)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Pháp môn niệm Phật rất đặc biệt, bất cứ người nào thọ trì đều có thể thành công trong một đời. Đức Thế-Tôn tán thán pháp niệm Phật là “Vô cực chi thắng đạo”, nghĩa là pháp môn thù thắng đến chỗ vô cùng vô cực, không có phương pháp nào có thể so sánh được. Sở dĩ được vậy là vì pháp môn niệm Phật giúp cho chúng sanh đi ngang đi thẳng về Tây-Phương để thành công. Từ trong lục đạo luân hồi này đi thẳng về Tây-Phương thành đạo, chứ không phải đi theo hàng dọc, nghĩa là không phải từ cảnh giới người tu hành phá nghiệp để chứng đắc lên từng cảnh giới một, như: lên cảnh Trời, rồi lên cảnh Thanh-Văn, Duyên-Giác, Bồ-Tát, rồi mới thành Phật. Không phải đi từng bậc, từng bậc như vậy, mà đây là pháp đi ngang gọi là “Hoành Triệt”. Từ vị trí này băng ngang qua “Thập-Đạo-Giới”, đi thẳng về “Nhất-Chân-Pháp-Giới”. Khi về tới Tây-Phương Cực-Lạc thì tự nhiên tất cả những ác đạo, nghiệp chướng từ trong vô lượng kiếp của mình tự nó bế tắc hết. Cho nên Phật nói pháp môn này là “Vô cực chi thắng đạo”.

Một pháp môn quá dễ dàng mà tất cả mọi người đều có thể thực hiện để vãng-sanh, nhưng vì phước mỏng, đức bạc, trí huệ mê mờ nên không tin theo lời Phật. Vì không tin theo lời Phật dạy, nên vô lượng vô biên chúng sanh cứ sắp hàng đi vào trong tam ác đạo chịu nạn. Thấy vậy mà Phật đành than: “Dị vãng nhi vô nhân”, nghĩa là, vãng-sanh dễ dàng quá mà chúng sanh không chịu về Tây-Phương!...

Chúng ta đang học tập lời khai thị của tổ Ấn-Quang, hình như từ đầu đến cuối Tổ Sư đang nói thẳng vấn đề này. Hãy xem lại từ đầu tới cuối thêm lần nữa chúng ta sẽ thấy rõ ràng hơn. Tất cả mọi người ai cũng có thể được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, nhưng Ngài hoàn toàn không bắt chúng ta phải làm một điều gì vượt ngoài khả năng của mình hết. Ngài không nói là tất cả mọi người phải diệt cho đến sạch hết nghiệp chướng rồi mới có thể được vãng-sanh. Không có. Những người quyết lòng tận diệt hết nghiệp chướng, gọi là “Đoạn Hoặc Chứng Chơn”, là tu theo đường dọc, chính là những người muốn tự tu chứng lên từng nấc, từng nấc cảnh giới, chứ không phải đi theo hàng ngang... Cách tu chứng này thực sự không phải đơn giản đối với hàng phàm phu nghiệp chướng sâu nặng.

Mà người phàm phu chỉ làm được “Trên kính dưới hòa”. Chuyện này ai làm cũng được. Một người thấp thật thấp cũng có thể làm được cung kính khiêm nhường, rồi niệm Phật thì người thấp nhất này có thể đi thẳng về Tây-Phương thành đạo. Thực sự quá dễ dàng, đúng là pháp môn dễ tu dễ chứng. 

Chư Tổ thường ví dụ phương pháp đi ngang thẳng tắt thành đạo này bằng hình ảnh con kiến kẹt trong bộng tre đục ngang tìm ra ánh sáng. Nếu con kiến nghĩ rằng nó cần phải bò lên tới đọt tre để có cảnh giới cao hơn, bầu trời quảng đại hơn, nên cố công đục lên từng mắt tre, thì nhiều khi mới đục qua được một mắt, hai mắt là phải chết trong bộng tre rồi. Sức lực yếu đuối, thọ mạng ngắn ngủi, đành phải gục ngã trong tăm tối!... Trong khi đó, một con kiến tại dưới thấp này, tìm một lỗ đục ngang qua. Khi ra khỏi bộng tre, con kiến liền tiếp nhận ánh sáng. Nếu một con kiến đang ở trên cao, đục ngang qua, vừa ra khỏi bọng tre cũng thấy ánh sáng. Ánh sáng trên và ánh sáng dưới cũng là ánh sáng, đều giống nhau. 

Niệm Phật đi về Tây-Phương cũng vậy. Nếu là thánh nhân niệm câu A-Di-Đà Phật thì vãng-sanh thượng-phẩm. Nếu là phàm nhân niệm câu A-Di-Đà Phật thì vãng-sanh hạ-phẩm. Hạ-phẩm hay thượng-phẩm trên cõi Tây-Phương đều được bình đẳng gia trì của A-Di-Đà Phật, cũng một đời thành đạo. Cho nên pháp môn niệm

Phật gọi là: “Phàm thánh tề thâu, tam căn phổ bị”. Tam căn là thượng-căn, trung-căn, hạ-căn. Thượng căn niệm Phật vãng-sanh thượng-phẩm. Trung-căn niệm Phật vãng-sanh trung-phẩm. Hạcăn niệm Phật vãng-sanh hạ-phẩm. Hạ phẩm, trung phẩm hay thượng phẩm ở trên Tây-Phương đều là Bồ-Tát chứng bậc Bất- Thối. 

Bây giờ mình xem lời khai thị của ngài Ấn-Quang, một vị đại Tôn-Sư của thời đại, là Đại-Thế-Chí Bồ-Tát tái lai, nhưng tại sao Ngài không nói người niệm Phật phải niệm cho đến “Nhất-Tâm Bất-Loạn”, niệm cho đến tâm khai ý mở mới được vãng-sanh. Ngài hoàn toàn không nói đến những cảnh giới cao siêu này, mà Ngài nói như thế nào?

  • “Trên kính dưới hòa”. Người nào cũng có thể trên kính dưới hòa được.
  • Nhẫn nhục những điều mà người khác khó nhẫn”. Người nào là người nhẫn nhục? Người hiền lành nhẫn nhục được. Người kiêu kỳ nhẫn nhục không được đâu. 

Chư vị hãy để ý thì biết. Những vị Tổng Thống không dễ gì nhẫn nhục đâu. Những người tiến-sĩ, học rộng, bằng cấp cao khó có người nào nhẫn nhục lắm, (may ra chỉ còn ông tiến sĩ Tâm-Tịnh này thôi). Những người quyền cao chức trọng không nhẫn nhục được đâu. Còn những người hiền lành thì nhẫn nhục được. Người nào là người hiền lành? Người chất phát, thực thà, khiêm nhường là người hiền lành. Những người không có tánh cao ngạo là người hiền lành, dễ nhẫn nhục, ăn nói nhẹ nhàng, dịu dàng, lễ độ lắm. 

Cho nên, nếu chúng ta lắng nghe thật kỹ, thì chính lời khai thị của ngài Ấn-Quang này đã khai thác triệt để câu: “Hoành triệt ư ngũ thú”. Ngài dạy chúng ta hãy từ ngay vị trí thấp thỏm của mình mà chí thành chí kính niệm Phật đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc.

Dù có công phu cao đi nữa, thì cũng phải cho mình là hàng phàm phu tục tử. Người có tánh khiêm nhường thì luôn luôn nhận phần phàm phu tục tử rồi, chứ đâu cần gì phải tu học cho cao mới khiêm nhường, mới nhận là phàm phu tục tử. Còn chúng ta thì nhận trước là phàm phu tục tử đi. Một phàm phu tục tử thành tâm niệm Phật là đúng hợp với lời khai thị với ngài Ấn-Quang đại sư. Nếu người phàm phu này mà muốn niệm Phật cho “Nhất-Tâm BấtLoạn” để vãng-sanh, thì không còn thực hiện phương pháp “Hoành Triệt” nữa rồi, mà gọi là đi theo đường dọc, là tu đường chứng đắc. 

Trong những lời thư viết cho đồng tu, ngài Ấn-Quang thường nói, người tu tự “đoạn hoặc chứng chơn” dù có được Thiền-Định, thân tâm có được an lạc đi nữa, nhưng một khi nghiệp-hoặc còn sót lại một tí tẹo thôi vẫn phải tùng theo nghiệp đó mà thọ báo trong sáu đường. Chính vì vậy nên Ngài rất chú trọng nơi “ChíThành Chí-Kính”. Ngài chú tâm khuyên dạy người hiền hòa, chất phát, thực thà… để tương ưng với đại nguyện của A-Di-Đà Phật. Đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật là rộng độ tất cả chúng sanh. Người chí thành chí kính niệm Phật là “Cảm”, chắc chắn được Phật “Ứng” độ về Tây-Phương Cực-Lạc.

Những ngày qua chúng ta thường nói rằng, Ngài Ấn-Quang muốn độ kẻ phàm dân, nên lời dạy của Ngài thường mộc mạc, đơn giản. Nhưng trong cái đơn giản đó, Ngài có để lại câu này:

- Bỏ đường tắt Tây-Phương chín cõi pháp giới chúng sanh không vẹn toàn cõi giác. Rời cửa mầu Tịnh-Độ mười phương Chư Phật không thể nào độ hết quần mê.

Câu này ý nghĩa thực sự không còn đơn giản nữa. Hạng người

“Phàm-Dân” mà Ngài độ thực sự cũng không phải tầm thường nữa, vì chín pháp giới chúng sanh là gồm cả Thanh-Văn, DuyênGiác, Bồ-Tát. Chính các Ngài cũng không thể rời câu Phật hiệu, chứ đâu phải chỉ có chúng sanh trong “Lục-Phàm” mới giữ câu ADi-Đà Phật. 

Ngài Ấn-Quang nói chúng sanh trong chín pháp giới mà bỏ đường đi tắt đi về Tây-Phương Cực-Lạc thì không ai có thể thành tựu đạo quả. Đường tắt tức là đường đi thẳng, là đường gần nhất. Con kiến trong bộng tre muốn nhìn thấy ánh sáng thì đục ngang qua thân tre là đường gần nhất. Còn sơ ý đục dọc thì đục đến chết luôn, đục hết đời này qua đời khác cũng không thoát được. Ta là con người phàm phu trí độn, nghiệp chướng sâu nặng, mạng sống ngắn ngủi cũng phải chọn cách đục ngang như con kiến để mau chóng thoát cảnh tối tăm. Phải chọn con đường tu thẳng tu tắt mới có thể thành tựu trong một đời. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, người niệm Phật cầu vãng-sanh là người đi thẳng, gọi là “Chánh-ĐịnhTụ”. Người không chịu niệm Phật là người không muốn đi đường ngắn, thích đi đường dài, Phật nói đó là: “Tà-Định-Tụ”. Còn những người không chịu đi đường thẳng, cũng không chịu đi theo một hướng nào nhất định, nghĩa là đụng đâu đi đó, thì chẳng khác gì con kiến trong bộng tre nay đục chỗ này, mai đục chỗ kia, dẫu cho đục suốt đời, đục vô lượng vô biên kiếp cũng không thể nào thoát được cảnh tối tăm. Tu hành như vậy Phật gọi là “Bất-Định-Tụ”.

Ngài Ấn-Quang nói, bỏ con đường tắt niệm Phật, thì chín pháp giới chúng sanh không thể nào thành Phật. Ngài nói lời này có sự xác quyết rất mạnh. Chín pháp giới là gì? Chín pháp giới gồm có sáu cảnh giới “Lục Phàm” trong ba cõi là: Trời, A-Tu-La, Người, Súc-Sanh, Ngạ-Quỷ, Địa-Ngục, và ba cảnh giới ngoài ba cõi là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Lục phàm còn sanh tử luân hồi. Có nhiều người cho cảnh giới Trời là cao. Không phải. Thiên Nhân còn ở trong tam giới, trong lục đạo.  Ba cảnh giới ngoài tam giới, thì Thanh-Văn, Duyên-Giác là hàng thánh A-La-Hán, còn Bồ-Tát là những vị Đại-Giác Hữu-Tình thuộc về đại-thừa, các Ngài đã vượt qua ba cõi, thoát ly sanh tử luân hồi. Thế mà Ấn Tổ nói, nếu các

Ngài không niệm Phật thì cũng không thành Phật. Như vậy một người phàm dân niệm Phật được vãng-sanh, thì người phàm dân này không phải là bình thường đâu.

Hiểu được vậy rồi, xin chư vị hãy lo làm Bồ-Tát đi, chứ đừng nên bám víu vào cảnh vô thường để tiếp tục làm phàm phu nữa.

Đời này tuy là phàm phu, nhưng có cơ hội gặp Phật pháp, có người khuyên niệm Phật, nếu sơ ý mất phần vãng-sanh, đời sau còn phàm phu nữa thì chết rồi!... Nên nhớ, người phàm phu này mà niệm Phật thì không còn là người bình thường, tại vì người phàm phu này đang tu cái hạnh “siêu Phổ-Hiền đăng bỉ ngạn”, nghĩa là đang tu một pháp môn siêu việt hơn Bồ-Tát Phổ-Hiền để qua bờ giác đó chư vị ạ. Chúng ta về Tây-Phương sẽ gặp đức Phổ-Hiền. Đức Phổ-Hiền là Đẳng-Giác Bồ-Tát, nhưng trong kinh Vô-Lượng-Thọ đức Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật nói, người niệm Phật là tu cái hạnh vượt qua cả Phổ-Hiền Bồ-Tát luôn. Đây là lời Phật nói, xin chư vị nhớ lấy.

Vậy thì chúng ta hãy chuẩn bị làm Bồ-Tát đi. Muốn vậy hãy về Tây-Phương Cực-Lạc để làm Bồ-Tát mới được, còn cứ tham chấp ở đây thì thua rồi. Ở đây nhiều lắm chỉ hưởng cái Danh-Tự Bồ-Tát chứ còn Thực-Tướng Bồ-tát thì không có. 

Mấy ngày hôm nay có vị phát tâm muốn phổ biến những phương cách trị bệnh hay lắm… Cũng tốt đấy, nhưng đây chưa phải chuyện quá cần thiết đến nỗi bỏ tâm huyết ra ngày đêm lo đến đâu. Chúng ta hãy quyết lòng niệm một câu A-Di-Đà Phật đi thẳng đường thành Phật đi chư vị. Điều này khẩn cấp hơn. Vãng-sanh xong thì gặp A-Di-Đà Phật, Ngài là đấng Vô-Thượng Y-Vương, thì không còn bệnh gì nữa để phải lo lắng đâu. Bất khả tư nghì. Như vậy lo niệm Phật là chính, còn tất cả vạn duyên đều là phụ. Có bệnh thì điều trị, nhưng chư Tổ nói, trị thì trị mà đừng quên niệm Phật. Người niệm Phật đừng nên lấy phương pháp chữa bệnh giúp người làm chính, đó là cách tu thiện tạo phước, chứ không phải pháp tu vãng-sanh. Pháp tu vãng-sanh là Tín-Nguyện-Hạnh. Hạnh chính là buông xả vạn duyên để niệm Phật. Niệm Phật là chánhhạnh, chứ không phải làm thiện là chánh-hạnh của người niệm Phật. Ví dụ như gìn giữ ngũ giới là quan trọng, nhưng giữ ngũ giới vẫn là trợ-hạnh. Niệm Phật mới là chánh-hạnh. 

Hôm trước có một vị phát nguyện như vầy, khi bệnh tôi sẽ không uống thuốc nữa. Ồ!... Nguyện như vậy làm chi? Hễ nguyện điều gì vướng điều đó. Chánh-nguyện của người niệm Phật là nguyện vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Còn tất cả cái gì khác đều để tùy duyên, thuận theo duyên mà làm thì dễ tự tại hơn. Cho nên người niệm Phật hãy lấy cái nguyện vãng-sanh làm chính nhé. Nguyện vãng-sanh là nguyện đi thẳng về Tây-Phương mới đúng là pháp “Hoành triệt ư ngũ thú” đấy. Nghiệp chướng, bệnh hoạn tự nó biến mất, gọi là “Ác đạo tự bế tắc”. Chứ không phải ta chủ tâm chữa trị, thuốc thang mà bệnh sẽ tiêu hết. Nên nhớ, hết bệnh này, nhưng sắp tới có bệnh khác. Nghiệp chướng còn, bệnh khổ còn, thật không thể nương dựa lâu dài vào pháp thế gian được. 

Người chủ tâm phá nghiệp thì luôn nhớ tới nghiệp. Nhớ tới nghiệp thì nghiệp theo cái duyên này mà khởi lên. Phàm phu nghiệp chướng sâu nặng quá, chúng ta không giải quyết theo phương cách này nổi!... Vậy thì hãy quyết lòng: “Hoành triệt ư ngũ thú” đi, quyết lòng đi thẳng về Tây-Phương đi. Phật dạy quyết lòng đi thẳng về Tây-Phương thì: “Ác đạo tự bế tắc”. Ác đạo chính là: Nghiệp chướng, phiền não chướng, báo chướng… tự nó sẽ biến mất. Vì sao? Vì một người vãng-sanh về Tây-Phương không phải là do cái năng lực đoạn diệt nghiệp chướng của mình mà vãngsanh, mà chính là do thần lực của đức A-Di-Đà tiếp độ về TâyPhương Cực-Lạc theo đại nguyện của ngài. Một cái khối nghiệp chướng to như núi Tu-Di được đặt gọn trong lòng con thuyền bátnhã của A-Di-Đà Phật và Ngài đưa ta qua bờ Giác, chứ không phải ta phá tan núi nghiệp, không phải ta cõng cái núi nghiệp bơi qua bể khổ. Về Tây-Phương Cực-Lạc thì không có một duyên nào giúp cho nghiệp chướng khởi tác dụng, nên tự nó phải bế tắt. 

Chính vì vậy, tu hành chúng ta phải biết phương pháp thoát nghiệp, phương pháp giải nạn, phương pháp làm cho “Ác đạo tự bế tắt”. Nghĩa là, nghiệp-chướng chúng ta chưa phá nổi, nhưng báo-chướng không có cách nào báo hại ta được. Và ngay trong khoảng thời gian đó ta đã thành đạo rồi. Thật bất khả tư nghì!... Ngoài pháp môn này ra, không có pháp thứ hai thay thế.

Khi phân tích kỹ ra giúp cho chúng ta giựt mình tỉnh ngộ hiểu được lý do tại sao ngài Ấn-Quang muốn độ tận phàm dân mà Ngài không dạy người chủ tâm phá nghiệp, đoạn nghiệp, mà Ngài chỉ khuyên chí thành chí kính niệm Phật cầu vãng-sanh. Thật sự là cao siêu. 

Cho nên chúng ta tu hành cần phải biết rõ tôn chỉ của pháp môn, đừng nên sơ ý đi lạc đường mà chúng ta còn phải trì neo trong cảnh sanh tử luân hồi vô lượng vô biên kiếp nữa. Mong Chư Vị quyết một đời này phải đi thẳng một đường về Tây-Phương Cực-Lạc, chớ nên đi cong cong quẹo quẹo mà uổng phí một đời tu tập.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.